TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Gu thẩm mỹ của người sáng tạo nghệ thuật

18:04 03/09/2020
Logo header Lâu nay, chúng ta vẫn phàn nàn một điều: Thị hiếu thẩm mỹ (gout) của công chúng còn thấp, dẫn đến việc nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị bị họ bỏ qua, trong khi lại đổ xô tìm đến những tác phẩm tầm thường và ta coi những người có “gu” thẩm mỹ thấp kém (mauvais gout) là một tác nhân kéo tụt nền nghệ thuật ở bất cứ thờì đại nào.

Ảnh minh họa (Tác giả: Vũ Nhật Thăng)

Điều gì cũng có nguyên nhân. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là gì? Ngoài việc công tác lý luận phê bình hướng dẫn, bồi dưỡng năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho công chúng của chúng ta lâu nay còn yếu kém, liệu có còn lý do nào khác nằm ở chính những người sáng tạo nghệ thuật? Câu trả lời là có và rất rõ. Đó chính là bản thân những người làm nghệ thuật (sáng tác và biểu diễn) còn thể hiện nhiều sự hạn chế, bộc lộ “gu” thẩm mỹ chưa cao, chưa sành, nếu không nói là nhiều khi quá thấp. Nhìn vào bất cứ chủng loại nghệ thuật nào ta cũng thấy rõ điều này. Không ít người làm thơ được coi là chuyên nghiệp đặt bút viết những câu thơ tầm thường dông dài, đại loại: “Anh yêu em quá em ơi! Ngày thương đêm nhớ rối bời lòng anh.” Đó là hai câu thơ trong một bài thơ của một nhà thơ không đến nỗi xa lạ với bạn đọc. Cũng không hiếm những người viết truyện chỉ thích khai thác những khía cạnh thuộc về đời sống tình dục, biểu hiện phần Con chứ không chú trọng phần Người khi miêu tả tình yêu đôi lứa. Đành rằng tâm lý và sinh lý là hai yếu tố có mối gắn kết hài hoà, làm nên hạnh phúc trọn vẹn của con người. Nhưng miêu tả nhục dục để kích thích bản năng sinh lý nhằm “câu” người đọc chính là một “gu” thấp kém, tầm thường chỉ thể hiện người viết chưa đủ tài năng gây hấp dẫn bằng việc miêu tả tính cách, tâm lý nhân vật sâu sắc,sinh động.

Có nhạc sĩ trong sự nghiệp sáng tác của mình đã để lại khá nhiều ca khúc trong đó người ta bắt gặp quá nhiều lần những lời lẽ như bờ vai, hao gầy, ngực trần, ướt mi... Có một dạo không hiểu vì sao, nhiều người sáng tác ca khúc đua nhau tìm đến loại bài hát thể 2 đoạn mà đoạn A là slow và đoạn B là disco, dẫu viết bất cứ đề tài gì, thể hiện bất cứ nội dung cảm xúc nào. Không ai phủ nhận việc sử dụng những câu, tiết nhạc vocaliser (xướng nhạc không lời) trong sáng tác ca khúc, miễn có ý đồ và gây hiệu quả cao.Ví như nhạc sĩ Hoàng Vân trong bài Tình ca người thợ mỏ đã xử lý kết bài bằng một chuỗi vocaliser khá dài nghe rất thú vị, đã biểu hiện được tâm trạng phơi phới lạc quan yêu đời của đôi bạn trẻ là thợ mỏ đang yêu nhau (là la lá la...). Nhưng lại có nhiều tác giả đã lạm dụng hình thức này đến nhàm chán, trong khi nội dung cảm xúc không đòi hỏi xử lý như vậy.

Có một thời xung quanh Hồ Gươm, người ta bày la liệt những bức tranh vẽ trên bìa giấy với nội dung khi thì là con đường ở bên hồ nước, lúc là dòng sông có chiếc thuyền căng buồm, rồi có khi là cô gái miền Nam mặc áo bà ba, quấn khăn rằn đứng dưới bóng dừa hướng ra xa (khi ấy chưa giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chắc tác giả muốn biểu hiện cô gái hướng ra miền Bắc). Nội dung “lành mạnh, nghiêm túc” cả, thậm chí còn rất tốt nhưng hình thức thể hiện quá sơ sài, thấp kém. Người ta gọi là “tranh bờ Hồ”. Chỉ có những người không có “gu” thẩm mỹ tốt mới rước về treo ở nhà. Loại tranh này đã từ lâu không còn nữa, nhưng giờ đây lại được thay thế bằng một loại khác mà người vẽ khó có thể coi là hoạ sĩ. Cũng bằng những chất liệu của hội họa (bột màu, thuốc nước, sơn dầu...) nhưng những “thợ vẽ” đã sao chép từ những bức ảnh chụp trên báo chí, chủ yếu là hình phụ nữ khoả thân hoặc phong cảnh thiên nhiên. Loại tranh này hoàn toàn “đánh lừa” được những người ít hiểu biết. Họ bán với giá vài trăm ngàn, có khi vài chục ngàn đồng một bức, trong khi tranh của hoạ sĩ thực thụ phải bán tới hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng một bức cùng loại.

Không biết có phải chỉ để nhằm kéo khán giả vào rạp hay không mà không ít đạo diễn cố tình cho vai nữ của phim luôn ăn mặc hở hang, rồi lại kéo họ ra biển tắm trong khi hoàn toàn có thể cắt bỏ những đoạn như vậy chẳng ảnh hưởng gì đến hiệu quả bộ phim, thậm chí còn hàm súc, khúc chiết hơn. Một đối tượng thường có “gu” thẩm mỹ chưa chuẩn là một vài người thực hiện các chương trình văn nghệ trên truyền hình. Một “đạo diễn” khi quay một nhạc sĩ đang trăn trở sáng tác trên chiếc thuyền đi dạo mặt hồ Núi Cốc (để tìm cảm hứng) đã xử lý: để cho nhạc sĩ vò tờ bản thảo vứt xuống hồ- ý muốn nói: không vừa ý, luôn tự khó tính, phải vứt đi viết lại(!). Đạo diễn truyền hình này luôn tạo nên những hình ảnh kỳ khôi trong những chương trình ca nhạc do anh ta thực hiện: Khi thì mấy chục chiếc nón xuất hiện bày trên cỏ. Khi thì một lô chiếc võng đung đưa (võng không có người nằm). Người xem nghĩ mãi không biết đạo diễn có ý tưởng gì, nhằm biểu diễn cái gì? Hoá ra chỉ để cho vui mắt, lấp đầy hình ảnh. Một lần, người viết bài này được mời đọc bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân trên truyền hình. Có hai cô gái diễn xuất minh hoạ. Đạo diễn không hiểu vì lý do gì đã để sẵn một vài cành hoa rồi yêu cầu hai bạn nữ kia giẫm lên. Góp ý, anh ta nói rất tự tin và chân thành, tất nhiên là có chút “tự ái nghề nghiệp”: “Xin anh cứ đọc thơ, còn mọi việc khác cứ để tôi” Thật là không còn gì để nói!

Múa minh hoạ cho hát trên sân khấu cũng là điều rất đáng bàn. Người có “gu” cao chỉ thích nghe tác phẩm ca khúc có giá trị với sự thể hiện hết mình của ca sĩ có giọng hát hay, truyền cảm, mà không chờ đợi bất cứ sự “minh hoạ” nào. Nhưng ở một vài bài nào đó, cần phong cách trình diễn sôi động của ca sĩ thì cũng có thể múa để tăng thêm hiệu quả. Nhưng phải đúng lúc, đúng chỗ và đúng liều lượng. Song đã có những biên đạo khá “mô-ve-gu” đã huy động cả một dàn vũ nữ ăn mặc “nghèo” ra lượn lờ, uốn éo như những con nhộng quanh người nam ca sĩ đang hoa chân múa tay náo loạn. Lại có lần ca sĩ hát một bài về chủ đề ru con. Không khí khán phòng lắng đọng, êm ái. Vậy mà đạo diễn chương trình vẫn “cố đấm ăn xôi” lùa một nhóm diễn viên nữ ăn mặc đồ voan mỏng tang ra ngọ nguậy để “minh hoạ”. Quả là cái “gu” thẩm mỹ của đạo diễn kia mới kỳ lạ làm sao!

Diễn viên cũng là đối tượng còn để lộ nhiều hạn chế về thị hiếu thẩm mỹ. Những nhạc sĩ tài năng luôn khó tính với tác phẩm của mình. Họ đã viết bài hát kỹ lưỡng, cân nhắc tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất, từ cái nốt chấm dôi hay nốt hoa mỹ đến ngân mấy phách, lặng bao nhiêu thời gian... vậy mà ca sĩ khi hát lại cứ tùy tiện thay đổi, chỉ vì đã có thói quen theo cái “gu” quá thấp kém của họ. Thường ở nốt kết bài đòi hỏi ngân dài, nhiều người hát cứ thích thêm cái nốt hoa mỹ (petinotte), trong khi nhạc sĩ không viết như vậy. Hát theo kiểu của ca sĩ ở trường hợp trên, nghe nhàm và ...rẻ tiền! Một số ca sĩ thường ưa thích...nấc khi hát ở bất cứ loại bài hát nào. Nấc khi hát những não tình khả dĩ còn tạm chấp nhận (giống như nồi nào úp vung nấy). Song, họ đã nấc cả những bài hát về Tổ Quốc, Đảng, lãnh tụ hoặc những chủ đề đòi hỏi sự thể hiện nghiêm túc, sâu sắc. Đáng tiếc đó lại là những ca sĩ vào loại “sao”, có học, có tên tuổi, thương hiệu.

Trang phục của diễn viên trên sân khấu cũng thể hiện rõ “gu” thẩm mỹ của họ. Không nhất thiết cuộc trình diễn nào cũng phải vận com - lê, cà vạt, áo dài, quốc phục, bởi không nhiều những cuộc long trọng, cần ăn mặc như vậy. Có thể “thoáng”, trẻ, khỏe, “phăng-te-zi”, nhưng không có nghĩa là nhố nhăng, kệch cỡm, phản văn hoá. Có ca sĩ thích tìm đến những trang phục có màu sắc lòe loẹt, sự hòa trộn các màu kỳ khôi, trông như con cào cào, châu chấu. Có người lại thích tìm đến sự rườm rà rối mắt. Lại có diễn viên nam ăn mặc như người lên đồng với những bộ quần áo có chất liệu vải mỏng, nhũn, có khi bóng loáng gây cảm giác ẻo lả đồng bóng, rất phản cảm...Tất cả âu cũng chỉ bởi cái “gu” thẩm mỹ của họ “có vấn đề”.

Muốn đưa được những cảm xúc thẩm mỹ tốt đến công chúng, người làm nghệ thuật (sáng tác và biểu diễn) trước hết phải có “gu” thẩm mỹ sành, cao, sang. Có vậy họ mới có thể chọn lựa được những gì là tinh tuý, đồng thời gạt bỏ được những cái tầm thường thấp kém. Vậy thì muốn có “gu” tốt, người nghệ sĩ phải ra sao? Câu trả lời không ngoài sự học hành, tu luyện, tự nâng cao tri thức về văn hoá xã hội, nhất là nâng cao trình độ hiểu biết về lĩnh vực mình hoạt động và các lĩnh vực khác liên quan. Dễ hiểu là người càng có trình độ văn hoá cao, càng dễ có “gu” sang, sành và ngược lại. Ở nước ta hiện nay, cần dũng cảm để thấy rõ một sự thực: Những người sáng tác và biểu diễn có trình độ đạt yêu cầu, tầm vóc như trên còn ít ỏi.

TS. Nguyễn Đình San

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 26 - 20

Bình luận: 0