TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Trí tuệ Việt khơi dậy khát vọng - kiến tạo tương lai

06:20 13/05/2021
Logo header Những năm gần đây, khoa học công nghệ (KHCN) của Việt Nam đã có những bước phát triển rất lớn, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong sự nghiệp gìn giữ, đấu tranh, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã sớm có các định hướng và chỉ đạo đúng đắn về vị trí, vai trò KHCN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. KHCN phát triển với sự ra đời hàng loạt công nghệ mới, hiện đại như: vật liệu mới, công nghệ nano, điện tử, viễn thông, đóng góp rất lớn giúp cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển vượt bậc. Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 kết nối vạn vật hiện nay, KHCN giúp làm tăng khả năng tiếp cận của người dân với việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ qua các phương tiện thông tin và dịch vụ logistics.., đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trong các mô hình phát triển kinh tế trước đây, con người chủ yếu khai thác tài nguyên tự nhiên để phục vụ cho con người và tạo tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tài nguyên thiên nhiên luôn có giới hạn và nhân loại ngày càng đứng trước sự khan hiếm tài nguyên. Tuy nhiên, có một loại “tài nguyên” đặc biệt, không bao giờ cạn đó chính là sự sáng tạo của con người, cụ thể là trong lĩnh vực KHCN. Chính vì vậy, KHCN được coi là nền tảng và động lực phát triển. Đảng ta nhận thức rõ ràng, cụ thể vai trò, vị trí của KHCN và luôn đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển toàn diện đất nước. Năm 1996, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định, khoa học và công nghệ phải trở thành nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược trên, ngày 24/12/1996, Nghị quyết Hội nghị TW 2 khóa VIII đã chỉ rõ, cùng với giáo dục - đào tạo, KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải bằng và dựa vào KHCN. KHCN là nội dung then chốt trong mọi hoạt động của tất cả các ngành, các cấp, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố an ninh quốc phòng, phát triển KHCN gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Nhìn lại chặng đường hơn 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã có nhiều nỗ lực để phát triển kinh tế, đồng thời nhận thức được, đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững phải dựa trên KHCN, triển khai được nền sản xuất công nghiệp tiên tiến hiệu quả phải dựa trên nền tảng tri thức. Tiếp tục phát huy thành quả của quá trình đổi mới, Đảng ta đã tư duy và định hướng để đưa đất nước bắt kịp, cùng tiến và vượt lên ở một số lĩnh vực chúng ta có thể có thế mạnh, có tiềm năng. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” là sự khẳng định đúng đắn và kịp thời về nhận thức, lý luận, để định hướng tư tưởng, triển khai hành động một cách chủ động. KHCN với vai trò vừa là công cụ, động lực, vừa là cơ sở, nền tảng để phát triển nền kinh tế tri thức, nhưng đồng thời cũng là đối tượng chịu tác động của CMCN 4.0. Nhận thức này hết sức quan trọng vì trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực cốt lõi của KHCN để xây dựng nền móng, thành phần chính cho phát triển kinh tế - xã hội trong môi trường CMCN 4.0. Trong đó, cần có nhận thức chi tiết hơn nữa về khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, công nghệ và kỹ nghệ, con người, hạ tầng...

Vệ tinh Vinasat - 2 của Việt nam được phóng lên quỹ đạo (nguồn internet)

Đảng và Nhân dân ta bằng ý chí quyết tâm, tinh thần lao động sáng tạo vì sự phát triển của đất  nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đã có rất nhiều công trình KHCN do các nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu và đạt được thành công rất lớn , ghi dấu ấn đậm nét, đóng góp rất quan trọng trong sứ mệnh để trở thành một Việt Nam hùng cường. Một trong những công trình tiêu biểu, mang dấu ấn đặc biệt, đóng góp quan trọng mang tính nền tảng giúp Việt Nam phát triển CMCN 4.0 là công trình viễn thông Vinasat. Đây là công trình mang tính đi đầu, có tác động lan tỏa lớn trong cộng đồng, được cả nước ghi nhận và đánh giá cao. Doanh nghiệp và tổ chức trong nước trước đây phải trả những khoản ngoại tệ rất lớn thuê vệ tinh của nước ngoài để sử dụng cho các yêu cầu cung cấp dịch vụ và thông tin chuyên ngành. Việt Nam khi đó với nhu cầu phát triển vệ tinh của riêng mình sẽ giúp tiết kiệm được nhiều chi phí cũng như khẳng định được quyền làm chủ trên quỹ đạo không gian, đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ CMCN 4.0, khi mà ứng dụng công nghệ cao, thông tin, dữ liệu… trở thành vũ khí cạnh tranh giữa các quốc gia. Ngày 19/4/2008 vào lúc 5h17 rạng sáng, vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam rời bệ phóng và được phóng thành công lên quỹ đạo là lịch sử của ngành viễn thông, đánh dấu chủ quyền quỹ đạo không gian thế giới, nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp nối thành công của Vinasat-1, rạng sáng ngày 16/5/2012, vệ tinh Vinasat-2 được phóng lên chiếm lĩnh thêm quỹ đạo địa tĩnh quan trọng, thiết yếu. Qua đó, Việt Nam kiểm soát chặt chẽ được chủ quyền không gian của đất nước và có khả năng quét một số vùng không gian của một số khu vực trên thế giới, góp phần vào việc cung cấp dịch vụ của Việt Nam cho các nước thông qua dịch vụ vệ tinh.

Hệ thống 2 vệ tinh Vinasat đã giúp Việt Nam đã tự chủ được thông tin vệ tinh của mình trong phát thanh truyền hình, viễn thông, di động và đặc biệt là an ninh quốc phòng. Đây cũng là một bước đà rất quan trọng để đưa các ngành công nghệ khác như vật liệu, cơ điện tử, tự động hóa phát triển vượt bậc hơn nữa. Theo số liệu nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhân tố KHCN đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Số lượng bài báo khoa học, công trình công bố quốc tế của Việt Nam tăng nhanh, xếp thứ 56 trên tổng số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục tăng. Theo thống kê, hiện nay hệ thống các tổ chức KHCN tại Việt Nam phát triển mạnh, cả nước đã có hơn 4.000 tổ chức KHCN thuộc mọi thành phần kinh tế. Đội ngũ nhân lực phát triển cả về số lượng và chất lượng với khoảng 67 nghìn cán bộ nghiên cứu, đạt tỷ lệ 7 người/vạn dân. Số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam tăng trung bình 26%/năm, lĩnh vực toán học và vật lý luôn đứng ở tốp đầu các nước ASEAN. Việc ứng dụng công nghệ cao và phát triển sản phẩm theo chuỗi được đẩy mạnh trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp. Các nhà khoa học trong nước đã làm chủ công nghệ thiết kế, thi công các nhà máy thủy điện lớn, công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc đạt chuẩn quốc tế; chế tạo thành công thiết bị cơ khí thủy công và nâng hạ siêu trường, siêu trọng; làm chủ các kỹ thuật tiên tiến trong y tế như ghép đa tạng, sản xuất vaccine. Với nguồn lực tham gia hoạt động KHCN hiện có, Việt Nam đã có thêm nhiều những thành tựu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Theo đó, KHCN đã có những đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của các ngành chủ chốt. Cụ thể: Năm 2019, lần đầu tiên vệ tinh do kỹ sư Việt Nam thiết kế bay vào vũ trụ; ra mắt nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam - Vmap (Đây được coi là sự kết tinh của trí tuệ Việt Nam trong thời đại  4.0). Cũng trong năm 2019, để quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam ra thế giới và thu hút các nguồn lực quốc tế đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức các Ngày hội đổi mới sáng tạo (Techfest) quốc tế tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Singapore. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh cả thế giới đang gồng mình chống đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Trong kết quả đó, vai trò của KHCN đã càng ngày càng được khẳng định với nhiều đề xuất, giải pháp sáng chế, phục vụ hiệu quả cho công tác phòng chống dịch, như: Nghiên cứu, sản xuất thành công bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2, đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, vương quốc Anh cấp giấy chứng nhận được bán tự do tại thị trường châu  u; Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng đã cấp Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm vào ngày 24/4/2020. Cho đến nay, hơn 230.000 sản phẩm test đã được cung cấp cho cả nước, góp phần đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống Covid-19 ở nước ta. Ngoài ra, với sự tham gia của KHCN, Việt Nam cũng đã nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công sản phẩm robot hỗ trợ y tế, giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y bác sỹ, giảm tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm bệnh, qua đó giảm lây nhiễm chéo virus Corona…

Những thành tựu KHCN ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến và áp dụng sâu rộng trong thực tiễn, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam. Để nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội đối với sự nghiệp KHCN, tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KHCN Việt Nam. Năm 2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ, chọn ngày 18/5 hàng năm là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng KHCN vào sản xuất. Không những vậy, đây còn là dịp để tôn vinh trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của Việt Nam, với sự đồng lòng của Đảng, Nhà nước sẽ giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0 để “Con Rồng Cháu Tiên” sẽ sánh vai cùng với các cường quốc năm châu.

Hiền Anh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 61 -21

Bình luận: 0