TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Duy trì tiêu chí về y tế trong xây dựng nông thôn mới

17:32 24/03/2022
Logo header Xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã là điều kiện để tuyến y tế cơ sở phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân và là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành Y tế đã quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã trên địa bàn cả nước. Ðến nay hệ thống y tế cơ sở đã được củng cố, bổ sung; năng lực, trình độ cán bộ y tế cũng được nâng lên, đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay tại tuyến cơ sở.

Theo Dự thảo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, tiêu chí chung về y tế trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới cần đáp ứng đầy đủ:

- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (áp dụng đạt cho cả nam và nữ) ≥95%

- Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe (áp dụng đạt cho cả nam và nữ) ≥90%

- Tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa (áp dụng đạt cho cả nam và nữ) ≥40%

- Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử ≥75%

   + Tại Trung du miền núi phía Bắc: ≥70%

   + Tại Đồng bằng sông Hồng: ≥90%

   + Tại Duyên hải Nam Trung Bộ: ≥70%

   + Tại Tây Nguyên : ≥70%

   + Tại Đông Nam Bộ: ≥90%

   + Tại Đồng bằng sông Cửu Long :≥70%

Nỗ lực duy trì tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tại các vùng nông thôn mới.

Trong quá trình chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy và Uỷ ban nhân dân huyện trên cả nước luôn đề cao việc chỉ đạo phát triển số người có thẻ Bảo hiểm y tế để đảm bảo các quyền lợi được hưởng cũng như những hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trước những rủi ro, bất trắc về sức khỏe có thể xảy ra. Khẳng định Bảo hiểm y tế là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò an sinh xã hội gắn kết đồng hành với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, các ban ngành, địa phương đã triển khai thực hiện khá tốt phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các xã chủ động rà soát số người có thẻ Bảo hiểm y tế để có kế hoạch chỉ đạo phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80% người có thẻ Bảo hiểm y tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Việc làm này ở rất nhiều xã được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Do đó số người có thẻ BHYT tăng mạnh trong quá trình xây dựng nông thôn mới nên số người bị ốm đau, hoạn nạn đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả, người dân không phải bỏ tiền túi nhiều cho việc điều trị bệnh tật, giảm gánh nặng, áp lực kinh tế đối với người nông dân cũng như với ngành y tế.

Bên cạnh những thành tích đạt được, việc triển khai thực hiện tiêu chí này đang gặp không ít khó khăn. Thực tế cho thấy, xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đã khó, việc duy trì các xã đạt chuẩn về y tế bền vững càng khó khăn hơn. Ngoài cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực chưa đồng bộ, các xã còn gặp không ít khó khăn từ các chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, giảm mức sinh, chỉ tiêu mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, cơ cấu nhân lực.... Mặt dù đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng lực hoạt động cho mạng lưới y tế cơ sở. Song xét về tiêu chí và từng chỉ tiêu cụ thể thì vẫn đang còn nhiều thách thức đối với các địa phương.

Ðể hoàn thành tiêu chí về y tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương các xã phải thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế, giao nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách với những lĩnh vực cụ thể; đồng thời huy động nguồn lực xây dựng Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế gắn với xây dựng nông thôn mới; trong đó tranh thủ các chương trình, dự án xây mới trạm y tế, cung cấp trang thiết bị y tế, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ trạm y tế, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân. Cần xác định việc xây dựng xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế là điều kiện giúp cho tuyến y tế cơ sở phát triển toàn diện, triển khai, tốt các chương trình y tế, tăng cường phòng, chống dịch bệnh và nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân.  Bên cạnh đó cần nghiêm túc chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp duy trì xã hội.

Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt, tuyên truyền thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực y tế. Tiếp tục đưa nội dung củng cố y tế cơ sở; duy trì xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã làm nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huy động các nguồn lực góp phần nâng cao chất lượng xã đạt Bộ tiêu chí. Kiện toàn và tăng cường sự chỉ đạo của Ban Chăm sóc sức khoẻ nhân dân các cấp.

Hai là, các thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các xã, thị trấn thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, củng cố y tế cơ sở; phát động thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện về xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương như: chủ động phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tạo nguồn nước sạch nhằm nâng cao nhận thức, làm thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe của nhân dân, xây dựng kinh tế và hỗ trợ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng công trình và trang thiết bị y tế hàng năm.

Ba là, chủ động trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh phát hiện sớm, kịp thời xử lý không để dịch bệnh lây lan diện rộng và kéo dài, hạn chế tử vong do dịch bệnh gây ra. Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình y tế. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các Trạm Y tế, Phòng Khám đa khoa khu vực đáp ứng công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân; quản lý và có kế hoạch chăm sóc người cao tuổi, người tàn tật đảm bảo được chăm sóc liên tục; chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà theo định hướng y học  gia đình.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Bố trí cán bộ các đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, đúng với từng vị trí việc làm, đáp ứng nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ tập trung vào các lĩnh vực sử dụng trang thiết bị được đầu tư.

Năm là, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tập huấn cho mạng lưới y tế khóm, ấp nắm vững 10 tiêu chí quốc gia về y tế để làm cơ sở vận động, tuyên truyền cho mọi người dân hiểu cùng tham gia thực hiện. Mọi người dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế, thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên.

Đề án khám chữa bệnh từ xa – nhu cầu thiết yếu của người dân nông thôn.

 Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 12 tháng 6 năm 2020 phê duyệt triển khai Đề án “Khám chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020-2025” tăng cường giúp người dân nông thôn có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; giảm chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế, các chi phí khác cho người dân.

Sau 1 năm triển khai, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, đem lại cơ hội được cứu chữa cho rất nhiều ca bệnh nặng, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho các bệnh nhân vùng nông thôn. Các cơ sở y tế tuyến dưới đã được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến trên dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân nông thôn. Các bệnh viện bố trí lịch vào 1, 2 ngày trong tuần đều tổ chức các buổi hội chẩn trực tuyến Telehealth.

Với mục tiêu tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho tất cả người dân, đặc biệt những khu vực nông thôn mới, vùng sâu vùng xa, hệ thống các phòng khám chữa bệnh ban đầu từ xa đã được các bệnh viện phối hợp và thiết lập. Sau 1 năm thực hiện đề án, nhiều cơ sở y tế đã kết nối qua hệ thống này mở ra cơ hội rất lớn cho người dân tại khu vực nông thôn mới được tiếp cận với các y bác sĩ tuyến trên, tiết kiệm được thời gian, công sức và kinh tế.

Tuy nhiên hiện nay, Luật khám bệnh, chữa bệnh và Luật bảo hiểm y tế không quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Vì vậy, quá trình triển khai hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa thì chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, điều này đặc biệt gây khó khăn cho người dân nông thôn. Do đó, Bộ Y tế đang khẩn trương rà soát để trình Quốc hội ban hành Luật khám bệnh, chữa bệnh và Luật bảo hiểm y tế sửa đổi để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, định hướng gắn chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh với giá dịch vụ y tế, qua đó góp phần đẩy nhanh hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến

Quản lý, nâng cao chất lượng sức khoẻ người dân nông thôn.

Việc thực hiện Chuẩn Quốc gia về y tế xã đã nhận được sự quan tâm của Đảng và chính quyền các địa phương trong cả nước. Tất cả các địa phương đều đưa các tiêu chí của Chuẩn Quốc gia về y tế xã vào trong các Nghị quyết của Chi bộ, Đảng bộ các cấp, trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của chính quyền, giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã đạt hiệu quả hơn. Nhờ thực hiện tốt Chuẩn Quốc gia mà nguồn lực cho y tế cơ sở được nâng cao, tạo bước đột phá trong huy động đầu tư cho y tế xã. Các địa phương đã sử dụng hợp lý ngân sách Nhà nước với nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, viện trợ nước ngoài giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở. Trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp, cung cấp thêm các trang thiết bị y tế, cán bộ, bác sỹ được liên tục tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. Chuẩn Quốc gia được triển khai tốt tại cơ sở giúp người dân tin tưởng và đến khám, chữa bệnh ban đầu tại TYT xã giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên đồng thời giảm chi phí y tế cho người dân.

Tuy nhiên, hệ thống y tế nói chung, vùng nông thôn nói riêng, đang phải đối mặt với những thay đổi rất nhanh chóng về mô hình bệnh tật và tử vong, với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm bên cạnh các bệnh lây nhiễm truyền thống, về dân số học (tốc độ già hóa dân số rất nhanh)… Điều  này có nghĩa mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ truyền thống đã không còn đáp ứng yêu cầu thực tế và hệ thống y tế buộc phải học cách thích ứng thông qua việc chuyển đổi sang mô hình cung ứng dịch vụ mới theo hướng chăm sóc lồng ghép, toàn diện, chăm sóc suốt đời và lấy người sử dụng dịch vụ y tế làm trung tâm. Quá trình này đặc biệt trở nên thách thức đối với khu vực nông thôn, miền núi, khu vực khó khăn, nơi các yếu tố nền tảng của hệ thống CSSKBĐ (hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, năng lực quản trị…) đều ở mức rất thấp hơn so với vùng thành thị.

Mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân giai đoạn tới là “toàn diện, liên tục” tại tuyến y tế cơ sở - tức là người dân sẽ được khám chữa bệnh và dự phòng các bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm ngay tại các trạm y tế. Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra một số chỉ tiêu quan trọng là phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% dân số được quản lý sức khoẻ; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm đến năm 2030.

Nhằm đạt được các mục tiêu này, nhiều giải pháp cần được thực hiện đồng bộ và toàn diện. Điều này có nghĩa là các giải pháp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phải thực hiện đồng thời với các giải pháp về nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực, cải thiện cơ chế tài chính, tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ tại tuyến xã….

Trong việc thực hiện tiêu chí về Y tế, ngoài trách nhiệm của ngành y tế, thì cấp ủy, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng. Bởi trong bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã, có nhiều chỉ tiêu mang tính chất cộng đồng, do đó cần có sự hưởng ứng của nhân dân và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương thì mới thực hiện được.

Việc triển khai thực hiện các tiêu chí về y tế trong xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về y tế của người dân nông thôn; xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết bị y tế, cơ sở vật chất, tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia bảo hiểm ở mức cao nhất. Tạo nền tảng vững chắc để phát triển văn hóa nông thôn mới trên địa bàn xã; xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Quế Dung

Theo Tạp chí Tri thức Xanh, số 158 - 02/2022

Bình luận: 0