TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Đẩy mạnh cải cách hành chính tăng cường sự hài lòng của người dân

15:30 01/10/2020
Logo header Ở Việt Nam, cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước là một phần quan trọng của công cuộc đổi mới, là trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước để đáp ứng những đòi hỏi của tiến trình đổi mới.

Ảnh minh họa

Công cuộc đổi mới do Đảng và Nhà nước khởi xướng và lãnh đạo đất nước ta trong những năm qua đã tạo nên những thay đổi vượt bậc trong đời sống kinh tế - xã hội, được xếp thứ 44 trên thế giới. Từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cùng với đó đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Không những vậy, uy tín quốc gia cũng ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.

Những thành công kể trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân rất quan trọng là do Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến cải cách nền hành chính Nhà nước. CCHC Nhà nước đã trở thành một trong những đòi hỏi của sự phát triển và đổi mới. Khẳng định tầm quan trọng của CCHC Nhà nước với tư cách là một bộ phận không tách rời và quyết định thành công của công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: CCHC là nội dung trọng tâm của công cuộc đổi mới và cải cách Nhà nước theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. CCHC được xem như đòn bẩy cho sự phát triển. Vì vậy, đánh giá về kết quả của CCHC không thể không đề cập đến những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong 10 năm. Kết quả của sự tăng trưởng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân song CCHC chắc chắn là một nhân tố, một yếu tố động lực khi CCHC góp phần giảm bớt chi phí xã hội, chi phí ngân sách, tháo gỡ những khó khăn, mở ra những cơ hội cho phát triển, tạo ra sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Một điều cần khẳng định của CCHC nhà nước của giai đoạn 2011 - 2020 là tính thực chất trong quá trình thực hiện với những bước đi, những giải pháp trọng tâm, tạo ra một diện mạo mới về thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Không chỉ các cơ quan Trung ương mà tất cả các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành CCHC một cách mạnh mẽ trong thời gian qua và thu được những kết quả rất khả quan. Văn bản pháp quy đã giảm nhiều về mặt số lượng, sự chồng chéo cũng đã dần được khắc phục và khả năng thực thi những văn bản này đã đạt hiệu quả cao hơn trước. Nội dung CCHC nhà nước đã gắn với những trọng tâm, những yếu tố trụ cột của nền hành chính, đó là thể chế, tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, vấn đề hiện đại hóa hành chính và tài chính công. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn phát triển đều có những vấn đề mới cần được giải quyết một cách triệt để. Tùy thuộc từng giai đoạn mà những vấn đề này cần có những cách tiếp cận mới trong thiết lập định hướng, tư duy cải cách. CCHC giai đoạn mới cần lấy cải cách thể chế là trung tâm, cải cách công vụ, tổ chức bộ máy là then chốt, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức là nền tảng, hiện đại hóa hành chính và cải cách tài chính công là động lực. Các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc. Điển hình, trong năm 2019, Bộ Tài chính đã cắt giảm 63 phòng, ban và 193 Chi cục thuế tại Cục thuế cấp tỉnh, giảm hơn 1.700 Đội thuế thuộc Chi cục thuế cấp huyện, 143 phòng thuộc Kho bạc Nhà nước cấp huyện được cắt giảm cùng với 48 đơn vị cấp tổ, đội. Đồng thời, giảm 12 Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan cấp tỉnh. Còn với Bộ Giao thông vận tải cũng trong năm 2019 đã giảm được 32 tổ chức cấp phòng trở lên. Tỉnh Cao Bằng đã cắt giảm 95 đầu mối tổ chức hành chính, qua đó, giảm 144 vị trí lãnh đạo; cắt giảm 158 đơn vị sự nghiệp công lập, qua đó, giảm được 474 vị trí lãnh đạo. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành/tham mưu ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, qua đó, cắt giảm, đơn giản hóa nhiều TTHC thuộc phạm vi quản lý, như các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cắt giảm, đơn giản hóa hàng trăm TTHC rườm rà. Tại các địa phương, thời gian giải quyết đã được rút ngắn đáng kể so với quy định đối với nhiều TTHC. 

Trên cơ sở kết quả đạt được trong những năm vừa qua, các cơ quan quản lý Nhà nước cùng các Bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục nỗ lực tăng cường đẩy mạnh CCHC trên nhiều lĩnh vực. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trọng tâm vào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, quản lý công chức, viên chức, tổ chức bộ máy và thể chế về môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử. Đặc biệt, chú trọng công tác theo dõi, đánh giá và tăng cường khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động của CCHC. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các TTHC được tinh gọn hơn nữa để người dân có được sự phục vụ chất lượng hơn nữa từ phía chính quyền, các doanh nghiệp được cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh, sớm thực hiện mục tiêu Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước.

Xuân Bách

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 30 - 20

Bình luận: 0