TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 15/11/2024

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tới công nhân lao động trong các khu công nghiệp hiện nay

19:41 05/11/2020
Logo header Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tới công nhân lao động trong khu công nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là khâu đầu tiên của hoạt động thực thi pháp luật, là cầu nối để truyền tải pháp luật vào cuộc sống. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật là mắt xích quan trọng có ý nghĩa đặc biệt trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Ảnh minh họa

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tới công nhân lao động (CNLĐ) trong khu công nghiệp được Đảng ta đặc biệt quan tâm, thể hiện bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết như Chỉ thị 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân; Nghị quyết số 20/NQ-TW, ngày 25/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho công nhân lao động; Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; Chỉ thị số 52- CT/TW ngày 09/01/2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho công nhân lao động.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tới công nhân lao động trong khu công nghiệp, Chính phủ đã ban hành một số Quyết định sau: Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng đời sống văn hoá công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về văn hóa tới công nhân lao động trong khu công nghiệp; Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 13/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động trong các doanh nghiệp đến năm 2020” với mục tiêu 70% công nhân lao động được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật có liên quan cho người lao động tại các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” theo các Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/2/2009; Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 và Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Các đề án của Chính phủ về tuyên truyền pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn giao thông, phòng chống tác hại thuốc lá, phòng chống ma túy, mại dâm, phòng chống tham nhũng... Đặc biệt năm 2012, Quốc hội đã ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó Điều 18 quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tới công nhân lao động trong các khu công nghiệp hiện nay, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để triển khai, thực hiện công tác này như sau:

Thứ Nhất: Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tới công nhân lao động trong các khu công nghiệp bằng hệ thống văn bản chỉ đạo: Nghị quyết 04/NQ-ĐCT ngày 03/4/2006 về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới” trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến CNLĐ, nâng cao hiểu biết pháp luật để CNLĐ nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, hoàn thành nghĩa vụ công dân, tự bảo vệ quyền lợi của mình; Nghị quyết 5a/NQ-BCH ngày 07/7/2006 về “Đẩy mạnh công tác pháp luật của Công đoàn trong tình hình mới”; Nghị quyết số 04b/NQ-TLĐ ngày 15/7/2014 về “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) trong tình hình mới”. Sau khi Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành, Tổng Liên đoàn đã ban hành Hướng dẫn số 343/HD-TLĐ ngày 25/3/2014 tuyên truyền Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, chú trọng tuyên truyền về địa vị pháp lý của Tổ chức Công đoàn Việt Nam được quy định tại Điều 10 Hiến pháp… Nhằm đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật, Tổng Liên đoàn đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TLĐ ngày 28/5/2004 về “Đẩy mạnh công tác tư vấn pháp luật của Công đoàn”; Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT ngày 27/12/2012 về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”; Chỉ thị số 02/CT-TLĐ ngày 30/9/2008 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện Thỏa ước lao động tập thể”; Kế hoạch 1233/KH-TLĐ ngày 17/7/2008 triển khai thực hiện Chỉ thị 22/CT-TW, cụ thể hóa thành những nội dung như: xây dựng nội quy lao động, xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ... mang lại nhiều quyền, lợi ích hợp pháp cụ thể, thiết thực hơn cho CNLĐ; Chương trình hành động số 399/CTr-TLĐ ngày 07/3/2008 thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, ngày 24/02/2012, BCH Trung ương Đảng đã ra Thông báo số 77-TB/TW kết luận đồng ý chủ trương lấy tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân”, Tổng Liên đoàn đã có Hướng dẫn các cấp công đoàn tổ chức Tháng Công nhân hàng năm, tập trung chăm lo lợi ích, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người lao động, gắn với tuyên truyền Tháng an toàn vệ sinh lao động; Kế hoạch số 17/KH-TLĐ ngày 07/4/2016 triển khai thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW, trong đó có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới công nhân lao động trong doanh nghiệp, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong doanh nghiệp; Kế hoạch số 22/KH-TLĐ ngày 17/8/2012 về tuyên truyền, phổ biến Bộ Luật Lao động năm 2012, Luật Công đoàn năm 2012 , đồng thời có các Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế tới người lao động.

Thứ Hai: Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tới công nhân lao động trong các khu công nghiệp, Tổng Liên đoàn đã đi sâu nghiên cứu, nắm rõ đặc điểm của công nhân lao động trong khu công nghiệp làm cơ sở lựa chọn nội dung, phương pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật phù hợp. Công đoàn Việt Nam có 4 cấp gồm: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (cấp Trung ương); 63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và 20 công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn (cấp tỉnh, ngành); Công đoàn cấp trên cơ sở (cấp quận, huyện, khu công nghiệp) và công đoàn cơ sở. Tính đến 30/11/2017, cả nước đã có 10.051.052 đoàn viên công đoàn (bao gồm cả công chức, viên chức và công nhân lao động) sinh hoạt tại 126.313 công đoàn cơ sở, trong đó số đoàn viên trong khu vực nhà nước là: 4.052.734 người, số đoàn viên trong khu vực ngoài nhà nước là 5.998.318 người. Tổng Liên đoàn đã thành lập được công đoàn các khu công nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố có khu công nghiệp trên cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 31/12/ 2017, số lượng công nhân lao động trong các doanh nghiệp được phân bổ như sau: doanh nghiệp Nhà nước: 1.265.200 người; doanh nghiệp ngoài Nhà nước 7.832.700 người; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 3.882.900 người. Nếu tính riêng công nhân lao động hiện đang làm việc trong 220 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tập trung ở các tỉnh, thành phố khu vực kinh tế trọng điểm 3 miền (Bắc, Trung, Nam) có khoảng trên 3 triệu người. Như vậy vẫn còn một lượng lớn công nhân lao động chưa là đoàn viên công đoàn trong các khu công nghiệp, đây là khó khăn trong công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách pháp luật tới công nhân lao động trong khu công nghiệp. Hiện tại đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động còn nhiều khó khăn, lương tối thiểu chưa đảm bảo mức sống tối thiểu. Công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp phải thuê nhà ở chật chội, sinh hoạt thiếu thốn, thiếu nhà trẻ, mẫu giáo để gửi con, nhiều người phải đưa con nhỏ về quê gửi ông bà chăm sóc. Một bộ phận công nhân lao động có trình độ thấp và không đều, thiếu thời gian tìm hiểu pháp luật do thời gian làm việc căng thẳng, nhiều công nhân phải làm việc từ 9 đến 12 tiếng một ngày với định mức lao động cao. Tình trạng công nhân lao động phải làm việc với máy móc lạc hậu, trong môi trường không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động vẫn còn khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp. Tình trạng người sử dụng lao động nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội vẫn xảy ra với số tiền hàng ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của hàng chục ngàn công nhân, lao động. Quan hệ lao động ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước nhiều nơi diễn biến phức tạp, vẫn còn nhiều cuộc đình công xảy ra. Những đặc điểm trên có ảnh hưởng không nhỏ tới việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tới công nhân lao động trong khu công nghiệp của các cấp công đoàn.

Thứ Ba: Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tới công nhân lao động trong các khu công nghiệp thời gian qua có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, từng bước phù hợp với nhu cầu của công nhân và thực tiễn của cơ sở.  Về nội dung: được chọn lọc ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, thực sự cần thiết, liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động, phù hợp với trình độ còn thấp và không đồng đều, với thời gian eo hẹp của công nhân lao động như: những nội dung cơ bản của Hiến pháp, pháp luật về lao động, Công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống ma túy, an toàn giao thông, bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình; quyền và nghĩa vụ của công dân để công nhân lao động có thể tự bảo vệ mình, đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật. Về hình thức: sử dụng linh hoạt, tổng hợp nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật như: củng cố đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật thông qua hệ thống báo chí, mạng xã hội; thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến công nhân lao động; thông qua xây dựng tài liệu, qua các hoạt động trực tiếp tại cơ sở như tuyên truyền miệng, hội nghị, hội thảo, thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh nội bộ trong doanh nghiệp, qua cổ động trực quan, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, qua tổ công nhân tự quản khu nhà trọ, đội ngũ công nhân nòng cốt trong doanh nghiệp…

Thứ Tư: Một số kết quả cụ thể: Đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp Tổng Liên đoàn là 30 người, các cấp công đoàn có 2.188 báo cáo viên pháp luật và tư vấn pháp luật cấp tỉnh (thống kê chưa đầy đủ). 15 năm qua, các cấp công đoàn tổ chức được 55.263 cuộc tập huấn cho 1,799.241 lượt cán bộ công đoàn; hình thành đội ngũ giảng viên kiêm chức; chú trọng tập huấn về chính sách, pháp luật lao động, công đoàn, kỹ năng hoạt động công đoàn và năng lực đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng: Hiện nay, hệ thống báo chí, xuất bản Công đoàn có 01 Nhà xuất bản, 05 Báo in, hơn 70 tạp chí và bản tin, hơn 76 báo điện tử và trang thông tin điện tử các cấp Công đoàn. Trong đó, Nhà Xuất bản Lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn, Báo Lao động trực thuộc Tổng Liên đoàn. Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, như: Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Viện Công nhân và Công đoàn, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ Lao động đều có xuất bản Tạp chí riêng. Còn lại là các báo, tạp chí và trang thông tin điện tử trực thuộc Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn. Đồng thời, Tổng Liên đoàn ký Chương trình phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam... mở chuyên mục Lao động và Công đoàn, trong đó có những nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 15 năm qua, báo chí công đoàn và các chương trình phối hợp đã mở 7.737 chuyên mục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; Hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý: tổ chức đóng góp ý kiến xây dựng hàng trăm dự thảo luật, nghị định, thông tư, đặc biệt là dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 2013, tập trung nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và tham gia xây dựng dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động... Tham gia hoàn thiện nội quy, quy chế của doanh nghiệp, cụ thể hóa các quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của người lao động và trách nhiệm của người sử dụng lao động. Các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia của Tổng Liên đoàn thể hiện vai trò, trách nhiệm trong đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu vùng hàng năm. Cán bộ công đoàn là đại biểu Quốc hội thông tin nhiều vấn đề người lao động quan tâm trong các kỳ họp Quốc hội như: xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu có lộ trình đối với lao động nữ; vướng mắc, bất cập trong việc công đoàn thực hiện quyền khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH... Chỉ tính riêng giai đoạn 2013 - 2018, các cấp công đoàn đã tham gia xây dựng, sửa đổi, góp ý kiến 1.408 văn bản.

Hiện tại, hệ thống công đoàn có 17 Trung tâm, 48 Văn phòng, 727 tổ tư vấn pháp luật thuộc 60 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, 17 Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn với 505 cán bộ. Các cấp công đoàn đã tổ chức tốt hoạt động tư vấn bằng nhiều hình thức như tư vấn trực tiếp, qua điện thoại, qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Trong những năm qua, các cấp công đoàn đã thực hiện tư vấn 446.179 vụ tranh chấp lao động cá nhân, giải quyết quyền lợi cho 1.518.667 người lao động; tham gia giải quyết, đại diện bảo vệ người lao động tại Tòa án cho 9.480 vụ giúp 18.137 người lao động được nhận trở lại làm việc, 35.174 NLĐ được chi trả trợ cấp thôi việc, 141.922 người lao động được nâng lương, 393.122 người lao động được đóng BHXH, 919 người lao động được bãi bỏ kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất. Tổng số tiền đòi bồi thường là 94,602 tỷ đồng (chưa tính các khoản tiền truy thu nộp BHXH cho hàng chục ngàn người lao động). 

Hoạt động thương lượng, đàm phán, ký thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động: Các cấp công đoàn tổ chức thương lượng với người sử dụng lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi hơn so với quy định pháp luật, trong đó có nội dung người sử dụng lao động tạo điều kiện để tổ chức Công đoàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, nhằm làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tính đến hết năm 2018 đã có 28.876 bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết; có hơn 33.000 cuộc đối thoại giữa người sử dụng lao động, người lao động tại nơi làm việc nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tham gia giải quyết 5.037 cuộc ngừng việc tập thể, đình công. 

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trực tiếp tại cơ sở: Trong những năm qua, Tổng Liên đoàn đã phối hợp với cơ sở tổ chức 03 đợt khảo sát với 8.000 phiếu hỏi tới cán bộ công đoàn và công nhân lao động tìm hiểu thực trạng hiểu biết và nhu cầu tìm hiểu pháp luật, từ đó xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tới công nhân. Biên soạn và phát hành 948.400 tài liệu các loại (20 mẫu tờ gấp, 05 mẫu sổ tay khổ 10cm x 14cm, CD, DVD tình huống về pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phòng chống ma túy, phòng chống tác hại của thuốc lá). Tổ chức 302 cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn, tuyên truyền trực tiếp cho cán bộ công đoàn và công nhân lao động, thu hút khoảng 60.400 lượt người tham gia. Tổ chức 34 chuyên mục tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên truyền hình thu hút hàng nghìn lượt người xem; tổ chức trên 10 cuộc mít tinh và thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa (gameshow) nhân Ngày pháp luật, Tháng Công nhân hàng năm, thu hút 5.000 lượt cán bộ công đoàn và công nhân lao động tham gia. Hỗ trợ xây dựng 15 tủ sách pháp luật, tổ chức tuyên truyền trên loa truyền thanh nội bộ của 41 doanh nghiệp, hỗ trợ thành lập 40 tổ tuyên truyền pháp luật khu nhà trọ, hỗ trợ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tổ chức Công đoàn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, các cấp công đoàn đã tổ chức được 286.519 cuộc tuyên truyền trực tiếp, thu hút 23.000.524 lượt cán bộ công đoàn và công nhân lao động tham gia; tổ chức được 11.554 cuộc tư vấn tại doanh nghiệp, thu hút 488.078 lượt công nhân lao động tham gia; biên soạn và phát hành 11.848.556 loại tài liệu; tổ chức được 3.540 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 1.284.769 lượt người tham gia; xây dựng được 14.757 tủ sách pháp luật; xây dựng được 2.538 Tổ công nhân tự quản thu hút 207.552 công nhân tham gia.

Những đổi mới trong chỉ đạo, hướng dẫn, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật 
Tạo diễn đàn để công nhân lao động và đoàn viên công đoàn được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với người đứng đầu Chính phủ - một hoạt động vừa như một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của công nhân lao động, vừa như một kênh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật hữu hiệu.

Tổng Liên đoàn đã 04 lần tổ chức Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động nhân Tháng Công nhân. Lần thứ nhất, ngày 30/4/2016, tại tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt, giao lưu, đối thoại với 3.000 công nhân lao động đến từ các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Lần thứ hai, ngày 22/4/2017, tại TP Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt, giao lưu, đối thoại với 2.000 công nhân lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Lần thứ ba, ngày 20/5/2018, tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt, giao lưu, đối thoại với 1.000 công nhân lao động tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng: Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh phúc. Lần thứ tư, ngày 05/5/2019, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt, giao lưu, đối thoại với công nhân lao động kỹ thuật cao đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các ngành: Hàng hải, Hàng không, Dầu khí, Xây dựng, Điện lực, Nông nghiệp, Y tế, Quốc phòng, Công thương, Công nghiệp tàu thủy, Cao su, Dệt May, Đường Sắt, Giao thông vận tải, Than khoáng sản, Thông tin truyền thông. Với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe, chia sẻ, đồng thời đã chỉ đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của công nhân lao động như lương, nhà ở, nhà trẻ, điều kiện làm việc, các chế độ chính sách về đào tạo nâng cao trình độ để công nhân lao động từng bước làm chủ máy móc, công nghệ cao trong kỷ nguyên 4.0. Có thể nói, các chương trình Thủ tướng gặp gỡ công nhân lao động nhân Tháng Công nhân là một cách làm mới, một hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mới, vừa tổng hòa được các hình thức truyền thống như tuyên truyền miệng, giao lưu, đối thoại, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, vừa tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến được với công nhân lao động một cách nhanh nhất, đúng nhất và thiết thực nhất.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Nâng cấp Trang thông tin điện tử của Tổng Liên đoàn thành Cổng thông tin điện tử, có chuyên mục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cập nhật các văn bản chỉ đạo của Tổng Liên đoàn, phản ánh hoạt động của các địa phương, tư vấn pháp luật trực tuyến cho người lao động. Tính riêng từ năm 2016 khi nâng cấp thành Cổng thông tin điện tử đến nay, đã có 6.000 tin, bài, ảnh và hơn 6,5 triệu lượt người truy cập. Đầu năm 2019, Tổng Liên đoàn khai trương hệ thống tư vấn pháp luật trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử, hàng tháng có trên 4.000 lượt công nhân lao động hỏi về chính sách, pháp luật. 

Tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật trên mạng xã hội - fanpage Công đoàn Việt Nam với mục đích kết nối trên 130 nghìn công đoàn cơ sở và trên 10 triệu đoàn viên công đoàn, nhất là gần 3 triệu đoàn viên công đoàn là công nhân lao động trong các KCN, KCX. Tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên công đoàn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tổ chức công đoàn. Hỗ trợ tư vấn chính sách pháp luật (Bộ Luật Lao động, Luật BHXH, BHYT, BHTN, Luật Công đoàn…) trực tuyến cho đoàn viên công đoàn. Tuyên truyền về phong trào công nhân và hoạt động công đoàn các cấp, nhất là hoạt động đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động…Tuyên truyền các gương người tốt, việc tốt; mô hình hay, cách làm sáng tạo của đoàn viên công đoàn, của các cấp công đoàn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình hàng ngày có 05 tin, bài, ảnh được đăng tải, 10 lượt hỏi - đáp về pháp luật; 29.000 lượt người theo dõi, truy cập.

Đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức truyền thông sự kiện, truyền thông qua nhóm công nhân nòng cốt, tổ tự quản công nhân khu nhà trọ
Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân, Ngày pháp luật, Ngày hội tư vấn, tổ chức gameshow để lồng ghép truyền tải nội dung pháp luật nhằm tránh sự khô cứng, dễ dàng thu hút sự quan tâm của công nhân lao động, tạo nên sự lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội. Tổ chức tuyên truyền pháp luật thông qua nhóm công nhân nòng cốt, tổ tự quản công nhân khu nhà trọ, với phương châm “công nhân nói cho công nhân nghe” theo cách ‘mưa dầm thấm lâu”, tạo điểm nhấn, chiều sâu và sức lan tỏa trong công nhân.

Trong thời gian tới, nghiên cứu dự báo cho thấy, số lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ đạt khoảng 12.845 nghìn người vào năm 2022; 16.020 nghìn người vào năm 2026 và 19.400 nghìn người vào năm 2030; số công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giảm, như vậy công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tới công nhân lao động khu vực ngoài nhà nước sẽ càng khó khăn hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật mới, thúc đẩy kinh tế tri thức phát triển, làm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và làm biến đổi các lĩnh vực của đời sống xã hội; tuy nhiên do trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức chính trị, hiểu biết pháp luật và tác phong công nghiệp của công nhân còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ mất việc làm của số đông lao động giản đơn. Do yêu cầu mới của quá trình hội nhập quốc tế và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết, cam kết thực hiện, hệ thống pháp luật Việt Nam về lao động và công đoàn sẽ tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có việc hình thành tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam. Tình hình trên đang đặt ra những thách thức và khó khăn lớn trong hoạt động công đoàn và quan hệ lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao; Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho công nhân lao động; Tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Để đạt mục tiêu trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định hướng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tới công nhân lao động trong khu công nghiệp như sau:

Một là: Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sát hợp với đối tượng người lao động, trọng tâm là nâng cao năng lực tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, có việc làm bền vững, an toàn, luôn gắn kết chặt chẽ với tổ chức Công đoàn.

Hai là: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật tới công nhân lao động trong khu công nghiệp theo hướng: nội dung chọn lọc ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, thực sự cần thiết, liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động; các hình thức tuyên truyền được sử dụng linh hoạt, phù hợp với trình độ còn thấp và không đồng đều, với thời gian eo hẹp, với điều kiện sống, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn của công nhân lao động trong doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Ba là: Đẩy mạnh công tác đào tạo, công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn làm công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ công đoàn ở cơ sở. 

Bốn là: Đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động, coi đây là cách bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng và hiệu quả; nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, chất lượng tư vấn pháp luật; giải quyết tranh chấp lao động tập thể; đẩy mạnh công tác tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản biện xã hội.… góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật.

Năm là: Nâng cao hiệu quả của các chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật với cơ quan truyền thông, chủ động thông tin, tuyên truyền về phong trào công nhân, hoạt động Công đoàn, những nội dung pháp luật có liên quan trực tiếp đến công nhân lao động. Sử dụng có hiệu quả những ứng dụng tích cực của internet, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật gắn với việc thực hiện một trong 3 khâu đột phá của Đại hội XII Công đoàn Việt Nam là đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Sáu là: Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy bộ môn pháp luật tại trường Đại học Công đoàn, Đại học Tôn Đức Thắng, đặc biệt chú trọng nội dung pháp luật lao động, công đoàn và những nội dung pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến người lao động; tăng cường phối hợp với các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các nội dung pháp luật cho cán bộ Công đoàn tại cơ sở.

Bảy là: Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; phối kết hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan trong triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng phòng Văn hóa cơ sở
Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 35-20

Bình luận: 0