Vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc thúc đẩy thực hiện pháp luật về trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp
Hội Nông dân cũng là một trong những tổ chức quan trọng đóng góp vào việc thúc đẩy thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp. Đề cập đến vấn đề này, bài viết khẳng định vai trò chủ thể phản biện xã hội đối với Đảng, Nhà nước thông qua việc phản ánh, kiến nghị, đóng góp với Đảng, Nhà nước cũng như các cơ quan có thẩm quyền về xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách, đề án, dự án, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân, trách nhiệm của tổ chức Hội. Qua đó tham gia giám sát, thúc đẩy việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của chính quyền các cấp.
Khái quát chung về vị trí, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam
Hội Nông dân Việt Nam là đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Là cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng Hội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động; nâng cao vai trò đại diện, phát huy quyền làm chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân. Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Nông dân Việt Nam tham gia đóng góp tích cực trong hệ thống chính trị của Việt Nam, nhất là thúc đẩy việc thực hiện pháp luật.
Kể từ ngày thành lập (14/10/1930) đến nay, Hội Nông dân luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Tổ chức Hội Nông dân được đón nhận nhiều chủ trương, đường lối, chính sách để tham gia thực hiện. Những năm gần đây, tổ chức Hội Nông dân được Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương như Kết luận số 61-KL/TW ngày 03 tháng 12 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 673 ban hành cơ chế, chính sách để Hội Nông dân Việt Nam "trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020", nhằm phát huy hơn nữa vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng Nông thôn mới, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bảo đảm nguồn lực tài chính và những điều kiện cần thiết để Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp và phối hợp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần. Hằng năm, trong từng chương trình, đề án, dự án của Chính phủ và địa phương liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thỏa thuận với Hội Nông dân Việt Nam cùng cấp xác định những nhiệm vụ cụ thể để phân bổ và trích lập dự toán giao cho Hội Nông dân Việt Nam cùng cấp thực hiện; báo cáo cơ quan chức năng bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của Hội Nông dân. Đó chính là thời cơ, cơ hội để Hội Nông dân các cấp được tham gia phát triển kinh tế xã hội, tham gia quản lý xã hội, thực thi pháp luật nhất là ở cấp cơ sở.
Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Theo đó, Hội Nông dân được phép giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; Kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; Phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Được phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; Phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Tổ chức Hội bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Hội Nông dân. Hội phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan, tổ chức có liên quan; Không làm trở ngại các hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát và phản biện xã hội. Bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan và mang tính xây dựng. Tôn trọng các ý kiến khác nhau, nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, đoàn viên, hội viên, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thực hiện vai trò của Hội Nông dân trong việc thúc đẩy thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp
Hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Hội có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát báo cáo cấp ủy và chính quyền cùng cấp trước khi triển khai. Khi cần thiết có thể tổ chức giám sát ngoài kế hoạch. Chương trình, kế hoạch giám sát được thống nhất với cơ quan quản lý Nhà nước liên quan để hỗ trợ triển khai, bảo đảm giám sát thiết thực, đúng thực tế, có tác động tốt với đời sống chính trị, xã hội và nhân dân. Giám sát thông qua việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Giám sát thông qua nghiên cứu văn bản, tài liệu, báo cáo của các cơ quan, tổ chức; đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân gửi Hội và qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng.
Về nội dung phản biện xã hội: Tổ chức hội nghị các cơ quan Ban Chấp hành Hội từng cấp. Tổ chức lấy ý kiến phản biện (thông qua tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên) trong hệ thống của tổ chức, đoàn thể mình hoặc gửi văn bản dự thảo đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện. Khi cần thiết, tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chủ thể phản biện với cơ quan, tổ chức có văn bản dự thảo được phản biện.
Quy định về việc "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền" ban hành kèm theo Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương có nêu: Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Phạm vi góp ý: được thực hiện từ Trung ương đến cơ sở. Hội Nông dân và công dân góp ý với cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên công tác ở các cơ quan, đơn vị cùng cấp.
Đối tượng góp ý: Ban chấp hành, Ban thường vụ, Thường trực cấp ủy các cấp; chi ủy, chi bộ, cán bộ, đảng viên.
Nội dung góp ý: Dự thảo nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế, quy định, kết luận... (sau đây gọi chung là quy định) của Đảng có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chức năng, nhiệm vụ của Hội; Dự thảo báo cáo chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng trước mỗi kỳ đại hội. Việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Đảng, cấp ủy, tổ chức Đảng.
Góp ý với đảng viên: Thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng; mối quan hệ giữa đảng viên với nhân dân.
Hội Nông dân góp ý bằng văn bản mỗi năm một lần trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức Đảng và trước khi kết thúc nhiệm kỳ của cấp ủy cùng cấp. Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy ở địa phương với nhân dân mỗi năm một lần. Tổ chức lấy ý kiến nhận xét của nhân dân nơi cư trú (thôn, xóm, tổ dân phố) đối với cán bộ, đảng viên mỗi năm một lần trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên. Thông qua hòm thư góp ý xây dựng Đảng được đặt công khai tại trụ sở hội cùng cấp.
Góp ý với cá nhân: Hội được góp ý những nội dung sau: Việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân. Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu dân cử, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang; nhất là người đứng đầu cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp.
Phương pháp góp ý: Hội Nông dân các cấp góp ý bằng văn bản mỗi năm một lần cho các đối tượng góp ý cùng cấp; Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân mỗi năm một lần; Tổ chức lấy ý kiến tại hội nghị công chức, viên chức (đối với cơ quan, đơn vị) và hội nghị nhân dân (chủ yếu ở xã, phường, thị trấn) mỗi năm một lần; Thông qua hòm thư góp ý xây dựng chính quyền đặt công khai tại trụ sở; Thông qua tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức.
Trách nhiệm của chính quyền: Thực hiện công khai về tổ chức, hoạt động, quy chế làm việc của tổ chức; Các quy định về thủ tục hành chính; Quy định trách nhiệm công vụ; Các quy hoạch kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; Các quy định, quyết định quản lý hành chính; Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sẽ ban hành; Cung cấp thông tin về khen thưởng, kỷ luật cán bộ; Các báo cáo kết quả thanh tra, giám sát, kiểm toán các cơ quan, đơn vị khi được yêu cầu; Chủ trì, phối hợp với Hội cùng cấp tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cơ quan chính quyền các cấp với nhân dân và lấy ý kiến của nhân dân tại hội nghị nhân dân xã, phường, thị trấn theo quy định.
Hằng năm, báo cáo kết quả tiếp thu góp ý với cấp ủy cùng cấp và chính quyền cấp trên trực tiếp; Đồng gửi cho Hội cùng cấp để theo dõi, giám sát. Hội còn tham gia giám sát việc thực hiện Điều 5 Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định, những nội dung công khai gồm: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm của cấp xã; Dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn cấp xã; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã; Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của Nhân dân; Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với cấp xã; các khoản huy động nhân dân đóng góp; Chủ trương, kế hoạch vay vốn cho nhân dân để phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; Phương thức và kết quả bình xét hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, trợ cấp xã hội, xây dựng nhà tình thương, cấp thẻ bảo hiểm y tế; Đề án thành lập mới, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp tới cấp xã; Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức cấp xã, của cán bộ ấp, tổ nhân dân; Kết quả lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.; Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã mà chính quyền cấp xã đưa ra lấy ý kiến nhân dân theo quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã trực tiếp thu; Các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân do chính quyền cấp xã trực tiếp thực hiện; Những nội dung khác theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chính quyền cấp xã thấy cần thiết.
Như vậy, Nhà nước ta đã quy định rõ phải thực hiện công khai những nội dung thực sự cần thiết và ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, nhằm phát huy dân chủ, thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhìn chung, Hội Nông dân các cấp có vai trò to lớn trong xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền để triển khai kịp thời. Các cấp Hội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, hội viên nông dân để nắm bắt và hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của hoạt động này. Tinh thần của nhân dân trong giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được phát huy, tập hợp nhiều ý kiến tâm huyết và kiến nghị các cấp có giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình của địa phương để thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay cũng là thúc đẩy thực hiện pháp luật về trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp.
Đinh Thị Tường Vi - Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 27 - 20
Tin tức liên quan
- Quyết tâm loại bỏ cán bộ tha hóa, biến chất, bội ước với Đảng, với Nhân dân (03:06 18/04/2023)
- Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong xét xử vụ án hành chính ở Việt Nam (08:58 07/03/2023)
- Quan điểm Hồ Chí Minh về văn hóa năm 1943-nhìn từ hôm nay (02:12 28/02/2023)
- Ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (04:16 03/02/2023)
- Ra mắt bộ sách thường thức chính trị (04:10 03/02/2023)