Xử lý đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước
Để đạt được mục tiêu đó, cần phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện hữu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để đẩy nhanh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN. Đặc biệt là những khó khăn, bất cập, sự chồng chéo, không rõ ràng của các quy định pháp luật trong công tác lên phương án sử dụng đất và xử lý đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Đối với việc lên phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Văn bản số 4544/BTC-PTDN nhằm hướng dẫn cụ thể một số nội dung liên quan đến phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa và các cơ quan liên quan khẩn trương lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (bao gồm cả phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng trình tự và thẩm quyền về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Hướng dẫn nhấn mạnh: “Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa phải bao gồm toàn bộ diện tích đất của các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước thực hiện cổ phần hóa và chưa được sắp xếp theo quy định của Luật Ðất đai; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và văn bản pháp luật về cổ phần hóa”. Một số chuyên gia tài chính cho rằng, quá trình sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất hiện đang mất rất nhiều thời gian và gặp rất nhiều khó khăn, hướng dẫn trên cũng rất khó thúc đẩy tiến trình Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp Nhà nước và Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, để cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, phải hoàn thành phương án sử dụng đất và được UBND cấp tỉnh địa phương đồng ý về phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hóa. Song trên thực tế, việc này thường kéo dài thời gian, đặc biệt là ở các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn có cơ sở đất đai trải rộng ra nhiều địa phương. Cụ thể, theo quy định tại Điều 5 việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo hướng dẫn của Nghị định 167/2017/NĐ-CP thì doanh nghiệp phải lập một danh sách tài sản (là đất) rồi trình lên cấp trên, khi được cấp trên đồng ý thì gửi đi các tỉnh. Trong khi đó, mỗi doanh nghiệp có hàng trăm cơ sở đất đai ở hàng chục tỉnh khác nhau, doanh nghiệp muốn cổ phần hóa sẽ phải đến từng tỉnh lấy ý kiến rồi quay về nộp Bộ Tài chính. Sau đó Bộ Tài chính lại lấy ý kiến các đơn vị có liên quan mới ra phương án cổ phần hóa, nhưng ra phương án xong, trường hợp có thay đổi lại quay lại một vòng luẩn quẩn như trên.
Đối với việc xử lý đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước
Một số vấn đề xảy ra trong giai đoạn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vừa qua như nhiều doanh nghiệp rà soát thấy có đất thừa không sử dụng nhưng “của đau con xót” nên vẫn giữ và không muốn trả về địa phương. Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp đang có đất cho thuê mà không có hồ sơ, chứng từ. Lãnh đạo doanh nghiệp nại ra lý do: “Do đời trước để lại” nên ngại làm rõ, song thực tế, nếu làm rõ mà tài sản đất đai về lại doanh nghiệp thì họ tích cực làm, còn nếu làm lại mà tài sản về với Nhà nước thì doanh nghiệp sẽ càng chần chừ. Một số doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích nên lãnh đạo doanh nghiệp cứ “lờ” đi. Có trường hợp, Bộ Tài chính thúc giục mạnh mẽ việc xử lý đất mới vỡ lẽ họ có đến mấy chục mảnh đất nhưng lại giao cho người khác quản lý, cho cán bộ nhân viên ở hoặc chiếm dụng làm việc khác dẫn đến phát sinh tranh chấp và đang trong quá trình giải quyết.
Tất cả những tồn tại trên là do các quy định về việc tiến hành sắp xếp, xây dựng phương án sử dụng nhà, đất tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP thiếu rõ ràng, không minh bạch trước khi lập phương án cổ phần hóa. Danh mục các khu đất mà các doanh nghiệp sở hữu không rõ ràng, không công khai; quá trình quản lý và sử dụng đất tại các doanh nghiệp Nhà nước luôn trong trạng thái kín, không có cơ quan nào kiểm soát và giám sát. Như vậy, cần sửa đổi các quy định của pháp luật về phương án sử dụng nhà, đất tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP theo hướng công khai, minh bạch thông tin để các cấp có thẩm quyền và các cá nhân có thể theo dõi và giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai. Quy trình, thủ tục cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cần được đơn giản, để quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp được tiến hành nhanh chóng, kích thích sự phát triển của kinh tế tư nhân, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Trung Kiên
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 04 - 20
Tin tức liên quan
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (02:41 03/03/2023)
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 (09:07 13/10/2022)
- ĐẠI HỘI HỘI DOANH NGHIỆP BẾN LỨC KHÓA I, NHIỆM KỲ 2022 - 2027 (05:20 07/08/2022)
- GIẢI PHÁP “TRẺ HÓA” VỚI DẦU GỘI PHỦ BẠC KANAVAL (03:23 04/07/2022)
- Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (06:44 04/07/2022)