Cảnh trong phim "Ranh giới".(Ảnh: VTV)
Thời khắc này cần được ghi lại không chỉ bằng những con số thống kê, những bản báo cáo mà cần bằng những hình ảnh sống động, đưa ra những luận cứ khoa học chữa trị bệnh dịch từ thực tiễn, chỉ ra những bài học, những chiêm nghiệm nhân sinh; về cách ứng xử của con người với thiên nhiên, môi trường; về những nhân tố phi thường và những kỳ tích của cuộc chiến có một không hai này. Để làm điều đó, một trong những loại hình nghệ thuật được nghĩ đến đầu tiên là phim tài liệu với sứ mệnh chép sử về cuộc sống hôm nay.
Quả thực thời gian vừa qua, phim tài liệu đã có những đóng góp thiết thực vào cuộc chiến chống Covid-19 tại nước ta. Những thước phim xúc động về muôn mặt đời sống, về những "chiến sĩ" áo trắng, áo xanh, về những hoàn cảnh, số phận con người nơi tâm dịch, không chỉ mang giá trị tư liệu và sử liệu mà còn cả giá trị nhân văn, làm lay động lòng người, thức tỉnh những gì nhân bản nhất. Nhiều người làm phim cũng là những chiến sĩ can đảm trên mặt trận chống dịch, thật sự yêu nghề, sẵn sàng dấn thân, chấp nhận rủi ro xấu nhất để có được những thước phim chân thực. Đó là truyền thống vẻ vang được trao truyền lại từ nhiều thế hệ làm phim tài liệu trước đây.
Trước năm 1975 và khoảng mươi năm sau đó, mỗi lần mua vé, vào rạp xem phim truyện, khán giả đều được xem "khuyến mại" trước một, hai bộ phim tài liệu. Các đội chiếu phim lưu động đến các khu dân cư hoặc vùng sâu, vùng xa cũng đều mang phim tài liệu chiếu trước khi bắt đầu phim chính. Phim tài liệu trở thành "món ăn" tinh thần quen thuộc với nhiều thế hệ, cung cấp kiến thức phong phú về khoa học, văn hóa, lịch sử, địa lý…, kể cho người xem những câu chuyện thời sự, những chiến công, những tấm gương tiêu biểu trong sản xuất và chiến đấu của quân và dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc có sức thuyết phục cao. Có thể nói phim tài liệu luôn song hành với đời sống qua ngôn ngữ hình ảnh mà người làm phim là thư ký thời đại. Vào giai đoạn đất nước đổi mới, đối tượng, đề tài phim tài liệu ngày càng đa dạng, phong phú hơn, thẳng thắn mổ xẻ những vấn đề mới của cuộc sống. Xuất hiện những bộ phim tài liệu hấp dẫn, thu hút người xem còn hơn cả phim truyện như Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế…
Nhưng càng về sau, thời thế thay đổi, thị hiếu thay đổi, phim nghệ thuật dần lấn át phim tài liệu. Vẫn có những bộ phim tài liệu rất hay nhưng không có điều kiện ra rạp, phải chuyển sang chiếu trên các kênh truyền hình hoặc các nền tảng internet. Và để bám sát cuộc sống sôi động đang vận hành với tốc độ rất nhanh cũng như phục vụ nhu cầu thời sự, phim tài liệu ngày càng "báo hóa". Tuy ở góc độ báo chí, nhiều bộ phim mang những giá trị nhất định và đoạt giải thưởng cao, nhưng ở góc độ nghề nghiệp thì phim tài liệu ngày càng bị "lép vế". Người xem bối rối không biết đây là một tác phẩm báo hình hay phim tài liệu.
Bởi đã là phim tài liệu thì ngoài giá trị tư liệu thì phải chứa đựng những thông điệp sâu sắc có sức gợi, sức nghĩ từ nhân vật, sự kiện. Hình ảnh phải được chăm chút kỹ lưỡng bằng dụng công nghệ thuật chứ không chỉ dừng ở mức phản ánh những vấn đề thời sự của cuộc sống. Những bộ phim mang tính nghệ thuật cao thường có độ trễ về thời gian để nghiền ngẫm, chắt lọc thì mới có cơ may mang tính phát hiện và tầm vóc tư tưởng. Đó là khác biệt cơ bản của phim tài liệu với phim truyền hình hoặc phim phóng sự, vốn chỉ thuần mô tả hay phản ánh những vấn đề tức thời của cuộc sống. Chưa kể, khi phim tài liệu gần với tác phẩm báo hình, nó phần nào tự đánh mất đi thế mạnh đặc thù là tính nghệ thuật, tính tư tưởng có khả năng níu giữ, ám ảnh người xem bằng những thông điệp và chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống.
Đại dịch Covid-19 là thời khắc đặc biệt trong lịch sử nhân loại nói chung và đất nước ta nói riêng. Cuộc chiến với "giặc Covid" của nhân dân ta với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh tổng lực của đất nước phải được ghi lại khách quan, đầy đủ và chân thực nhất cho hiện tại và cho muôn đời sau.
Bên cạnh những thước phim thời sự, rất cần những khởi đầu để có những bộ phim tài liệu đích thực tương xứng với tầm vóc của những gì đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên đất nước chúng ta. Để thực hiện điều đó, cần có những người làm phim thiết tha yêu cuộc sống, có tài, can đảm và mang tâm huyết thực hiện sứ mệnh "người chép sử bằng hình ảnh". Người làm phim phải không ngại khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng xông vào điểm nóng sự kiện để có được những hình ảnh chân thực nhất, bởi đó là yêu cầu cơ bản của một bộ phim tài liệu. Và dù đó là câu chuyện về những thời khắc lịch sử quan trọng hay đời thường cũng đều phải chứa đựng tình yêu Tổ quốc, nhân dân, trách nhiệm công dân, những tấm gương kiên cường chống lại "thần chết" Covid. Đây là mong muốn và cũng là đòi hỏi thiết tha từ cuộc sống hôm nay với những người làm phim tài liệu.