TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 31/10/2024

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước

20:10 27/08/2020
Logo header Với rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được thành lập trong cơ chế cũ - cơ chế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp, nhiều yếu điểm đã bộc lộ, không phù hợp với đà phát triển của đất nước. Với quan điểm, DNNN chỉ được thành lập và duy trì ở những ngành, những lĩnh vực then chốt, quan trọng, có tác dụng mở đường và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển, điều tiết và hướng dẫn nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngay từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Nhà nước ta đã có những bước sắp xếp lại DNNN nhằm giảm bớt số lượng DNNN, trong đó cổ phần hóa là một biện pháp quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Ảnh minh họa (Tác giả; Nguyễn Tất Lộc)

Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, việc cổ phần hóa DNNN bước đầu đã được tiến hành. Sự yếu kém của nhân lực, của cán bộ quản lý,…  đặc biệt là tâm lý ỷ lại, trông chờ dẫn tới sản phẩm chất lượng kém, giá thành cao không thể có chỗ đứng trên thị trường, một loạt các DNNN dần đi vào ngõ cụt và đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến Nhà nước phải đẩy mạnh hành động cổ phần hóa các DNNN của nước ta. Việc này được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thúc đẩy trong sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Với nguồn vốn của người lao động và nhân dân sẽ giảm bớt được gánh nặng tài chính của các cơ quan Nhà nước. Đối với cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp, thay vì hoạt động vì mục đích chung thì họ lao động cho chính họ vì lợi nhuận của họ ứng với số vốn mà họ đã đầu tư, trách nhiệm của người lãnh đạo và người lao động sẽ được gắn chặt vào lợi ích của doanh nghiệp. Đồng thời, do chủ động về vốn, doanh nghiệp sẽ giảm bớt sự phụ thuộc, trông chờ vào Nhà nước. Tùy từng doanh nghiệp, phần cổ phần do Nhà nước sở hữu có thể nhiều hay ít, từ 0% tới 100%. Mô hình này đã được thí điểm và ngày càng được áp dụng nhiều đặc biệt đối với các DNNN làm ăn thua lỗ nhiều. Cổ phần hóa, thoái vốn được coi là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại chậm, chưa đạt kế hoạch đã đề ra. 

Trong những năm trở lại đây, quá trình cổ phần hóa các DNNN ngày càng được diễn ra một cách quyết liệt. Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 3/6/2017, của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả DNNN và các chủ trương của Đảng về DNNN. Các cấp, các ngành, các DNNN đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả DNNN. Việc cổ phần hóa các DNNN trong giai đoạn 2016-2020 đã tập trung hơn vào việc xác định tiêu chí, danh mục phân loại DNNN cụ thể theo từng năm, từng bộ, ngành, địa phương và tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Tiến trình cổ phần hóa giai đoạn này đã được đẩy mạnh hơn, tập trung vào tăng giá trị cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thay cho việc giảm mạnh về số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa, do đó giá trị các khoản thu từ cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn này cao hơn so với giai đoạn trước đó. Tính từ năm 2016 cho đến 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã cổ phần hóa được 162 doanh nghiệp, với tổng quy mô vốn được xác định lại đạt 205.433,2 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2011- 2015 (189.509 tỷ đồng). Mặc dù chưa kết thúc giai đoạn nhưng giá trị thu được đều cao hơn so với giai đoạn trước. Đến nay, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn lũy kế tính từ năm 2016 đã đạt hơn 218.255,691 tỷ đồng - bao gồm số bán đấu giá cổ phần lần đầu và thoái vốn qua hai sở giao dịch chứng khoán (170.000 tỷ đồng) và các giao dịch ngoài sàn, bán cho cổ đông chiến lược,… gấp 2,8 lần cả giai đoạn 2010-2015. Trong đó có 35/127 DN cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020”. Riêng thoái vốn Nhà nước tại 88 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017- 2020” đạt giá trị sổ sách 4.801,432 tỷ đồng, thu về 9.115,042 tỷ đồng. Cùng với đó, quy mô doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn này lớn hơn trước đây, có đến 4/147 doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2018 có quy mô vốn lớn trên 1.000 tỷ đồng. Bình quân vốn điều lệ của doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa năm 2016 là hơn 400 tỷ đồng, năm 2017 hơn 2.000 tỷ đồng (gấp 5 lần so với 2016), năm 2018 hơn 800 tỷ đồng (gấp 2 lần so với năm 2016). Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm có một số lý do cơ bản được đưa ra, đó là chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần, chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC (Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước). Nhiều doanh nghiệp còn chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn, nhiều tài sản (như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn,…) nên việc cổ phần hóa không thể nhanh như các doanh nghiệp nhỏ, mà phải mất rất nhiều thời gian để xử lý đất đai, kiểm đếm tài sản. Theo Bộ Tài chính, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa DNNN tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp, nhưng để hoàn thành được mục tiêu sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan Nhà nước. 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội của nước ta, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã tích cực hoạt động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, kịp thời ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các DNNN, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chủ động đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và phát triển doanh nghiệp. Các cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện bảo đảm chặt chẽ, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước và tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN. Đồng thời, thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã liên tục cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện một cách đáng kể. Cùng với đó, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đầu tư (sửa đổi) để tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng hơn nữa cho các doanh nghiệp, trong đó có cả các DNNN. Mở rộng khái niệm DNNN để thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả. Kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của cả nước giai đoạn 2016-2020 cũng đã được tổng hợp, phê duyệt điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế triển khai và được thường xuyên, kịp thời rà soát công tác cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chặt chẽ, đúng với các quy định của pháp luật. Theo Thông báo số 306/TB-VPCP ngày 20/8/2020 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2020 đã được đặt ra rất cụ thể. triển khai các giải pháp ứng phó rủi ro, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của dịch bệnh, có giải pháp cụ thể thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, bảo đảm yêu cầu vừa phòng chống dịch vừa phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020. Tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch các doanh nghiệp quy mô lớn trực thuộc, thực hiện các Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt. Theo Thông báo, ngoài mục tiêu việc đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cao nhất theo kế hoạch thì việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung pháp lý để tháo gỡ khó khăn trong triển khai và làm cơ sở xây dựng, phê duyệt kế hoạch lại DNNN về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn cho giai đoạn 2021-2025 cũng đặc biệt được chú trọng quan tâm. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017, Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 05/3/2018, phấn đấu đạt kết quả cao nhất đối với các mục tiêu đã đề ra về công tác phát triển doanh nghiệp. 

Nghĩa Huy

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 25 - 20

Bình luận: 0