TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 15/11/2024

Bình đẳng giới trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững (kỳ 1)

08:47 03/05/2022
Logo header Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, giai đoạn 2021-2030 đã chỉ rõ cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật, và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Kỳ 1: Lồng ghép bình đẳng giới vào các kế hoạch kinh tế, xã hội.


Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đã đạt được những thành tựu quan trọng trong giai đoạn 2016-2020, thúc đẩy phát triển kin tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn, các huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, trung bình mỗi năm giảm 1,43%; tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo cuối năm 2020 còn 23,42%, trung bình mỗi năm giảm 5,4%. 
Giai đoạn 2016-2020, giảm hơn 60% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu kỳ với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo. Các mục tiêu và chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Tính đến 12/2020, cả nước đã có 62,4% xã đạt chuẩn NTM, vượt 12,4% so với mục tiêu đặt ra,12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM2 ; bình quân cả nước đạt 16,38 tiêu chí/xã (vượt mục tiêu bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã).
Bên cạnh những kết quả to lớn, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn dai dẳng ở vùng nông thôn, nhất là các huyện nghèo, xã nghèo. Khoảng cách về giới tại vùng nông thôn, các huyện nghèo, xã nghèo còn đáng kể, trên các khía cạnh lao động, việc làm, sở hữu tài sản và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. 
Căn cứ pháp lý lồng ghép bình đẳng giới vào hai chương trình quốc gia 
Bình đẳng giới là vấn đề đã được quy định trong Hiến pháp và Pháp luật. Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.” (Khoản 1, Điều 26). Luật Bình đẳng giới 2006 quy định “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó” (Khoản 3, Điều 5) và “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là biện pháp thực hiện mục tiêu bình đẳng giới bằng cách xác định vấn đề giới, dự báo tác động giới của văn bản, trách nhiệm, nguồn lực để giải quyết vấn đề giới” (Khoản 7, Điều 5).
Bình đẳng giới được xác định trong các văn kiện quan trọng của Đảng. Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn xác định giải pháp “Thực hiện bình đẳng giới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, năng lực và vị thế của phụ nữ ở nông thôn”. Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/05/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện NQTW 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nêu rõ “Thực hiện bình đẳng giới, nâng cao năng lực và vị thế cho phụ nữ; quyền được giáo dục và chăm sóc của trẻ em; chăm lo cho các đối tượng chính sách xã hội ở khu vực nông thôn” . Chỉ thị 21/CT-TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư yêu cầu “chú ý lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng hệ thống pháp luật” và “Ban cán sự Đảng Chính phủ bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ”.
Từ quan điểm của Đảng về bình đẳng giới đã được nhà nước ta cụ thể hoá bằng các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: Nghị quyết 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 ban hành Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030 nêu rõ “Thực hiện lồng ghép các nội dung BĐG trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng thực hiện Chương trình nghị sự 2030 khẳng định quan điểm xuyên suốt là mọi người, mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển. Quyết định số 681/QĐ-TTg về thực hiện Chương trình nghị sự 2030 quy định rõ chỉ tiêu và lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trong đó có mục tiêu SDG số 5 và các chỉ tiêu thành phần về BĐG, trao quyền, tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái.
Thực tiễn bình đẳng giới ở nước ta còn nhiều bất cập
 Khoảng cách trong lao động, việc làm
Theo kết quả Điều tra lao động, việc làm 2019, 75,1% lao động nữ ở nông thôn có việc làm, so với tỷ lệ gần 84% lao động nam. Tính trung bình toàn quốc, 52% lao động trong nông nghiệp là phụ nữ, so với khoảng 48% là lao động nam; khoảng 55% lao động tự làm phi nông nghiệp là nữ, so với khoảng 45% là nam. 
Theo kết quả Tổng Điều tra dân số và nhà ở 2019, tỷ lệ lao động nam trong các công việc như bán hàng, lao động giản đơn là 13,8% và 31%, trong khi tỷ lệ tương ứng với lao động nữ là 23,2% và 35,6%. Phụ nữ gặp nhiều rào cản hơn so với lao động nam trong tham gia vào thị trường lao động phi nông nghiệp do những cản trở xuất phát từ định kiến về vai trò giới trong gia đình và cộng đồng. 
Theo FAO (2019), có 39% lao động nữ trong nông nghiệp làm các loại công việc không được trả công trong khi tỷ lệ tương ứng với lao động nam là 18,6%. Tiền lương trung bình của phụ nữ cũng thấp hơn đáng kể so với nam giới. Tính trung bình, nam giới đang có thu nhập cao hơn nữ giới khoảng 12,2%. Trong nông nghiệp, tiền lương của phụ nữ trung bình chỉ bằng 69% của nam giới; tỷ lệ đó trong công nghiệp và dịch vụ tương tứng là 83% và 85% (FAO, 2019). Bên cạnh đó, còn tồn tại một số thực hành phân biệt về giới gây bất lợi cho lao động nữ trong quá trình tuyển dụng, 65% quảng cáo việc làm với các vị trí quản lý đều nêu rõ cần tuyển nam giới.
Khoảng cách trong tiếp cận tài sản, thông tin, dịch vụ công 
 Theo Ngân hàng Thế giới (2020), nhờ thực hiện Luật đất đai năm 2003, tỷ lệ GCN có cả tên vợ và tên chồng đã tăng đáng kể. Với đất canh tác, tỷ lệ cả vợ và chồng đồng đứng tên trên GCN đã tăng từ 11,6% lên 38,3% từ 2004 đến 2014. Tuy nhiên, nam vẫn là người đứng tên GCN với tư cách cá nhân hoặc chủ hộ nhiều hơn nữ. Trong số GCN cấp cho cặp vợ chồng (hộ gia đình), 39% cấp cho chủ hộ là nam, so với 6,2% cấp cho chủ hộ là nữ.
Phụ nữ tiếp cận cơ hội đào tạo nghề ít hơn so với nam giới. Kết quả Điều tra lao động và việc làm 2019 cho thấy chênh lệch khá lớn theo giới về tỷ lệ lao động qua đào tạo. Trung bình toàn quốc, lao động nam đã qua đào tạo là 25% so với tỷ lệ của lao động nữ nlà 20,3%. Tính riêng tại vùng nông thôn, tỷ lệ lao động nam qua đào tạo là 17,1% trong khi tỷ lệ đó của nữ giới là 12,5%. 
Khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ giáo dục
Khoảng cách về giới trong tiếp cận giáo dục tại khu vực nông thôn đã được thu hẹp nhưng vẫn tồn tại ở mức độ nhất định, đặc biệt là tại các huyện nghèo, xã nghèo. Theo Tổng cục Thống kê (2020), tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp THPT với nữ ở nông thôn nói chung là 68,8% so với 79,5% ở thành thị. Khoảng cách giới trong tiếp cận dịch vụ giáo dục tại các huyện nghèo, xã nghèo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn lớn hơn so với mức trung bình vùng nông thôn. Chênh lệch về tiếp cận các cơ hội đào tạo là một trong những rào cản đối với phụ nữ trong tiếp cận thị trường lao động chính thức, các công việc lao động có trả lương.
Khoảng cách về giới trong chăm sóc y tế. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, tổng tỷ suất sinh ở vùng nông thôn là 2,26 so với thành thị là 1,83. Tỷ suất sinh cao ở vùng nông thôn một phần là do tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai ở khu vực nông thôn thấp. Cũng theo Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 16,7‰ so với tỷ suất ở khu vực thành thị là 8,2‰. Sự chênh lệch này một phần phản ánh khoảng cách về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở nông thôn. Theo số liệu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 23,7% ở vùng nông thôn, so với mức trung bình 6,2% ở khu vực thành thị vào năm 2019.
Tại các huyện nghèo, xã nghèo, khoảng cách về giới trong chăm sóc y tế cao hơn mức trung bình. Phụ nữ tại các huyện nghèo, xã nghèo, phụ nữ DTTS tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước sinh (khám thai ít nhất 04 lần) chỉ là 16% so với mức trung bình của phụ nữ toàn quốc là 74%.

Nguyễn Thảo

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 160 - 04/2022

Bình luận: 0