TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Võ An Ninh (1907 - 2009) - Nghệ sĩ nhiếp ảnh sống qua hai thế kỷ

17:44 13/05/2021
Logo header Lão nghệ sĩ Võ An Ninh sinh ra trên đất Hà Thành vào năm Đinh Mùi (1907), mất ngày 4 tháng 6 năm 2009, lúc ông 103 tuổi. Quê ông thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, quê của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ông nội của Võ An Ninh là cụ Vũ Trạch Phù, cũng là một danh y cùng thời với Hải Thượng. Võ An Ninh là con cả trong một gia đình có ba người con của ông Vũ An Toàn, một viên chức nghèo của sở Công chính Hà Nội. Người em thứ 3 của ông là Đại tá bác sỹ quân y Vũ An Dậu ở viện 103, nay đã nghỉ hưu.

Võ An Ninh học hết đệ nhị Trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An), là bạn đồng môn với bác sĩ Trần Duy Hưng (cố Chủ tịch UBND TP. Hà Nội). Thời trai trẻ ông rất ham mê bóng đá và chính ông là một cầu thủ thực thụ của trường. Trong cuộc biểu tình để tang nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, ông là người đứng đầu một nhóm. Trên mũ mỗi học sinh đều quấn băng tang, nhưng tên đốc học Pháp Lomberg cho tập hợp học sinh lại, rồi dùng gậy hất hết mũ của học sinh từ người này đến người khác. Toàn thể học sinh trường Bưởi nhất tề bãi khoá. Võ An Ninh bị đuổi học, lúc này ông vừa mới bước vào tuổi 16. Để kiếm việc làm, sinh sống, ông cùng một người bạn xuống Hải Phòng, xin vào làm nghề vệ sinh cọ sàn tàu thuỷ, với hi vọng đi đó đi đây. Thấy ông nhỏ con, chủ tàu từ chối. Ông đành quay về Hà Nội, tiếp tục vào học trường tư thục. Dần dà ông thi để vào làm nhân viên thư ký của Viện Khảo cứu Nông Lâm Đông Dương năm 1935.

Ngay từ lúc còn là học sinh tiểu học trường Hàng Vôi, mỗi lần từ nhà đến trường đều đi qua Hồ Gươm, ông cảm thấy cảnh hồ quá thơ mộng. Chính nơi đây đã để lại trong ký ức tuổi thơ ông bao kỷ niệm êm đẹp, là nơi ông cùng bạn bè đồng trang lứa, thường ném thia lia xuống mặt hồ, trèo cây bẻ hoa phượng, bắt ve sầu vào những ngày hè oi ả. Ông cảm thấy Hồ Gươm quá đỗi thân thương, gắn bó với ông như chính vườn cây ao cá của ông nội ông ở quê nhà. Ông còn nhớ như in, ngay cạnh đền Bà Kiệu, xưa kia có một cây gạo to, sau đó chim ăn, rơi hạt, một cây đa mọc lên, lớn nhanh như thổi, ôm chặt lấy cây gạo và chẳng bao lâu sau cây gạo chết còn cây đa vẫn tồn tại đến ngày nay.

Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp (1945)

Hồi còn nhỏ ngồi trên ghế trường Bưởi, Võ An Ninh tỏ ra có nhiều hứng thú với nghề ảnh. Nhưng do hoàn cảnh nghèo, không mua nổi máy ảnh, nên mỗi lần muốn chụp phải mượn máy các bạn con nhà giàu. Được tiếng là “chụp khá” cho nên anh em tin tưởng đưa máy cho mượn. Lại rất may mắn, cạnh nhà ông có một thanh niên chơi ảnh khá sành, đó là ông Nguyễn Văn Khải (bố của hoạ sĩ Nguyễn Thị Kim) nhiệt tình giúp đỡ, chỉ bảo. Đặc biệt mỗi lần ông Khải vác máy đi chụp đều cho cậu Ninh đi theo và bày vẽ cho cách thức chụp. Ban đầu ông cũng võ vẽ học hoạ, chữ viết khá đẹp, được người lớn khen, nhưng rồi nghề ảnh cuốn hút ông. Ông nhờ một người bạn mua cho chiếc máy ảnh Berthiot của Pháp, chụp phim kính 9x12cm, giá 9 đồng Đông Dương, trong lúc đó tiền lương của một nhân viên 32,5 đồng, một bữa cơm bình dân giá 5 xu, bữa cơm Tây 7 hào rưỡi, mà phim kính chụp giá 6 xu một miếng.

Máy đã có, có phim, tiền in tráng làm ảnh do bạn bè góp, ông là người chụp. Chủ yếu là chụp kỷ niệm để học tập. Mỗi lần đi chụp về đều đem khoe với “thầy” Khải. Được thầy động viên, nhẹ nhàng bảo ban chỉ ra những chỗ được, chỗ còn khiếm khuyết và cứ thế rút kinh nghiệm dần dần qua mỗi lần thất bại. Nhờ thế tay nghề mỗi ngày một vững vàng hơn, lòng ham mê ảnh ngày càng sâu nặng hơn. Ông tranh thủ mọi thời gian rỗi đi đây, đi đó chụp cho thoả chí. Có những ngày nghỉ đi chụp quên cả ăn.

NSNA, Nhà báo Võ An Ninh

Từ chỗ ban đầu chụp chơi, giúp bạn bè trong các cuộc du ngoạn, lại được sự khích lệ động viên hướng dẫn tận tâm từng kiểu phim chụp của “thầy” Khải đã làm tăng thêm quyết tâm đi vào nghề ảnh của ông.

Ngày ông vào làm việc ở Viện Khảo cứu Nông Lâm Đông Dương năm 1935, vì nhà nghèo, không đủ tiền mua trả một lúc, nên lĩnh lương tháng đầu tiên, ông để dành một ít, nhờ một người bạn làm việc ở cửa hàng Bách Hoá lớn (G.M.K) mua trả góp một chiếc máy ZeisIkon, loại máy tốt nhất thời bấy giờ của Đức giá 37,5 đồng Đông Dương (lúc đó một quả trứng gà chỉ chưa đến một xu) mà Võ An Ninh, một nhân viên thư ký tập sự dám bỏ ra một số tiền lớn như thế để mua một thứ “đồ chơi cao cấp”, quả là một người quá đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh.

Có máy tốt trong tay, ông càng hăng say chụp, ông tranh thủ ngày nghỉ, những giờ rảnh rỗi vác máy đi chụp. “Thầy” Khải vẫn là sư huynh tiếp tục giúp đỡ giảng giải không những chỉ về kỹ thuật, ông còn đi sâu hướng dẫn về bố cục đường nét, màu sắc và ánh sáng. Đặc biệt “thầy” còn nhấn mạnh nội dung bức ảnh. “Thầy” bảo rằng không có một tác phẩm văn chương, nghệ thuật nào mà không mang một nội dung nhất định. Một bức ảnh Vịnh Hạ Long đẹp mang đến cho con người tình yêu thiên nhiên đất nước... Ngày ấy ông có cơ hội ngao du với hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, hoạ sĩ đã giúp ông hiểu sâu hơn về bố cục đường nét. Nhờ thế ngay những ngày đầu tập tễnh bước vào con đường nghệ thuật nhiếp ảnh. Võ An Ninh đã gặt hái được một số kết quả khả quan.

Đẩy thuyền ra khơi

Phải nói rằng, lúc đầu, thấy gì thích là chụp, trong đầu chưa ham mê một loại hình nào. Chỉ biết chụp được một bức ảnh rõ nét là lấy làm thú vị.  Chụp xong phim là giao cửa hiệu tráng và làm ảnh. Nhiều bức ảnh ông cảm thấy đẹp nhưng không ưng ý. Bởi các màu sắc không đúng như ý ông. Có chỗ cần tông màu nhẹ thì thợ buồng tối cho sẫm lên. Ngược lại, chỗ cần tăng gam màu sẫm, thì cửa hiệu lại cho làm nhạt đi. Ông bực lắm. Nhưng không có cách nào để trao đổi với thợ buồng tối được. Để thoả mãn sự tò mò, sáng tạo của mình, ông “hạ quyết tâm” sẽ tự làm lấy mọi công việc kỹ thuật ảnh, từ khâu chụp, đến in tráng, phóng ảnh và tu sửa ảnh. Nhưng ông nghĩ “không thầy đố mày làm nên”, một mặt ông lại tìm đến nhờ “thầy” Khải chỉ vẽ thêm, mặt khác tìm đọc tài liệu về kỹ thuật ảnh, xuất bản ở Pháp đưa sang. Đồng thời mua một số trang bị buồng tối như máy phóng ảnh, hộp in ảnh, giấy, thuốc và chậu rửa ảnh... Rồi dựng nên một chiếc buồng tối con con tại gia. Bấy giờ vào khoảng 1937, tay nghề tuy có nhích lên một chút, nhưng số lượng phim hỏng không phải là ít. Phần lớn phim hỏng là do lộ sáng không chính xác, kiểu thì thiếu sáng, kiểu thì quá sáng, vì ngày ấy máy ảnh chưa có máy đo sáng kèm theo.

Ông nhớ lại, lúc ông còn chụp loại máy dùng phim kính, nhiều bức ảnh khuôn hình không theo ý muốn. Ngắm vật một nơi, ảnh lại chạy sang nơi khác, nhất là khi chụp cận cảnh, độ sai lệch càng lớn, có khi chụp chân dung, mất cả đầu hoặc chân tay... mà không tìm được nguyên nhân để khắc phục, sau này đọc tài liệu hướng dẫn và “thầy” Khải giảng mới biết là do sai số kính. Nhưng đến khi dùng máy chụp phim cuộn thì sai sót trên không còn nữa.

Có nhiều lần chụp ngược sáng, cùng một cảnh, máy ảnh cài trên chân, thời gian và độ mở ống kính không thay đổi, nhưng có khi chụp kiểu đầu được, kiểu sau lại quá sáng, hoặc bị mù (halo). Hiện tượng này vẫn lặp đi lặp lại nhiều lần. Võ An Ninh vắt óc suy nghĩ mãi. Cuối cùng ông nghiệm ra rằng, sở dĩ kiểu đúng sáng vì ánh sáng chiếu xuyên qua các kẽ lá, được lá che kín, còn chụp kiểu sau, đúng vào lúc gió thổi, lá bay, lá không che được ánh sáng, ánh sáng chiếu mạnh vào làm tăng độ phơi sáng, phim chụp bị già sáng hoặc bị halo do không có loa chắn sáng.

Nạn đói năm 1945

Vào thời gian này, ở Hà Nội có mở cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật, mang tiêu đề “ Khuyến khích nghệ thuật và thủ công”. Tardieu, một hoạ sĩ nổi tiếng của Pháp được mời tham dự. Cuộc triển lãm ảnh này có khá nhiều ảnh của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam, trong đó có Võ An Ninh được bày 4 bức. Tardieu xem ảnh của Võ An Ninh, nhận xét rằng ông là một người cầm máy có kỹ thuật và có tâm hồn, ảnh của ông thường rất mơ mộng. Trong 4 bức ảnh được trưng bày có bức “Mây thu”, chụp một người chăn hai con trâu ở đê sông Hồng, trên trời mây thu bay, được chấm giải ngoại hạng (Hors Concours). Đây là bức ảnh thành công đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt quyết định cuộc đời nghệ thuật sau này của Võ An Ninh.

Vốn có chút am hiểu về nghề vẽ, ông dự thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, một người bạn thân, chân thành khuyên ông: anh có năng khiếu về nhiếp ảnh, nên đi theo con đường nghệ thuật nhiếp ảnh sẽ đạt được nhiều kết quả lớn lao. Học hội hoạ chí ít 4,5 năm mới có khả năng hành nghề. Lời tiên đoán đó đã thành hiện thực. Tên tuổi Võ An Ninh ngày một xuất hiện nhiều trên văn đàn báo chí trong và ngoài nước.

Võ An Ninh tâm sự, ông tiến bộ như ngày nay trên lĩnh vực nhiếp ảnh, chính là nhờ bạn bè, nhất là các hoạ sĩ bảo ban nhiều, lại chịu khó học hỏi, không bao giờ giấu dốt. Ông tâm niệm mãi câu gần như là tuyên ngôn đối với ông, của “thầy” Khải rằng giấu dốt và lười là hai điều không thể chấp nhận được đối với người làm nghệ thuật.

Hôm khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật, Reteaud - Giám đốc Viện Khảo cứu Nông Lâm cũng đến dự, ông trầm ngâm ngắm nghía mãi bức ảnh “Mây thu” và khoe với bạn ông rằng đây là bức ảnh của một nhân viên trong Viện ông. Sáng hôm sau, Viên Giám đốc Viện mời Võ An Ninh lên văn phòng, sau cái bắt tay nhiệt liệt chúc mừng, Reteaud trao ngay cho ông bản quyết định chuyển Võ An Ninh từ nay trở đi chỉ chuyên làm công tác nhiếp ảnh cho Viện. Viên Giám đốc nói tiếp: “Viện cần rất nhiều ảnh trên nhiều lĩnh vực để nghiên cứu và in thành sách. Tôi mong rằng anh hãy cố gắng chụp được nhiều bức ảnh đẹp. Từ nay anh có thể tự do sử dụng vật tư cũng như thời gian để đi chụp càng nhiều càng tốt, miễn sao có nhiều ảnh đẹp có lợi không chỉ cho anh và cho cả Viện nữa”.

Và thế là ngày ngày Võ An Ninh tự do vác máy đi chụp khắp nơi không chỉ trong nước, ông còn sang tận Lào, Campuchia. Ông đã đặt chân lên cố đô Luongphabang, Thạt Luổng (Viên Chăn), Savanakhet... Ông cũng đã đến Angkor Thom, Ang kor Vat, Xiêm Riệp Campuchia. Mỗi lần Giám đốc Viện đi công tác ở đâu là kéo luôn Võ An Ninh đi theo. Ông được Reteaud quý trọng. Đây là khoảng thời gian mà Võ An Ninh được đi nhiều nhất, chụp nhiều nhất và cũng là thời gian đạt được nhiều thành tựu nhất. Ảnh của ông mang đậm bản sắc dân tộc. Đó là cảnh Sapa mờ sương, là Tre ngoại thành, Sương sớm trên biển Trà Cổ... hay Cô gái ngoại thành. Các nhà phê bình nghệ thuật khi xem ảnh của Võ An Ninh đã xúc động nhận xét: “Ảnh của ông mang cái hồn khát vọng thanh bình và lòng nhân ái, khoan dung truyền thống Việt Nam, trong đó Đất trời - Con  người, quyện vào nhau êm ả và thơ mộng”. Lòng tha thiết yêu thiên nhiên từ lá cây, ngọn cỏ, mây nước, biển trời đã thôi thúc ông, cứ đi, đi hoài không biết mệt mỏi, để ghi lại cho đời những gì đẹp nhất, thiêng liêng nhất mà ông hằng yêu quý.

Ông hồi tưởng lại một sự kiện đau buồn xảy ra đã mang đến cho ông nỗi khổ tàn tật. Đó là vào khoảng 2 giờ chiều một ngày mùa đông lạnh lẽo năm 1937, trên đường đi chụp về từ Bờ Hồ, chiếc xe môtô 105 phân khối của ông vừa đến ngã tư Bà Triệu và Gambetta (Trần Hưng Đạo ngày nay) thì bị ô tô của hãng Poinsard Veyred phóng nhanh đâm phải, đã bắn ông đi xa một quãng gần 20m, một bàn chân ông bị nát bét, còn chiếc môtô văng lên vỉa hè. Sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đó, ông được hãng xe bồi thường 6000 đồng Đông Dương. Sự kiện Võ An Ninh thắng kiện đã trở thành câu chuyện bàn tán của người dân Hà Thành bấy giờ. Bởi những vụ án như thế này (bên nguyên là người Việt, bên bị là người Pháp) thì toà án thực dân Pháp không bao giờ cho người Việt thắng kiện, dù họ đúng mười mươi. Nhưng tại toà, hôm xử án, luật sư bên nguyên đã đọc một bài đăng trên báo xuất bản ở Pháp giới thiệu trang trọng về Võ An Ninh, như một nghệ sĩ đã được giải thưởng ở Paris. Vì thế quan toà đã phải tuyên bố “trong cái rủi có cái may”, đây là trường hợp độc nhất vô nhị, vì Võ An Ninh là một nghệ sĩ tài ba. Ông đã thắng kiện. Dù chân đi lại rất khó khăn, với chiếc xe đạp, ông vẫn tiếp tục đi sáng tác, say mê như xưa. Năm 1938, ông lại được một giải ngoại hạng ở Paris với bức ảnh Thuyền ra khơi và bằng danh dự tại triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế Bồ Đào Nha với bức ảnh Chợ bán nồi đất. Cũng trong năm này, tại cuộc triển lãm ở Huế, ông được giải thưởng và được triều đình Huế tặng Nam Long bội tinh.

Năm 1945, Võ An Ninh làm ở Sở Nông Lâm Pháp. Ông được cử đi chụp ảnh người chết đói, để ghi lại tội ác của Nhật. Vào tháng 3 năm 1945, ông nghe nói dọc đường số 1 từ Hà Nội đến Thái Bình, người chết đói nằm la liệt khắp nơi. Ông không quản mệt nhọc, gian lao xách xe đạp và máy ảnh lên đường xuôi về Nam, khi còn cách Thái Bình 3 km, ông nhìn thấy một em bé chết đói ngồi tựa cột cây số, ông nảy ra trong đầu cần phải ghi hình ảnh này, bởi Thái Bình là tỉnh có nhiều người chết đói nhất cả nước, lại là nơi vựa lúa của đồng bằng sông Hồng. Và Võ An Ninh đã bấm máy thành công bức ảnh, gây bao xúc động cho hậu thế. Việc chụp ảnh cảnh chết đói không chỉ gian khổ, hôi hám mà còn nguy hiểm đến tính mạng. Vì không chỉ sợ bọn quân cảnh Nhật mà ngay cả người Việt Nam nhìn thấy cũng đòi đánh và đập máy, vì họ cho rằng chụp để bêu rếu. Họ đâu hiểu cho rằng đây là bằng chứng tội ác dã man tàn bạo của phát xít Nhật và thực dân Pháp gây cho nhân dân ta. Do đó phần lớn ảnh người chết đói phải chụp lén. Dọc đường đi Võ An Ninh gặp bao cảnh thương tâm, nhiều người da bọc xương rách nát, loã lồ, có những đứa trẻ mồm ngậm vú mẹ, nhưng người mẹ đã chết từ lúc nào, khô cứng. Ông đã chụp những bức ảnh ấy trong nước mắt.

Cách mạng tháng Tám thành công, Võ An Ninh là một trong số 6 nhà nhiếp ảnh Việt Nam đầu tiên được vào Phủ Chủ tịch chụp chân dung Bác Hồ. Ông cũng là một trong những người được vinh dự ghi lại khá nhiều các hoạt động của Hồ Chủ tịch trong những ngày đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Ông nhớ lại, chiều ngày 2/9/1945, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trên Lễ đài Ba Đình, người quá đông, ông không sao chen nổi, đứng xa thì không có ống kính têlê. Ông đành đứng dưới đợi cho đến khi tan cuộc mít tinh. Bác đi xuống lễ đài, vừa ngồi vào trong ô tô cùng ông Võ Nguyên Giáp, Võ An Ninh lễ phép thưa: “Xin cụ cho cháu chụp một kiểu vì trên kia đông quá”. Bác vừa nhìn vào Võ An Ninh, nhanh như cắt, không bỏ lỡ cơ hội, Võ An Ninh lập tức bấm máy. Song vẫn chưa thoả mãn. Võ An Ninh thưa tiếp: “Xin cụ chụp một kiểu không đội mũ”. Võ An Ninh vừa nói xong, ông Võ Nguyên Giáp bỏ mũ và ông nhanh chóng bấm máy. Và đây là bức ảnh chụp Bác Hồ trong ngày 2/9/1945, mà ông thích nhất.

Khi được tin Bác Hồ, sau khi dự hội nghị Fontainbleau Pháp về nước qua cảng Hải Phòng, Võ An Ninh lên đường xuống Hải Phòng đón sự kiện này từ hôm trước. Ông đã ghi lại được một phóng sự ảnh đặc sắc, sôi động cảnh nhân dân nô nức đón chào Bác suốt dọc đoạn đường từ chân cầu thang bến cảng Hải Phòng về đến Hà Nội qua thị xã Hải Dương. Phóng sự ảnh quý giá này đã được đăng tải trên các báo ở Hà Nội và Sài Gòn lúc bấy giờ, được bạn đọc trong cả nước đón nhận nồng nhiệt.

Vào một ngày tháng 5 năm 1950, từ tinh mơ Võ An Ninh đã bám theo đoàn biểu tình chống Mỹ can thiệp vào Việt Nam của nhân dân, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định để chụp ảnh. Ông đã ghi lại được cảnh hai chiến hạm Mỹ bỏ neo ở sông Sài Gòn trước đó, đã vội vàng nhổ neo chạy  biến ra khơi trước sự phản đối, chống Mỹ quyết liệt của nhân dân Sài Gòn anh dũng. Ông cũng chụp được giờ phút lịch sử khi Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang nói chuyện với hàng vạn học sinh, sinh viên. Và rất may, Võ An Ninh không bị cảnh sát lột máy. Sau ngày hôm đó, ảnh của ông được các báo ở Sài Gòn, Hà Nội đăng tải.

Năm 1954, Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Võ An Ninh vào làm việc ở Xưởng phim Đèn chiếu, một công cụ đắc lực được dùng trong giáo dục và khoa học, đặc biệt phục vụ tốt ở nông thôn, miền núi. Mặc dù việc đi lại khó khăn, với chiếc xe đạp cà tàng, ông đã đi chụp khắp đó đây trên miền Bắc, từ chòm Lũng Cú trên cao nguyên Đồng Văn đến tận vĩ tuyến 17, đến cầu Hiền Lương chia đôi đất nước, từ núi rừng Tây Bắc - Điện Biên lịch sử đến các hải đảo xa xôi Cô Tô, Bạch Long Vĩ, với ý thức trách nhiệm của một nhà báo, một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Không quản gian khổ, hy sinh ông đã ghi lại vô số hình ảnh sinh động về đất nước, con người Việt Nam, phản ảnh đậm công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Những bộ phim đèn chiếu của ông tham gia như Nước về Bắc Hưng Hải, Vĩnh Linh đất thép, Quê mẹ Bảo Ninh... đã để lại trong lòng người xem những ấn tượng khó phai mờ. Nhưng có lẽ cái làm cho  mọi người luôn  nhớ đến ông là những bức ảnh ghi lại những mốc lịch sử quang vinh của đất nước và cách mạng. Năm 1965, ông được tặng bằng khen tại Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế Bifota - Berlin (CHDC Đức) với tác phẩm Đôi nét thuỷ mạc Sapa. Năm 1983, ông được Hội Nhiếp ảnh CHDC Đức (cũ) mời sang thăm và sáng tác. Ông được các đồng nghiệp Đức đón tiếp nồng hậu.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối, mặc dù tuổi đã cao, ông đã được nghỉ hưu, nhưng ông lập tức lên đường, ông phấn khởi vì ông được trở lại những nơi mà trước đây đã nhiều lần ông đặt chân tới. Ông đã đến Huế, qua Đà Nẵng, Hội An rồi vượt Quãng Ngãi, ông đến Quy Nhơn, Nha Trang, ông cũng không quên ngược lên Buôn Ma Thuột, Gia Lai- Kontum. Ông đến Sài Gòn, qua Mỹ Tho, qua Cần Thơ và về vùng đất mũi Cà Mau... Đâu đâu, ông cũng chụp, cũng ghi chép không biết mệt mỏi. Lòng ông trào lên bao xúc động, bởi sau ¼ thế kỷ, nay ông mới được vinh dự là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh miền Bắc đầu tiên được gặp lại cảnh cũ, người xưa, mà nhiều người trong số họ còn nhớ một Võ An Ninh đi “tập tễnh” yêu người, yêu nghề. Mặc dầu đất nước đã trải qua bao bể dâu nhưng con người, cảnh vật rất đỗi thân thương vẫn còn một Việt Nam thống nhất trọn vẹn. Năm 1975, Võ An Ninh được tặng danh hiệu người công dân thành phố Hồ Chí Minh và là người công dân số 1 của đất mỏ Quảng Ninh.

Năm 1984, ông vinh dự được Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng huân chương Lao động hạng Hai về thành tích cống hiến cho sự nghiệp nhiếp ảnh. Tiếp sau đó, được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đề nghị, ông lại được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Đặc biệt, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật ngay từ đợt đầu tiên, năm 1996, kèm theo ngân phiếu 25 triệu đồng và Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tặng ông thêm 5 triệu đồng nữa để vui tuổi già, phòng khi trở trời, hơi gió.

Vào tuổi 100 ông vẫn còn minh mẫn. Tại Đại hội Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam lần thứ V, khai mạc tại Hà Nội vào cuối năm 1994, ông đã từ thành phố Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội dự. Đại hội rất xúc động, không chỉ được gặp ông mà còn được nghe ông bộc bạch tâm sự. Ông nói mắt ông vẫn sáng, để viết chú thích cho các bức ảnh chuẩn bị ra tập ảnh Võ An Ninh lần thứ 2. Ông ăn ngủ bình thường, đi lại vẫn còn khoẻ mạnh, nhưng không thể vác máy đi chụp như xưa. Lưng ông vẫn thẳng, tai ông nghe vẫn còn rõ. Bí quyết của sự mạnh khoẻ, sống lâu của ông - như ông nói: Chính là do ông có điều độ, không làm gì thái quá, phải xa lánh tửu sắc “chỉ xuân thu nhị kỳ” mà thôi, nên tránh mọi sự hận thù, thủ đoạn, sống vui vẻ, lạc quan, niềm vui là chén thuốc bổ màu nhiệm, chớ gây ồn ào, căng thẳng thần kinh, không có lợi cho huyết áp.

Võ An Ninh sống có nhân, có hậu, ông không chỉ sống cho ông, ông sống vì bạn bè, đồng nghiệp, vì công việc chung. Do vậy, ông được mọi người từ cụ già đến trẻ thơ yêu mến, xã hội quý trọng. Chính vì lẽ đó năm 1988, Thông tấn xã Việt Nam đã bỏ ra một số tiền khá lớn xuất bản cho ông cuốn sách ảnh rất trang trọng. Có thể nói Võ An Ninh là một công dân, một nghệ sĩ luôn tận trung với nghề nghiệp. Những gì ông có được hôm nay chính là con tim cùng nhịp đập với đất nước và dân tộc.

Trần Mạnh Thường

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 61 -21

Bình luận: 0