TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 15/11/2024

Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 những điểm nghẽn chính sách (kỳ 2)

21:37 02/06/2022
Logo header Đại dịch Covid 19 đã tác động đến đời sống xã hội trên toàn bộ các khía cạnh các nhau trong đó có kinh tế, kinh doanh. Để đảm bảo sự ổn định cho các hoạt động kinh tế, Nhà nước buộc phải thực hiện một số hoạt động, biện pháp chưa được quy định trong các văn bản pháp lý trước đó.

1. Những điểm nghẽn chính sách kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh

 Dịch bệnh khiến các hoạt động kinh tế của nước ta vận hành theo cách thức trước nay chưa có tiền lệ. Dịch bệnh cũng thúc đẩy doanh nghiệp chuyển dịch sang các phương thức kinh doanh khác truyền thống. Về cơ bản, hệ thống pháp luật kinh doanh điều chỉnh cho các hoạt động kinh tế ở trạng thái bình thường. Do đó khi áp dụng cho trường hợp đặc biệt như dịch bệnh sẽ có độ “vênh” nhất định, nhiều trường hợ không có quy định, tạo ra khoảng trống pháp lý, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Thiếu các quy định

Chưa có quy định bán thuốc trực tuyến:  Trong giai đoạn dịch bệnh, nhu cầu mua thuốc không kê đơn, mua bán trực tuyến tăng cao. Tuy nhiên, các quy định hiện tại lại chưa cho phép bán thuốc trên nền tảng trực tuyến. Theo quy định của pháp luật về dược, các hình thức bán lẻ thuốc thực hiện thông qua nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Cơ sở bán lẻ phải đáp ứng một số điều kiện về địa điểm, bảo quản, trang thiết bị, nhân sự. Với các quy định này, người dân phải mua thuốc trực tiếp tại các cơ sở bán thuốc. Điều này chưa phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Chưa quy định cho hình thức khám bệnh từ xa: Dịch bệnh cũng khiến nhu cầu tiếp cận dịch vụ y tế của người dân gặp nhiều khó khăn. Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, nhiều người bị nhiễm COVID-19 phải điều trị tại nhà do cơ sở y tế quá tải. Xuất phát từ thực tế này, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh từ xa là rất cần thiết và quan trọng. Dịch vụ này sẽ góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế và kịp thời chữa trị cho người bệnh. Tuy nhiên, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh không có quy định về hình thức khám bệnh từ xa. Pháp luật về bảo hiểm y tế cũng không có quy định liên quan đến thanh toán chi phí cho hình thức khám bệnh, chữa bệnh này.

Chưa quy định giải quyết cho trường hợp người lao động phải làm việc ở nhà: Trong giai đoạn dịch bệnh, theo chỉ thị từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp phải giảm số người làm trực tiếp, chuyển sang làm việc trực tuyến, làm việc từ xa. Điều này cũng nảy sinh một số vấn đề liên quan đến chính sách cho người lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động, giờ làm việc, hiệu suất làm việc; những thỏa thuận khác trong thỏa ước lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động… Quy định hiện tại chưa hướng dẫn cho các trường hợp lao động làm việc từ xa. Nếu phát sinh tranh chấp, rất khó có cơ sở pháp lý để giải quyết.

Quy định chưa phù hợp

Giờ làm thêm trong doanh nghiệp:  Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, giới hạn làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm, đối với một số ngành, nghề đặc thù là không quá 300 giờ/năm, số giờ làm thêm được khống chế chặt không quá 40 giờ/tháng. Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động do người lao động bị cách ly do nhiễm COVID-19, người lao động bỏ việc về quê… Khi trở lại sản xuất, nhu cầu tăng ca, tăng giờ làm việc để hoàn thành đơn hàng, giữ được khách hàng là rất cấp bách. Yêu cầu giới hạn về giờ làm thêm như quy định hiện hành khiến cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Gia hạn giấy chứng nhận lưu hành đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc:  Luật Dược quy định giấy đăng ký lưu hành thuốc có giá trị 05 năm kể từ ngày cấp. Khi hết hạn, doanh nghiệp phải thực hiện việc gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành. Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, việc gia hạn giấy chứng nhận lưu hành gặp nhiều khó khăn bởi:

i) doanh nghiệp thiếu nhân sự để chuẩn bị hồ sơ, do yêu cầu làm việc giãn cách;

ii) nhiều giấy tờ trong hồ sơ phải chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự tại nước sở tại. Ở các nước này do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, nhiều trường hợp không làm việc hoặc làm việc giãn cách. Do đó, doanh nghiệp có được các loại giấy tờ này là khó khăn;

 iii) biện pháp hạn chế đi lại khiến cho việc nộp hồ sơ của doanh nghiệp gặp khó;

iv) các giấy tờ như GMP (giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc), CPP (giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm), GDP (giấy chứng nhận thực hành tốt phân phối thuốc) của doanh nghiệp chưa được cấp mới, cấp lại vì cơ quan quản lý chưa tổ chức kiểm tra, đánh giá do dịch bệnh.

Pháp luật về dược không có quy định kéo dài hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký lưu hành thuốc,nguyên liệu làm thuốc. Việc không được gia hạn giấy chứng nhận đăng ký lưu hành, cùng với hiện trạng, nhiều nhà máy sản xuất thuốc bị ngừng trệ sản xuất do biện pháp phong tỏa, giãn cách, làm cho chuỗi cung ứng thuốc bị đứt gãy vì thiếu hụt nguồn thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Các yêu cầu về hình thức tài liệu trong hồ sơ xin cấp phép

Quy định hiện hành yêu cầu các tài liệu trong hồ sơ xin cấp phép trong lĩnh vực y tế phải được chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự17 (Điều 38 Luật Dược 2016 quy định, giấy tờ do cơ quan nước ngoài cấp phải được chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự trước khi nộp hồ sơ đề nghị cấp phép).

Các biện pháp phong tỏa, giãn cách trong nước cũng như ở nước ngoài, khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn để có thể đáp ứng yêu cầu về hồ sơ đề nghị cấp phép. Điều này khiến cho doanh nghiệp không thể hoàn thành các thủ tục cấp phép, bị ngừng trệ hoạt động kinh doanh và làm gián đoạn hoạt động cung ứng hàng hóa (ví dụ như trang thiết bị y tế nhập khẩu), ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khám chữa bệnh, phòng chống dịch.

Tóm lại: Các hoạt động kinh tế gặp vướng trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 cho thấy quy định của pháp luật hiện hành đang có nhiều vấn đề. Các nhà làm chính sách cần thiết phải xem xét lại một cách toàn diện để nhận diện: i) những vấn đề nào chỉ phù hợp trong thời kỳ dịch bệnh - cần có cơ chế để điều chỉnh quy định trong khoảng thời gian này; ii) những vấn đề nào cần phải điều chỉnh lại ngay cả khi mọi thứ quay trở lại bình thường - cần phải sửa đổi bổ sung hoặc thay thế quy định.

2. Những tồn tại trong các quy định kinh doanh

Các quy định về gia tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp

Có một nghịch lý là các cơ quan nhà nước đang lập Phương án để cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ trong các quy định liên quan đến kinh doanh, nhưng các chính sách đang soạn thảo và dự kiến ban hành hoặc đã ban hành lại có tình trạng gia tăng chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này khiến cho hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh trở nên thiếu thống nhất và chưa thực sự hiệu quả.

Trong năm 2021, cơ quan nhà nước đã soạn thảo dự thảo Nghị định về kinh doanh vận tải nội bộ, trong đó đặt ra các yêu cầu xe ô tô vận tải nội bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình; doanh nghiệp phải có giấy phép hoạt động vận tải nội bộ khi sử dụng một số loại ô tô vận tải nội bộ nhất định. Theo khảo sát, chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1,5 triệu đồng/xe/thiết bị. Dự kiến có khoảng 400.000 xe phải lắp. Như vậy, chỉ riêng về chi phí cho thiết bị, tổng chi phí cho số xe phải lắp ước tính khoảng 600 tỷ đồng. Đối với một số doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và có hoạt động vận tải nội bộ thì việc yêu cầu lắp thêm thiết bị giám sát hành trình cũng như xin giấy phép hoạt động vận tải nội bộ sẽ gia tăng chi phí và tạo gánh nặng rất lớn về thủ tục hành chính.

Thiếu thống nhất trong cơ chế quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu

Năm 2021, Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Cả hai dự thảo này đều có quy định về miễn kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu; hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh; thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Nhưng cách tiếp cận của hai dự thảo này khá khác nhau.

Ví dụ, đối với trường hợp miễn kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, dự thảo Nghị định về kiểm tra hàng hóa nhập khẩu quy định, tùy thuộc vào mục đích nhập khẩu để xác định các trường hợp miễn kiểm tra (ví dụ: nguyên liệu sản xuất thực phẩm nhập khẩu chỉ dùng để phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu không tiêu thụ thị trường tại trong nước; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công xuất khẩu, sản phẩm sản xuất xuất khẩu.

Trong khi đó, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định về chất lượng sản phẩm hàng hóa xác định hàng nhập khẩu là nguyên liệu để sản xuất hàng tiêu thụ nội địa trong trường hợp hàng hóa đã được quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương tương ứng sẽ được miễn kiểm tra chất lượng. Như vậy giữa hai dự thảo đang có cách tiếp cận khác nhau khi cùng quy định về việc miễn kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu.

Một số quy định thắt chặt gây khó khăn cho doanh nghiệp

Trong đó có thể kể đến là  sự gia tăng các điều kiện kinh doanh mà trước đây đã gỡ bỏ.

Về kinh doanh xuất khẩu gạo: Sau hơn ba năm bãi bỏ điều kiện về diện tích tối thiểu của kho chuyên dùng, công suất tối thiểu của cơ sở xay, xát hoặc chế biến thóc gạo tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2015 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, mới đây Bộ Công Thương đang đề xuất quay trở lại các quy định về điều kiện kinh doanh này với mục tiêu “tiêu chuẩn hóa đối với việc đầu tư cơ sở hạ tầng đầu vào nhằm đảm bảo sự đồng bộ hóa về năng lực chế biến của cả ngành”, “tạo cơ sở cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẵn sàng đáp ứng các quy định về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các thị trường nhập khẩu”.

Về kinh doanh dịch vụ thẩm định giá: trong đề xuất xây dựng Luật Giá, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất sửa đổi điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp thẩm định giá theo hướng nâng cao hơn điều kiện về nhân sự (người đại diện theo pháp luật phải được cấp thẻ thẩm định về giá trong tất cả các lĩnh vực tài sản; yêu cầu số lượng tối thiểu về số lượng thẩm định viên về giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá trong từng lĩnh vực hoạt động), nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng của thẩm định giá.

Việc gia tăng điều kiện kinh doanh sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp và thị trường cạnh tranh, bởi một số lượng doanh nghiệp sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường khi không thể đáp ứng điều kiện và thị trường chỉ còn một số ít các chủ thể kinh doanh. Điều này sẽ tác động đáng kể đến thị trường cạnh tranh và quyền lợi của khách hàng. Đánh giá tác động chính sách ở góc độ này trong các đề xuất là khá mờ nhạt. Chẳng hạn, đề xuất Luật Giá cho rằng gia tăng điều kiện kinh doanh sẽ làm cho khách hàng “dễ dàng trong việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá có chất lượng dịch vụ thẩm định tốt”. Nhưng nhìn ở góc độ khác, khách hàng sẽ ít có lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá hơn so với trước đây (vì số lượng doanh nghiệp thẩm định giá sẽ bị ít đi) và có nguy cơ phải chịu chi phí tăng cao hơn, trong khi đó chất lượng chưa chắc được đảm bảo. Những vấn đề này lại chưa được phản ánh một cách đầy đủ trong báo cáo. Đề xuất sửa đổi điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng không đề cập đến vấn đề này.

Quyền Phạm

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 161 - 05/2022

Bình luận: 0