Sai phạm trong chuyển đổi đất đai, sử dụng tài sản công ai chịu trách nhiệm?
Chuyển đổi đất đai, sử dụng tài sản công không phù hợp pháp luật ai chịu trách nhiệm?
Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu đất phải di dời do doanh nghiệp nhà nước quản lý, người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng. Người được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải bảo đảm đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã cam kết, phải thực hiện ký cược, ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư và không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.
Trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các khu đất phải di do doanh nghiệp nhà nước quản lý để thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch đô thị phải thực hiện theo quy định tại Điều 118, Luật Đất đai 2013, cụ thể:
1/ Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất trong các trường hợp: a) Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua; b) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; c) Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; d) Sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đ) Cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; e) Giao đất, cho thuê đất đối với đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước; g) Giao đất ở tại đô thị, nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân; h) Giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
2. Các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất bao gồm: a) Giao đất không thu tiền sử dụng đất; b) được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; c) Sử dụng đất quy định tại các điểm b, g khoản 1 và khoản 2 Điều 56 của Luật Đất đai; d) Sử dụng đất vào mục đích hoạt động khoáng sản; đ) Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ; e) Giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức chuyển nơi công tác theo quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền; g) Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở; h) Giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở;
Theo nội dung tại Điều 118 nêu trên cho thấy các dự án kinh doanh thương mại, văn phòng, nhà ở thương mại, … được thực hiện từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại cơ sở đất đai phải di dời phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, điều này cũng thể hiện rất rõ trong Luật Kinh doanh nhà, Luật Đấu thầu.
Mặt khác, quá trình di dời, xử lý đất đai để thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch đô thị phải thực hiện tổ chức bán đấu giá tài sản trên đất của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Luật quản lý sử dụng tài sản công. Đối với tài sản công do doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, Sở Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức bán đấu giá. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, người trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán tiền mua tài sản vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính. Quá thời hạn quy định mà người trúng đấu giá không nộp tiền mua tài sản đấu giá vào tài khoản của Sở Tài chính thì người trúng đấu giá phải nộp thêm khoản tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Sở Tài chính có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đề nghị kèm theo bản sao Hợp đồng mua bán tài sản và chứng từ về việc nộp tiền của người trúng đấu giá gửi đến Cục thuế (nơi có tài sản) để xác định và ra Thông báo về số tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, số tiền chậm nộp thuộc nguồn thu của ngân sách.
Ngoài những quy định của pháp luật về đất đai, quản lý sử dụng tài sản công, quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại cơ sở phải di dời để phát triển dự án nhà ở thương mại, văn phòng, trung tâm thương mại còn phải căn cứ vào pháp luật về nhà ở, đấu thầu, xây dựng, quy hoạch …
Trong quá trình điều tra, nghiên cứu, rà soát của nhóm phóng viên, nhà báo, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các cơ sở nhà đất phải di dời do không phù hợp quy hoạch được quản lý, sử dụng bởi doanh nghiệp nhà nước, cơ sở nhà đất được xử lý, sắp xếp theo quy định về việc sắp xếp lại, xử lý các loại tài sản công tại các tổng công ty (Tổng Công ty Vận tải Hà Nội; Tổng Công ty Du lịch Hà Nội; Tổng Công ty Thương mại Hà Nội …, các đơn vị sự nghiệp) từ năm 2008 trở lại đây trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy rất nhiều sai phạm nghiêm trọng. Sai phạm từ khâu quyết định chủ trương đầu tư; đấu giá tài sản; quản lý, cấp phát giá trị thu được từ đấu giá tài sản công; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đấu giá quyền sử dụng đất; cho phép điều chỉnh quy hoạch xây dựng cục bộ …
Số liệu thống kê sơ bộ tại 50 dự án trên địa bàn quận Hà Đông, Thanh Xuân (phường Nhân Chính, Khương Trung, Khương Đình, Thượng Đình, Hạ Đình), quận Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Nghĩa Đô), quận Ba Đình; Nam Từ Liêm; Bắc Từ Liêm; Hai Bà Trưng; Đống Đa; Long Biên ... trong tổng số 2.500 dự án trên toàn Thành phố được triển khai từ năm 2008 đến nay cho thấy hàng trăm héc-ta đất được chuyển đổi do di dời không phù hợp quy hoạch được quản lý, sử dụng bởi doanh nghiệp nhà nước, cơ sở nhà đất phải xử lý, sắp xếp theo quy định về quản lý sử dụng tài sản công không đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, tài sản trên đất gây thất thoát nhiều nghìn tỷ đồng, tài sản công và đất đai nhà nước đang đi về đâu?! Đến nay đã có những dự án được thanh tra, nhưng các kết luận thanh tra, kiểm toán, vẫn chưa được chính quyền Hà Nội tổ chức thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm túc gây bức xúc trong dư luận và mất niềm tin trong nhân dân Thủ đô.
Với những gì đang diễn ra như hiện nay cho thấy, năng lực thực thi công vụ của công chức đang có vấn đề, nhận thức pháp luật của công chức còn hạn chế dẫn đến thực hiện sai chính sách, pháp luật hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng đối với người khác vì động cơ cá nhân; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Những sai phạm của người đứng đầu các ngành, địa phương, của cán bộ, công chức từ nhiệm kỳ trước nhưng không bị phát hiện và không biết bằng cách nào mà họ vẫn hiên ngang bước lên chính trường ngày một cao hơn?! Bằng những dự án cụ thể, chúng tôi sẽ phân tích, đánh giá, phản ánh trung thực, khách quan những sai phạm trên các khía cạnh pháp luật về đất đai; xây dựng; đầu tư; quy hoạch; quản lý sử dụng tài sản công; công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; tiếp cận thông tin và pháp lệnh dân chủ cơ sở để độc giả biết và hiểu hơn pháp luật của nhà nước, hiểu những nô bộc của nhân dân, để có cái nhìn sáng suốt kịp thời tham gia, góp ý với Đảng trong việc lựa chọn người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình, giới thiệu cán bộ vào các vị trí lãnh đạo, bầu vào cấp ủy trong dịp Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Phóng viên TTX
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 06 - 20.
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)