TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Tối ưu kiến trúc, cảnh quan, cây xanh những điều kiện cần để phát triển đô thị theo hướng văn minh - hiện đại

21:55 29/10/2020
Logo header Kiến trúc, cảnh quan chính là những không gian bên ngoài công trình kiến trúc nhằm phục vụ cho nhu cầu tất yếu và ngày càng cao của con người và xã hội. Con người không chỉ còn quan tâm đến vấn đề phát triển công trình kiến trúc cũng như nội thất tiện nghi bên trong công trình mà còn chú ý đến việc hình thành các không gian cảnh quan ngoài nhà nhằm tạo lập một tổng thể công trình hoàn mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chính vì vậy, ngành Kiến trúc cảnh quan đang ngày càng được quan tâm của toàn xã hội. Kiến trúc cảnh quan ứng dụng kỹ năng, kỹ thuật và sáng tạo, khoa học, các hiểu biết về chính trị và văn hóa xã hội trong việc bố trí có ý đồ cho các yếu tố tự nhiên và nhân tạo trên bề mặt trái đất, trong đó có sự quan tâm tới việc quản lý và bảo tồn nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên và nhân tạo. Các giá trị môi trường sẽ đáp ứng các mục đích công năng, thẩm mỹ và an toàn cho con người.

Trên thế giới, ngành kiến trúc cảnh quan đã có hàng trăm năm nay, thậm chí là từ những trường phái kiến trúc cổ như Rô-măng, Gothic, Phục hưng,… tuy mang những sắc thái đặc trưng nhưng đều là những dạng khác nhau của kiến trúc cổ điển đã được biến đổi sao cho phù hợp với văn hóa từng thời đại để tạo nên những kiến trúc cảnh quan đặc sắc cho từng thời kỳ. Tại Việt Nam, công tác tổ chức và quản lý không gian kiến trúc cảnh quan tại các đô thị cũng đã được quan tâm, cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật cũng như tại các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị. Việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đã góp phần tạo dựng hình ảnh mỹ quan đô thị và các giá trị về văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, ngành kiến trúc cảnh quan của ta so với thế giới thì còn khá mới mẻ. Đến nay chúng ta mới chỉ có chuyên ngành kiến trúc cảnh quan tại Đại học Kiến trúc và cũng chưa có Hiệp hội Kiến trúc Cảnh quan tại Việt Nam. 

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua các đồ án quy hoạch, thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị tại nước ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên đã ảnh hưởng đến chất lượng không gian đô thị cũng như cảnh quan môi trường. Phần lớn các đô thị này còn tồn tại kiểu kiến trúc phát triển tự phát, thiếu định hướng khiến bộ mặt đô thị lộn xộn. Bởi vậy, cảnh quan, kiến trúc của các đô thị này đều có xu hướng thiếu bản sắc và bị động với đà phát triển chung. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, việc gia tăng dân số nhanh chóng trong những năm qua đã vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống cơ sở hạ tầng dù thành phố cũng đã có những cố gắng lớn trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mới. Điều này dẫn tới ngoài việc hệ thống giao thông không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì các không gian sinh hoạt văn hóa - tinh thần cho người dân như công viên cây xanh, nơi vui chơi cho cộng đồng cũng dần bị thu hẹp. Cùng với đó, việc giải quyết nhà ở cho người dân bằng các công trình cao tầng như chung cư, cao ốc,.. cũng dẫn tới sự hạn chế sự thông thoáng và tầm nhìn,.. Các khó khăn nêu trên thực sự là thách thức lớn không chỉ riêng cho Thủ đô mà còn là của nhiều đô thị trong cả nước.

Để khắc phục tình trạng này, quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị cần được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch, xây dựng đô thị và từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Cơ sở để quản lý phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị là quy hoạch, kế hoạch và pháp luật. Vì vậy, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Cùng đó, đồ án quy hoạch và quy chế quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị cũng cần quy định cụ thể các chỉ tiêu kiểm soát phát triển, phân khu chức năng, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, lộ giới, hạn tuyến, tầng cao. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với đó, bộ mặt đô thị ở nước ta đã dần được nâng cấp cải tạo, phát triển đa chiều nên chất lượng cuộc sống trong các đô thị cũng có nhiều cải thiện hơn. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đô thị hóa cũng để lại nhiều vấn đề bức xúc cho xã hội như ùn tắc giao thông trong đô thị, ô nhiễm môi trường, chất lượng không gian, kiến trúc đô thị, suy giảm cảnh quan tự nhiên và nhất là bộ mặt kiến trúc đô thị đang để lại nhiều khoảng trống đáng suy ngẫm một khi đặt mục tiêu xây dựng các đô thị trong cả nước theo hướng văn minh - hiện đại, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thu Trung

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 34 - 20

Bình luận: 0