TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Văn hóa chuyển đổi để thích ứng đại dịch

00:16 24/09/2021
Logo header Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt xã hội, ngành văn hóa cũng buộc phải có những bước thay đổi để thích ứng.

Một tiết mục biểu diễn trong chương trình Những mùa thu lịch sử. (Ảnh: Cục Nghệ thuật biểu diễn)

Nghệ thuật biểu diễn là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch. Tại diễn đàn "Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, đại dịch Covid-19 đã vượt quá mức độ của một cuộc khủng hoảng truyền thống. Gần 2 năm qua, cuộc khủng hoảng này đã gây ra biết bao khó khăn, thách thức cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật vốn là lĩnh vực đặc thù. Nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ không thể cho ra mắt công chúng những tác phẩm nghệ thuật theo cách thức truyền thống. 

Những khó khăn này không chỉ phản ánh qua tình trạng đóng cửa, tạm dừng hoạt động của các thiết chế văn hóa như nhà hát, rạp, trung tâm văn hóa - nghệ thuật, không gian văn hóa công cộng... Đại dịch Covid-19 đã khiến mọi hoạt động nghệ thuật như các chương trình biểu diễn, liên hoan, sự kiện văn hóa - nghệ thuật… bị tạm dừng hoặc hủy bỏ chưa bao giờ hoạt động bình thường trở lại.

Nhiều chuyên gia, nhà sáng tạo hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên... bị cắt giảm lương/thù lao. Một lực lượng lớn nghệ sĩ, diễn viên phải duy trì cuộc sống với mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, thậm chí một lực lượng lao động trẻ, có năng lực chuyên môn phải nghỉ việc không hưởng lương… Tại nhiều nhà hát, thậm chí cả những nghệ sĩ, diễn viên đã có nhiều giải thưởng, đạt danh hiệu NSƯT cũng đã có lúc phải buông nghề để kiếm sống bằng những công việc khác cho qua đi những ngày khó khăn.

Ông Lê Minh Tuấn chia sẻ, những khó khăn trên đã tác động tiêu cực đến khả năng sáng tạo, khả năng duy trì chuyên môn, nghiệp vụ và tình yêu nghề, nhất là đối với lực lượng nghệ sĩ đang tham gia giữ gìn, bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống. 

Chương trình là lời tri ân sâu sắc gửi đến các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng. (Ảnh: THÙY DƯƠNG)

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian trầm lắng, ngành nghệ thuật biểu diễn đã có những thay đổi tích cực để phù hợp với tình hình. Nhiều nhà hát đã tổ chức các chương trình nghệ thuật trực tuyến như “Những ngôi sao bất tử” nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, "Những mùa thu lịch sử" kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 của Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, “Giai điệu Việt” của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam…

Đặc biệt, chuỗi chương trình nghệ thuật online “Kết nối yêu thương, vượt qua đại dịch” do Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo đã thu hút tới 12 đơn vị nghệ thuật trung ương. Chương trình được truyền hình trực tiếp tại các điểm cầu trên cả nước, đồng thời phát sóng trên các nền tảng công nghệ số, đã kịp thời truyền tải những thông điệp có ý nghĩa về mặt tinh thần của ngành văn hoá, thể thao và du lịch gửi đến lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân cả nước. Chương trình đã đem lại những cảm xúc tích cực, cổ vũ người dân cùng các lực lượng tuyến đầu quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung tay chiến thắng đại dịch. Chương trình cũng đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía khán giả.

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, để tiếp tục vượt qua những khó khăn trong đại dịch, Cục đã đề ra một số giải pháp, trong đó có đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong sáng tác, biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật, nhất là các đơn vị nghệ thuật truyền thống để có nhiều chương trình, tiết mục nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu giới thiệu đến khán giả trên các nền tảng trực tuyến như youtube và mạng xã hội nhằm quảng bá rộng rãi nghệ thuật truyền thống dân tộc. 

Ngoài ra, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng khuyến khích các đơn vị nghệ thuật chuyển đổi phương thức tiếp cận khán giả, nhất là khán giả trẻ. Tích cực huy động các nguồn lực xã hội tham gia tài trợ cho các dự án, chương trình nghệ thuật truyền thống, qua đó giúp cho các đơn vị nghệ thuật có điều kiện xây dựng các chương trình vở diễn có chất lượng nghệ thuật tốt phục vụ nhân dân. 

Ở lĩnh vực di sản văn hóa, các hoạt động tham quan trực tiếp tại các bảo tàng, di tích trong hai năm qua cũng rất trầm lắng. Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết, nhiều bảo tàng, di tích hoạt động theo cơ chế tự chủ không có nguồn thu. Một số bảo tàng được phép mở cửa gián đoạn, tuy nhiên số lượng khách giảm 85-90%. Khối bảo tàng ngoài công lập tại các tỉnh, thành phố phải thực hiện Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16 về cách ly xã hội đều phải đóng cửa, không đón khách tham quan. Đối với những bảo tàng ngoài công lập ở các tỉnh, thành phố không phải thực hiện giãn cách xã hội, cũng cơ bản đóng cửa vì không có khách du lịch. 

Trước tình hình đó, cũng như ngành nghệ thuật biểu diễn, công nghệ là một trong những giải pháp hữu hiệu đối với các thiết chế văn hóa của lĩnh vực di sản văn hóa. Bà Lê Thị Thu Hiền cho biết, tại nhiều bảo tàng, di tích, giải pháp ứng dụng công nghệ phát huy giá trị di sản đã được đồng loạt thực hiện. Đó là Bảo tàng Hồ Chí Minh với các trưng bày “Người đi tìm hình của nước”, “Những tấm gương bình dị mà cao quý”; “Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” với chương trình tham quan thực tế ảo 3D; Bảo tàng Lịch sử quốc gia với ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia...

Hình ảnh trong tour tham quan ảo tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Những giải pháp của ngành di sản văn hóa trong thời gian tới, theo bà Lê Thị Thu Hiền, là tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp nhằm tăng cường hoạt động trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa trên hình thức trực tuyến và hoạt động quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường hoạt động giáo dục trải nghiệm, miễn phí tham quan... Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác chuyển đổi số, số hóa thông tin tư liệu về hiện vật, nội dung trưng bày của bảo tàng, di tích làm cơ sở triển khai các hoạt động trưng bày, giới thiệu, giáo dục, truyền thông trên không gian số trong thời gian tới.  

Nói về những tác động của dịch bệnh trong hai năm qua đối với toàn ngành văn hóa, Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều lĩnh vực chịu "tổn thương" sâu sắc. Có thời điểm, toàn ngành phải đối mặt với “4 không”:  Không tổ chức chương trình nghệ thuật; Không có các sự kiện thể thao lớn; Không có thị trường du lịch và du lịch quốc tế; Không có các hoạt động nghệ thuật tầm quy mô.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, giữa những khó khăn, toàn ngành cùng nhau nhìn lại, tiếp cận theo hướng tích cực, quyết liệt hơn để tháo gỡ trong thời gian tới. Theo đó, với quyết tâm cao độ, toàn ngành đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cho năm 2021 và 5 năm tới với chất lượng, tính khả thi cao. Trong đó, việc chuyển hướng trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao cũng góp phần cùng Đảng, Nhà nước trong phòng chống dịch bệnh. Các chương trình nghệ thuật online, nhà hát truyền hình không chỉ giúp thỏa mãn đam mê của các nghệ sĩ mà còn như một liều “vaccine tinh thần”, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân vượt qua đại dịch. Bộ trưởng cũng yêu cầu, hãy tiếp tục nhân lên những liều "vaccine tinh thần" để tạo động lực vượt qua thử thách.

TUYẾT LOAN
(Theo báo nhandan.com.vn)
Bình luận: 0