TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Trạng thái bình thường mới

14:26 25/06/2020
Logo header Cách đây gần 10 năm khi đi công tác nước ngoài, chúng tôi đã nghe nói tới “Trạng thái bình thường mới”. Hồi đó diễn giả giải thích ý nghĩa cụm từ này xoay quanh những tác động của mạng xã hội trong đời sống cư dân đô thị. Tôi nhớ lõm bõm đâu như: mạng xã hội như một quán cà phê khổng lồ, miễn phí, ai muốn ghé thăm, muốn nói gì cũng được.

Trước đây một nhóm bạn bè ngồi trong quán chuyện trò bốc lửa, rượu tranh phần nói, tai nhường phần nghe. Nay thì khác hẳn, mỗi người cầm một chiếc điện thoại và dán mắt vào đó. Quán chật người mà lặng ngắt như tờ, chỉ nghe tiếng tít-tít, ting-ting… Diễn giả kết luận: Khi in-tơ-nét phát triển làm thay đổi rất lớn đời sống con người, buộc chúng ta phải thích nghi với “trạng thái bình thường mới”. Có nghĩa là làm quen và chấp nhận những cái mới trong nhịp sống quen thuộc. Đương nhiên là tiếp nhận một cách tỉnh táo, có chọn lọc, đừng vồ vập và cũng chớ vội bài xích.

Ảnh minh họa

Tháng 5/2020, sau khi cơ bản khống chế được đại dịch Covid-19, Việt Nam và nhiều quốc gia khác kêu gọi người dân bước vào trạng thái bình thường mới. Nhiều người hiểu rằng, từ nay phải tập trung vào mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Cái bình thường mới ở đây khác với bình thường cũ ở chỗ, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân phải cố gắng rất nhiều để bù lại những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dùng hình ảnh cái lò xo bị nén, giờ là lúc sẵn sàng bật lên. Phải chuẩn bị tốt nhất để có sức bật mạnh, không chỉ là sự đàn hồi bình thường. Sản xuất trong nước lúc này đang gặp rất nhiều khó khăn. Nếu duy trì trạng thái bình thường cũ chẳng khác nào một vết sẹo hằn sâu, kinh tế lao dốc, người lao động mất việc làm, năng suất lao động thấp. Nếu thế sẽ rơi vào dự báo bi quan nhất của IMF, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ chỉ đạt khoảng 2,7%. Muốn đạt mức tăng trưởng 5% thì dứt khoát phải thật sự mới trong cách làm ăn, điều này đã được Chính phủ xác định trong năm mũi giáp công, cùng với sự hiến kế, tìm thấy “cơ” trong “nguy” của các doanh nghiệp.

Từ chuyện mạng xã hội đến chuyện làm ăn, chuyện chống dịch bệnh. Nhưng theo chúng tôi, khái niệm trạng thái bình thường mới có sức ôm chứa rộng hơn. Rằng cân bằng tĩnh chỉ sự đứng yên. Muốn phát triển thì phải cân bằng động, điều mà ta thường nói tới là phát triển bền vững. Từ những bài học qua cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” trong suốt mấy tháng qua giúp cho mỗi người, mỗi cộng đồng nhận rõ những ưu điểm, những thế mạnh và cả những sức ỳ, khuyết tật trong cơ chế, trong bộ máy, trong mỗi con người.

Cái mới trong cuộc sống bình thường phải chăng là: cách thức tổ chức, quản lý xã hội và phương thức làm việc của mỗi người? Vẫn là xã hội ấy, thể chế ấy, những con người ấy nhưng đã chuyển sang một nhịp sống, một tâm thế khác, đòi hỏi cố gắng làm việc nhiều hơn, trách nhiệm cao hơn, bứt phá về năng suất lao động. Những thái độ, hành vi xấu như quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch cũng sẽ bị lên án mạnh mẽ, sẽ giảm bớt, vì qua đại dịch chúng ta thêm một lần hiểu sâu sắc hơn truyền thống dân tộc, lòng nhân ái của người Việt N am, tinh thần nhường cơm sẻ áo, sẵn sàng quên bản thân vì cộng đồng. Trạng thái bình thường mới còn thấy trong các hội nghị, các chuyến tham quan, du lịch, các tuyến đường giao thông, ngoài ruộng đồng, trong nhà máy, bệnh viện, lớp học… Sau “cơn bão dịch” mỗi người dường như thấy sự gắn kết xã hội chặt chẽ hơn, thấy cần phải xóa bỏ những gì nhiêu khê, hình thức, lãng phí, những hành động thiếu tôn trọng tập thể, thiếu kỉ cương và kém kỷ luật. Mỗi người tiếp cận rất nhanh với công việc, đừng “dò đá qua sông” lâu quá. Cũng đừng lơ là cảnh giác, bởi thiên tai, dịch bệnh không chỉ xảy ra một lần. Sẵn sàng ứng phó với những thách thức mang tính toàn cầu để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất chính là điều vẫn làm lâu nay, nhưng vào lúc này như được làm mới, cái mới được kiểm chứng qua một cuộc chiến cam go, nguy hiểm và chúng ta đã chiến thắng.

Sớm nay, gặp một bác sĩ trẻ ở Bệnh viện nhiệt đới Trung ương, có người hỏi thay cho lời chào: “Dịch bệnh cơ bản đã tháo lui. Anh em đỡ vất vả hơn chứ?”. Anh đáp sau một thoáng suy tư: “Cũng đỡ hơn chút. Nhưng tất cả mọi người đang đi nhanh hơn, bước dài hơn sau những ngày sống chậm. Chủ động, tỉnh táo trước những đột biến, bất ngờ, để không bị quật ngã. Làm quen với trạng thái mới cũng chính là điều bình thường”.

Trần Quang
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 16 - 20

Bình luận: 0