Hành tinh của chúng ta, sức khoẻ của chúng ta
Ngày Sức khỏe Thế giới hay còn gọi là Ngày Y tế Thế giới (World Health Day) được tổ chức vào ngày 7 tháng 4 hằng năm dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bắt đầu từ năm 1950. Mỗi năm, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ chọn một vấn đề y tế trọng điểm toàn cầu và tổ chức các sự kiện trên phạm vi địa phương, khu vực, quốc tế trong ngày này và suốt năm để nêu bật lĩnh vực được lựa chọn. Năm nay WHO lựa chọn thông điệp “Hành tinh của chúng ta, Sức khỏe của chúng ta” nhằm nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa một hành tinh khoẻ mạnh và một sức khoẻ khoẻ mạnh, từ đó cần xây dựng một xã hội khoẻ mạnh vì một hành tinh khoẻ mạnh. Điều này giúp nhìn nhận xem xét mối quan hệ gắn bó, qua lại giữa sức khoẻ con người với sức khoẻ của hệ sinh thái động vật, thực vật, sinh vật trên thế giới. Do đó mỗi chúng ta cần phải lựa chọn những hành vi cá nhân, hành vi xã hội tác động tích cực tới môi trường vì một mục tiêu phát triển bền vững.
Hủng hoảng khí hậu là một trong những nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng tới sức khoẻ con người. WHO ước tính rằng mỗi năm có hơn 13 triệu ca tử vong trên khắp thế giới bắt nguồn từ các nguyên nhân môi trường trong đó có ô nhiễm môi trường, sự nóng lên của Trái đất. Hai năm qua, thế giới bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch COVID-19 đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của khoa học, y tế. Đồng thời đại dịch cũng làm lộ rõ những yếu điểm của y tế thế giới, sự bất bình đẳng trên thế giới trong việc tiếp cận y tế cũng như những điểm yếu trong mọi lĩnh vực của xã hội. Đại dịch cũng cảnh báo sự cấp thiết của việc tạo ra các cam kết xã hội để đạt được sự bình đẳng trong sức khỏe ở hiện tại và cho các thế hệ tương lai. Cần có một chiến lược phát triển bền vững trong đó phải gắn các mục tiêu kinh tế với sự công bằng xã hội và sự bền vững của môi trường là trụ cột chính để phát triển.
Việt Nam được Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng, là mẫu hình thành công trong lĩnh vực y tế với những thành tựu đặc biệt ấn tượng. Bằng việc kết hợp, tận dụng nhiều nguồn lực, điều kiện khác nhau như nỗ lực và quyết tâm chính trị cao; quốc gia hóa các mục tiêu MDGs thành các Mục tiêu phát triển Việt Nam; lồng ghép sâu rộng các mục tiêu này vào những kế hoạch, chiến lược, chính sách quan trọng, xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể và bố trí ngân sách phù hợp để đạt được mục tiêu…) và có một hệ thống y tế hoạt động hiệu quả và công bằng, với nền tảng là mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp. Sau hơn 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam đã cơ bản đạt được các mục tiêu về y tế.
Thứ nhất, các mục tiêu đã hoàn thành: Việt Nam đạt/vượt 16/17 các chỉ tiêu đề ra, chỉ có 1 chỉ tiêu (Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi) gần đạt. Các chỉ tiêu của Việt Nam đạt được hầu hết đều tốt hơn, trong đó rất nhiều chỉ tiêu tốt hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu thực hiện.
Thứ hai, Việt Nam hoàn thành các Mục tiêu trong bối cảnh nguồn lực (tổng chi tiêu y tế tính trên đầu người) còn rất hạn chế.
Trong các kỳ Đại hội và trong Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23-5-2005 về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Đảng ta đã nhấn mạnh: Nhà nước cần quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế Việt Nam đến năm 2020, định hướng cho lộ trình phát triển ngành y tế Việt Nam. Quan điểm này của Đảng đã được quán triệt và cụ thể hóa trong Quyết định số 122/QĐ-TT ngày 10-01-2013 về Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030, trong đó đã chỉ rõ: Sức khỏe là vốn quý của mỗi con người và của toàn xã hội, đầu tư cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng là đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội; Hướng tới xây dựng hệ thống y tế công bằng - hiệu quả - phát triển; Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm của Nhà nước nhưng đồng thời cũng là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình, của mỗi lực lượng kinh tế - xã hội và của cả cộng đồng.
Những năm qua hệ thống y tế Việt Nam đã được đầu tư xây dựng, phát triển mạnh mẽ, đặc biệt mạng lưới y tế cơ sở với độ bao phủ rất cao, đảm bảo bao phủ tất cả các địa bàn dân cư, kể cả những khu vực địa hình, vị trí phức tạp, khó tiếp cận; có sự gắn kết chặt chẽ, mật thiết với cộng đồng dân cư; Đủ năng lực cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cơ bản cho cộng đồng.
Với mục tiêu để mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế dễ dàng, công bằng nhất, ngành y tế nước ta đang có gắng mở rộng diện bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe và cải thiện khả năng bảo vệ tài chính. Chủ trương phát triển hệ thống y tế cơ sở làm cơ sở để bao phủ sức khoẻ toàn dân đã được Đảng, Chính phủ và ngành y tế xác định là vấn đề trọng tâm ưu tiên (đã được nêu rõ trong Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương, Quyết định 2348 của Thủ tướng Chính phủ) để hướng các Mục tiêu Phát triển Bền vững về y tế. Mới đây nhất trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định: Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, nâng cao sức khoẻ cho người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống. Đảng đã đề cập tới việc xây dựng chiến lược 10 năm 2021- 2030. Trong đó, với riêng lĩnh vực y tế phải hoàn thành các yêu cầu: “Đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng”.
Thực tế từ các chủ trương đó, nhà nước, ngành y tế, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả của nền y tế toàn dân. Những nỗ lực đó đã đạt được những kết quả như: Năng lực cung ứng dịch vụ cũng như chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu được cải thiện; hệ thống y tế cơ sở đáp ứng linh hoạt và hiệu quả hơn; Sự tương tác giữa các tuyến chăm sóc sức khỏe trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn; Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh… Cụ thể là tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng thêm 20 tuổi (từ 53,5 năm 1957 lên 73,7 năm 2021); chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 70/100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (61 điểm) và của toàn cầu (67 điểm). Trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực y tế Việt Nam đã tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới. Đến nay Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép và ghép được 6/6 tạng chủ yếu (tim, gan, phổi, thận, tụy, ruột), làm chủ các công nghệ phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch, châm cứu với chi phí giảm từ 1/2- 1/3 so với ở nước ngoài. Sản xuất vaccine trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng, hệ thống quản lý thử nghiệm lâm sàng được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận.
Thanh Tâm
Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 160 - 04/2022
Tin tức liên quan
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 1) (04:41 04/05/2022)
- Mối quan hệ giữa môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam (Kỳ 3) (01:53 21/04/2022)
- Ba lĩnh vực chính trong ngoại giao khí hậu của Châu Âu (11:34 26/03/2022)
- Mưa lũ gây ngập úng diện rộng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (10:20 27/10/2021)
- Bảo vệ tài nguyên nước có thể giúp chống lại biến đổi khí hậu (04:09 18/03/2021)