TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

11:55 30/05/2022
Logo header Ngày 22/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, trong đó nêu rõ các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Chương trình cần thực hiện đến năm 2025. Để đạt được các mục tiêu đặt ra, ngày 21/04, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã công bố kế hoạch triển khai Chương trình, đây là cơ sở để các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.

Những kết quả đạt được của chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020

Được triển khai từ năm 2010, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới sau hơn 10 năm thực hiện đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn nước ta ngày một khởi sắc, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, tạo nền tảng ổn định chính trị, xã hội cho đất nước.

Trong từng giai đoạn triển khai, Nhà nước ta đã có những thay đổi hợp lý, bám sát thực tế triển khai nhằm đạt được các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Giai đoạn đầu (2011-2015) là giai đoạn khởi động, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa có những thay đổi cụ thể trong chiến lược lâu dài nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững nông thôn. Đồng thời chúng ta đã nghiên cứu, xây dựng các chương trình, hành động cụ thể cho các giai đoạn tiếp theo. Đến giai đoạn 2016 trở ra, các chương trình, hoạt động liên quan đến xây dựng hạ tầng và phát triển sinh kế cho người dân đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị nhất là người dân. Các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng đường nông thôn, văn hoá nông thôn đã được người dân nông thôn cả nước nhiệt tình ủng hộ, tham gia. Khảo sát của IPSARD năm 2019 cho thấy 84,8% số hộ nông thôn hài lòng về các công trình hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước giảm rõ rệt: số liệu điều tra cho thấy khoảng 80-90% số hộ nhận thức rõ về chủ trương, nguyên lý, nội dung xây dựng NTM. Khảo sát của IPSARD phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khác tại 12 tỉnh trên cả nước cho thấy tỷ lệ hộ hài lòng với cuộc sống ở nông thôn tăng lên từ 50,4% năm 2012 lên 79,3% năm 2018. Đây là những kết quả hết sức tích cực sau một thời gian triển khai Chương trình.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 4/2022, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020 được giao. Tính đến 15/4/2022, cả nước có 5.706/8.227 xã (69,4%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 663 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17,0 tiêu chí/xã. Có 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 34,1%); có 15 tỉnh, TP đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM , trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chương trình xây dựng NTM góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo những chiều hướng tích cực. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đã giảm mạnh từ 48,2% xuống còn 38,1% trong giai đoạn 2010-2018. Ngoài ra chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đã làm thay đổi phương thức sản xuất, phương thức kinh doanh, làm kinh tế tại các vùng nông thôn trong đó có việc thúc đẩy liên kết sản xuất. Tại các xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ đi thuê đất từ hộ khác là 37,7%; trong khi tại các xã chưa đạt chuẩn tỷ lệ này chỉ là 25,3%. Tỷ lệ hộ sẵn sàng góp đất canh tác cùng hộ khác tại các xã đạt chuẩn NTM là 47,6%; trong khi tại các xã chưa đạt chuẩn NTM chỉ là 40,1%. Những mô hình đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị thành công đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm tại chỗ, làm giảm tình trạng di cư nội địa để tìm kiếm việc làm. Các mô hình này cũng đã giúp tận dụng, khai thác triệt để các nguồn tài nguyên, thiên nhiên, lợi thế vị trí địa lý, tài nguyên địa phương. Đây cũng chính là điều kiện để thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế, xã hội giữa nông thôn và thành thị, các vùng miền núi xa xôi.

 Một trong những nét đặc sắc của Chương trình xây dựng NTM là việc triển khai đề án OCOP, tập trung phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển các sản phẩm địa phương, chỉ dẫn địa lý giúp quảng bá thương hiệu các mặt hàng nông sản địa phương.

Tính đến tháng 4 năm 2022, cả nước đã có 63/63  tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 7.463 sản phẩm OCOP của 4.061 chủ thể OCOP, đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 67,6% sản phẩm 3 sao, 31% sản phẩm 4 sao và 1,2% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường và được người dân tín nhiệm. Các sản phẩm OCOP 5 sao đã được các Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 vẫn còn tồn tại những vấn đề như:

(1) Mặc dù chất lượng đời sống của người dân nông thôn đã được nâng lên tuy nhiên mức chênh lệch về đời sống vật chất, thu nhập của người dân nông thôn với các khu vực thành thị ngày cảng cao, điều này bắt nguồn từ việc chưa xây dựng tính gắn kết giữa phát triển nông thôn với phát triển đô thị; sinh kế của người nông dân còn chưa mang tính lâu dài, bền vững, còn chịu sự tác động, chi phối của thiên nhiên, thiên tai; việc phát triển kinh tế nông thôn còn thiếu tính đồng bộ với các chiến lược phát triển kinh tế lâu dài ví dụ như việc không tìm được đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp hoặc việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp phụ thuốc quá nhiều vào thị trường tiêu thụ từ phía Trung Quốc.

Theo báo cáo từ các cuộc khảo sát, nghiên cứu khoảng cách tuyệt đối về thu nhập giữa nông thôn và đô thị ngày càng tăng lên từ 12,7 triệu/người/năm 2010 lên 31,6 triệu đồng/người/năm 2018. Xuất hiện tình trạng phụ thuộc thu nhập của người dân nông thôn, trong đó chủ yếu là  phụ thuộc vào nguồn tiền của con cái/người thân từ đô thị gửi về. Tỷ lệ hộ nông thôn nhận hỗ trợ từ con cái tại các xã đạt chuẩn NTM là 30,1%, trong khi tại các xã chưa đạt chuẩn chỉ là 25,2%, điều này cho thấy sự khác biệt về thu nhập không mang tính bền vững giữa các địa phương đang xây dựng nông thôn mới.

(2) Không chỉ có sự chênh lệch về thu nhập giữa nông thôn và thành thị mà hiện nay tình trạng phân hóa nông thôn cũng diễn ra sâu sắc hơn. Chênh lệch thu nhập giữa 20% nhóm hộ giàu nhất và 20% nhóm hộ nghèo nhất trong nông thôn tăng mạnh, từ 7,5 lần năm 2010 lên 8,6 lần năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn cao gấp 4 lần đô thị.

Điều này cho thấy việc thực hiện, triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương đang thiếu tính đồng bộ, hiệu quả thực hiện chưa tương đồng nhau. Còn nhiều địa phương chưa đáp ứng được các mục tiêu đặt ra của chương trình.

(3) Hiệu quả kinh tế còn chưa cao xuất phát từ việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều;

Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư xã hội cho nông nghiệp thấp, chỉ khoảng 3 tỷ USD/năm, trong đó 50% là ngân sách nhà nước, chỉ có 16,7% là của doanh nghiệp;

Việc phát triển các ngành nghề như chế biến nông sản, tiểu - thủ công nghiệp, làng nghề còn hạn chế; các hợp tác xã còn hoạt động theo lề lối cũ chưa có những thay đổi, đột phá trong hoạt động, tham gia hiệu quả vào kinh tế thị trường.

Chưa tạo dựng được mối liên kết, gắn bó lợi ích giữa người nông dân với doanh nghiệp. Cụ thể trong mô hình cánh đồng lớn, tỷ lệ diện tích được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi sản xuất chỉ ở mức dưới 30% và tỷ lệ này thấp nhất ở những vùng sản xuất nông nghiệp chính như Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.

(4) Chất lượng nguồn nhân lực nông thôn còn thấp trong khi đó các hoạt động đào tạo, hướng nghiệp nghề lại chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, của người lao động dẫn đến tình trạng thất nghiệp của người dân nông thôn cao, mức thu nhập cũng thấp hơn nhiều so với thu nhập bình quân của quốc gia.

(5) Nhiều địa phương quá coi trọng đến thành tích trong việc đạt các tiêu chí đánh giá nông thôn mới, huy động quá sức đóng góp của người dân, chú trọng đến các tiêu chí đánh giá mang tính hình thức. Ngoài ra nhiều địa phương đạt chuẩn nông thôn mới lại tự thoả mãn với các thành tích đạt được.

(6) Còn một số  tiêu chí xây dựng và công nhận nông thôn mới chưa hợp lý, gây khó khăn cho việc triển khai của các địa phương, đặc biệt là sự cứng nhắc khi áp dụng các tiêu chí công nhận, đánh giá sẽ khiến hiệu quả đánh giá không sát thực do các địa phương, vùng miền  khác nhau sẽ có những đặc điểm khác nhau, cần có sự điều chỉnh linh động, phù hợp.

(7) Sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng nông thôn mới còn chưa cao, chưa tương xứng với chủ thể chính, chưa khai thác, tận dụng được hết những giá trị tích cực của người dân.  Điều tra năm 2019 của IPSARD cho thấy chỉ có 68,1% số hộ cho biết mình có quyền tham gia ý kiến vào quy hoạch, kế hoạch, đề án NTM của địa phương; chỉ có 55% số hộ cho biết mình có quyền tham gia ý kiến lựa chọn công trình, dự án; 66,9% số hộ cho biết mình có quyền giám sát quá trình thực hiện các dự án NTM… Có những trường hợp người địa phương được phỏng vấn không biết rằng xã mình đã đạt chuẩn NTM.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 được phê duyệt 22/02/2022 với các mục tiêu là phát triển kinh tế nông thôn một cách bền vững; xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn một cách đồng bộ…với 11 nôi dung thành phần.

Cụ thể hoá các mục tiêu đó đến 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới ; trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu cả nước ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu cả nước có khoảng 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tiếp đó vào tháng 3/2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới có 19 tiêu chí. Mỗi tiêu chí, có những chỉ tiêu chung cũng như chỉ tiêu theo từng vùng: Trung du miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ; Duyên hải Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao cũng bao gồm 19 tiêu chí dựa trên các tiêu chí về xã nông thôn mới.

Ngày 21/04/2022 Bộ NN&PTNT công bố báo cáo triển khai thực hiện Chương trình, trong đó đề cập tới một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện năm 2022 và giai đoạn 2022 – 2025 căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành, cơ quan đó là:

Với các các bộ, ngành trung ương

- Căn cứ nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, đề nghị các bộ, ngành trung ương sớm xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và tổ chức triển khai ngay;

- Các bộ, ngành trung chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan có liên quan và địa phương khẩn trương hoàn thành xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung thành phần và các tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện phương án giao chỉ tiêu, nhiệm vụ phấn đấu 5 năm 2021- 2025 và hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các địa phương thực hiện.

- Uỷ ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, ban hành kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lồng ghép vốn bố trí thực hiện các dự án thành phần của 02 Chương trình MTQG còn lại để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt theo các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nhất là mục tiêu không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí;

Với các địa phương

- Khẩn trương xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trong giai đoạn 5 năm và hàng năm bao gồm các nội dung: Kế hoạch về nguồn vốn, mục tiêu, nhiệm vụ gửi cơ quan chủ trì Chương trình, cơ quan chủ trì nội dung thành phần và các cơ quan liên quan theo quy định; chỉ đạo, phân công trách nhiệm của từng cấp và các sở, ban, ngành trong việc tổ chức thực hiện Chương trình theo nguyên tắc tăng cường phân cấp và đề cao tinh thần trách nhiệm cho cơ sở.

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; quán triệt Chương trình đến cấp uỷ, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở (xã, thôn).

- Ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn tổ chức triển khai Chương trình trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao; ban hành quy định về lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ để thực hiện Chương trình trên địa bàn, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đã được phê duyệt.

- Tập trung triển khai hiệu quả 11 nội dung của Chương trình, 06 chương trình chuyên đề trọng tâm (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) theo hướng dẫn của Trung ương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM.

- Khẩn trương hoàn thành công tác kiện toàn bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp thống nhất, đồng bộ theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế, đã được hướng dẫn tại điểm d, khoản 2, mục V, Quyết định 263/QĐ-TTg.

- Chủ động cân đối bố trí đủ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định, huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng NTM. Khuyến khích cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội, ưu tiên Chương trình OCOP, áp dụng công nghệ chế biến vừa và nhỏ, môi trường và nước sạch nông thôn; vận động các tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ địa phương (huyện, xã) thực hiện xây dựng NTM. Khuyến khích người dân tham gia, đóng góp xây dựng NTM theo hình thức tự nguyện, không huy động quá sức dân và không để phát sinh nợ đọng trong xây dựng cơ bản của Chương trình.

Căn cứ vào điều kiện thực tế, nghiên cứu, ban hành cơ chế khuyến khích các địa phương có kinh tế phát triển hỗ trợ cho các địa phương khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư.

- Tổ chức triển khai, giám sát, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh định kỳ, đột xuất theo quy định.

Thanh Tâm - Phương Thảo

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 161 - 05/2022

Bình luận: 0