TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Tiếp bài “Những dấu hỏi tại dự án Iris Garden”: “Nút thắt” từ một tờ trình

01:03 22/01/2021
Logo header Dự án có tổng mức đầu tư lên đến 2.426 tỷ đồng ngay giữa TP. Hà Nội, nhưng các trình tự thủ tục giao đất và dự án lại gặp nhiều câu hỏi “bất trắc” của dư luận

Như Tri thức Xanh đã thông tin tại kỳ trước, ngày 15/01/2018, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 274/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư, giao chủ đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở để bán (tên thương mại là Iris Garden). Đây là Dự án được thực hiện trên khu đất có nguồn gốc là đất cơ sở sản xuất phải di dời, sau đó chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Nhuệ Giang (Công ty Nhuệ Giang) được giao đất, nhưng không thông qua đấu giá. Trong bài viết kỳ này, Tri thức Xanh tiếp tục cung cấp thêm cho bạn đọc một góc nhìn mới về những “dấu hỏi” tại dự án nêu trên.

Ảnh: Dự án Iris Garden còn nhiều “dấu hỏi” cần làm rõ.

Theo phân tích về hồ sơ dự án của Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP. HCM), Công ty Nhuệ Giang tại thời điểm này hoàn toàn không phải là người sử dụng đất, không có đất vì đất vẫn thuộc Công ty TNHH một thành viên Nội thất Xuân Hòa (Công ty Xuân Hòa) quản lý và đang xử lý theo diện sắp xếp nhà đất thuộc quản lý Nhà nước. Nhưng UBND TP. Hà Nội lại vận dụng áp dụng chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2014 (tại Điểm a Khoản 1 Điều 32: Dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất) cho Công ty Nhuệ Giang và ghi nhận Công ty Nhuệ Giang là người quản lý đất

Mặt khác, tại thời điểm ban hành Quyết định 274/QĐ-UBND thì Công ty Xuân Hòa cũng không còn phần vốn góp nào tại Công ty Nhuệ Giang. Hơn nữa, Công ty Nhuệ Giang chỉ là doanh nghiệp chi trả tiền thuê đất hàng năm thay cho Công ty Xuân Hòa nhưng lại được UBND TP. Hà Nội giao dự án không qua đấu thầu.

Về việc giao đất, tại Quyết định số 771/QĐ-UBND, ngày 12/2/2018 của UBND TP. Hà Nội về việc thu hồi 24.932,8 m2 đất tại số 119 đường K2, phường Cầu Diễn, Nam Từ Liêm giao cho Công ty Nhuệ Giang để chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện dự án Iris Garden (đợt 1).

Theo Luật sư Phượng, tại quyết định 771/QĐ-UBND này cũng có nhiều “vấn đề”, như đã phân tích ở trên và số báo trước (không có vốn Xuân Hòa tại Nhuệ Giang, góp tiền và không góp quyền sử dụng đất), mặt khác đây là văn bản tổng hợp hành chính có đến 3 việc (thu hồi, giao đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất) nhưng cả 3 nội dung này có nhiều “dấu hỏi”.

“Chẳng hạn như việc, thu hồi đất không theo quy định Luật đất đai 2013, không theo văn bản về sắp xếp nhà đất thuộc quản lý Nhà nước, nên việc thu hồi đất chỉ là hành vi đầu, là tiền đề cho vi phạm sau (giao đất cho tư nhân không qua đấu thầu). Giao đất nhưng không biết là loại đất gì. Về Mục đích giao để chuyển mục đích sử dụng đất, trong khi Luật Đất đai chỉ áp dụng khi có quyền sử dụng đất rồi mới tiếp tục có quyền chuyển mục đích sử dụng đất. Ở đây muốn “lọt cửa” đưa đất cho Công ty Nhuệ Giang trước để rồi từ từ tính tiền sử dụng đất”, Luật sư Phượng phân tích.

Qua những phân tích của Luật sư Phượng, dư luận quan tâm thấy “nóng lòng”, liệu các Sở ngành liên quan của TP. Hà Nội lại không nắm rõ được các quy định của pháp luật về thực hiện các dự án? Thế hóa ra, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định thu hồi và giao đất tại dự án trên cũng cần phải rà soát kiểm tra xem xét lại và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án này chắc chắn cũng có luôn vấn đề?

Những uẩn khúc trên cũng là thắc mắc của nhiều độc giả, Luật sư Phượng cho biết: “Trình tự trước hết phải làm thủ tục về bồi thường cho Công ty Xuân Hòa về tài sản trên đất (Nhà nước thu hồi đất phải bồi thường) vì Công ty Xuân Hòa đang thuê đất hàng năm. Kế đến là xác định việc cho thuê đất với Công ty Nhuệ Giang – dù thuê đất trả tiền hàng năm, mà theo đúng Điều 118 Luật Đất đai 2013 là đã phải đưa ra đấu giá luôn rồi. Sau đó mới xem việc chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng nếu chuyển từ đất cơ sở sản xuất sang đất ở thì vẫn không đúng Điều 118 Luật Đất đai 2013 vì đất cơ sở cũ do doanh nghiệp quản lý nên vẫn phải thu hồi đất và đưa ra đấu giá, không thể trục lợi lách luật bằng kiểu chuyển mục đích sử dụng đất, gửi một chân rồi vào luôn nhà”.

Luật sư Phượng còn cho biết thêm, mấu chốt của vấn đề giao đất dự án trên nằm ở Tờ trình số: 1077 ngày 07/02/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường lên UBND TP. Hà Nội về dự án. (Vấn đề này, chúng tôi sẽ phân tích tiếp ở kỳ sau).

Đến đây, ai cũng xót xa khi liên tưởng đến vụ án Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, vì liên quan đến việc thực hiện dự án trên “đất vàng” theo hình thức chỉ định mà không thông qua đấu thầu dự án hay đấu giá quyền sử dụng đất. Hay vụ án Phan Văn Anh Vũ sẽ mãi là bài học trong việc quản lý đất đai của các địa phương trên toàn quốc.

Nhất Nam

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 46 - 21

Bình luận: 0