TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Người đứng đầu

17:18 13/08/2020
Logo header Người đứng đầu là người có quyền cao nhất trong một cơ quan, đoàn thể, tổ chức, địa phương. Cơ chế hành chính của Nhà nước ta là tập trung, dân chủ. Tức là tập thể bàn bạc, ai cũng có quyền đưa ra quan điểm, chính kiến của mình để đóng góp cho tập thể (dân chủ). Nhưng cuối cùng phải do người đứng đầu (thủ trưởng) quyết định và chịu trách nhiệm với cấp trên, với xã hội về quyết định của mình (tập trung).

Đó quả là một phương pháp tích cực, tiến bộ, vừa phát huy được tâm trí của tất cả mọi người, vừa xác định được trách nhiệm và vai trò cá nhân người đứng đầu. Thực tế cho thấy ở đâu, nơi nào điều này được quán triệt, thực hiện tốt, ở đó phong trào phát triển, nhân tố tích cực, tiến bộ được nhân rộng. Ngược lại thì phát sinh nhiều tiêu cực khiến phong trào kém phát triển, đơn vị ì ạch.

Người đứng đầu Walmart Sam Walton (Ảnh: Luxatic)

Từ một chủ trương rất ưu việt như trên, nhưng rất tiếc nhiều nơi đã vô tình hoặc cố ý không thực hiện hoặc thực hiện sai lệch. Không ít cơ quan, tổ chức đã có hiện tượng: Lợi dụng dân chủ để làm những việc không trong sáng mỗi khi có bầu bán, bỏ phiếu tín nhiệm trước các kỳ bầu cử này khác. Những phần tử cơ hội đã tìm mọi cách phân hóa quần chúng, kích động, lôi kéo, xúi giục, ném đá giấu tay, gắp lửa bỏ tay người... mong đạt được mưu đồ của mình. Cần loại bỏ ai, họ dùng lá phiếu ít ỏi của quần chúng. Nhưng gặp trường hợp biết rõ ai đó sẽ được số đông tín nhiệm, họ đã không sử dụng lực lượng này. Tình trạng phổ biến ở nhiều nơi hiện nay là dân chủ không ra dân chủ, tập trung chẳng ra tập trung bởi sự nửa vời như đã nói. Không ra dân chủ vì rất nhiều khi đưa ra tập thể bàn bạc chỉ là hình thức, che mắt thiên hạ, chứ thực sự người có quyền cao nhất đã quyết định. Không ít nơi trước khi đưa ra bàn bạc tập thể, người đứng đầu đã ngầm vận động trước để các thành viên ngả theo ý mình. Có thể là mua chuộc, hứa hẹn, có thể là hăm dọa, khủng bố tùy theo từng đối tượng. Thế là họ đạt được ý định vì được tập thể nhất trí trăm phần trăm. Sợ hãi, bị khống chế đủ đường hoặc được hứa hẹn quyền lợi nên sẽ rất khó có sự cưỡng lại thủ trưởng. Dân chủ không ra dân chủ là như thế. Còn tập trung cũng không ra tập trung là bởi nhiều vị thủ trưởng thực sự không có mấy quyền, nhất là cơ quan thuộc khối Hành chính sự nghiệp, từ kinh phí cho đến mọi hoạt động không được tự chủ, phải phụ thuộc vào cấp trên. Và khi thủ trưởng chính quyền không đồng thời là Bí thư Đảng ủy, hai chức trách này lại không có sự thống nhất, gắn kết thì người đứng đầu Đảng dễ lợi dụng vai trò của mình để lấn át, vô hiệu người thủ trưởng chính quyền. Ở những trường hợp này, khó mà đạt được sự tập trung cần thiết.

Cần đưa đến cho người đứng đầu nhiều quyền lực thực sự hơn nữa. Tất nhiên là phải đi liền với trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và xã hội. Ví như phải cho họ quyền được lấy và loại bỏ nhân sự. Và sự toàn quyền ấy nếu dẫn đến hậu quả xấu thì đương nhiên họ phải gánh chịu. Cần tham khảo cách quản lý hành chính của chế độ cũ thời Pháp đô hộ: Người đứng đầu một địa phương được toàn quyền quyết định mọi việc. Nhưng khi địa phương xảy ra những bê bối, tùy mức độ nặng nhẹ mà người đứng đầu lập tức bị xử lý. Phổ biến là bị cách chức ngay. Nhưng ta hiện nay không như thế, từ Chánh rồi Phó cứ đổ vấy cho nhau. Rốt cuộc, “hòa cả làng” mặc dù tội họ gây ra là nghiêm trọng. Bởi thế mới xảy ra tình trạng có những sự việc tiêu cực nhưng chính quyền bất lực. Ví như nạn lấn chiếm hè đường chẳng hạn. Hãy thử: Ở đâu để tình trạng này xảy ra, ở đó chủ tịch bị cách chức. Chắc chắn tình hình sẽ được khắc phục. Việc đơn giản như vậy vì sao không làm được? Vì đâu phải một mình ngài đứng đầu nào đó được hưởng lợi từ sự việc này mà là nhiều người. Vậy sao có thể triệt thoái hết? Thiết nghĩ: Người đứng đầu. Hãy cho họ thật nhiều quyền lực và khi đơn vị họ quản lý xảy ra tiêu cực thì cứ nhè vào họ mà xử lý thật nặng. Tình hình ắt sẽ tích cực hơn.

Sơn Nữ

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 23 - 20

Bình luận: 0