TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 15/11/2024

Doanh nghiệp tư nhân hướng đi mới nâng cao chất lượng dịch vụ công (kỳ 1)

14:14 27/05/2022
Logo header Khi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu về số lượng cũng như yêu  cầu về chất lượng đối với các dịch vụ công cũng ngày một tăng cao. Do đó, sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào quá trình cung cấp các dịch vụ công một mặt sẽ giảm áp lực lên các cơ quan nhà nước, một mặt cũng thúc đẩy nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ công được cung cấp.  

Kỳ 1: Cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công

Một trong những cơ chế quan trọng để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) tham gia vào cung cấp các dịch vụ công (DVC) chính là chủ trương thu hút được Đảng và Nhà nước đề ra từ năm 1997 với nguyên tắc chủ đạo là tồn tại song song và cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị công và tư. Hay đến năm 2017, Nhà nước ta đã đưa ra chủ trương hạn chế những đơn vị công lập tại các ngành, địa bàn mà tư nhân có thể làm được đã được. Pháp luật hiện chỉ hạn chế tư nhân tham gia cung cấp 20 loại hàng hoá, dịch vụ độc quyền nhà nước. Những yếu tố này đã góp phần đẩy mạnh sự tham gia của chủ thể tư nhân trong cung cấp các DVC .
Một số ngành có tỷ lệ tham gia của tư nhân trong cung cấp DVC cao như giáo dục và y tế theo đó Nhà nước cho phép tư nhân đầu tư cung cấp dịch vụ công qua hình thức đầu tư 100% vốn tư nhân hoặc liên doanh liên kết với cơ sở công lập để cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho đối tượng có nhu cầu. 
1. Tại sao cần có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công?
Trong một khảo sát mang tên ““Việt Nam chuyển đổi - Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014” do VCCI và Ngân hàng Thế giới phối hợp tiến hành từ tháng 7- tháng 9 năm 2014 cho thấy tỷ lệ người dân ủng hộ việc các DNTN tham gia vào các DVC tương đối cao. Có 57% người được hỏi hoàn toàn ủng hộ, 42% ủng hộ song còn có lo ngại và chỉ có 1% không ủng hộ Nhà nước chuyển giao việc thực hiện một số dịch vụ công cho khu vực tư nhân. Sự quan ngại của người dân về vấn đề trên tập trung vào một số yếu tố như vấn đề giá cả, việc bảo đảm chất lượng, mức độ sẵn có của dịch vụ…
Hơn nữa mức độ hài lòng của người dân với các dịch vụ công được cung cấp bởi tư nhân cao hơn nhiều so với Nhà nước cung cấp.


 
Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người được hỏi hài lòng với dịch vụ công do tư nhân cung cấp cao hơn từ 2 đến 4 lần so với dịch vụ này do Nhà nước cung cấp. Ví dụ, trong lĩnh vực y tế, 45% người được hỏi hài lòng với dịch vụ do tư nhân cung cấp trong khi chỉ có 11% hài lòng với các bệnh viện công. Tương tự trong các lĩnh vực giáo dục (15% hài lòng đối với nhà nước và 33% hài lòng đối với tư nhân), công chứng (26% hài lòng đối với Nhà nước và 46% hài lòng đối với tư nhân), giao thông công cộng (10% hài lòng đối với Nhà nước và 30% hài lòng đối với tư nhân).
Từ những đánh giá, điều tra trên cho thấy việc tham gia của DNTN vào các DVC là cần thiết và nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay khi năng lực xây dựng khung pháp lý và giám sát thực hiện khung pháp lý từ Nhà nước đối với dịch vụ công còn yếu, đạo đức của tổ chức/cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ, mức độ minh bạch trong đấu thầu dịch vụ và nguy cơ các đơn vị tư nhân biến thành sân sau của quan chức nhà nước chính là những điểm nghẽn cần phải giải quyết, khơi thông. Nhà nước cần sử dụng các quy định pháp luật, biện pháp chế tài hoặc các động cơ kinh tế để điều hành, quản lý chặt chẽ, hiệu quả.
2. Chủ trương thu hút tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công
Trước năm 1997, chủ trương cho phép tư nhân tham gia vào DVC cũng đã manh nha trong một số ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên phải đến sau khi Nghị quyết 90-CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá ra đời mới chính thức hoá chủ trương trên. Nghị quyết nhấn mạnh “Cho phép tư nhân đầu tư để cung ứng dịch vụ công, việc đầu tư của tư nhân bao gồm cả đầu tư mới và việc mua lại các đơn vị công lập; Việc cho phép tư nhân đầu tư không có nghĩa là sẽ giải thể các đơn vị công lập hoặc giảm nguồn đầu tư công trong cung ứng dịch công; Nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng giữa đơn vị công lập và dân lập”. Mặc dù Nghị quyết mới chỉ giới hạn trong lĩnh vựa y tế, giáo dục, văn hoá tuy nhiên nó giúp tạo ra sự tồn tại song song giữa các đơn vị công lập và dân lập trong cung cấp DVC. 
Dựa trên Nghị quyết 90 năm 1997, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao. Nghị định này tập trung vào các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước về cơ sở vật chất, đất đai, thuế, tín dụng, bảo hiểm, khen thưởng đối với các đơn vị dân lập. Đáng chú ý , Nghị định còn bổ sung quy định về thẩm quyền cho phép thành lập các đơn vị cung cấp dịch vụ công ngoài công lập. Các biện pháp quản lÝ cụ thể đối với từng lĩnh vực dịch vụ thì vẫn do các cơ quan nhà nước ban hành theo thẩm quyền quản lý chuyên môn.
Đến năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao. Nghị quyết này tiếp tục duy trì các quan điểm từ Nghị quyết 90 về sự tồn tại đồng thời các đơn vị công lập và dân lập, đồng thời bổ sung thêm một số định hướng quan trọng đáng chú ý như:
- Đưa ra cơ chế tự chủ đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ công công lập. Chuyển các cơ sở công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ;
- Bắt đầu có sự phân loại dịch vụ theo đối tượng khách hàng sử dụng dịch vụ;
- Bắt đầu có sự phân biệt giữa loại hình dân lập và tư nhân, giữa lợi nhuận và phi lợi nhuận;
- Tập trung vào các biện pháp kiểm tra, giám sát của Nhà nước và xã hội để bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Từ những thay đổi trên có thể thấy quan điểm về sự tham gia của tư nhân vào DVC đã có một bước tiến mới từ chỗ chỉ đơn giản là cho phép các đơn vị tư nhân được thành lập và cạnh tranh với các đơn vị công lập thì đã tiến tới những nội dung chi tiết hơn, thực tế hơn, hiệu quả hơn là nhằm nâng cao hiệu quả cung ứng và sử dụng dịch vụ công.
Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 (ngày 25/10/2017) tại Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng có nhiều nội dung liên quan đến sự tham gia của tư nhân cung cấp dịch vụ công. Nghị quyết này có một số nội dung đáng chú ý như : Đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; Bảm đảm cạnh tranh bình đẳng giữa đơn vị công lập và đơn vị ngoài công lập; Tiếp tục cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh các nội dung trên Nghị quyết 19 cũng chú trọng đến việc tổ chức các đơn vị công lập nhằm Khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị sự nghiệp công lập; cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả; đẩy mạnh xã hội hoá, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.
Đánh giá chung
 Có thể thấy là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước là khuyến khích sự tham gia của tư nhân trong cung cấp các dịch vụ công. Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là hạn chế đầu tư công, thậm chí các nguồn lực công vẫn tiếp tục được đầu tư, tăng cường trong việc thành lập mới và phát triển các đơn vị công lập. Điều này tạo nên sự cạnh tranh giữa các đơn vị công lập và tư nhân trong việc cung cấp dịch vụ công. Mãi đến thời gian gần đây thì mới có quan điểm cho rằng Nhà nước nên thoái sức trong những ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực tư nhân làm được và làm tốt. Tuy nhiên, việc xác định những lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước nên thoái vốn vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị công lập và tư nhân được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, dường như điều này vẫn chỉ mang tính tuyên ngôn chứ chưa có biện pháp cụ thể để loại bỏ xung đột lợi ích khi các cơ quan nhà nước vừa là chủ quản của các đơn vị công lập lại vừa đặt ra luật lệ để quản lý toàn bộ các nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường. Ở chiều ngược lại, gần đây lại có ý kiến lo ngại về tình trạng các đơn vị nhà nước được đối xử kém thuận lợi hơn một số doanh nghiệp tư nhân do các doanh nghiệp này là “sân sau” của một số cán bộ, quan chức.
3. Những quy định pháp luật liên quan đến tư nhân cung ứng dịch vụ công
Ngoài các chủ trương chung đã được đề cập trên, đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể lại có những biện pháp, cách làm khác nhau khi thu hút tư nhân cung cấp dịch vụ công. Các biện pháp này được quy định tại từng văn bản pháp luật quản lý ngành và lĩnh vực đó. Ví dụ:
- Lĩnh vực giáo dục: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp;
- Lĩnh vực y tế: Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
- Lĩnh vực văn hoá, thể thao: Luật Điện ảnh, Luật Thư viện, Luật Thể dục, thể thao;
- Lĩnh vực khoa học công nghệ: Luật Khoa học và công nghệ, Luật Đo lường;
- Lĩnh vực tài nguyên môi trường: Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Khí tượng thuỷ văn;
- Lĩnh vực tư pháp: Luật Trợ giúp pháp lÝ, Luật Đấu giá tài sản, Luật Luật sư, Luật Công chứng,
- Luật Giám định tư pháp;
- Lĩnh vực nông nghiệp: Luật Thuỷ lợi, Luật Lâm nghiệp;
- Lĩnh vực giao thông: Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hàng không dân dụng, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa;
- Lĩnh vực thông tin truyền thông: Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Bưu chính…
Gần đây nhất, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ban hành ngày 18 tháng 6 năm 2020 đã quy định các lĩnh vực thu hút khu vực tư nhân đầu tư theo phương thức đối tác công tư bao gồm: a) Giao thông vận tải; b) Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; c) Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; d) Y tế; giáo dục - đào tạo; đ) Hạ tầng công nghệ thông tin.
Mỗi văn bản pháp luật trên lại có quy định khác nhau về điều kiện, thẩm quyền cho phép thành lập một doanh nghiệp tư nhân để cung cấp dịch vụ. Các vấn đề về tổ chức của đơn vị, quản lý chất lượng dịch vụ, cho đến quản  lý giá cũng được quy định, đề cập trong các văn bản pháp luật trên.
Đáng chú ý, tại Việt Nam có một số ngành, lĩnh vực không cho phép tư nhân tham gia cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Danh mục này gồm 20 ngành, lĩnh vực được quy định tại Nghị định 94/2017/NĐ- CP như vật liệu nổ công nghiệp, sản xuất vàng miếng, phát hành xổ số kiến thiết, in đúc tiền, phát hành tem bưu chính Việt Nam, truyền tải và điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành thuỷ điện đa mục tiêu, vận hành hệ thống đèn biển và luồng hàng hải công cộng, vận hành hệ thống đài thông tin duyên hải, dịch vụ không lưu, khai thác hệ thống hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư, cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng, xuất bản…

Võ Huyền 

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 160 - 04/2022

Bình luận: 0