Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng
Theo nghiên cứu, việc đọc sách có vẻ như rất khô khan nhưng thực tế lại có tác dụng kích thích và nuôi dưỡng não bộ. Đọc sách là một biện pháp tự học hữu hiệu nhất, thiết thực nhất và ai cũng có thể làm được. Rèn luyện thói quen đọc sách sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn; là một thói quen tốt giúp cho bộ não của chúng ta khỏe mạnh và linh hoạt. Đọc sách giúp kích thích các dây thần kinh não bộ từ đó làm chậm lại tiến độ của bệnh Alzheimer và mất trí nhớ, giữ cho não bộ hoạt động và tham gia ngăn không cho bị mất năng lượng. Cách “tập thể dục” này giúp cho não bộ luôn khỏe mạnh và làm chậm quá trình lão hóa. Đồng thời trong quá trình đọc sách, khi chúng ta suy nghĩ, ghi nhớ thì khả năng liên kết của các noron thần kinh sẽ tăng lên. Việc đọc sách giúp bản thân sẽ nhìn nhận những nội dung trong sách theo các khía cạnh khác nhau. Tầm quan trọng của sách là việc có thể giúp cho người đọc phát huy sự sáng tạo, áp dụng những kiến thức trong sách vào ứng dụng thực tế của bản thân để xử lý trong các tình huống khác nhau. Đọc sách có chọn lọc và hiểu hết các giá trị trong cuốn sách đó sẽ giúp người đọc ngày càng phát triển được bản thân. Đặc biệt hơn, vai trò của sách hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Sách truyền tải những nội dung nhân văn, giáo dục con người về tình thương yêu, về tâm hồn trong sáng, tư tưởng, lối sống chân thật, thánh thiện và hoa mỹ, thẩm thấu về giá trị đạo đức, trí thức con người. Mỗi tác giả đều gửi gắm những nỗi niềm của mình vào trong cuốn sách đó và được truyền lại cho các thế hệ mai sau. Bởi vậy, đọc sách sẽ giúp con người hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó là một trong những tầm quan trọng của việc đọc sách mà bạn không nên bỏ qua. Do đó, giữ gìn thói quen này rất có ích cho vốn từ và khả năng giao tiếp của chúng ta đồng thời hình thành cho chúng ta khả năng tư duy, nhìn nhận phân tích và xử lý tốt thông tin khi học tập và làm việc.
Không chỉ tôn vinh văn hóa đọc, khẳng định tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội như một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần và truyền thống văn hiến của dân tộc Việt Nam, những ngày đọc sách ở Việt Nam còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bên cạnh việc tôn vinh văn hóa đọc bằng các hình thức phong phú, đa dạng như: triển lãm, trưng bày sách báo, giao lưu giữa tác giả với bạn đọc, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách, v.v.. Ngày hội đọc sách ở nước ta đã huy động được sự đóng góp, hỗ trợ, tài trợ cả về vật chất và tinh thần cho các thư viện - nơi nuôi dưỡng văn hóa đọc. Công tác xã hội hóa hoạt động thư viện đã thu được nhiều kết quả to lớn. Đặc biệt, từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Nhiều năm qua, ngày sách và văn hóa đọc ở nước ta đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng, sự quan tâm chú ý, tài trợ ngày càng tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng như các bộ, ngành, tổ chức, địa phương trên cả nước luôn tích cực phát động, xây dựng phong trào đọc, viết, quảng bá, lưu giữ sách trong mọi tầng lớp nhân dân, lan tỏa thành nếp sống đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Vừa qua, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong đó khoản 1 Điều 30 quy định ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Nhằm triển khai thi hành quy định của Luật Thư viện vào thực tiễn cuộc sống, đồng thời tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị của văn hóa đọc trong cộng đồng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 785/BVHTTDL-TV vào ngày 12/03/2021 về việc tổ chức hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2021. Bộ cũng đề nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành chỉ đạo hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn trong đợt hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8 năm 2021 căn cứ điều kiện thực tiễn xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động khuyến đọc đồng thời tổ chức tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa, tinh thần của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2021 (theo tinh thần Luật Thư viện) nhằm xây dựng phát triển văn hóa đọc của người dân trên địa bàn. Ngoài ra, các đơn vị tổ chức truyền thông bằng hình thức băng rôn, pano nhằm tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa, tinh thần của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2021. Từ đó, các hoạt động về Ngày sách Việt Nam đã góp phần tạo chuyển biến tốt trong nhận thức của xã hội về ý nghĩa, giá trị của sách và việc đọc sách. Hàng năm, Ngày Sách Việt Nam sẽ được tổ chức trên cả nước với quy mô ngày càng lớn, không chỉ ở các tỉnh, thành phố mà đã được chú trọng triển khai đến địa bàn cơ sở, vùng nông thôn, miền núi, những nơi còn khó khăn.
Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này nhằm thể hiện sự hội nhập kịp thời của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại.
Hưởng ứng văn hóa này, trước đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021 trên phạm vi toàn quốc. Từ đó, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Cuộc thi còn khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc trong việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Theo đó, cuộc thi được tổ chức dành cho học sinh phổ thông, sinh viên trên cả nước và người khiếm thị. Các địa phương, trường học phát động cuộc thi trong tháng 02/2021, lựa chọn các bài dự thi xuất sắc gửi về Ban tổ chức tại Hà Nội vào tháng 7/2021. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chấm, chọn và tổng kết, trao giải vào tháng 10-2021.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã và sẽ luôn là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc, là dịp để tôn vinh giá trị của sách, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống xã hội.
Lê Dũng
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 53 - 21
Tin tức liên quan
- VIETSKILL PHỐI HỢP CÙNG CARE EDUCATION: HỌC TIẾNG ANH – HỌC LUÔN KỸ NĂNG MỀM (06:29 25/05/2022)
- HƠN 25 TRIỆU USD – TƯƠNG ĐƯƠNG GẦN 600 TỈ - LÀ GIÁ TRỊ HỌC BỔNG TRAO CHO 155 HỌC SINH APU KHÓA 2022 (01:27 24/05/2022)
- “Ngày hội việc làm & kết nối doanh nghiệp năm 2022”: Cầu nối đưa sinh viên UTH đến gần với doanh nghiệp. (01:28 16/05/2022)
- Những thuận lợi khó khăn trong công tác phân luồng học sinh vào giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội (06:15 09/05/2022)
- Ngày Sách Việt Nam 2021 - lần VIII: Sách cho mọi nhà (04:59 30/04/2021)