TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Vai trò của Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành Logistics Việt Nam

11:27 28/11/2022
Logo header Ngành logistics là ngành dịch vụ mũi nhọn, có vai trò thiết yếu, và là nền tảng cho phát triển thương mại của bất kỳ quốc gia nào. Ở Việt Nam, ngành Logistics đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn từ chính phủ và các doanh nghiệp cũng như đang là một trong những ngành đào tạo “hot” nhất hiện nay.

Toàn cảnh hội nghị

Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp (DN) logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực. Theo kết quả khảo sát nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động của riêng TPHCM giai đoạn 2020 – 2025, nhu cầu nhân lực riêng ngành logistics tại TPHCM dự báo mỗi năm có khoảng 15.000 nhân lực cho ngành này. Tuy nhiên, có một thực tế là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của ngành vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng. Lý do đến từ chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thiếu kiến thức toàn diện, chưa theo kịp sự phát triển của logistics thế giới, trình độ tiếng Anh nghiệp vụ logistics còn hạn chế. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), trong tổng số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này, chỉ có khoảng 5 – 7% lao động được đào tạo bài bản. Có đến 85,7% doanh nghiệp Việt Nam phải tự đào tạo thông qua thực tế công việc. Đặc biệt, để đảm bảo nhu cầu chất lượng nhân lực và mục tiêu phát triển, một số doanh nghiệp logistics lớn còn tự đầu tư trung tâm đào tạo nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng của riêng mình. Qua đây, có thể thấy rằng nhu cầu nhân sự ngành Logistics đang là rất lớn. Để theo kịp những cải tiến và đổi mới trong thời đại toàn cầu hóa, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường, chất lượng trình độ chuyên môn và kỹ năng của nhân lực logistics cần phải được chú trọng. Chính vì vậy, Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành Logistics (LIRC) đã được thành lập vào tháng 12/2017 nhằm tập hợp các bên liên quan đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, VCCI, hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics với mục đích tạo ra cơ chế tham vấn liên quan để đóng góp các ý kiến đến cơ quan chức năng của Việt Nam và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về tiềm năng, xu hướng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực Logistics và thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Ngày 25/11/2022 tại TP. Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ dự án do Chính phủ Australia tài trợ thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia (AAGF), Hội thảo “Vai trò của Hội đồng tư vấn kỹ năng ngành Logistics (LIRC) trong việc thúc đẩy sự gắn kết của doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam” sẽ được tổ chức nhằm đánh giá kết quả hoạt động của LIRC hơn 5 năm qua và đề xuất hoàn thiện, phát triển nhân rộng LIRC trong thời gian tới. Dự án này được thực hiện bởi bốn cựu sinh viên khóa đào tạo ngắn hạn "Thúc đẩy sự tham gia của Doanh nghiệp Logistics với Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam" của Chương trình Aus4Skills. Australia, thông qua Chương trình Aus4Skills, tiếp tục hỗ trợ nâng cao kỹ năng và chuyên môn cho hơn 80.000 cựu sinh viên thông qua Quỹ AAGF và nhiều hoạt động đa dạng về phát triển chuyên môn và kết nối.

Hoàng Thái Sơn, Trưởng nhóm nghiên cứu về LIRC.

Báo cáo về kết quả khảo sát, đánh giá thực tiễn về vai trò và tầm quan trọng của LIRC tại một số doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo các ngành về logistics cùng một số đại diện từ cơ quan quản lý nhà nước, VCCI -HCM, viện nghiên cứu, hiệp hội có liên quan về giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và logistics, ông Hoàng Thái Sơn, trưởng nhóm nghiên cứu về LIRC (hiện đang công tác tại Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết “Mô hình hội đồng kỹ năng ngành/nghề (sau đây gọi chung là ngành) đã được áp dụng thành công ở nhiều nước công nghiệp phát triển trên thế giới với cách tiếp cận chung là hướng đến mục tiêu đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của bên sử dụng lao động một cách tốt nhất. Tuy nhiên, mô hình này hiện đang còn rất mới ở Việt Nam, về mặt pháp lý chỉ mới được đề cập trong Bộ luật Lao động năm 2019 và chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm dưới Luật. LIRC là một hội đồng kỹ năng ngành hoạt động thí điểm nhưng được đánh giá là khá hiệu quả về phát triển kỹ năng nghề với sự dẫn dắt của doanh nghiệp, đặc biệt là các hoạt động về tham vấn chính sách, dự báo kỹ năng, khuyến cáo điều chỉnh chương trình đào tạo, xem xét và xác nhận các tiêu chuẩn nghề để làm cơ sở phát triển, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp cũng như người sử dụng lao động. Kết quả hoạt động của LIRC trong thời gian 05 năm vừa qua là một minh chứng cho thấy mô hình hội đồng kỹ năng ngành ở các nước công nghiệp phát triển có thể điều chỉnh phù hợp và vận dụng hiệu quả với bối cảnh và điều kiện hiện tại của Việt Nam”.

Bà Bùi Thị Ninh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI-HCM).

Bà Bùi Thị Ninh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Tổng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) cho biết “VCCI-HCM rất vui khi được đồng hành cùng với Aus4Skills và các đối tác trong quá trình thành lập, vận hành và phát triển LIRC. Có thể nói, các kết quả mà LIRC mang lại trong hoạt động phát triển lực lượng lao động có kỹ năng cho ngành logistics đã góp phần rất đáng kể cho việc tạo ra những thực hành tốt trong mô hình gắn kết doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp với những hoạt động mang tầm chiến lược như đề xuất danh mục ngành, nghề đào tạo logistics trình độ trung cấp, cao đẳng đã được Bộ LĐTBXH tiếp thu và ban hành, tham gia xây dựng các chuẩn đầu ra quốc gia logistics; Đã xem xét, góp ý và xác nhận các tiêu chuẩn 05 nghề đạt chuẩn quốc tế:  Nhân viên nhà kho, Giám sát nhà kho, Nhân viên hành chính Logistics, Nhân viên giao nhận và Nhân viên xếp dỡ hàng tổng hợp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham khảo, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo; đặc biệt năm 2021, LIRC đã xây dựng được dự báo kỹ năng nghề logistics, đây là dự báo kỹ năng nghề đầu tiên ở Việt Nam. LIRC là mô hình thí điểm nên cần phải tiếp tục vừa hoạt động vừa phải từng bước tự điều chỉnh, hoàn thiện mô hình để phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn ở Việt Nam”.

PGS.TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II.

PGS.TS Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết “Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II là một đối tác của Aus4Skills, đã tham gia vào nhiều hoạt động của LIRC, việc xem xét thông qua các tiêu chuẩn nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và dự báo kỹ năng nghề logistics của LIRC là rất có giá trị để các trường tham khảo xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với doanh nghiệp. Tuy nhiên, LIRC cũng cần có các khuyến nghị nhiều hơn nữa các thông tin về nhu cầu, kỹ năng, thách thức, cơ hội, xu hướng và yêu cầu của ngành logistics trên thế giới và ở Việt Nam để cho cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham khảo để có thể có định hướng đúng trong đào tạo và sử dụng nhân lực”.

Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH TP. HCM.

Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH TP. Hồ Chí Minh cho rằng “Phần lớn thành viên của LIRC là đại diện từ các đơn vị, doanh nghiệp, trường có đào tạo logistics trên địa bàn TP. HCM, qua công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi nhận thấy các hoạt động của LIRC là phù hợp với định hướng chỉ đạo của Sở LĐTBXH TP. Hồ Chí Minh về thúc đẩy gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, gắn đào tạo và việc làm bền vững, kết quả hoạt động của LIRC bước đầu rất khả quan. Để LIRC hoạt động hiệu quả, bền vững hơn và có thể nhân rộng mô hình LIRC sang các ngành, lĩnh vực khác thì LIRC cần phải có đủ hành lang pháp lý, có nguồn và cơ chế kinh phí bảo đảm cho các hoạt động. Đồng thời, các hội đồng khác khi thành lập cũng cần có đơn vị hỗ trợ giúp việc với vai trò ban thư ký hội đồng”.

Ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp TP. HCM.

Ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết “Tôi đã được tham gia Chương trình Aus4Skills và LIRC ngay từ năm 2017, tôi nhận thấy cách tiếp cận đào tạo kỹ năng nghề theo mô hình doanh nghiệp dẫn dắt mà Aus4Skills đang triển khai tại các trường đối tác, trong đó có trường là thành viên của Hiệp hội, là khá hiệu quả, phù hợp nhu cầu doanh nghiệp và tiếp cận được tiêu chuẩn, trình độ quốc tế. Các hoạt động của LIRC về khuyến nghị chính sách, thông tin về nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động, xu hướng về phát triển của ngành logistics rất hữu ích cho cả doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đề nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan cần có các chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bao gồm chính sách khuyến khích thành lập các hội đồng kỹ năng ngành để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo ra nhân lực có tay nghề đáp ứng được nhu cầu xã hội”.

Cũng tại hội thảo này các đại biểu mong muốn kiến nghị đối với các cơ quan, bộ ngành cũng như các tổ chức doanh nghiệp,cá nhân liên quan, các cơ sở giáo dục tham mưu với Chính phủ rà soát hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện về cơ sở pháp lý  để cho LIRC phát huy hơn nữa vai trò và chức năng của mình. Các cơ quan thông tấn cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan cần tăng cường truyền thông về Hội đồng kỹ năng ngành Logistics (LIRC), nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý cũng như các tổ chức để thúc đẩy sự gắn kết của doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp nói chung và với mô hình hội đồng kỹ năng ngành và LIRC nói riêng.

Dũng Lê.

Tags
Bình luận: 0