TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Việt Nam cần đẩy mạnh lợi thế về năng lượng tái tạo (kỳ 2)

17:15 23/06/2022
Logo header Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, nhất là tài chính, công nghệ, trình độ quản trị, đào tạo nhân lực…, phục vụ phục hồi phát triển kinh tế cũng như là thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và chống biến đổi khí hậu là định hướng chiến lược phát triển của nước ta ở giai đoạn này. Để thực hiện các mục tiêu đó chiến lược năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Kỳ 2: Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp lý

1. Chủ trương, đường lối phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam

Giai đoạn 2020 – 2050, ngành năng lượng Việt Nam sẽ có những thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc, phù hợp với các cam kết về môi trường mà chúng ta đã tham gia, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững hài hoà giữa lợi ích kinh tế - lợi ích xã hội – lợi ích môi trường. Theo đó chúng ta sẽ chuyển từ việc phụ thuộc phần lớn vào nhiên liệu hóa thạch sang đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo và điện khí hóa rộng rãi trong khi tăng tính linh hoạt của hệ thống. 

Từ phương án phát triển năng lượng đó những thay đổi cụ thể sẽ là: Điện sạch sẽ là nguồn năng lượng chính, kết hợp với công nghệ số giúp tận dụng tối đa lượng điện năng lượng tái tạo (NLTT) chi phí thấp ngày càng tăng; Gia tăng nhanh việc sử dụng điện và sản xuất điện từ NLTT bằng cách phối hợp triển khai và sử dụng chúng trong các lĩnh vực quan trọng như Điện, giao thông, công nghiệp và các tòa nhà. Và để thực hiện từng bước lộ trình thúc đẩy sản xuất, sử dụng điện NLTT, chúng ta đã có những chương trình, hoạt động cụ thể nhằm đầu tư, phát triển sản xuất, khai thác NLTT; tăng cường khuyến khích sử dụng NLTT trong sinh hoạt, sản xuất; khuyến khích.

Phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hay Quyết định số: 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó Nghị quyết 55 nêu ra nhiều điểm mới về chủ trương, chính sách phát triển năng lượng quốc gia, trong đó xác định: Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Đồng thời cũng đặt ra những nhiệm vụ cụ thể như xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch, ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện, hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế, xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện chiến lược biển Việt Nam. Về cơ chế đầu tư cho phát triển NLTT, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để tư nhân tham gia vào đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước; phát triển các dự án  phát điện và các hoạt động bán buôn, bán lẻ theo cơ chế thị trường; khuyến khích các dự án đầu tư năng lượng theo hình thức đối tác công tư; thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp năng lượng tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh.

Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định phát triển năng lượng tái tạo dựa trên việc huy động mọi nguồn lực trong xã hội; từng bước đẩy mạnh sử dụng và sản xuất NLTT giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chiến lược phát triển được chia thành các giai đoạn nhỏ (2015- 2030; 2030 – 2050), phát triển theo các lĩnh vực (thuỷ điện, năng lượng sinh khối, điện gió, năng lượng mặt trời. Chiến lược đã cụ thể hoá các giải pháp thực hiện trong đó nhấn mạnh cần Tăng cường quản lý nhà nước trong phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo;  Điều tra tài nguyên nguồn năng lượng tái tạo; Lập quy hoạch và kế hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo; Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia; Các giải pháp nâng cao tỷ lệ phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; Hỗ trợ tài chính cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực:Giải pháp hỗ trợ hình thành thị trường và công nghệ năng lượng tái tạo; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

2. Cần hoàn thiện chính sách pháp luật về năng lượng tái tạo

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng hoàn thiện Luật pháp về NLTT làm cơ sở phát lý, tiền đề thực hiện các hoạt động xây dựng và phát triển NLTT.  Quốc gia đầu tiên xây dựng chiến lược nền kinh tế “năng lượng xanh”. Năm 2000, Đức ban hành Luật NLTT, đồng thời trong quá trình thực hiện luật cũng thường xuyên được điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp với thị trường và thực tế phát triển công nghệ mới. Hiện nay Đức đang là quốc gia phát triển mạnh năng lượng gió nguyên nhân là cơ chế pháp lý đã tạo nhiều thuận lợi cho ngành này phát triển. Trong đó Luật NLTT quy định cụ thể mức giá ưu đãi đối với mỗi kWh điện gió. Hay Luật Xây dựng của Đức cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển nguồn năng lượng này, thậm chí, các nhà máy năng lượng gió được xếp vào danh mục “các dự án đặc quyền” với cơ chế ưu tiên cụ thể. Các quy định của các Luật trên cùng với mức giá ưu đãi về giá điện gió Chính phủ Đức thực hiện từ năm 1991, đã tác động tích cực tới sự phát triển năng lượng gió của nước này.

Ấn Độ cũng là một trong những nước dẫn đầu thế giới về công suất điện gió, với chính sách đa dạng hóa nguồn năng lượng vào năm 1980. Năm 2000, sản lượng điện gió của Ấn Độ mới chỉ đạt 1.220 MW, tuy nhiên chỉ sau 5 năm con số này đã tăng lên 3 lần đạt với tổng công suất 1.112 MW, đưa Ấn Độ vươn lên hàng thứ năm trên thế giới về công suất, sau CHLB Đức, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ. Nguyên nhân dẫn đến sự thành công của chiến lược phát triển năng lượng điện gió của Ấn Độ bắt nguồn từ định hướng phát triển rõ ràng, các kết quả nghiên cứu kỹ thuật chi tiết cùng với chính sách khuyến khích, thu hút tư nhân tham gia vào thị trường điện gió. Hiện 97% là doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư vào sản xuất các thiết bị phát điện và phục vụ xuất khẩu. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi chính sách pháp lý phù hợp để thúc đẩy ngành NLTT phát triển cũng như đảm bảo đầu tư của khu vực tư nhân không đi ngược lại lợi ích của xã hội.

Trung Quốc cũng là một trong những nước tiên phong trong việc phát triển NLTT. Ngay từ năm 2006, Trung Quốc đã ban hành Luật Năng lượng tái tạo, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch. Kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2011-2015) và lần thứ XIII (2016-2020) của Trung quốc đã chỉ ra phải ưu tiên phát triển năng lượng xanh và bảo vệ môi trường, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon và thay đổi cấu trúc thị trường than. Để thực hiện đẩy nhanh phát triển NLTT Trung Quốc đã huỷ bỏ các kế hoạch triển khai các nhà máy nhiệt điện chạy than; tiến hành điều chỉnh giá điện từ các nguồn NLTT; kích thích thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước cho phát triển NLTT. Nhờ có những chiến lược phát triển bài bản, sự hoàn thiên trong hệ thống pháp lý đến năm 2015, công suất điện gió ở Trung Quốc là  33 GW cho Trung Quốc, gấp 3 lần công suất năng lượng sạch tại Pháp và dự kiến tới năm 2020,  Trung Quốc tăng công suất điện gió lên 210 GW, tương đương với tổng công suất điện gió của cả thế giới.

Một quốc gia Châu Á khác cũng đặc biệt quan tâm tới NLTT đó là Nhật Bản. Để thúc đẩy điện mặt trời phát triển, tháng 8/2011, Nhật Bản đã ban hành Luật Trợ giá (FiT) mua năng lượng tái tạo, khuyến khích người dân tự sản xuất điện mặt trời tại nhà và từ đó xây dựng các trung tâm điện mặt trời lớn và tập trung. Luật FiT cho phép hỗ trợ giá điện sản xuất từ năng lượng mặt trời khi các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư.

Từ thực tiễn các nước phát triển mạnh về NLTT cho thấy để thúc đẩy ngành này, cần có một cơ chế pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều cơ sở để các doanh nghiệp, cá nhân tham gia sâu hơn vào đầu tư, phát triển; có căn cứ để phát triển bền vững, hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao mà không khai thác, tận diệt tài nguyên thiên nhiên. Việc xây dựng pháp luật về NLTT tại Việt Nam bên cạnh việc tham khảo pháp luật các nước khác cũng cần dựa trên tình hình, điều kiện thực tiễn của nước ta. Tuy nhiên việc ban hành chính sách pháp luật về NLTT cần phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản như: Nguyên tắc Nhà nước ghi nhận và bảo vệ quyền con người được sống trong một môi trường trong lành; Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; Nguyên tắc người hưởng thụ phải trả tiền; Nguyên tắc phát triển bền vững; Nguyên tắc kích thích lợi ích kinh tế;…

Đồng thời việc hoàn thiện pháp luật liên quan đến NLTT trước hết cần hoàn thiện các quy định về khuyến khích phát triển NLTT trong đó cụ thể là cơ chế về giá bán, phí,  cơ chế đầu tư nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay. Cần có các quy định cụ thể về phân ngành năng lượng như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, thuỷ điện…

Một số đề xuất xây dựng Luật NLTT như:

Mục đích xây dựng Luật NLTT: Khuyến khích đầu tư, phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; cần tập trung giải quyết các vấn đề bất cập phát sinh không thống nhất, không cần thiết giữa các văn bản pháp luật, cũng như bổ sung hướng dẫn những cơ chế mới.

Các quy định về cấp phép đầu tư cho các dự án phát triển NLTT cũng như quá trình xây dựng, vận hành…cần được quy định chi tiết, cụ thể, đơn giản, phù hợp với các luật liên quan như luật đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng…

Các quy định về giá bán bên cạnh đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư cần đảm bảo chính sách về giá cũng cần gắn liền với các chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững để đảm bảo việc phát triển thị trường được bền vững và ổn định, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý và khoa học.

Nhằm thu hút đầu tư vào NLTT bên cạnh các cơ chế khuyến khích, cơ chế về giá cần có các cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư bởi NLTT phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên thiên nhiên cũng như thiên tai, thời tiết.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong NLTT, thực hiện hiệu quả và minh bạch các chính sách hỗ trợ tài chính; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, công nghệ cho thị trường; duy trì và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Xuân Linh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 161-5/2022

Bình luận: 0