TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững

16:43 24/12/2020
Logo header Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn, nông nghiệp trên cả nước đã có sự khởi sắc nhất định. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có hiệu quả, tạo điều kiện phát triển sản xuất, đời sống của nông dân từng bước nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được giữ vững. Các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được đầu tư, triển khai thực hiện góp phần đổi mới diện mạo nông thôn.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Đảng và Nhà nước đã và đang rất quan tâm đến đời sống của người nông dân. Ngày 05/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng nhiều khó khăn. Người nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân – nông dân – trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để hiện thực hóa mục tiêu của nghị quyết của Đảng, ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Mục tiêu đó là xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Người dân ngày càng được nâng cao về đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai trên phạm vi toàn quốc sau khi được triển khai 5 năm đã mang lại đã làm thay đổi nhiều bộ mặt nông thôn theo hướng hiện đại... Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai cũng phát sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai Chương trình. Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới của Chính phủ đã ban hành 19 tiêu chí. Trong 19 tiêu chí, nhóm Quy hoạch có 1 tiêu chí (Quy hoạch); nhóm Hạ tầng kinh tế - xã hội có 8 tiêu chí (Giao thông, Thủy lợi, Điện, Trường học, Cơ sở vật chất văn hóa, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Thông tin và truyền thông, Nhà ở dân cư); nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất có 4 tiêu chí (Thu nhập, Hộ nghèo, Lao động có việc làm, Tổ chức sản xuất); nhóm Văn hóa - Xã hội - Môi trường có 6 tiêu chí (Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Môi trường và an toàn thực phẩm, Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, Quốc phòng và an ninh). Với mỗi tiêu chí, Quyết định quy định cụ thể chỉ tiêu chung cũng như chỉ tiêu theo từng vùng: Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan, quy định cụ thể đối với các nhóm xã phù hợp với điều kiện đặc thù, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Như tại Thủ đô Hà Nội Tính đến nay, thành phố Hà Nội đã có 6 huyện được Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm. Ngoài ra, đến hết năm 2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 353/382 xã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí. Mới đây, vào đầu tháng 8/2020, thành phố Hà Nội đã có quyết định về công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao năm 2020 (đợt 1) cho các xã Yên Viên, Phù Đổng (huyện Gia Lâm); Công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 (đợt 1) cho các xã Sơn Hà (huyện Phú Xuyên) và Minh Phú (huyện Sóc Sơn). Các xã Yên Viên, Phù Đổng (huyện Gia Lâm) được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020. Các xã Sơn Hà (huyện Phú Xuyên) và Minh Phú (huyện Sóc Sơn) được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Song song với việc chỉ đạo đồng bộ các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định, thành phố đã lựa chọn xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô theo hướng đồng bộ và toàn diện. Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Nhiều hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới. Đời sống kinh tế nông thôn, nông dân phát triển. Cấu trúc lại cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tạo động lực không chỉ phát triển tại chỗ mà còn thúc đẩy các địa phương khác, vùng, ngành khác. Đời sống văn hóa, tinh thần, trật tự an toàn xã hội, an toàn môi trường được đảm bảo. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, ngày càng vững mạnh, đây là nhân tố quyết định để thực hiện thành công việc xây dựng NTM. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện. Đến tháng 6 này, cả nước đã có 5.177 xã (58,2%) đạt chuẩn NTM, tăng 371 xã so với cuối năm 2019. Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã. Có 127/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 14 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 19,1%). Với sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng, đóng góp tài sản, công sức của người dân, chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu 5 năm (2016-2020) của Chương trình sớm hơn 2 năm so với kế hoạch được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới tiếp tục phát huy kết quả đạt được của 10 năm qua, cùng với thành quả của 33 năm đổi mới có những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, nhất là cuộc cách mạng công nghệ thời đại 4.0 và tiến trình hội nhập quốc tế. Quan tâm nâng cao vai trò, vị thế của người nông dân để phát huy hết tiềm năng, nhìn nhận nguy cơ, thách thức để chúng ta có biện pháp cụ thể hơn nhất là vấn đề biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, chúng ta đưa ra phương châm tận dụng tối đa cơ hội phát triển và hạn chế đến mức thấp nhất các yếu tố bất lợi do biến đổi khí hậu tác động đến các vùng miền. Tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, là lợi thế trong tiến trình phát triển và hội nhập, mạnh dạn, quyết tâm đặt mục tiêu cao hơn. Các địa phương phải đi tiên phong, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đặc thù, xây dựng một vùng nông thôn xanh - sạch - đẹp và bản sắc. Do vậy, cần quan tâm hơn nữa đến ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn, chú trọng đầu tư khoa học công nghệ, chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, nhất là các cơ hội, thành tựu mà cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Đặc biệt cần quan tâm xây dựng nông thôn mới không chỉ ở đồng bằng mà cả ở miền núi, làng bản, xã đảo với 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số để người dân tộc thiểu số cũng được hưởng lợi. 

Với các giải pháp tổng thể về tăng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi mô hình kinh tế nông thôn cùng giải pháp về cán bộ, Chương trình xây dựng NTM ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có nhiều khởi sắc, từng bước theo kịp tiến độ xây dựng NTM của cả nước trong thời gian tới.

Tiến Đạt - Nguyễn Hân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 42 - 20

Bình luận: 0