Trạm CSGT Tuy Phước - Bình Định: Giải pháp nào để bãi chứa xe vi phạm không bị quá tải?
Nhiều đơn vị, địa phương không còn chỗ để tạm giữ xe do số lượng xe này quá lớn. Còn theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, từ năm 2013 đến tháng 9/2019, công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ 4.298.097 phương tiện giao thông đường bộ, trong đó 248.938 ô tô; 3.959.404 xe máy, chiếm 92,1%. Tính đến tháng 9/2019, tại công an các đơn vị, địa phương còn tồn đọng 136.989 phương tiện quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được, bao gồm 772 ô tô; 134.073 xe máy, chiếm 98%; và 2.144 phương tiện khác, chiếm 1,6%. Trong 136.989 phương tiện tồn đọng, có 37.006 phương tiện đã hư hỏng.
Về mặt pháp lý, công an các đơn vị, địa phương gặp nhiều khó khăn trong khâu xử lý phương tiện tạm giữ quá hạn do thủ tục tịch thu, bán đấu giá mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu như xác minh chủ sở hữu phương tiện, giám định, thông báo niêm yết, tra cứu hồ sơ để xác định phương tiện đó có nằm trong cơ sở vật chứng hay không, định giá, ra quyết định tịch thu, lập phương án xử lý tài sản với từng phương tiện… Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc xử lý với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc không xác định được người vi phạm. Chưa có quy định về thời điểm bắt đầu thông báo là sau khi quá hạn bao nhiêu lâu? Ngoài ra, chưa có quy định thời gian giữa 02 lần thông báo và chưa có hướng dẫn về việc xác định thế nào là lý do chính đáng…
Còn quy định về việc tạm giữ phương tiện giao thông, khi một vụ việc tai nạn giao thông xảy ra, công an hoặc người có thẩm quyền theo quy định pháp luật có quyền tạm giữ các phương tiện giao thông có liên quan để phục vụ cho công tác khám nghiệm, góp phần vào quá trình điều tra giải quyết vụ việc. Quá trình tạm giữ phương tiện giao thông phải được tiến hành theo quy định của pháp luật. Theo Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì việc tạm giữ phương tiện giao thông cần tuân thủ những điều kiện sau: Chỉ những người có thẩm quyền đưa ra hình thức xử phạt hành chính hoặc xử phạt tịch thu tang vật theo pháp luật mới có thẩm quyền tạm giữ phương tiện giao thông gây tai nạn. Việc tạm giữ phương tiện giao thông gây tai nạn chỉ được áp dụng khi nhận thấy thật sự cần thiết vì một trong những lý do sau đây: Việc tạm giữ này giúp cho việc điều tra, xác minh những tình tiết còn chưa rõ ràng để từ đó mới có đầy đủ cơ sở để ra quyết định xử phạt, nhằm mục đích ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính khác mà nếu như không tạm giữ thì để chủ sở hữu tiếp tục sử dụng gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và như một biện pháp bảo đảm để người có lỗi phải thi hành quyết định xử phạt theo quy định pháp luật. Có cơ sở cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì phương tiện sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra xác minh vụ việc (thường những vụ việc này sẽ có yếu tố hình sự). Công an hoặc người có thẩm quyền tiến hành tạm giữ phương tiện giao thông trong vụ việc tai nạn giao thông phải lập quyết định tạm giữ và biên bản tạm giữ. Biên bản tạm giữ phải có những nội dung như: tên loại, số lượng và tình trạng phương tiện thực tại thời điểm tạm giữ. Sau khi lập biên bản thì người ra quyết định tạm giữ và chủ sở hữu của phương tiện hoặc người đại diện của tổ chức có phương tiện vi phạm phải ký vào biên bản mới có giá trị hiệu lực. Nếu người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm không có mặt hoặc không chịu ký thì có thể thay thế bằng chữ ký của hai người làm chứng. Người ra quyết định tạm giữ phương tiện giao thông gây ra tai nạn phải có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện. Nếu phương tiện đó có bất kỳ mất mát hay hỏng hóc gì thì người ra quyết định tạm giữ sẽ phải tiến hành bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự và bị xử lý theo quy định pháp luật. Thông thường thời hạn tạm giữ phương tiện giao thông là 07 ngày, trường hợp có tình tiết phức tạp sẽ là 30 ngày và trường hợp đặc biệt là 60 ngày. Trong thời hạn luật định, phương tiện giao thông gây tai nạn bị tạm giữ được trả lại khi có những căn cứ sau: Ngay sau khi xác định được những tình tiết làm căn cứ đầy đủ cho việc ra quyết định xử phạt hành chính hoặc đã đảm bảo ngăn chặn hành vi vi phạm không còn gây ra nguy hại cho xã hội hoặc quyết định xử phạt hành chính được thi hành thì việc tạm giữ phương tiện giao thông gây tai nạn phải được chấm dứt. Nếu việc tạm giữ phương tiện để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt mà người vi phạm được nộp tiền phạt nhiều lần thì sau khi nộp phạt lần đầu thì người vi phạm sẽ được trả lại phương tiện bị tạm giữ. Nếu việc tạm giữ phương tiện để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt mà chủ phương tiện có địa chỉ cụ thể, có điều kiện chỗ để phương tiện, có điều kiện để bảo quản phương tiện hoặc có tiền để bảo lãnh thì có thể làm đơn để xin được giữ phương tiện. Việc tự giữ phương tiện giao thông vi phạm vẫn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành giám sát, quản lý.
Chiếc xe ô tô vi phạm nhưng chủ xe không đến nhận, lâu ngày đã trở nên mục nát
Theo số liệu từ Trạm CSGT Tuy Phước, Bình Định thì trong số 346 xe máy và 04 xe ô tô đang tạm giữ tại Trạm thì số xe liên quan lỗi vi phạm không có giấy đăng ký xe, không có giấy phép lái xe bị tạm giữ nhiều. Nhiều xe có đầy đủ giấy tờ nhưng lỗi phạt cao hơn giá trị của xe nên chủ phương tiện bỏ xe chưa đến nhận lại đặc biệt là khi Luật phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực với mức xử phạt rất cao. Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/8/2016 thì các hành vi bị áp dụng biện pháp tạm giữ xe là các hành vi mà tài xế dễ vi phạm như: không có giấy đăng ký xe, vi phạm nồng độ cồn, chưa đủ độ tuổi quy định… dẫn đến việc ngày càng gia tăng số lượng và phương tiện tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được. Đồng thời dẫn đến tình trạng quá tải, xuống cấp nơi tạm giữ phương tiện gây nguy cơ cháy, nổ cao. Lãnh đạo Trạm CSGT Tuy Phước đã chỉ đạo lắp đặt hệ thống phun nước và lắp đặt hệ thống lưới xung quanh khu tạm giữ phương tiện, tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy, nổ... Hiện bãi giữ xe vi phạm giao thông ở Trạm CSGT Tuy Phước đã quá tải, một số xe ô tô tạm giữ để lộ thiên ở sân Trạm đã trở thành cũ nát, trong khi đó công tác xử lý, thanh lý, tiêu hủy xe vô thừa nhận còn gặp nhiều bất cập.
Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống cháy nổ, CSGT Trạm Tuy Phước đã phải lắp mái che, dàn phun mưa để bảo quản các phương tiện bị tạm giữ.
Thời gian qua Lãnh đạo Trạm CSGT Tuy Phước đã có văn bản đề xuất, kiến nghị Công an tỉnh Bình Định, Cục CSGT (Bộ Công An) và các cơ quan chức năng liên quan những giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc trong công tác xử lý xe tạm giữ quá thời hạn tại Trạm. Các cơ quan chức năng liên quan cần tiếp tục tiến hành rà soát Luật xử lý vi phạm hành chính, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nói chung và phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng. Đồng thời hướng dẫn trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn. Bổ sung những quy định nhằm nâng cao chất lượng xử lý các phương tiện vi phạm theo hướng nhanh gọn, hiệu quả, tránh tình trạng quá tải tại các bãi giữ xe, gây khó khăn trong công tác xử lý, thành lập hội đồng thẩm định xác định giá tài sản là phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu để thanh lý hoặc tiêu hủy, bán phế liệu sung công quỹ nhằm tránh lãng phí tài sản của xã hội.
Nguyễn Hân - Xuân Kiên
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 05 - 20
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)