TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Báo chí và việc thúc đẩy công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền

19:41 18/06/2021
Logo header Báo chí Cách mạng Việt Nam là vũ khí, tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội, nghề nghiệp; là phương tiện thông tin, tuyên truyền quan trọng, đồng thời là diễn đàn để nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề tài “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, mã số KX 01.41/16-20, thuộc Chương trình KH&NC trọng điểm cấp Quốc gia KX.01/16-20, Bài viết đưa ra những vấn đề lý luận về báo chí trên các khía cạnh khái niệm, vị trí, vai trò. Bên cạnh đó, qua việc phân tích những quy định pháp luật về hoạt động của báo chí, bài viết khẳng định báo chí là một công cụ vô cùng hiệu quả, thúc đẩy công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Khái niệm, vị trí, vai trò của báo chí:

Ở góc tiếp cận từ lý thuyết, báo chí được coi là “những tư liệu sinh hoạt tinh thần nhằm thông tin và nói rõ về những sự kiện thời sự đã và đang diễn ra cho một nhóm đối tượng nhất định, nhằm mục đích nhất định, xuất bản định kỳ, đều đặn”. Theo nghĩa hẹp, báo chí được hiểu bao gồm báo và tạp chí, theo nghĩa rộng, bao gồm các loại hình báo chí: báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử (và báo chí công dân). Với sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ và phương thức thông đa dạng, báo chí gắn với truyền thông xã hội, mạng xã hội, giới báo chí có thể được gọi chung là giới truyền thông.

Theo Điều 3 Luật Báo chí năm 2016“Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử”.

Về vai trò của báo chí, tại Đại hội lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức ghi nhận, yêu cầu báo chí cách mạng Việt Nam đảm nhận vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội. Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của Nhân dân và đất nước...”. Trước đó, trong Nghị quyết Trung ương 6 (lần hai) khóa VIII (tháng 2-1999), Đảng ta đã khẳng định báo chí và truyền thông đại chúng là một trong bốn hệ thống giám sát xã hội. Đây là bước phát triển quan trọng về lý luận, nhận thức của Đảng về vai trò xã hội của báo chí và truyền thông đại chúng.

Theo Luật Báo chí năm 2016, báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.Báo chí là công cụ thể hiện quyền lực chính trị. Liên quan đến chức năng thông tin truyền tải, báo chí có vai trò trong chính trị - tư tưởng, đời sống - xã hội, văn hóa - giải trí.

Trong chống tham nhũng, tiêu cực trong đời sống xã hội, báo chí chiếm một vai trò hết sức quan trọng, bởi vị thế và quyền năng mà chỉ có báo chí mới có thể làm được. Với chức năng truyền thông, báo chí là công cụ vô cùng sắc bén và có đặc quyền trong đưa tin và chống lại những hành vi tham nhũng. Nhờ tính công khai, tính trung thực khi đưa tin của báo chí, người dân có được nhìn tổng quát hơn về các vấn đề xã hội. Đặc biệt thông qua báo chí, người dân cũng có thể tố cáo, trình bày quan điểm về các vấn nạn tham nhũng hiện nay, cũng như góp phần tuyên truyền phổ biến pháp luật, ý thức phòng, chống tham nhũng đến người dân.

Có thể khẳng định, báo chí là một công cụ vô cùng hiệu quả, thúc đẩy công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Đây là một kênh giám sát và phản biện vô cùng quyền lực, quan trọng, và không thể thiếu trong sự nghiệp đấu tranh, chống tham nhũng, tiêu cực ở mỗi quốc gia.

Pháp luật và thực hiện pháp luật về báo chí trong việc thúc đẩy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 đã dành hẳn 1 chương (Chương V) về trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Đây cũng là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm vai trò của các chủ thể trong xã hội trong thúc đẩy công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, Điều 75 quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo.

Song song với đó, nhóm các luật về sự tham gia của các cơ quan báo chí cũng quy định cụ thể vai trò tham gia của từng chủ thể trong xã hội trong

Có thể thấy, Nhà nước đã có những cố gắng và đạt được kết quả nhất định trong việc tạo khung pháp lý cơ bản cho hoạt động của các cơ quan báo chí trong thúc đẩy công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Đã có những tiến bộ đáng ghi nhận cả về lượng và chất trong việc định hình cấu trúc, nội dung đối với khung pháp luật về vấn đề này. Đã xuất hiện những văn bản pháp luật riêng, quy định mang tính tổng thể về cơ chế (như Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, Luật Phòng chống tham nhũng) hoặc về từng chế định pháp luật cụ thể, hay trong luật chuyên ngành cần được đảm bảo có sự tham gia của các cơ quan báo chí tham gia thúc đẩy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cần thấy rằng khung pháp luật cho hoạt động của các cơ quan báo chí trong thúc đẩy tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình cơ quan hành chính nhà nước còn khá rời rạc, thiếu tính hệ thống và tính liên kết, nhiều nội dung còn chung chung, chưa có quy định cụ thể. Nhiều lĩnh vực vẫn còn chưa có những quy định đầy đủ, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của nhóm chủ thể này trong hoạt động thúc đẩy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với các cơ quan hành chính nhà nước.

Tính đến ngày 30/11/2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh-truyền hình với 2 đài Quốc gia, 63 đài địa phương, 5 kênh truyền hình. Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí (cả 4 loại hình), trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo. Báo chí có vai trò trong chính trị - tư tưởng, hết sức quan trọng, bởi vị thế và quyền năng mà chỉ có báo chí mới có thể làm được. Với chức năng truyền thông, báo chí là công cụ vô cùng sắc bén và có đặc quyền trong đưa tin và chống lại những hành vi tham nhũng. Nhờ tính công khai, tính trung thực khi đưa tin của báo chí, người dân có được nhìn tổng quát hơn về các vấn đề xã hội. Đặc biệt thông qua báo chí, người dân cũng có thể tố cáo, trình bày quan điểm về các vấn nạn tham nhũng hiện nay, cũng như góp phần tuyên truyền phổ biến pháp luật, ý thức phòng, chống tham nhũng đến người dân. Có thể khẳng định, báo chí là một công cụ vô cùng hiệu quả, thúc đẩy công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Đây cũng là một kênh giám sát và phản biện vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong sự nghiệp đấu tranh, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy hoạt động công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của báo chí còn gặp phải những khó khăn, hạn chế: Các quy định pháp luật về báo chí trong việc thúc đấy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn nhiều bất cập; đầu mối cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, nhà báo hiện nay chưa cụ thể làm cho các cơ quan báo chí, các nhà báo khó khăn trong việc tiếp cận với các đầu mối đó để thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin; vẫn còn nhiều cơ quan báo chí đăng tải những thông tin không đúng sự thật về liên quan đến các hoạt động quản lý của Nhà nước, và gây ra những hậu quả nghiệm trọng; các cơ quan nhà nước vẫn chưa xây dựng được đầy đủ cơ sở dữ liệu về thông tin theo chuyên đề, theo ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước. Điều này gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của các cơ quan báo chí.

Kết luận

Báo chí là một công cụ vô cùng hiệu quả, thúc đẩy công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần trong việc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh những kết quả đã đạt được cả về lượng và chất trong việc định hình cấu trúc, nội dung khung pháp luật về hoạt động của báo chí, còn tồn tại tình trạng các cơ quan báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin ở các cơ quan nhà nước. Do đó, Đảng và Nhà nước cần phải đặc biệt quan tâm hơn nữa đến hoạt động báo chí, lãnh đạo, chỉ đạo và cụ thể hóa chính sách, pháp luật về hoạt động báo chí một cách hiệu lực, hiệu quả. Chăm lo, bảo đảm cho cơ sở vật chất, tinh thần cho cơ quan báo chí, nhà báo được hoạt động một cách lành mạnh trên tinh thần hiến pháp và pháp luật.

ThS. Nguyễn Trung Thành

Viện Khoa học Môi trường và Xã hội

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 66 - 21

Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, mã số KX 01.41/16-20, thuộc Chương trình KH&NC trọng điểm cấp Quốc gia KX.01/16-20.

Bình luận: 0