TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Dạy thêm cũng có ba, bảy đường

20:14 11/06/2020
Logo header Khoảng mươi, mười lăm năm trở lại đây, trong các trường phổ thông ở các thành phố lớn xuất hiện một hiện tượng tiêu cực nhiều hơn tích cực, dở nhiều hơn hay, có chiều hướng ngày càng “nở rộ”, mặc dù ngành giáo dục đã ra sức ngăn cản với rất nhiều văn bản chỉ thị. Nhưng càng ngăn thì lại càng phát triển rầm rộ hơn. Lúc đầu chỉ ở thành phố. Về sau lan cả về nông thôn. Đó là dạy thêm, học thêm (DTHT).

Ảnh minh họa

Lúc đầu chỉ là phụ đạo cho học sinh các lớp cuối cấp để đối phó với kỳ thi chuyển cấp. Về sau, tất cả các lớp từ 1 đến 12 đều DTHT. Dư luận xã hội từ lâu đã rất bất bình. Sự việc từng được đưa ra ở cả những kỳ họp quốc hội. Ngành giáo dục từng đã phối hợp với chính quyền, công an địa phương truy bắt, lập biên bản không ít giáo viên tổ chức dạy “chui”. Nhưng chỉ được ít ngày “ngưng nghỉ” rồi đâu lại vào đó, “phong trào tạm lắng, phong trào lại lên”. Cho nên xã hội gọi DTHT là “vấn nạn”. Qua nhiều đời bộ trưởng, mỗi người lại làm nhiều kỳ mà chuyện này vẫn không được khắc phục. Rõ ràng là đã hoàn toàn bất lực!

Có lẽ cần có chủ trương như sau: Vị nào chuẩn bị ngồi vào ghế Bộ trưởng Giáo dục, cần hứa với quốc dân đồng bào rằng phải chấm dứt được nạn DTHT tràn lan và nạn lạm thu trong các trường công lập ngay trong niên học vị đó nhậm chức. Tất nhiên, nếu thất hứa thì xin tự động từ chức. 

Hẳn nhiên, DTHT như kiểu hiện nay là không thể chấp nhận. Bởi không xuất phát từ lợi ích của HS mà chỉ từ nhu cầu tăng thu nhập, tức làm tiền của người dạy. HS giỏi cũng phải học thêm. Người dạy đã dạy trước chương trình. Và lắm chiêu trò được người dạy sử dụng để hợp pháp hóa việc dạy thêm. Trước hết là trò gần như bắt ép phụ huynh “tình nguyện” làm đơn xin học. Ai không “xin”, con em họ sẽ lãnh đủ hậu quả!

Ngày trước - thời người viết bài này học phổ thông, cách nay trên dưới 50 năm - cũng có DTHT. Nhưng khác hẳn bây giờ. Và tử tế, nhân văn khiến học trò, cha mẹ học sinh và cả xã hội thấy biết ơn công đức lớn lao của các thầy, cô, chứ không coi thường, oán thán như bây giờ. Vì sao? Vì ngày ấy người dạy hoàn toàn vì lợi ích của người học, sẵn sàng hy sinh công sức, thời gian của mình cho học trò. Hồi đó, chỉ có hai loại học sinh học thêm. Một là học sinh học kém, đuối hơn các bạn trong lớp. Dạy thêm đối tượng này gọn là phụ đạo. Loại thứ hai giành cho những học sinh học giỏi, xuất sắc để dự các cuộc thi HS giỏi toàn thành phố, toàn tỉnh rồi toàn miền Bắc (khi ấy chưa thống nhất nước nhà). Dạy thêm kiểu này gọi là ngoại khóa. Phụ đạo thì bắt buộc, còn ngoại khóa thì không bởi vì HS giỏi có thể từ chối đi “thi đấu” giành giải. Tuy nhiên, thường thì không em nào từ chối vì đó là niềm vinh dự, hân hạnh lớn, cũng vì thành tích của nhà trường - thành tích chính đáng, đích thực chứ không “ảo” như ngày nay. Hai đối tượng này thường không nhiều. Mỗi loại mỗi lớp chỉ chừng mươi em (học yếu) và một, hai em (giỏi, xuất xắc). Phụ đạo cho HS thì các giáo viên tự động làm khi thấy cần nâng cao trình độ cho các em. Còn ngoại khóa thì do nhà trường cắt cử (vì giáo viên phải giỏi mới bồi dưỡng dưỡng HS giỏi). Và cả hai công việc mất khá nhiều thời gian và công sức này, các giáo viên không có bất cứ khoản thù lao nào. Càng không bao giờ họ nhận quà cáp của phụ huynh. Cũng vì cả xã hội ngày ấy rất trong sáng, thánh thiện, chưa có lệ “phong bì” như ngày nay. Nhưng các thầy, cô đã hết mình dạy thêm. Cả hai công việc phụ đạo và ngoại khóa đều đạt được hiệu quả rõ rệt, chứ không như bây giờ, phần nhiều người dạy thêm chỉ cần thu được tiền, không cần biết trò học hành ra sao. Trò thì miễn cưỡng đi học chỉ để đối phó, để khỏi bị giáo viên trù do không học thêm - tức là làm vơi đi túi tiền của họ. 

Đó là một mặt của vấn đề - mặt rất tiêu cực, không thể chấp nhận. Không cần phải bàn thêm. Cần bằng mọi giá triệt tiêu mặt này. Nhưng qua thực tế lại hé lộ một mặt thứ hai mà ít người nhìn thấy. Những người có trách nhiệm cao nhất của ngành giáo dục cũng hình như không nhìn thấy.

Đó là có một số lượng không nhỏ HS có sức học đuối, rất cần học thêm để lấp đi những lỗ hổng chúng bị mất từ các lớp dưới.Và phụ huynh những trò này rất cần con em họ học thêm. Người viết bài này từng chứng kiến tận mắt nhiều phụ huynh đến gặp, gần như năn nỉ một giáo viên nọ dạy thêm cho con họ. Em học sinh đó lại không học cô ở trường mà học ở trường khác. Em này đã không học thêm cô giáo dạy em ở lớp, vừa gần nhà, vừa cho “an toàn” mà đến “gõ cửa” cô, ở xa nhà em. Đó là một nữ giáo viên không dạy thêm do không muốn mang tiếng, và không có nhu cầu kiếm tiền bằng dạy thêm. Nhưng mẹ của em học sinh năn nỉ mãi, cô nể mà nhận lời. Đây là một cô giáo dạy giỏi có tiếng, rất được học sinh và phụ huynh quý trọng. Học sinh của cô năm nào thi chuyển cấp cũng đạt tỷ lệ rất cao, không ai bị trượt. Vậy nên cô lại càng có uy tín. Tiếng lành đồn xa. Học sinh các xã khác ở cách nhà cô dăm, bảy cây số cũng đến xin học. Không vì thế mà cô thu học phí cao. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, lại hiếu học, cô còn không thu tiền.

Một trường hợp thứ hai tôi biết rõ. Cô giáo này là giáo viên THCS, viết chữ rất đẹp. Cô có biệt tài luyện chữ cho các em học sinh tiểu học. Ngày nay, không hiểu sao học sinh viết chữ rất xấu, không nguệch ngoạc như gà bới thì to như hột ngô, xiêu vẹo, có dòng kẻ mà lên xuống ngoằn ngoèo. Phụ huynh cũng đến tha thiết xin cô luyện chữ cho con họ. Chẳng những chỉ HS tiểu học mà nhiều em THCS cũng đến luyện chữ nơi cô.

Lại có một cô giáo rất giỏi tiếng Anh. Nghe cô nói tiếng Anh thì ai cũng thích nghe vì cô nói như người Anh, Mỹ. Cô cũng rất có kinh nghiệm luyện tiếng Anh cho học trò. Cô chỉ dạy thêm cho các em không học cô ở lớp để tránh sự dị nghị của dư luận. Và cô cũng khống chế số lượng học trò học thêm để bảo đảm chất lượng. Vậy mà có lần, các “lực lượng chức năng” của địa phương đã bất ngờ đến lập biên bản, gọi là “bắt quả tang” cô đang dạy thêm vì vi phạm lênh cấm làm việc này.

Mấy trường hợp trên thì sao đây? Nếu kiểu DTHT tràn lan tiêu cực thì người dạy cần người học, còn người học thì bản chất là bị bắt ép phải học. Do đó mà phụ huynh oán, coi thường người dạy. Ngược lại, với những trường hợp vừa nêu, thì người học rất cần người dạy. Họ quý, nể tài năng, uy tín của người dạy.

Có một sự thật khác: Không thiếu những giáo viên đã nghỉ hưu. Họ vốn là những người có nghề dạy học vững vàng, lại cả đời tâm huyết với nghề. Nghỉ hưu, họ vẫn còn sức khỏe, lại nhớ môi trường, nhớ công việc. Họ từng là những người thầy luyện thi rất giỏi, học trò của họ luôn đỗ cao. Nay nhiều trò vẫn muốn tìm đến họ để thụ giáo. Trường hợp này thì sao đây? Nếu họ mở lớp dạy thì có bị coi là vi phạm điều ngành giáo dục đang cấm kỵ không? Sẽ thật vô lý khi bất cứ ai giỏi nghề cũng có thể cải thiện cuộc sống bẳng chính nghề của mình mà giáo viên thì lại không được?

Rõ là dạy thêm cũng có ba, bảy đường. Đường nào xấu, có hại thì phải kiên quyết phá bỏ triệt để. Còn đường nào tốt, có lợi cho học sinh thì phải mở rộng thêm và khuyến khích. Không ai ngoài lãnh đạo các trường, cao hơn là lãnh đạo Sở, Bộ GD&ĐT phải biết rõ điều này. Ở trường mình, giáo viên nào rất bình thường mà tổ chức cho học sinh của họ học thêm tại nhà và giáo viên nào giỏi, dạy thêm nhưng đối tượng không là học sinh của họ mà là ở các nơi khác, Ban giám hiệu hẳn phải biết. Thế thì không có lý do gì lại không dẹp được nạn DTHT tiêu cực. Vấn đề là có dám thẳng tay làm không mà thôi. Muốn làm được điều này thì họ phải là tấm gương sáng cho các giáo viên noi theo. Không đạt được, sao dám làm?

Gương của lãnh đạo nhà trường lại là vấn đề khác, vượt ra khỏi khuôn khổ nội dung đang bàn ở đây.

Thiết nghĩ, việc DTHT không thể bãi bỏ một cách đơn giản, tuỳ tiện mà phải có những nghiên cứu, đưa ra những giải pháp, nâng thành Luật. Hy vọng khi Quốc hội để tâm đến việc này, thông qua Luật DTHT, mọi việc sẽ có sức thuyết phục chứ không thể để tình trạng DTHT tiêu cực vẫn lây lan, trong khi DTHT tích cực thì bị đánh đồng, gây khó, dễ./.

TS Nguyễn Đình San

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 14 - 20

Bình luận: 0