TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Tính phổ biến và tính đặc thù trong quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp

15:51 24/09/2020
Logo header Quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN vừa có tính phổ biến, vừa mang tính đặc thù. Trong thời gian qua, việc tổ chức quản lý nhà nước đối với KCN nói chung và quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN nói riêng ở Việt Nam dù còn có những khác biệt hay đặc thù thì cũng đã thể hiện hai mô hình phổ biến sau:

Thứ nhất: Mô hình về sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương, tạo điều kiện để các cơ quan địa phương trở thành chủ thể trực tiếp quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN. Việc phân cấp đi cùng với phân định trách nhiệm để tránh chồng lấn, chồng chéo giữa các cơ quan liên quan. 

Thứ hai: Tại các địa phương, hình thành các cơ quan quản lý đầu mối, trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội. Cụ thể như Ban quản lý KCN chịu trách nhiệm theo dõi vận hành và giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của nhà đầu tư phát triển hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp trong KCN; các cơ quan quản lý Nhà nước thẩm quyền chung và cơ quan quản lý Nhà nước thẩm quyền chuyên môn chịu trách nhiệm về quản lý chung và quản lý các lĩnh vực chuyên ngành tại địa phương.

Hai mô hình quản lý phổ biến nêu trên có ưu điểm là tạo ra sự thống nhất, tập trung. Tuy nhiên, do chất lượng công tác quy hoạch KCN và triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt còn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; Chất lượng công tác xây dựng quy hoạch KCN chưa tính tới yếu tố liên kết vùng và ngành; tiềm năng, lợi thế của địa phương và của vùng nên nhiều vấn đề xã hội đã nảy sinh và có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động, hiệu quả của các KCN. Đặc biệt, các KCN chủ yếu phát triển theo mô hình KCN đa ngành, chú ý nhiều đến việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để đẩy nhanh việc lấp đầy diện tích đất cho thuê của KCN nhưng chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề về môi trường, xã hội nảy sinh khi phát triển KCN và nâng cao hiệu quả kinh tế của các KCN qua việc hợp tác, liên kết như là: giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường sống xung quanh KCN; sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, v.v. Hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để đảm bảo hạ tầng xã hội tại các KCN chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc phát triển các KCN thu hút người dân từ các khu vực khác tới khu vực KCN để làm ăn, sinh sống đã tạo ra nhiều biến đổi xã hội. Bên cạnh đó, việc đền bù, giải phóng mặt bằng diện tích đất để phát triển KCN cũng làm nảy sinh các vấn đề xã hội khác như: tái định cư; đào tạo, chuyển đổi nghề cho những người dân bị mất đất canh tác. Vì vậy, hạ tầng xã hội xung quanh KCN cần phải được xây dựng đồng bộ để đảm bảo cuộc sống của người dân, người lao động ổn định và có điều kiện tái tạo sức lao động. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn vốn, trong thời gian qua, công tác quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Chính điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi trong mô hình quản lý nhằm giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề xã hội tại các KCN hiện nay.

Tính đặc thù trong quản lý các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp

Về bản chất, quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN là sự tác động có định hướng, có tổ chức của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý (chính là các vấn đề xã hội) nhằm mục tiêu duy trì sự ổn định và thúc đẩy xã hội phát triển bền vững tại các KCN. Quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN ở đây thực chất là quản lý của Nhà nước đối với các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình hình thành, phát triển các KCN. Hiệu quả quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN có tác động tích cực đến đời sống xã hội, điều tiết các quan hệ xã hội, hoàn thiện các thiết chế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm cho xã hội phát triển toàn diện. Quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN là một phần trong chiến lược quản lý phát triển xã hội bền vững được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN thể hiện cách tiếp cận mới trong quản lý phát triển quốc gia nói chung và quản lý phát triển xã hội nói riêng. Điều này xuất phát từ yêu cầu quản lý biến đổi xã hội, nhất là những vấn đề xã hội mới phát sinh; xuất phát từ tính đặc thù của lĩnh vực xã hội không hoàn toàn áp dụng các phương pháp quản lý hành chính hay tuân theo quy luật của thị trường đầy đủ, mà bị chi phối rất lớn của các thể chế phi chính thức, hoạt động phi lợi nhuận và được điều chỉnh bởi giá trị nhân văn, đạo đức xã hội.

Khác với quản lý xã hội thông thường, quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN có tính đặc thù rất rõ và đặc trưng. Đó là hoạt động quản lý được thực hiện trong bối cảnh môi trường quản lý luôn có sự biến đổi và sự biến đổi này thường diễn ra mạnh, có tính cơ học là chính. Vì thế, quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN phải được xem xét là một mô hình quản lý biến đổi xã hội. Đặc điểm của mô hình quản lý biến đổi xã hội tại các KCN được thể hiện bởi các đặc trưng như sau:

Thứ nhất: Mục tiêu và nhiệm vụ quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN

Quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN có 5 nhóm mục tiêu chung, đó là: Ngăn chặn, kiểm soát các tiêu cực, rào cản từ các vấn đề xã hội nảy sinh do sự xuất hiện của các KCN (quản lý rủi ro); Thúc đẩy sự thay đổi về đời sống kinh tế - xã hội tại các địa phương có KCN (quản lý biến đổi xã hội); Tạo môi trường xã hội ổn định, đảm bảo an ninh phi truyền thống (an ninh con người, an ninh xã hội, an ninh sản xuất) và bền vững cho sự phát triển của các KCN (quản lý phát triển); Tạo động động lực, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thu hút nguồn lực cho các khu công nghiệp phát triển, thu hút đầu tư (quản lý phát triển); Kiến tạo phát triển xã hội tại các địa phương có KCN theo hướng chuyển đổi xã hội từ nông thôn sang đô thị một cách bền vững.

Đặt các mục tiêu chung trong mối tương quan với các vấn đề xã hội đã, đang và sẽ nảy sinh tại các KCN hiện nay chúng ta có thể xác định các mục tiêu quản lý cụ thể hơn đó là: Đối với các địa phương: Tạo cơ hội có việc làm, bảo đảm an ninh thu nhập cho người dân địa phương bị tác động bởi sự hình thành và phát triển của các KCN (chuyển đổi sinh kế, đào tạo nghề, tín dụng, việc làm có thu nhập, kết nối thị trường); Mở rộng hình thức đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động để chủ động đối phó với tình huống mất hoặc suy giảm thu nhập do chuyển đổi sinh kế; Hỗ trợ đối với các nhóm yếu thế trong cộng đồng địa phương do tác động của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa; Tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, như giáo dục cơ bản, y tế, nước sạch, nhà ở, thông tin; Nắm bắt và xử lý có hiệu quả các vấn đề xã hội mới phát sinh trong quản lý biến đổi xã hội tại các địa phương. Trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và thực thi các giải pháp quản lý hiệu quả để giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả những mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột xã hội; Kiểm soát và xử lý rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội nảy sinh do biến đổi trong đời sống kinh tế - xã hội tạo ra. Mục tiêu này cũng phù hợp với yêu cầu thực tế là vừa đẩy mạnh công nghiệp hóa, vừa quan tâm xử lý những vấn đề xã hội để không xảy ra “điểm nóng”, thậm chí gây nên xung đột xã hội; Xử lý hài hòa quan hệ lao động: Quan tâm đến điều kiện an sinh, cải thiện môi trường lao động (an toàn lao động, bảo đảm sức khỏe, vệ sinh), đầu tư cho phát triển nhà ở, các dịch vụ xã hội, văn hóa - giải trí cho người lao động. Đồng thời, nắm bắt các yếu tố có thể gây nên các mâu thuẫn, xung đột xã hội, v.v.; Xử lý có hiệu quả với các vấn đề xã hội phát sinh từ khủng hoảng, rủi ro xã hội: tệ nạn xã hội phát sinh từ quá trình hình thành, phát triển các KCN; Nhận diện, ngăn ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo,... để xúi giục, kích động, tập hợp “đám đông”, tạo thành “điểm nóng” xung đột xã hội, thậm chí cả bạo loạn chính trị tại các KCN.

Để kiểm soát tốt các vấn đề xã hội phát sinh từ các KCN (ví dụ như sự cố môi trường, đình công, biểu tình) cần hình thành kịch bản quản lý trong trạng thái môi trường thay đổi với những biện pháp đặc biệt, xử lý trong thời gian ngắn, hiệu lực cao. Không để lợi dụng các sự kiện này để kích động hình thành đám đông chống đối chính quyền, tập hợp lực lượng, chia rẽ khối đại đoàn kết.

Nhiệm vụ của quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN hướng vào: Thúc đẩy phát triển xã hội hài hòa và bền vững; Bảo đảm đồng thuận xã hội; Bảo đảm an sinh xã hội (bên trong và bên ngoài KCN) và quản trị rủi ro xã hội (bên trong và bên ngoài KCN); Bảo đảm phúc lợi xã hội với thành tố cơ bản của nó là hệ thống dịch vụ công nhằm giúp cho người dân được hưởng lợi từ phát triển các KCN; Kiểm soát các biến đổi xã hội (phân tầng xã hội, cơ động xã hội, di biến dân số, di chuyển dân cư, dịch chuyển lao động...); Bảo đảm an toàn xã hội, như ngăn chặn và đấu tranh với tội phạm xã hội, tệ nạn xã hội, lệch chuẩn xã hội; ứng phó với các mối đe dọa an ninh con người, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm; Quản lý xung đột xã hội, như xử lý “điểm nóng” xã hội, giải tỏa đám đông, quản lý xã hội trong các tình huống bất thường (khủng hoảng tài chính, sự cố môi trường, tranh chấp quyền tiếp cận tài nguyên đất đai, nguồn nước...); Xử lý các vấn đề xã hội mới nảy sinh trên nhiều phương diện khác nhau của đời sống con người (lao động, việc làm, tiền lương, hôn nhân, nhập cư, xuất cư, nhu cầu văn hóa - giải trí, vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo, xung đột công nghiệp...).

Thứ hai: Chủ thể quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN

Hiện nay, việc quản lý các KCN nói chung và các vấn đề xã hội nói riêng đang được tổ chức theo 03 cấp, cụ thể là: 

Cấp trung ương: Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách áp dụng cho các KCN; Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, mở rộng, ban hành quy chế hoạt động của các KCN; các Bộ chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các thẩm quyền nêu trên. 

Cấp địa phương: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chung về quản lý Nhà nước đối với các KCN trên địa bàn, thực hiện một số nhiệm vụ trực tiếp như: triển khai quy hoạch phát triển KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN. 

Các mô hình KCN đều có một cơ quan quản lý trực tiếp, cụ thể như: Ban quản lý KCN. Cơ quan này được phân cấp, ủy quyền của UBND cấp tỉnh, các Sở, ngành chuyên môn để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước. 

Thực tế cho thấy, những mục tiêu của quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN đòi hỏi phải có bộ máy và con người tổ chức thực thi chuyên trách và chuyên nghiệp, có nguồn lực được huy động đa dạng và quản lý tốt. Chủ thể quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN rất đa dạng, gồm: Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng và nhân dân. Thực tiễn quản lý hiện nay cho thấy, chủ thể quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN có thể được xác định như sau: Bên ngoài các KCN (chính quyền sở tại, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân) và bên trong các KCN (ban quản lý, các doanh nghiệp); Trung ương (Bộ, ngành) và địa phương (tỉnh, huyện, xã, cấp cơ sở), các ngành lao động, an ninh, giáo dục, y tế, môi trường,v.v. Trong đó, Nhà nước là chủ thể quan trọng trong quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN. Cụ thể, cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý toàn diện các vấn đề xã hội tại địa phương. Các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng đa dạng khác là chủ thể nòng cốt tham gia vào quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN. Nhân dân là chủ thể tham gia phát hiện, quản lý, giám sát và điều chỉnh các vấn đề xã hội phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội tại các KCN. Đối tác của các chủ thể quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN là doanh nghiệp, các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội và gia đình (Doanh nghiệp không chỉ là chủ thể trên thị trường, mà còn là đối tác của nhà nước và các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng trong phát triển xã hội, trước hết là giải quyết các vấn đề xã hội trong phạm vi doanh nghiệp (giải quyết việc làm, đào tạo nhân lực, bảo đảm thu nhập gắn hiệu quả lao động, đóng bảo hiểm cho người lao động, xây dựng quan hệ hợp tác với công đoàn trong việc bảo vệ các quyền của người lao động...) và có thể dịch chuyển một phần lợi nhuận ra ngoài để cùng với Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội; Các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội tham gia cung ứng dịch vụ xã hội (trường học, bệnh viện,vui chơi, giải trí, v.v.) đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng tại các KCN; các gia đình có vai trò cực kỳ quan trọng trong tham gia quản lý, giải quyết các vấn đề xã hội tại các KCN).

Tính đa dạng của chủ thể quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN đòi hỏi Nhà nước phải tạo ra khung thể chế, môi trường cho các chủ thể thực hiện tốt nhất vai trò, chức trách và lợi thế của nó, khắc phục tình trạng bao sân hoặc thoái lui vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN. Đồng thời, tính đa dạng của chủ thể quản lý và đối tác tham gia tất yếu dẫn tới đa dạng hóa nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính cho quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN. Nếu như hoạt động hành chính Nhà nước dựa vào đội ngũ cán bộ, công chức và ngân sách; hoạt động kinh doanh dựa vào vốn tự có và khả năng huy động bằng vay tín dụng, góp cổ phần... thì nguồn lực dành cho quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN cần phong phú và đa dạng hơn rất nhiều, gồm cả nguồn lực Nhà nước và nguồn lực phi Nhà nước. Chẳng hạn, nếu chỉ dựa vào nguồn tài chính ngân sách để đầu tư cho phúc lợi xã hội (mở trường học, bệnh viện, công trình công cộng) hoặc hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khó khăn, yếu thế (như cấp học bổng, học phí, hỗ trợ bảo hiểm y tế, viện phí, trợ cấp xã hội...) thì khó có thể đáp ứng được nhu cầu tại các KCN. Do đó, bên cạnh phúc lợi nhà nước thì rất cần sự tham gia chia sẻ của các doanh nghiệp (phúc lợi doanh nghiệp) thông qua thực hiện trách nhiệm xã hội (đầu tư cho giáo dục, y tế, môi trường, v.v.).

Đa dạng hóa chủ thể quản lý, đối tác tham dự và nguồn lực quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN tất yếu phải đa dạng hóa phương thức tổ chức quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN. Ngoài phương thức quản lý hành chính thì cần áp dụng thêm các phương thức tự quản khác như: quản lý của các doanh nghiệp, quản lý của người dân và cần phải áp dụng phương thức, mô hình quản lý hỗn hợp để đáp ứng được với những biến đổi trong đời sống kinh tế - xã hội tại các KCN hiện nay.

Thứ ba: Nội dung quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN

Nội dung quản lý các vấn đề xã hội rất đa dạng về lĩnh vực (giáo dục, y tế, lao động, việc làm, .v.v), thành phần đối tượng quản lý (người lao động (nam, nữ) dân địa phương, người nhập cư, dân tộc, tôn giáo, trình độ văn hóa), tính chất vấn đề xã hội (vấn đề tại chỗ, là vấn đề phát sinh sau khi có KCN, là những vấn đề có tính liên đới), địa phương khác nhau (miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, miền Nam) thì vấn đề xã hội cũng khác nhau, đặc điểm các KCN khác nhau (quy mô, vị trí, loại hình sản xuất) thì vấn đề xã hội phát sinh cũng khác nhau, v.v. 

Có thể thấy, các vấn đề xã hội tại các KCN có nhiều chiều cạnh khác nhau. Có chiều cạnh mang nội dung kinh tế, chịu điều chỉnh bởi quan hệ thị trường không đầy đủ, nhưng nội dung khác lại mang tính phi kinh tế chịu điều chỉnh bởi giá trị chuẩn mực văn hóa, đạo đức và trách nhiệm xã hội. Do vậy, nội dung cần phải có những chính sách quản lý, công cụ quản lý, phương thức quản lý khác nhau và thích ứng với những sự đa dạng của các vấn đề xã hội hiện nay tại các KCN. 

Tất cả những đặc điểm nêu trên đòi hỏi phải có mô hình đặc thù quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN theo hướng có khả năng thích ứng với môi trường biến đổi. Đó là Mô hình quản lý biến đổi xã hội. Cụ thể, theo nhóm tác giả Nguyễn Tất Giáp và Đỗ Văn Quân, tính đặc thù của mô hình quản lý biến đổi xã hội; quản lý phát triển xã hội; quản lý các vấn đề xã hội; quản lý sai lệch xã hội và quản lý tình huống bất thường có những đặc trưng như bảng dưới đây:

Như vậy, thực hiện quản lý lý các vấn đề xã hội tại các KCN theo mô hình quản lý biến đổi xã hội, “quản lý phát triển”, “kiến tạo phát triển” có trọng tâm là phục vụ người dân, có tính năng động cao, nhạy bén, thích nghi tốt với hoàn cảnh thay đổi, đáp ứng nhanh với nhu cầu của người dân và các đối tượng được quản lý, tạo điều kiện giúp họ tuân thủ pháp luật, kỷ cương, và quy định của Nhà nước có liên quan.

Quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN theo mô hình quản lý biến đổi xã hội sẽ phải xác định lại vai trò, chức năng và tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương. Nhìn tổng thể đó là sự chuyển dịch từ “nhà nước quản trị sang nhà nước kiến tạo phát triển, nhà nước phục vụ”,thông qua cơ chế và hình thức can thiệp, hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước phù hợp với nhu cầu và đặc thù của từng KCN và ở từng địa phương.

Quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN theo mô hình quản lý biến đổi xã hội bên cạnh phát huy vai trò của các cơ quan thuộc quyền lực Nhà nước, mang tính chất chính thức, từ trên xuống dưới, pháp quy thì cần phải phát huy vai trò của cộng đồng tham gia quản lý xã hội, mang tính chất phi chính thức, từ dưới lên, chủ động, tự quản. Trong đó cần có sự kết hợp hài hòa giữa ba cơ chế Nhà nước - thị trường và cộng đồng trong quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN một cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa. Để mô hình quản lý biến đổi xã hội tại các KCN phát huy hiệu lực và hiệu quả cần phải: Hoàn thiện khung khổ, cơ sở pháp lý, công cụ cho quản lý các vấn đề xã hội tại các KCN để đảm bảo tính đặc thù, ổn định và không chồng chéo với các quy định pháp luật chuyên ngành; Giảm bớt đầu mối quản lý Nhà nước về các vấn đề xã hội tại các KCN. Tại các địa phương, thống nhất một đầu mối theo dõi, quản lý nhà nước về các vấn đề xã hội. Cơ quan này phải được tăng cường chức năng, nhiệm vụ toàn diện, ổn định để có thể xử lý được một cách hiệu lực và hiệu quả các vấn đề xã hội nảy sinh tại các KCN; Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm cung cấp các dịch vụ hành chính thuận lợi cho các chủ thể có liên quan; Hàng năm cần có báo cáo đánh giá về các vấn đề xã hội tại các KCN để có giải pháp ứng phó chủ động.

PGS.TS Nguyễn Văn Chiều
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 29 - 20

Bình luận: 0