TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Vai trò của đoàn thanh niên trong công tác giáo dục chính trị và tuyên truyền pháp luật cho thanh niên tại các khu công nghiệp ở Việt Nam

19:34 05/11/2020
Logo header Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước dẫn đến việc hình thành các khu công nghiệp trong cả nước. Các khu công nghiệp được hình thành đã thu hút lượng lớn lao động tới làm việc từ nhiều địa bàn khác nhau, trong đó phần lớn lao động tại các khu công nghiệp là thanh niên. Thanh niên tại các khu công nghiệp được hiểu là những người từ đủ 18 đến 30 tuổi, làm việc tại các doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ cho sản xuất công nghiệp trong khu vực có ranh giới địa lý xác định do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên tại các khu công nghiệp nói riêng là đối tượng dễ tiếp thu cái mới, nhanh nhạy trong cập nhật thông tin, xu hướng mới.

Trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, đã tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên tiếp cận nhanh hơn các thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và rất nhiều các nội dung khác, bao gồm cả những thông tin tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên, trong đó có thanh niên tại các khu công nghiệp, thiếu hiểu biết về pháp luật nên không phân biệt được những thông tin xấu, độc dẫn đến việc dễ dàng bị kích động tham gia vào những vụ việc gây rối và vi phạm pháp luật, bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; bên cạnh đó, phần lớn người lao động tại các khu công nghiệp do thiếu kiến thức về pháp luật nên chưa hình thành được ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình trong quan hệ với người sử dụng lao động. Điều này đặt ra đòi hỏi phải tăng cường giáo dục chính trị và tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với thanh niên nói chung và thanh niên tại các khu công nghiệp nói riêng, giúp họ hiểu, biết về pháp luật; đồng thời hình thành ở họ tri thức về pháp luật để có hành vi phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật. Việc tổ chức giáo dục chính trị và tuyên truyền pháp luật cho thanh niên nói chung và thanh niên tại các khu công nghiệp nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đối với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, công tác giáo dục chính trị và tuyên truyền pháp luật cho đoàn viên, thanh niên nói chung và thanh niên công nhân nói riêng là một trong những nội dung quan trọng không thể thiếu trong việc bồi dưỡng, phát triển thanh, thiếu nhi Việt Nam; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Về tình hình thanh niên tại các khu công nghiệp, đời sống thanh niên là công nhân tại các khu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Giờ làm việc của công nhân không thống nhất khi có người làm ca ban ngày, có người lại làm ca ban đêm. Vào ngày nghỉ, công nhân thường có nhu cầu nghỉ ngơi, ít tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Thậm chí, nhiều công nhân vẫn tranh thủ làm thêm ngày nghỉ để kiếm thêm thu nhập. Với thời gian làm việc liên tục nhưng thiếu các cơ sở sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí phù hợp nên thanh niên tại các khu công nghiệp ít cập nhật thông tin, kiến thức về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và địa phương; đặc biệt rất ít cơ hội được giáo dục chính trị, phổ biến, tuyên truyền về pháp luật, nhất là việc cập nhật những quy định mới liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế hoạt động, điều kiện tiếp cận với công nhân lao động tại doanh nghiệp. Việc giáo dục chính trị, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân chủ yếu được thực hiện ngoài giờ làm việc hoặc vào ngày nghỉ.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam, lực lượng chiếm khoảng 25% dân số, nhiệm vụ đặt ra cho tổ chức Đoàn trong việc giáo dục chính trị và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên nói chung và cho thanh niên tại các khu công nghiệp nói riêng phải được xác định và đòi hỏi cao hơn. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022 đã xác định nội dung “Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng” và “Triển khai các giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành thói quen “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong đoàn viên, thanh niên” là 02 trong các nội dung trọng tâm của Công tác giáo dục. Triển khai các nội dung trên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị và tuyên truyền về pháp luật cho thanh niên tại các khu công nghiệp; đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả tại các địa phương trong cả nước... Các hoạt động được triển khai đã góp phần giúp thanh niên tại các khu công nghiệp hiểu biết về pháp luật; đồng thời hình thành ở họ tri thức về pháp luật để có hành vi phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội nói chung và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nói riêng trong tham gia công tác giáo dục chính trị và tuyên truyền về pháp luật cho thanh niên tại các khu công nghiệp. Một số hoạt động hiệu quả do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai có thể kể đến như sau:

Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tiếp tục được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh tổ chức thực hiện có hiệu quả thông qua các hình thức như: tuyên truyền miệng, tuyên truyền bằng tài liệu, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, sử dụng các phương tiện truyền thông, xây dựng tủ sách pháp luật, hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý. Công tác giáo dục, phổ biến pháp luật đã được nhiều cơ sở triển khai có hiệu quả; nhiều tỉnh, thành đoàn đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; chủ động tổ chức cho đoàn viên (chủ yếu là đoàn viên thanh niên trong các doanh nghiệp Nhà nước) học tập 6 bài lý luận chính trị cho đoàn viên, thanh niên với nhiều hình thức, phương thức triển khai thực hiện linh hoạt, đa dạng và phong phú; thiết kế, xây dựng các bản tin hoạt động, bản tin thanh niên, phát hành các tờ rơi tuyên truyền, thư ngỏ giới thiệu các hoạt động của Đoàn - Hội, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu nhà trọ. 

Cùng với công tác giáo dục chính trị, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống cho thanh niên công nhân và lao động trẻ thông qua các hình thức như: gặp gỡ, giao lưu với nhân chứng lịch sử; tổ chức mít tinh nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương, đơn vị; tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử, các địa danh văn hóa; tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, về truyền thống của dân tộc, giúp thanh niên công nhân thêm yêu Tổ quốc, tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tự hào và gắn bó với tổ chức Đoàn, Hội.

Bên cạnh các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho thanh niên trong các khu công nghiệp, để nâng cao nhận thức về pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích của thanh niên công nhân và lao động trẻ, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức thông tin tư vấn về Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho thanh niên công nhân. Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm giúp thanh niên công nhân nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật, tác phong công nghiệp để làm quen với môi trường lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật để cải thiện điều kiện làm việc và phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành đoàn đã tổ chức các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng lưu diễn cho thanh niên công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, thu hút sự ủng hộ của thanh niên công nhân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên công nhân và lao động trẻ. Đặc biệt, trong Tháng công nhân, các tỉnh, thành đoàn đồng loạt tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà thanh niên công nhân; tuyên dương thanh niên công nhân tiên tiến, lao động trẻ giỏi; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; phối hợp với Công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức các đợt cao điểm chào mừng Tháng Công nhân, kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Nhiều cơ sở đoàn đã chủ động tham mưu tổ chức các buổi đối thoại giữa thanh niên công nhân với doanh nghiệp, công nhân với chính quyền địa phương tạo cơ hội để thanh niên công nhân được chia sẻ tâm tư nguyện vọng, qua đó tăng cường sự ủng hộ của lãnh đạo doanh nghiệp và địa phương đối với thanh niên công nhân và các hoạt động của Đoàn, Hội. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn đã tham gia vận động các chủ nhà trọ cam kết không tăng giá nhà trọ, điện, nước; đẩy mạnh các hoạt động nâng cao điều kiện sống cho thanh niên công nhân như: vệ sinh môi trường, sửa chữa, quét vôi, chỉnh trang khu nhà trọ… Để tạo điều kiện cho thanh niên công nhân yên tâm công tác, một số đơn vị đã thành lập trường mầm non, nhà trẻ đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ cho thanh niên công nhân trên địa bàn.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng và đưa vào sử dụng 02 Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân và lao động trẻ tại Hải Dương và Bình Dương. Hiện nay, cả nước có 05 Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân trực thuộc tỉnh, thành đoàn (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Hải Dương, Bắc Ninh; có 01 Văn phòng tại Vĩnh Phúc) với nhiều mô hình, hoạt động chăm lo, hỗ trợ thanh niên công nhân hiệu quả, tích cực kết nối với các doanh nghiệp, vận động nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ thanh niên công nhân trên địa bàn. Đây cũng là tiền đề, cơ sở để các tỉnh, thành đoàn còn lại đề xuất cấp ủy chủ trương thành lập Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân tại địa phương để tạo thiết chế tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên công nhân và phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các trung tâm, văn phòng hỗ trợ thanh niên công nhân thường xuyên nắm bắt tình hình thanh niên công nhân trên địa bàn; giám sát và kiến nghị thực thi các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn và bảo hộ lao động cho thanh niên công nhân; hỗ trợ, tư vấn nghề nghiệp, việc làm, nhà ở, chăm sóc sức khỏe; tạo điều kiện cho thanh niên công nhân tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp lý, được giáo dục kỹ năng sống, được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện tay nghề; huy động kinh phí để tổ chức các hoạt động chăm lo cho thanh niên công nhân; quản lý và hỗ trợ hoạt động của các khu nhà trọ văn minh, phòng sinh hoạt cộng đồng tại khu vực nhà trọ dành cho thanh niên công nhân trên địa bàn. 

Qua nghiên cứu cho thấy, việc hoàn thiện tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp xuất phát từ 04 quan điểm:

Thứ nhất: Xuất phát từ yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi công dân đều phải hiểu biết luật và có ý thức tuân thủ pháp luật. Bởi vậy, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho công dân là vấn đề vô cùng quan trọng, trong đó, với thanh niên tại các khu công nghiệp là nhóm đối tượng đặc thù, cần phải dành sự quan tâm, đầu tư cả về nội dung, kinh phí, hình thức, phương pháp phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật sao cho phù hợp và tương xứng.

Thứ hai: Xuất phát từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp: Xác định được vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản với các quan điểm, giải pháp tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, trong đó có thanh niên tại các khu công nghiệp.

Thứ ba: Xuất phát từ quan điểm về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Thanh niên tại các khu công nghiệp là lực lượng đông đảo của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay với khoảng 03 triệu người. Việc tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công nhân nói chung và thanh niên tại các khu công nghiệp nói riêng có vai trò quan trọng nhằm tăng cường sự hiểu biết của công nhân về các chính sách, pháp luật liên quan, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động; qua đó, tăng cường giác ngộ giai cấp và nâng cao bản lĩnh chính trị của công nhân, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Thứ tư: Xuất phát từ quan điểm thực hiện mục tiêu phát triển thanh niên Việt Nam: Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên. Trong chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam có ý thức công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Điều này đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thanh niên, trong đó có thanh niên tại các khu công nghiệp, qua đó góp phần chăm lo, bồi dưỡng và phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ các quan điểm nêu trên và căn cứ vào thực trạng tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp thời gian qua, đề xuất 05 nhóm giải pháp hoàn thiện tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp thời gian tới, đó là: 

Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện trách nhiệm tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp
Để thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp, trước hết phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng càng chặt chẽ thì hiệu quả của công tác tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp sẽ càng cao, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, đóng góp tích cực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai: Hoàn thiện nội dung pháp luật để tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp

Thứ ba: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật có vai trò quan trọng, ảnh hưởng tới chất lượng tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp. Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp có đạt được chất lượng và hiệu quả hay không phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách về phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Do vậy, việc kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là rất cần thiết. Các chương trình, kế hoạch ban hành có hay, có thiết thực nhưng không có đội ngũ nhân lực đứng ra thực hiện thì cũng không mang lại hiệu quả. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật được kiện toàn cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiện nay vẫn chưa đảm bảo. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp cần thực hiện các biện pháp sau: Triển khai kế hoạch phát triển nguồn nhân lực đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp. Trước hết cần xác định số biên chế cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đảm bảo đủ số lượng biên chế. Xác định rõ nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật những cán bộ chuyên trách và số lượng kiêm nhiệm. Rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phân loại trình độ, trên cơ sở đó có những kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Đối với các cán bộ pháp chế, báo cáo viên, các cán bộ quản lý đã có trình độ chuyên môn phù hợp thì cần tổ chức các đợt tập huấn, các lớp bồi dưỡng pháp luật định kỳ nhằm cập nhật những kiến thức mới; Xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhân lực cụ thể theo từng giai đoạn để đảm bảo nhu cầu về nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp. Tuyển chọn những người có phẩm chất, năng lực, trình độ, có khả năng tuyên truyền, giáo dục hoặc hòa giải tốt, có lòng nhiệt tình với công việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Chú trọng rà soát, phân loại, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và thường xuyên định hướng nội dung phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đội ngũ làm công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường thêm số lượng cán bộ, công chức chuyên trách, giảm thiểu tình trạng kiêm nhiệm như hiện nay. Tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cán bộ phụ trách tư pháp với các cấp, các ngành của địa phương trong việc triển khai công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp; Tiếp tục nghiên cứu ban hành các chế độ, chính sách hợp lý cho cán bộ, công chức và các cá nhân tham gia công tác tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp. Cần quy định rõ các chế độ về lương, thưởng một cách hợp lý đối với những người làm công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; đồng thời ghi nhận những đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong công tác tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Đây chính là cơ sở tạo ra động lực làm việc giúp các cá nhân, tổ chức tham gia tích cực vào công tác tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ nhân lực thực hiện công tác tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật gắn với những quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền, lợi ích trong thực hiện công tác này.

Thứ tư: Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp; 

Thứ năm: Đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất và đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại các khu công nghiệp. 

Vũ Giáng Hương
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 35-20

Bình luận: 0