TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Việt Nam lần đầu tiên bước vào nhóm nước có chỉ số tự do kinh tế vừa phải

17:29 11/03/2021
Logo header Tăng 2,9 điểm và thăng 15 bậc so với năm 2020, Việt Nam đã lần đầu tiên lọt nhóm nền kinh tế có Chỉ số Tự do kinh tế ở mức trung bình, trở thành nền kinh tế tự do đứng thứ 90 trong bảng xếp hạng 178 nền kinh tế năm nay.

Tự do kinh tế có thể hiểu là quyền cơ bản của mỗi con người để kiểm soát sức lao động và tài sản của chính mình. Trong một xã hội tự do về kinh tế, các cá nhân tự do làm việc, sản xuất, tiêu dùng và đầu tư theo cách mà họ muốn. Trong các xã hội tự do về kinh tế, các chính phủ cho phép lao động, vốn và hàng hóa tự do lưu thông và không có sự chèn ép hay giới hạn tự do ngoại trừ những giới hạn tối thiểu cần thiết để họ bảo vệ và duy trì sự tự do đó. Chỉ số tự do kinh tế được tính dựa trên 12 thành phần tự do kinh tế, chia thành 4 nhóm là Nền pháp quyền, Quy mô Chính phủ, Hiệu quả Điều tiết, Thị trường Tự do. Mỗi chỉ số tự do được đo theo thang điểm 100 (từ 0 - 100 điểm), với 0 là ít tự do nhất và 100 là tự do nhất. Điểm số 100 là báo hiệu của một môi trường tự do hay các chính sách có lợi nhất để dẫn đến tự do kinh tế. Trên thế giới hiện nay có hai bộ chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường là Index of Economic Freedom và Economic Freedom of the World do Viện Fraser Institute (Canada) xây dựng. Chỉ số tự do kinh tế (Index of Economic Freedom) được công bố hàng năm kể từ năm 1995 bởi The Heritage Foundation và The Wall Street Journal để đo lường mức độ tự do kinh tế. Thông qua chỉ số tự do kinh tế và bảng xếp hạng tự do kinh tế toàn cầu, chúng ta có thể thấy được những khu vực thịnh vượng nhất là những khu vực có chỉ số tự do kinh tế cao nhất.

Chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam thăng hạng.

Bảng xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021) do Quỹ Di sản (Heritage Foundation của Mỹ) công bố. Đây là một tổ chức được thành lập vào năm 1973 bởi Paul Weyrich, Edwin Feulner và Joseph Coors. Qũy là một trong những think-tank (viện nghiên cứu, tư vấn chính sách và chiến lược) hàng đầu, không chỉ của nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Quỹ Di Sản thường xuyên có tên trong những danh sách các viện nghiên cứu, tư vấn chính sách - chiến lược có ảnh hưởng nhất thế giới. Bảng xếp hạng “Global Go To Think Tank Index Report 2016” đã đặt Quỹ ở vị trí thứ 12 trong “Những think-tank hàng đầu thế giới” và thứ 7 trong “Những think-tank  hàng đầu nước Mỹ”. Ở một số hạng mục khác của bảng xếp hạng như “Quốc phòng và an ninh quốc gia”, “Chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế” hay “Chính sách kinh tế quốc tế”… Quỹ Di sản đều đứng trong 50 thứ hạng cao nhất của toàn thế giới.

Bảng xếp hạng được công bố năm nay cho thấy lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có “tự do trung bình” (Moderately Free), tăng 2,9 điểm và hiện xếp ở vị trí thứ 90 (tăng 15 bậc so với năm 2020) trên 178 nền kinh tế trong danh sách. Từ nhóm được đánh giá là hầu như không tự do kinh tế đến nay đã lọt vào nhóm có nền kinh tế tự do trung bình. Ngoài ra, so với 40 nền kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 17. Tổng điểm của Việt Nam cũng cao hơn so với trung bình khu vực và thế giới. Theo đó, năm nay Singapore tiếp tục là nền kinh tế dẫn đầu thế giới về chỉ số tự do kinh tế với 89,7 điểm. Các nền kinh tế còn lại trong top 10 tự do nhất thế giới bao gồm New Zealand, Australia, Thụy Sỹ, Ireland, Đài Loan, Anh, Estonia, Canada và Đan Mạch. Tại Đông Nam Á, ngoài Singapore, Việt Nam còn xếp sau Malaysia (74,4 điểm), Thái Lan (69,7 điểm), Indonesia (66,9 điểm), Brunei (66,6), Philippines (64,1 điểm).

Nguyên nhân chỉ số này của nền kinh tế Việt Nam thăng hạng là do tình hình tài chính trong nước được cải thiện. Cũng theo các chuyên gia nhận định: Năm nay, nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên bước vào nhóm tự do vừa phải. Xếp hạng của nó có thể tăng hơn nữa nếu chính phủ có hành động bổ sung để tự do hóa các quy tắc đầu tư và lĩnh vực tài chính. Trở ngại lớn nhất đối với sự tự do kinh tế lớn hơn ở Việt Nam vẫn là chế độ pháp quyền yếu kém, cùng với đó, tác động của  đại dịch Covid -19 và tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ giảm xuống 1,6% trong năm. Theo Heritage Foundation, hiện tại Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc như việc bảo vệ quyền sở hữu vẫn đang phát triển và việc thực thi chưa đồng đều; quyền sử dụng đất vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Ngoài ra, thuế suất thuế thu nhập cá nhân cao nhất là 35 phần trăm và thuế suất thuế doanh nghiệp cao nhất là 20 phần trăm. Các loại thuế khác bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế tài sản. Tổng gánh nặng thuế tương đương 18,5% tổng thu nhập trong nước. Chi tiêu của chính phủ đã lên tới 21,6% tổng sản lượng (GDP) trong ba năm qua, và thâm hụt ngân sách trung bình là 2,9% GDP. Nợ công tương đương 42,9% GDP. Thế nhưng ngược lại, Việt Nam lại có một thị trường mở với 13 Hiệp định thương mại ưu đãi có hiệu lực. Thuế suất bình quân gia quyền thương mại là 5,5%, và 83 biện pháp phi thuế quan đang có hiệu lực. Khung đầu tư tổng thể tiếp tục được cải thiện và một số sửa đổi liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được thông qua. Có giới hạn sở hữu trong các lĩnh vực khác nhau. Nhà nước vẫn tham gia vào lĩnh vực tài chính và chỉ khoảng 30% người Việt Nam trưởng thành sử dụng các dịch vụ ngân hàng chính thức. Cùng với đó, Bộ luật Lao động mới 2019 của Việt Nam đã bổ sung tính linh hoạt cho hợp đồng lao động. Chính phủ tài trợ nhiều loại trợ cấp và quản lý giá nhiên liệu, năng lượng và nước, thực phẩm, tài nguyên thiên nhiên và dược phẩm.

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 52 - 21

Bình luận: 0