TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Tiến tới thanh toán hoàn toàn bệnh phong ở nước ta

18:09 05/11/2020
Logo header Bệnh phong (hay còn gọi là bệnh cùi, bệnh hủi, bệnh phung) là một trong những bệnh truyền nhiễm mãn tính, từng là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Bệnh phong trước đây được xem là bệnh nan y, người nhiễm bệnh thường chịu thành kiến, chịu sự hắt hủi, xa lánh thậm chí bị ngược đãi từ cộng đồng. Trong quá khứ, rất nhiều người Việt Nam đã bị cướp đi sinh mạng từ căn bệnh này trong số đó, có nhà thơ nổi tiếng Hàn Mặc Tử. Điều đáng mừng là đến nay, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước ta đã đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong trên quy mô tỉnh theo tiêu chuẩn của Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Thường Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, số lượng người mắc bệnh phong trên toàn thế giới hiện nay đang giảm dần, hàng năm vẫn có hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh phong mới, đa số các trường hợp lây nhiễm tập trung. Những người mắc bệnh này thường tập trung chủ yếu ở các nước châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á. Bệnh Phong không phải là bệnh di truyền, là một bệnh truyền nhiễm do một vi khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium leprae gây ra. Vi khuẩn này do một nhà bác học Na-Uy tên là Hansen tìm ra năm 1873, nên còn được gọi là trực khuẩn Hansen, bệnh không di truyền và có thể chữa khỏi. Bệnh phong lây nhiễm chủ yếu thông qua tiếp xúc với dịch tiết (nước mũi, nước bọt…) của người bệnh nhưng cần phải có thời gian tiếp xúc gần và kéo dài. Những dấu hiệu đầu tiên của bệnh thường xuất hiện như chuyển biến màu trên da, không còn cảm giác nóng, lạnh và đau. Các triệu trứng tiếp theo như mặt người bệnh bắt đầu nổi cục sần sùi nhỏ, mũi xẹp xuống, xuất hiện nhiều cục tại các dây thần kinh ngoại vi như cổ tay, khuỷu tay, đầu gối. Bệnh phong chủ yếu biểu hiện ở ngoài da và hệ thống thần kinh ngoại biên, gây tổn thương cho da và có thể cấu tạo lên u làm cho người mắc phải có hình dạng méo mó, dị dạng. Nếu không được điều trị, bệnh thường có những biến chứng về bàn tay và bàn chân rất nặng nề, có thể dẫn đến tàn tật như: Ngón tay, ngón chân, bàn chân rủ, hở mi. Do tay, chân không còn cảm giác dẫn đến người bệnh bị thương mà không biết, gây nhiễm trùng do các vi khuẩn khác gây nên và mất dần bàn tay, bàn chân. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cho biết, nếu được phát hiện sớm, bệnh phong có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, bệnh phong là bệnh khó lây, có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 3 đến 5 năm, những trường hợp đặc biệt có thể lên đến 10 năm. Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc loại trừ bệnh phong được chia thành hai khái niệm: Loại trừ bệnh phong và thanh toán bệnh phong. Loại trừ bệnh phong, nghĩa là tỷ lệ phát hiện người mắc bệnh phong mới dưới 1/100.000 người; tỷ lệ lưu hành bệnh dưới 2/100.000 người. Thanh toán bệnh phong, nghĩa là vùng, quốc gia “không còn đất” cho trực khuẩn gây bệnh phong, không còn người bệnh mắc bệnh phong mới xuất hiện.

Bệnh phong đã có từ lâu đời. Năm 1959, kết quả cuộc điều tra dịch tễ học ở các tỉnh phía Bắc cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh phong là 21/10.000. Năm 1976, sau khi đất nước đã thống nhất, ngành Da Liễu thực hiện nhiều cuộc điều tra và cho thấy tỷ lệ này ở miền Nam là 30 - 40/10.000 dân. Bệnh phong ở nước ta được coi là một bệnh xã hội, được Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế rất quan tâm. Chương trình thanh toán bệnh phong từng được phát động từ năm 1982 và đã thu được rất nhiều thành tựu đáng khích lệ, mạng lưới chống phong đã được xây dựng và phát triển từ Trung ương đến địa phương, 100% bệnh nhân phong được điều trị miễn phí áp dụng trên khắp toàn quốc. Năm 1983, ngành Y tế đã áp dụng đa hóa trị liệu của thế giới cho bệnh nhân phong. Đến năm Năm 1985 số lượng bệnh nhân phong giảm, cả nước còn 30.700 bệnh nhân và tỷ lệ lưu hành là 6,7/10.000. Với sự nỗ lực của ngành y tế và các địa phương, Việt Nam đã đạt được mục tiêu loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn của WHO vào năm 2000. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị Tổng kết hoạt động chống phong 5 năm giai đoạn 2016-2020

Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế đã đặt ra mục tiêu cuối cùng đối với bệnh phong đó là “Thanh toán hoàn toàn bệnh phong” và đã có những chính sách hỗ trợ hết sức cần thiết. Năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 17/2013/TT-BYT quy định tiêu chí và hướng dẫn kiểm tra, công nhận loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh và cấp huyện với 4 tiêu chuẩn bao gồm tỷ lệ số người mắc, số người mới mắc có mức độ khuyết tật và kiểm tra ngẫu nhiên 20% cán bộ xã, phường, cán bộ y tế… Đây là những tiêu chí cụ thể để các tỉnh, thành phố cũng như các huyện, thị xã trong cả nước tăng cường quản lý và giúp đảm bảo sức khỏe cho người dân được tốt hơn trước nguy cơ mắc bệnh phong. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định Quyết định số 1125/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đến năm 2020 sẽ duy trì 100% bệnh nhân phong dị hình tàn tật được chăm sóc y tế, trong đó 50% bệnh nhân tàn tật nặng được phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng, 50% số huyện/thị trong vùng dịch tễ lưu hành đạt 4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong tuyến huyện. Đây được xem là quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc hỗ trợ và tiến tới sẽ thanh toán bệnh phong. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tàn tật, phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng cho người bệnh phong được các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, ngành y tế hết sức quan tâm. 

Ngày 29/10/2020 tại Mộc Châu, Sơn La đã diễn ra Hội nghị Tổng kết hoạt động chống phong 5 năm giai đoạn 2016-2020 nhằm báo cáo hoạt động phòng chống bệnh phong do Bệnh viện Da Liễu Trung Ương phối hợp với Sở Y tế Sơn La tổ chức. Theo như các báo cáo tại Hội nghị, hoạt động phòng chống phong của Việt Nam đã bước sang một thời kỳ mới, tỷ lệ lưu hành và tỷ lệ phát hiện bệnh phong ở cộng đồng đều giảm (trong 3 năm liền, tỷ lệ lưu hành bệnh phong trên toàn quốc từ 0,02/10.000 dân xuống còn 0,01/10.000 dân; tỷ lệ phát hiện giảm còn 0,2/100.000 dân trong 5 năm liên tục). Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ: “Trước đây bệnh phong được coi là bệnh nan y, khó cứu chữa, nhưng sau này có thuốc đơn hóa trị liệu, đa hóa trị liệu... nhiều bệnh nhân phong đã được chữa trị kịp thời, chống lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là thành công trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay tất cả các bệnh nhân phong được điều trị bằng đa hóa trị liệu đủ liều, đủ thời gian quy định, điều trị tại nhà và miễn phí hoàn toàn. Trường hợp có biến chứng có thể điều trị nội trú tại các cơ sở y tế. Nếu phát hiện sớm thì chỉ sau 6 tháng đến một năm điều trị là có thể khỏi bệnh hoàn toàn, không để lại di chứng Các hình thức khám phát hiện bệnh phong vẫn được triển khai tại các tỉnh như khám tiếp xúc, khám cụm dân cư, khám thông qua hình ảnh, khám lồng ghép vào các chuyên khoa khác, người bệnh tự đến cơ sở y tế (khám thụ động)… người mắc bệnh phong được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tư vấn tự chăm sóc tàn tật, được hỗ trợ kinh tế, nghề nghiệp...”. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, mục tiêu thanh toán bệnh phong vẫn còn đó những khó khăn, thách thức trong công cuộc phòng chống bệnh phong hiện nay. Các đơn vị Da liễu tuyến tỉnh và các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh nói riêng chưa có mạng lưới tổ chức thống nhất, các tỉnh vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn… PGS.TS Nguyễn Mạnh Thường cho biết thêm: “Bệnh phong hiện tại vẫn còn tuy số ca ít đi nhưng xu hướng đa kháng thuốc tăng lên, nếu chương trình chống phong dừng lại thì rất khó duy trì được mạng lưới chống phong. Không những thế, các thuốc chống phong từ trước đến nay đều được WHO cấp miễn phí hoàn toàn cũng sẽ phải dừng lại và sợ rằng, bệnh nhân phong đa kháng thuốc lây lan ra cộng đồng khiến việc điều trị rất khó khăn, những người dị hình tàn tật không có nơi nương tựa và không được chăm sóc... Đây thực sự là vấn đề lớn của cả nước ta và thế giới”.

Các chuyên gia tại Hội nghị cũng đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện mục tiêu cuối cùng đó là thanh toán hoàn toàn bệnh phong: duy trì và kiện toàn mạng lưới từ Trung ương đến địa phương; tăng cường năng lực quản lý chương trình của cán bộ chống phong tuyến tỉnh/thành, tiếp tục đề nghị là Chương trình Mục tiêu Y tế để duy trì kết quả bền vững, duy trì mạng lưới chống phong, tránh được nguy cơ bệnh phong quay trở lại. 

Tiến Đạt

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 35 -20

Bình luận: 0