TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Xã Tiên Phương (Chương Mỹ - Hà Nội): Xung quanh việc cưỡng chế trại gà gia đình ông Vũ Huy Cường

14:27 06/05/2020
Logo header Không đồng ý với cách giải quyết của chính quyền địa phương, vợ chồng ông bà Vũ Huy Cường, Nguyễn Thị Tâm, công dân sinh sống tại Đội 7, thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội tiếp tục gửi đề nghị làm rõ về việc Chủ tịch UBND xã Tiên Phương đã có dấu hiệu cố tình tẩu tán tài sản không thuộc diện cưỡng chế của gia đình bà liên quan đến việc UBND xã này đã tổ chức cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính về sử dụng đất đối với ông bà Cường, Tâm trước đó.

Đàn gà đẻ trứng của hộ gia đình ông Cường, bà Tâm

Trong đơn, bà Tâm (vợ ông Cường) cho rằng ngay sau khi sự việc xảy ra, bà đã có Đơn tố cáo toàn bộ sự việc gửi đến UBND huyện Chương Mỹ. Tuy nhiên UBND huyện đã không xem xét đến sự việc được tố cáo để làm rõ và giải quyết, mà chỉ đưa ra những vấn đề để cáo buộc vi phạm đối với gia đình bà. Như vậy là không công tâm. Bà Tâm cho biết: “Sẽ tiếp tục tố cáo hành vi cố tình tẩu tán tài sản không thuộc diện bị cưỡng chế của gia đình bà đối với ông Tống Văn Thái - Chủ tịch UBND xã Tiên Phương nếu như UBND huyện Chương Mỹ không xem xét, giải quyết minh bạch”.

Liệu Chủ tịch UBND xã Tiên Phương có vi phạm quy định về Tổ chức thi hành cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với người dân?

Từ những thông tin mà phóng viên thu thập được trong quá trình tác nghiệp tại địa phương cũng như tiếp xúc, trao đổi với người có Đơn trình bày, nhận thấy: tại các Biên bản làm việc ngày 19 và 23/10/2019(tức là trước 01 ngày khu đất trang trại chăn nuôi gà đẻ của ông bà Cường, Tâm bị UBND xã xử lý cưỡng chế), có sự tham gia của lực lượng cán bộ, công chức và chính quyền xã Tiên Phương về nội dung liên quan đến việc cưỡng chế công trình xây dựng, di chuyển vật nuôi ra khỏi khu vực đất vi phạm. Nội dung các biên bản, bà Tâm đều nêu lên quan điểm của gia đình là: “Hộ gia đình bà Tâm đã nhận thầu khoán khu đất tại xã Tiên Phương để chăn nuôi gà đẻ trong suốt hơn chục năm qua. Do UBND xã Tiên Phương những thời kỳ trước có giải thích với hộ gia đình ông bà là sẽ ký hợp đồng cho thuê đất ngắn hạn, nên cứ hết thời hạn sẽ tiến hành thanh lý và tiếp tục ký hợp đồng cho thuê mới. Chính vì vậy mà gia đình cứ thế làm theo cho đến năm 2012 thì sau khi thanh lý hợp đồng thuê đất xong, chúng tôi không được tiếp tục ký hợp đồng thuê đất mới nữa, lý do là vì đất này được chia cho các hộ trong diện dồn điền đổi thửa. Do đã đầu tư nhiều vật nuôi vào khu đất thuê cho nên chúng tôi đã kiến nghị với chính quyền cho chúng tôi được phép tiếp tục thuê đất. Vì không được chính quyền sở tại xem xét đến những bất cập cũng như khó khăn của hộ gia đình tôi khi không được tiếp tục thuê đất cho nên tôi đã có Đơn kiến nghị gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị xem xét và giải quyết. Trong khi chờ kết quả giải quyết theo Quyết định số 4784 của UBND thành phố Hà Nội ngày 10/09/2018 thì UBND xã Tiên Phương đã tổ chức cưỡng chế khu đất, trong đó có rất nhiều tài sản của gia đình chúng tôi. Việc cưỡng chế được tổ chức thực hiện vào ngày 24/10/2019, nhưng các tài sản trên đất (không thuộc diện bị cưỡng chế) lại không được lực lượng cưỡng chế thống kê, bảo quản gây thiệt hại nghiêm trọng về tinh thần và vật chất của gia đình, trong khi gia đình thì luôn tuân thủ pháp luật và không có hành vi cản trở việc thực thi pháp luật của chính quyền địa phương”. Với ý kiến được ghi nhận rõ ràng như vậy nhưng không biết vì sao mà khi lực lượng tổ chức cưỡng chế thi hành công vụ lại không cùng phối hợp với gia đình bà Tâm trong việc thống kê tài sản không thuộc diện bị cưỡng chế của gia đình, khiến gia đình bà Tâm cho rằng số lượng tài sản của gia đình bà có dấu hiệu bị lực lượng tổ chức cưỡng chế tẩu tán, gây thiệt hại nghiêm trọng. Thậm chí ngay trong khi diễn ra việc cưỡng chế vào ngày 24/10/2019, bà Tâm yêu cầu được thống kê tài sản tại hiện trường nhưng cũng không được chấp nhận, cho nên bà đã đến trụ sở tiếp công dân của xã để phản ánh. Phản ánh này của bà cũng được ghi nhận tại Biên bản làm việc lúc 10h00 ngày 24/10/2019, do ông Tống Bá Lương - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phương, Tổ trưởng Tổ tiếp nhận đơn thư tiếp nhận, nhưng vẫn không được giải quyết. Từ việc làm, ghi nhận và lĩnh hội nguyện vọng của công dân xong chính quyền không thực hiện đúng với những nội dung làm việc khiến dư luận và chính gia đình bà Tâm cho rằng ông Chủ tịch UBND xã Tiên Phương đang lạm dụng chức quyền để áp chế người dân và cố tình làm sai quy định của pháp luật. (?)

Có căn cứ thể hiện dấu hiệu lạm quyền và xâm phạm tài sản công dân của Chủ tịch UBND xã Tiên Phương thì sẽ xử lý ra sao?

Căn cứ theo những văn bản mà phóng viên có được thì ngày 24/10/2019, UBND xã Tiên Phương cũng đã tiến hành lập một Biên bản thống kê tài sản trong ngày đầu tiến hành cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính về đất đối với hộ gia đình ông Cường. Trong Biên bản thống kê này có ông Tống Văn Thái - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đứng đầu cùng sự tham gia của rất nhiều thành phần thuộc lực lượng tổ chức cưỡng chế, duy chỉ có chủ tài sản là ông Cường, bà Tâm thì lại không hề được tham dự mặc dù trước và ngay khi tổ chức cưỡng chế họ luôn yêu cầu được có mặt. Các tài sản được thống kê trong biên bản, ngoài các vật dụng, thức ăn dùng để chăn nuôi ra thì số lượng gà đẻ chiếm phần lớn tổng giá trị tài sản. Tuy nhiên, tài sản vật nuôi này lại chỉ được thống kê rất chung chung, thiếu cụ thể về số lượng, trọng lượng và cả tình trạng vật nuôi. Cụ thể như trong phần thống kê tài sản tại trang 4 của Biên bản có ghi: “Tổng số gà ở trại thứ nhất đã được lực lượng cưỡng chế di chuyển toàn bộ sang trại nhà bà Nguyễn Thị Bảy gồm 5.670 con gà, di chuyển bằng 06 đợt: Đợt 1 có 98 lồng, mỗi lồng 10 con, tổng cộng 980 con; Đợt 2 có 93 lồng, mỗi lồng 10 con, tổng cộng 930 con; …; Tổng số gà ở trại thứ hai đã được lực lượng cưỡng chế di chuyển toàn bộ sang nhà bà Nguyễn Thị Bảy vào ngày 25/10/2019 gồm 4.537 con gà đẻ, di chuyển bằng 05 lần… Như vậy, tổng số gà của 02 trại trước khi chuyển đi là 10.207 con gà đẻ trong tình trạng còn sống; 348 khay trứng, mỗi khay 70 quả là 10.440 quả trứng”.

Công văn số 4575TTTP-P2 ngày 01/10/2019 của Thanh tra thành phố Hà Nội gửi UBND huyện Chương Mỹ đề nghị UBND huyện bố trí thành phần, chuẩn bị nội dung và làm việc liên quan đến nội dung tố cáo của công dân. Tuy nhiên ngày 24/10 UBND xã vẫn tiến hành cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính và có biểu hiện hủy hoại chuồng trại, thiết bị chăn nuôi gà không thuộc diện bị cưỡng chế.

Sau 03 ngày kể từ ngày cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính về sử dụng đất đối với gia đình ông bà Cường, Tâm. Ông Tống Văn Thái đã dùng quyền Chủ tịch UBND xã của mình để ban hành một Quyết định để thành lập Hội đồng định giá và tổ chức bán đầu giá tài sản không thuộc diện bị cưỡng chế mà xã này thu được trong quá trình xử lý cưỡng chế vi phạm (?). Mà theo Điều 38, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND cấp xã như sau: “a) Phạt cảnh cáo; b) Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5 triệu đồng; c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định tại khoản b khoản này; d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ khoản 1 Điều 28 của Luật này”. Như vậy, chiểu theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Chủ tịch UBND xã Tiên Phương chỉ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính chứ không hề có quyền định đoạt tài sản của người dân. Vậy căn cứ vào đâu để ông Chủ tịch này có thể ban hành Quyết định thành lập Hội đồng định giá đối với tài sản của người dân, trong khi việc bảo quản, trông giữ tài sản không thuộc diện bị cưỡng chế của người dân là trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã và tổ chức cưỡng chế (căn cứ theo Điều 34, Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính)? Trong trường hợp này, hình như ông Thái đang coi những tài sản không thuộc diện bị cưỡng chế của gia đình ông Cường, bà Thu là những tài sản thuộc diện bị cưỡng chế kê biên được quy định tại Điều 18 đến Điều 27 của Luật này? Không biết tổ chức, hay cá nhân nào đã tư vấn cho ông Thái áp dụng các quy định không phù hợp này bởi chiểu theo Điều 18 thì hộ gia đình ông Cường, bà Tâm không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản; Quyết định số 152/QĐ-CCXP ngày 26/07/2019 của UBND xã Tiên Phương đối với gia đình ông Cường chỉ quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả chứ không đưa ra mức phạt vi phạm nào cả. (?)

Hội đồng thẩm định giá cũng cho mời một số hộ đang chăn nuôi gà trên địa bàn đến để tham khảo giá trước khi trình Hội đồng phê duyệt. (?!)

Nói về việc định giá tài sản không thuộc diện bị cưỡng chế của gia đình ông Cường. Theo Quyết định số 216/QĐ-UBND ngày 28/10/2019 do ông Tống Văn Thái ban hành đã Quyết định cho bà Nguyễn Thị Minh - Phó Chủ tịch UBND xã làm Chủ tịch Hội đồng; Phó Chủ tịch Hội đồng là bà Lê Thị Hằng - Công chức Tài chính - Ngân sách xã, ông Nguyễn Đình Tiến - Cán bộ chăn nuôi thú y xã; Các ủy viên gồm 13 người là các công chức của xã. Hội đồng này có nhiệm vụ khảo giá để xác định giá khởi điểm trước khi đấu giá và trình UBND xã phê duyệt. Theo bà Châm - Cán bộ Tư pháp xã cho biết: “Hội đồng thẩm định giá cũng cho mời một số hộ đang chăn nuôi gà trên địa bàn đến để tham khảo giá trước khi trình Hội đồng phê duyệt”. Như vậy với hàng chục con người không có chuyên môn về thẩm định, tự cho mình có quyền định đoạt tài sản của người khác như vậy thì có đáng lên án hay không?

Cần có biện pháp bảo vệ tài sản của người tố cáo khi đang được cấp có thẩm quyền thụ lý giải quyết tố cáo.

Một điều hết sức vô lý mà cũng có thể là chiêu trò để “tẩu tán” tài sản của gia đình ông Cường, bà Tâm. Đó là 10.207 con gà (theo ghi nhận tại Biên bản thống kê do lực lượng tổ chức cưỡng chế xã Tiên Phương lập ngày 24/10/2019) thu được nhưng lại được định giá và bán ra chỉ có 9.930 con. Vậy gần 300 con gà thiếu hụt đi đâu? Tổ chức cưỡng chế sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào trước sự thiếu hụt tài sản này? Chưa kể đến việc giá của vật nuôi bị “dìm” xuống mức thấp do những người không có chuyên môn về định giá tự ý định đoạt, bất tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Trong biên bản họp Hội đồng định giá diễn ra hồi 17h15p ngày 28/10/2019, bà Minh - Chủ tịch Hội đồng đã ghi nhận ý kiến của 04 đại diện hộ kinh doanh, mua bán gà chăn nuôi tại địa phương. Các hộ này cho rằng: “Giá đối với gà non là 36.000 đồng/ kg, gà già là 40.000 đồng/ kg; mức giá đối với gà đạt từ 1,5 kg đến 1,7kg là 38.000 đồng/ kg. Số gà thu được thực tế đạt bình quân 1,4kg/con nên trả giá 30.000 đồng/kg”. Vậy thì với cách thống kê kiểu đếm vo của tổ chức cưỡng chế thì căn cứ vào đâu để biết được đàn gà đẻ thu giữ được là non hay già? Căn cứ vào đâu để khẳng định cân nặng thực tế của một con gà chỉ có 1,4kg mà áp giá? 

Qua tìm hiểu, nhận thấy việc xử lý cưỡng chế vi phạm về sử dụng đất đối với hộ gia đình ông bà Cường, Tâm là không sai. Tuy nhiên nếu lãnh đạo xã và huyện biết lo nghĩ cho người dân thì ắt sẽ có sự sắp xếp thấu tình, đạt lý bởi lẽ việc họ sử dụng đất trong một thời gian đã rất dài và chủ trương khuyến khích phát triển hộ chăn nuôi là chủ trương chung của Nhà nước. Còn về việc xử lý tài sản không thuộc diện cưỡng chế có liên quan, chiểu theo các quy định của pháp luật thì rõ ràng tổ chức cưỡng chế đã có nhiều dấu hiệu lạm quyền gây thiệt hại về kinh tế của người dân. Chúng tôi kính chuyển bài báo này đến Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Thanh tra thành phố Hà Nội, Cơ quan CSĐT trật tự quản lý Kinh tế và Chức vụ Công an Hà Nội xem xét theo thẩm quyền để giải quyết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người có tài sản nêu trên và kiên quyết xử lý những vi phạm nếu có.

Hiền Anh - Nguyễn Hân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 09 - 20

Bình luận: 0