TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Hiệp hội nước mắm Việt Nam ra đời

23:59 29/10/2020
Logo header Được thiên nhiên ưu đãi với đường bờ biển kéo dài 3.260 km, từ Móng Cái (Quảng Ninh) ở phía Bắc đến Hà Tiên (Kiên Giang) ở phía Tây Nam cùng mạng lưới sông ngòi tự nhiên dày đặc, phân bố dọc theo chiều dài đất nước có trữ lượng hải sản rất lớn. Đặc biệt các nguồn lợi hải sản được phân bố ở trên các vùng biển nước ta đã được xác định có trên 1.200 loài (trong đó có 945 loài cá, 135 loài giáp xác, 48 loài động vật chân đầu, 50 loài thuộc nhóm khác) và đây chính là nguồn nguyên liệu phong phú để làm ra các loại nước mắm của dân ta trong hàng trăm năm qua, hình thành và phát triển nghề làm nước mắm - được coi là cái nghề lưu giữ linh hồn ẩm thực Việt Nam.

Đại diện Bộ Nội vụ trao quyết định thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam

Theo nhiều tài liệu xưa ghi lại, đặc biệt theo cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” được in vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697) đã ghi chép lại việc người Việt biết làm và sử dụng nước mắm. Theo các câu chuyện dân gian, người Việt ta xưa kia, từ thời còn săn bắt, hái lượm, ăn sống và chưa có lửa để đun nấu, do đánh bắt được quá nhiều cá nhưng lại ăn không hết nên đã để dành trong các dụng cụ gốm đất nặn. Lâu ngày do được để dưới ánh nắng mặt trời, xác các loại cá phân hủy và tiết ra nước mà người ta ăn thử thấy thơm, ngon, ngọt lịm. Từ đó, người ta thường xuyên sử dụng loại nước này, thứ mà sau này được người ta gọi là nước mắm. Với nhiều loại thủy, hải sản phong phú người Việt ta đã sáng tạo ra nhiều loại nước chấm thơm ngon từ nhiều loại thủy, hải sản khác nhau. Có thể kể đến là mắm ruốc (được làm từ ruốc là một loài tôm nhỏ), mắm tôm (được làm từ tôm), mắm nêm (được làm từ con nêm)... Trong bữa cơm của người Việt Nam từ xưa đến nay, nước mắm luôn được sử dụng thường xuyên, qua quá trình nấu nướng người đầu bếp luôn chọn nước mắm như một phần không thể thiếu trong mỗi món ăn, trên mâm cơm bao giờ cũng phải có một chén nước chấm mà chủ yếu là loại nước mắm được chắt từ cá giúp món ăn thêm đậm đà. Qua nhiều năm người Việt đã tìm tòi, sử dụng nhiều loại gia vị khác như ớt, chanh, hạt tiêu... để thêm vị chua, vị cay cay của ớt... giúp bát nước chấm thêm phần ngon khiến người dùng không thể nào quên, theo chân những người con xa xứ luôn hướng về quê hương, nước mắm cũng vì thế được đi khắp nơi, ở đâu có người Việt, ở đó nước mắm ngự trị trên các kệ hàng. Thậm chí, với những người nước ngoài đã đến và thưởng thức nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt thì khi về những chai nước mắm mang đậm nét văn hóa đó cũng được họ sử dụng làm món quà cho người thân. Có thể nói trên 90% người Việt ta đều ăn nước mắm hàng ngày. Nhiều vùng trong cả nước mỗi khi nhắc đến là đều gắn liền với những thương hiệu nước mắm nổi tiếng như nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) với trên 200 năm lịch sử hình thành và phát triển, nước mắm Cát Hải (Hải Phòng) với câu ca dao đã đi vào lòng người dân xứ Bắc - Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét, nước mắm  Hai Non Cà Ná (Ninh Thuận)... nước mắm Phan Thiết. Và trong đó đã có một số thương hiệu nước mắm đã được xuất khẩu ra thị trường quốc tế (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...) và được đón nhận một cách nồng hậu.

Hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp sản xuất nước mắm với sản lượng trên 200 triệu lít/năm và trong số đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang thu hút hàng trăm ngàn lao động. Với quy mô như vậy, thế nhưng vẫn chưa có một tổ chức xã hội nghề nghiệp nào trên phạm vi toàn quốc để làm luật sư, làm bạn hữu của những người sản xuất, kinh doanh nước mắm. Nhận thức được việc này, trong suốt 3 năm qua (từ 2017) Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đã kiên trì vận động các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia Hiệp hội. Và để đền đáp cho những sự nỗ lực, vất vả đó, Hiệp hội nước mắm Việt Nam đã chính thức được Bộ Nội Vụ cho phép thành lập vào những ngày đầu tháng 9/2020. Đây là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp đại diện cho tổ chức cá nhân liên quan đến ngành nghề nước mắm và mắm Việt Nam trong chuỗi cung cấp nước mắm và mắm cho xã hội bao gồm từ khâu đánh bắt, nuôi trồng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, nghiên cứu khoa học, kiểm nghiệm, ứng dụng chuyển giao công nghệ, sản xuất thiết bị chứa đựng, lưu trữ, bao gói, đánh giá nguy cơ an toàn vệ sinh, đánh giá tác động với sức khỏe về nước mắm và mắm cùng nhiều lĩnh vực khác liên quan. Tại Đại hội thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức vào ngày 27/10/2020 tại Hà Nội, ông Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhấn mạnh: “Qua quá trình vận động, Ban Vận động thành lập Hiệp hội tới nay đã vận động được 85 doanh nghiệp chính thức tham gia Hiệp hội và 192 cá nhân tham gia Hiệp hội. Doanh số và sản lượng kinh doanh nước mắm của các hội viên sáng  lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam chiếm khoảng 70% doanh số và sản lượng toàn bộ ngành nước mắm Việt Nam. Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ xây dựng, tổ chức thực hiện, nghiên cứu, chủ trì, tư vấn các dự án, đề tài thiết thực liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội. Cùng với đó sẽ phổ biến kiến thức cho hội viên về khoa học công nghệ hiện đại có thể được áp dụng để cải tiến, nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó cũng tăng cường quảng bá nước mắm với quốc tế đặc biệt là với người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài vì đây là lực lượng có thể tiêu thụ hàng ngày và có số lượng lớn.”.  Các hội viên sáng lập của Hiệp hội Nước mắm Việt Nam hoạt động trên toàn quốc, có thành phần đại diện đầy đủ từ nhà sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu nước mắm, nhà khoa học, quản lý, kiểm nghiệm nước mắm. 

Sự ra đời của Hiệp hội là cần thiết, nhất là trong giai đoạn phát triển quan trọng này của đất nước. Với mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau nâng cao hiệu quả lao động giá trị, chất lượng nước mắm, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm bảo tồn ngành và tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng nước mắm Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Hiệp hội không chỉ là nơi gìn giữ linh hồn ẩm thực Việt, mà sẽ còn là ngôi nhà chung, trong đó các thành viên cùng đoàn kết, hợp tác chặt chẽ để “Kế thừa và phát triển” linh hồn ẩm thực Việt từ đó khẳng định vị thế của ngành nước mắm Việt và từng bước vươn tầm quốc tế.

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 34 - 20

Bình luận: 0