Tin giả do con người tạo ra nên chỉ có duy nhất con người mới có thể nhận biết và xử lý được tin giả
Tin giả (fake news) có thể hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được phát đi dưới hình thức tin tức và được khuếch tán trên Internet. Theo định nghĩa có thể phân loại tin giả gồm: Loại thứ nhất là những thông tin hoàn toàn không chính xác được cố tình đăng tải, lan truyền vì một mục đích nào đó. Loại thứ hai là những thông tin có thể có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do người viết không kiểm chứng toàn bộ sự thật trước khi đăng tải, chia sẻ hoặc có thể họ phóng đại một phần của câu chuyện đó. Cùng với với sự phát triển của Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực do mạng xã hội mang lại, mặt trái của nó là không hề nhỏ. Đặc biệt là việc nhiều tổ chức cá nhận lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... Trong mua dịch bệnh Covid - 19 vừa qua, tác hại của việc lan truyền những thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng một cách chóng mặt càng được thể hiện rõ hơn. Tại Nga, theo hãng tin TASS, sau khi một đoạn tin nói về một người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại một trong những bệnh viện của quận Kurortny ở St.Petersburg được đưa về nhà bằng phương tiện giao thông công cộng được đăng tải trên mạng xã hội Vkontakte của Nga và phát tán, đã nhanh chóng gây hoang mang trong cộng đồng, khiến cho nhiều người lo lắng. Chính quyền tại đây đã khởi tố vụ án (đây là vụ án hình sự đầu tiên) về phát tán thông tin sai lệch liên quan đến dịch bệnh Covid - 19 và tòa án đã thông qua quyết định truy tố người tung tin là Anna Shushpanova, một trong những thành viên ủy ban bầu cử khu vực. Việc hạn chế sự lan truyền của tin thất thiệt khỏi không gian mạng đối với nhiều quốc gia trên thể giới cũng được coi là một ưu tiên hàng đầu. Tại một số nước như Ai Cập, Azerbaijan, Iran, Philippines và Singapore,… cũng đã thực hiện các biện pháp quyết liệt chống tin giả trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Chính phủ Nam Phi đã phải đưa ra cảnh báo bất cứ ai tạo ra hoặc truyền bá tin giả về dịch Covid - 19 đều có thể bị truy tố. Trong khi đó, giới chức Anh đã thành lập lực lượng xử lý tin giả và những người can thiệp các nỗ lực chống dịch bệnh.
Cổng tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả tại địa chỉ tingia.gov.vn
Ở nước ta, theo số liệu của Tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến cuối năm 2018, các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam là Facebook, YouTube, Instagram, Zalo và Mocha. Lúc bây giờ, mạng xã hội lớn nhất tại Việt Nam là Facebook với 60 triệu người sử dụng. Cùng thời gian đó, Zalo có khoảng 40 triệu người dùng còn Mocha có khoảng 4,5 triệu người sử dụng. Tính đến, cuối năm 2019, Việt Nam là 1 trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới, tỷ lệ người sử dụng Internet theo thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2019 là đạt 68,7%, trong khi đó trung bình của thế giới là 51,4%. Hiện tỷ lệ này chỉ thấp hơn các nước phát triển (86,7%), các nước đang phát triển (44,4%) và các nước châu Á - Thái Bình Dương (44,5%). Tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet hiện nay tại Việt Nam cung được ghi nhận đạt 71,3% (cao hơn mức trung bình của thế giới là 13,9%). Trong năm 2020 tốc độ tăng trưởng băng rộng di động của Việt Nam cũng đã tăng đến 22,45%, băng rộng cố định tăng 13,33% so với cùng kỳ.
Trong khi dịch Covid - 19 bùng phát, tình trạng thông tin thất thiệt xung quanh dịch bệnh này cùng với sự lan tỏa của Internet và sự phổ biến của mạng xã hội cũng được lan truyền rộng rãi, bất chấp nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý trước đó. Hệ lụy đầu tiên những thông tin sai sự thật này mang đến là không thể kể hết. Những thông tin sai lệch đã làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Người dân lẫn lộn giữa tin đúng và tin thất thiệt, tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn trong cộng đồng dân cư. Ví dụ như sau khi Đà Nẵng xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên, ngay lập tức thông tin sai sự thật về dịch Covid - 19 tái bùng phát trên mạng xã hội. Những thông tin vô lý, không căn cứ, thậm chí là bịa đặt liên tục xuất hiện trên mạng xã hội và được chia sẻ với tốc độ chóng mặt ngay sau đó. Cụ thể như ngày 27/7, một chủ tài khoản Facebook có tên H.K.L. đã đăng trên mạng xã hội: “Có thông tin ở Đà Nẵng 1 ca chết rồi mọi người ơi. Nhiễm hơn 100 ca rồi, nghe nói mà không biết Sài Gòn có ai dính không nữa. Không thì toang luôn” Việc này sau đó đã được Thanh tra Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với chủ tài khoản Facebook tung tin này. Cũng trong khoảng thời gian này, Thanh tra Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh cũng ban hành quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với một nữ ca sĩ vì chia sẻ thông tin giả mạo về phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống dịch Covid - 19. Trước nữ ca sỹ này và nhiều nghệ sĩ cũng từng bị Thanh tra Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh xử phạt vì phát ngôn, chia sẻ những thông tin sai liên quan đến dịch Covid - 19. Liên quan nội dung thông tin giả mạo về phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hàng loạt chủ tài khoản cũng đã bị cơ quan chức năng xử phạt một cách nghiêm minh. Khi Quảng Ngãi xuất hiện ca bệnh 419, việc bệnh nhân đi xe Thanh Hường, tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhiều tài khoản mạng xã hội đã vội vàng đăng tải và chia sẻ danh sách 121 người và cho đó là số hành khách đi chuyến xe này. Công an tỉnh Quảng Ngãi đã phải vào cuộc và xác định được đây thực chất chỉ là danh sách bệnh nhân khám bệnh trong chiều 24/7, trùng thời điểm bệnh nhân 419 đi khám tại Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi. Việc hơn 10 chủ tài khoản facebook đăng tải và chia sẻ thông tin này sau đó cũng đã được lực lượng chức năng tại đây làm việc, xác định từng hành vi để xử lý Theo thống kê của lực lượng công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid - 19 đến nửa đầu tháng 3/2020, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn và gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Cũng trong thời gian đó công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 đối tượng. Theo thống kê trong thời gian chống dịch Covid - 19 đợt 1, các cơ quan chức năng đã xử phạt 21 vụ (tổng số tiền phạt là 203 triệu đồng), nhắc nhở 26 vụ đối với các đối tượng tung tin giả mạo.
Để góp phần làm lành mạnh không gian mạng, ngăn chặn những thông tin sấu, độc chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt đã được đăng tải, làn truyền với tốc độ chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội như hiện nay. Ngay sáng 12/01/2021, trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả Việt Nam tại địa chỉ tingia.gov.vn và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108. Với chức năng là cổng thông tin tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tin giả của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời đây cũng là cổng thông tin chính thức công bố tin giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật và công bố tin xác thực. Trang tingia.gov.vn có bốn chuyên mục chính gồm: Tiếp nhận tin phản ánh, Công bố tin giả, Thống kê tin giả, Tin tức. Bên cạnh đó, mọi cá nhân, tổ chức cũng có thể phản ánh tin giả qua đầu số 1800 8108 từ đó có thể nhận được sự hướng dẫn gửi thông tin của Tổng đài Tập đoàn Viettel . Trong bối cảnh thế giới nhiễu loạn nhiều nguồn thông tin, việc phối hợp chặt chẽ để bảo đảm có thể truyền bá thông tin quan trọng đến các cộng đồng và hạn chế tính độc hại của thông tin càng trở nên quan trọng. Đây không phải là hạn chế quyền tự do thông tin, mà trên thực tế là biện pháp cần thiết vì sự an toàn của chính người dân.
Đức Đông
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 50 - 21
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)