TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 16/11/2024

Bình đẳng giới trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững (kỳ 2)

10:53 15/06/2022
Logo header Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển

Thông qua nghiên cứu, đánh giá các tiêu chí trong hai chương trình là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững có thể thấy, vấn đề bình đẳng giới chưa được đề cập rõ trong hệ thống mục tiêu của cả hai chương trình này; Cách tiếp cận vấn đề giới còn hạn chế; Các nội dung về BĐG chưa được thể hiện trong cơ chế tổ chức thực hiện của cả hai Chương trình; Thiếu ngân sách cho các hoạt động lồng ghép giới trong thực hiện Chương trình; Nhận thức và năng lực lồng ghép giới trong thực hiện cả hai Chương trình MTQG chưa đầy đủ; Chưa phát huy hết tiềm năng và vai trò của phụ nữ và Hội LHPNVN trong các Chương trình MTQG; Thiếu cơ chế giám sát có trách nhiệm giới trong cả hai Chương trình MTQG NTM và GNBV giai đoạn 2016-2020.

Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong hai chương trình MTQG trên một số kiến nghị được đưa ra là:

Bổ sung đánh giá tác động về giới của hai chương trình

Đối với Chương trình MTQG NTM giai đoạn 2021-2025: Bổ sung phần đánh giá về vấn đề giới trong Phần II, mục I, tiểu mục 1.1 đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020. Mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn trong xây dựng NTM và có đến 85,5% xã đã được đánh giá là đạt tiêu chí 18.6 về bình đẳng giới nhưng bất bình đẳng giới vẫn còn là một thách thức ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động về giới vào mục VII. Đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội của Chương trình.

Đối với Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2021-2025: Bổ sung đánh giá về vấn đề giới trong mục đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2016-2020 (hiện là Phần II, mục I, tiểu mục 1) để làm rõ khoảng cách giới tại các huyện nghèo, xã nghèo như là một hạn chế trong triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, trong mục VI. Phân tích hiệu quả kinh tế-xã hội của Chương trình cần bổ sung đánh giá tác động về giới cụ thể hơn nhằm làm rõ việc thúc đẩy BĐG hay bảo đảm BĐG trong tiếp cận và thụ hưởng các dự án của Chương trình...

Việc đánh giá một cách đầy đủ, khách quan những tồn tại trong thu hẹp khoảng cách giới thực tế sẽ là cơ sở để giải trình sự cần thiết phải thúc đẩy thực hiện BĐG trong Chương trình MTQG NTM và Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2021-2025.

Đưa “bình đẳng giới” là một phần trong mục tiêu tổng quát và là nguyên tắc xuyên suốt thực hiện hai Chương trình

Bổ sung từ “bảo đảm BĐG” vào mục tiêu tổng quát của hai Chương trình, cụ thể:

Chương trình MTQG NTM giai đoạn 2021-2025: “… phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, thích ứng BĐKH, và phát triển bền vững; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đời sống nông thôn giầu bản sắc văn hóa truyền thống; đảm bảo bình đẳng giới; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.”

Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2021-2025: “…Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và thị trường lao động đồng bộ, hiện đại nhằm tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, giảm bất bình đẳng xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững và đảm bảo bình đẳng giới…

 

Bổ sung các chỉ số cụ thể đo lường đầu ra về BĐG; đảm bảo phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội

Đưa các chỉ số cụ thể để đo lường các đầu ra về BĐG, kết quả và tác động của hai Chương trình đối với vấn đề BĐG vào Khung giám sát và đánh giá về BĐG của chương trình.

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội theo cơ chế đại diện trong các hoạt động kiểm tra, giám sát; Hội LHPNVN là cơ quan giám sát và phản biện xã hội các nội dung về giới, BĐG trong Chương trình.

Việc có các chỉ số đo lường (ở cả ba cấp độđầu ra, kết quả và tác động) về BĐG sẽ là cơ sở để theo dõi, đánh giá về tiến độ và kết quả thực hiện mục tiêu BĐG trong hai Chương trình. Đây là giải pháp khắc phục hạn chế chưa thực hiện được công tác GS&ĐG có trách nhiệm giới trong cả hai Chương trình MTQG NTM và GNBV giai đoạn 2016-2020. Phụ nữ nói riêng và người dân nói chung có quyền và trách nhiệm trong giám sát thực hiện Chương trình.

Thực hiện ngân sách có trách nhiệm giới, đảm bảo các hoạt động liên quan đến thúc đẩy BĐG được phân bổ ngân sách một cách phù hợp

Cần có dòng ngân sách phân bổ cho hoạt động liên quan đến giới trong ngân sách thực hiện cả hai chương trình giai đoạn 2021-2025, áp dụng với nguồn vốn cả từ ngân sách trung ương và địa phương.

Luật Ngân sách 2015 xác định bình đẳng giới là một trong những nguyên tắc của quản lý ngân sách nhà nước, đồng thời, là một trong những ưu tiên của công tác dự toán và chi ngân sách. Khoản 5 điều 8 của Luật quy định “Bảo đảm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ về phát triển kinh tế; xóa đói, giảm nghèo; chính sách dân tộc; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ và những chính sách quan trọng khác”.

Bổ sung một số nội dung và giải pháp cụ thể thực hiện BĐG trong Chương trình MTQG NTM giai đoạn 2021-2025.

Thúc đẩy BĐG thông qua hướng dẫn đánh giá các tiêu chí cần đạt trong xây dựng NTM: Bộ NNPTNT và các bộ ngành liên quan sau khi có quyết định của Thủ tướng phê duyệt bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 cần thực hiện lồng ghép giới vào các hướng dẫn thực hiện và đánh giá tiêu chí, chỉ tiêu NTM giai đoạn 2021-2025

- Với các tiêu chí trong nhóm cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội: hướng dẫn thực hiện tiêu chí cần bổ sung các biện pháp đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái được hưởng lợi đầy đủ từ các công trình cơ sở hạ tầng thông qua quy định cụ thể về sự tham gia của phụ nữ trong xác định ưu tiên các công trình, trong tổ chức thực hiện và giám sát.

- Với các tiêu chí trong nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất: hướng dẫn thực hiện tiêu chí cần bổ sung nội dung thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ bằng cách đưa ra các “hành động tích cực” đảm bảo tỷ lệ tham gia phụ nữ tối thiểu trong các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề và tạo việc làm.

- Đối với các tiêu chí trong nhóm văn hóa – xã hội – môi trường: hướng dẫn thực hiện tiêu chí cần sửa đổi tiêu chí để đảm bảo tiếp cận công bằng giữa nam và nữ, giữa trẻ em trai và trẻ em gái đối với các chỉ tiêu về y tế và giáo dục (thông qua quy định tỷ lệ % đạt được chỉ tiêu với phụ nữ không thấp hơn nam giới, với trẻ em trai không thấp hơn với trẻ em gái).

- Đối với các tiêu chí khác liên quan đến hộ gia đình hoặc cá nhân: hướng dẫn thực hiện tiêu chí cân nhắc sửa đổi chỉ tiêu để đảm bảo rằng cả phụ nữ và nam giới đều có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi bình đẳng từ việc hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu đó.

- Ngoài ra, cần LGG trong các hướng dẫn khác về tổ chức thực hiện Chương trình (như các thông tư, quyết định của Bộ NNPTNT, các bộ ngành và cơ quan TƯ; Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ của Văn phòng điều phối TƯ; các NQ của HĐND tỉnh, QĐ của UBND tỉnh liên quan đến thực hiện Chương trình).

Thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động, việc làm, phát triển kinh tế nông thôn: Bổ sung vào nội dung thành phần 1.3 nhiệm vụ về “Phụ nữ khởi nghiệp với Chương trình OCOP” và giao nhiệm vụ cho Hội LHPNVN chủ trì thực hiện. Trong đó, Hội LHPNVN sẽ tham gia với tư cách là một tác nhân thực hiện Chương trình OCOP, tập trung vào phát triển các sản phẩm OCOP, các mô hình phát triển du lịch cộng đồng, phát huy tài nguyên bản địa của các tổ nhóm do phụ nữ thành lập; HTX, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý.

Thúc đẩy BĐG từ trong gia đình, phát huy vai trò của phụ nữ và người dân trong vun đắp giá trị gia đình Việt Nam: Bổ sung vào nội dung thành phần 1.6 nhiệm vụ “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân vun đắp các giá trị của gia đình góp phần xây dựng nông thôn mới”; giao cho Hội LHPNVN chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bổ sung một số nội dung và giải pháp thực hiện BĐG trong Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2021-2025.

Thúc đẩy BĐG thông qua một số chỉ tiêu của các dự án, tiểu dự án thành phần đảm bảo đạt cho cả nam và nữ: Với các chỉ tiêu dự kiến đạt được ở cấp độ cá nhân, đề xuất quy định rõ chỉ tiêu đó phải đạt được đối với cả phụ nữ và nam giới. Cụ thể: (i) tỷ lệ % lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ (phần mục tiêu cụ thể); (ii) trong Dự án 2 và Dự án 3 (tiểu dự án 1): cần đảm bảo tối thiểu 50% hộ nghèo có phụ nữ tham gia mô hình đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo, mô hình phát triển sản xuất. Trong Báo cáo chủ trương đề xuất CTMTQG GNBV 2021-2025 đã nêu “xây dựng cơ chế và hướng dẫn thực hiện lồng ghép giới trong các hoạt động của chương trình thông qua quy định cụ thể về tỷ lệ % ngân sách của các tiểu dự án được dành cho các dự án, mô hình, hoạt động nhằm thực hiện bình đẳng giới, giúp giải quyết các vấn đề hạn chế, khoảng cách giới tại địa phương”.

Đồng thời, cũng là để khắc phục bất cập trong giai đoạn trước đây khi CTMTQG GNBV có đưa nguyên tắc “ưu tiên phụ nữ” vào trong văn kiện Chương trình nhưng không được cụ thể hóa nên trong thực tế không triển khai thực hiện được.

Thúc đẩy BĐG trong đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, cải thiện dinh dưỡng:  Giai đoạn 2016-2020, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 656 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, hơn 10.000 mô hình tổ hợp tác/tổ liên kết tại địa bàn khó khăn trong Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2016-2020, thực hiện Đề án Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp và Chương trình đồng hành cùng phụ nữ Biên cương. Các tổ hợp tác/tổ liên kết là nền tảng để củng cố và hỗ trợ thành lập hợp tác xã trong thời gian tới. Do vậy, trong Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2021-2025, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Hội LHPNVN có thể tiếp tục phát huy thế mạnh và kinh nghiệm đã có, đóng góp thiết thực, thành công vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của Chương trình.

Nguyễn Thảo

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 161 - 05/2022

 

Bình luận: 0