TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Yên Bình - Yên Bái: Tiền đã trao nhưng nhà không được nhận

14:16 17/09/2020
Logo header Tranh chấp về đất đai là một trong những tranh chấp xảy ra phổ biến, rất phức tạp và đa số các tranh chấp về đất đai phải giải quyết bằng con đường Tòa án. Một trong những biện pháp hữu hiệu hạn chế các bên tranh chấp khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp đất đai là tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở nhất là hòa giải tại Ủy ban nhân dân.

Ảnh minh họa

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Làm tốt công tác hòa giải tranh chấp đất đai sẽ góp phần hạn chế mâu thuẫn về đất đai trong nội bộ quần chúng nhân dân, tăng cường sự đoàn kết gắn bó cũng như tạo sự khăng khít về tình làng, nghĩa xóm, tình thân họ hàng…

Xuất phát từ tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất nền hiện nay tranh chấp đất đai có nhiều dạng khác nhau. Tình trạng tranh chấp đất đai phổ biến hiện nay tạm xác định các nhóm như: Nhóm tranh chấp về quyền sử dụng đất, tức tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất. Nhóm tranh chấp này có một số dạng tranh chấp cụ thể như: một bên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn một bên đang trực tiếp sử dụng một phần hoặc toàn bộ đất mà bên kia được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Nhóm tranh chấp liên quan đến các giao dịch về quyền sử dụng đất như thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất; Nhóm tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất. Một số yêu cầu cụ thể trong nhóm tranh chấp này là yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật… Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp tranh chấp liên quan tới cả 3 nhóm tranh chấp nêu trên. Như việc của ông Bùi Văn Thương ở thôn Thanh Lương, xã Tân Thịnh, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái kêu cứu về việc: “Cán bộ chính quyền thị trấn Yên Bình có dấu hiệu “làm ngơ” tiếp tay ông Nguyễn Viết Bình chiếm dụng trái phép tài sản của ông Thương gần 10 năm”. Nội dung ông Thương phản ánh được tóm tắt như sau:

Năm 2013, ông Thương có nhu cầu sử dụng nên đã mua lại mảnh đất của bà Nguyễn Thị An (đã chết năm 2006) tại tổ dân phố số 4, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái với giá 750.000.000 đồng. Việc chuyển nhượng đất của ông Thương được toàn bộ những người trong diện thừa kế của bà An xác nhận đồng ý và thực hiện chuyển nhượng có công chứng của cơ quan có thẩm quyền. Ông Lương Mạnh Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Bình đã xác nhận ông Bình đã thanh toán số tiền 750.000.000 đồng cho bà Trần Thị Hằng cùng những người khác thuộc hàng thừa kế của bà An để nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, mặc dù tiền đã trao nhưng đất lại chưa được nhận. Vì không hiểu lý do gì, ông Nguyễn Viết Bình có 01 giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất mảnh đất của bà An do ông Nguyễn Văn Sự bán và ông Bình vin vào cái cớ này chiếm dụng trái phép mảnh đất mà ông Thương đã mua, ngăn ông Thương vào sử dụng và không làm được các giấy tờ sang tên quyền sở hữu. Giấy chuyển nhượng của ông Bình không được công chứng, chứng thực, do ông Nguyễn Văn Sự một người không thuộc diện được thừa kế mảnh đất của bà An bán cho ông Bình. Không hiểu sao với một tờ giấy không có bất kỳ giá trị pháp lý như vậy, ông Bình có thể ngang nhiên chiếm dụng tài sản của ông Thương mà chính quyền không hề có động thái can thiệp nào (?)

Trước sự ngang ngược của ông Bình, ông Thương đã làm đơn nhiều lần đến chính quyền thị trấn Yên Bình để giải quyết. Nhưng từ năm 2013 đến nay, mặc cho nhiều lần ông Thương ý kiến, ông Bình vẫn ngang nhiên chiếm hữu. Hành vi của ông Bình, cũng như thái độ của chính quyền sở tại khiến ông Thương không khỏi bức xúc. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Thương được chính ông Lương Mạnh Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Bình xác nhận nhưng khi có người đến chiếm đất thì chính UBND thị trấn Yên Bình lại “ngoảnh mặt làm ngơ”. Để rồi đến nay, chữ ký của ông Thắng chẳng còn giá trị gì, hợp đồng chuyển nhượng của ông Bình thì bị không chấp nhận (do sai hàng thừa kế ???), việc sang tên thì không thực hiện được vì một tờ giấy không có giá trị pháp lý.

Sau khi giấy chuyển nhượng không được công nhận, ông Thương đã cùng những người thuộc diện thừa kế của bà An thực hiện lại toàn bộ các giấy tờ xác nhận lại từ đầu. Tất cả những chứng cứ pháp lý này đều được thực hiện đúng quy định. Nhưng tất cả điều đó chẳng có ý nghĩa gì khi nhà đất thực tế thì vẫn bị chiếm, giấy tờ thì không sang tên đổi chủ được. 

Câu hỏi được đặt ra là: Vậy, trách nhiệm của ông Thắng, của chính quyền địa phương, của những cán bộ đang công tác địa chính tại thị trấn Yên Bình đang ở đâu khi để quyền lợi hợp pháp của người dân bị xâm hại. Các giấy tờ do chính Chủ tịch UBND thị trấn ký thì nay trách nhiệm tổ chức giải quyết cũng thuộc UBND. Thiết nghĩ: Đã đến lúc các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần vào cuộc rà soát lại sự di biến của thửa đất bà An, xác định rõ đối tượng được hưởng thừa kế và các quy trình mua bán, chuyển nhượng, sang tên thửa đất đó. Đồng thời xác định sự mua bán của ông Sự cho ông Bình để có phương án giải quyết dứt điểm sự vụ trên sao cho đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên cũng như các quy định của pháp luật.

Hứa Thu Huyền

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 28 - 20

Bình luận: 0