TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Tiếp cận phẩm chất, năng lực, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh

00:13 10/07/2020
Logo header Trong giáo dục, việc đánh giá, xếp loại học sinh được hiểu là quá trình làm sáng tỏ mức độ đạt được và chưa đạt được về các mục tiêu dạy và học, tình trạng kiến thức, kỹ năng, thái độ của học sinh so với yêu cầu của chương trình, phát hiện những sai sót và nguyên nhân dẫn tới những sai sót đó, giúp học sinh điều chỉnh hoạt động học tập của mình.

Việc đánh giá đúng mức năng lực của học sinh không chỉ giúp các em học sinh tự hoàn thiện mình mà còn giúp các giáo viên có cơ sở để điều chỉnh phương pháp giáo dục phù hợp hơn

Việc công khai các nhận định về năng lực, kết quả học tập của mỗi em học sinh và cả tập thể lớp, cùng với việc tạo cơ hội cho các em có kỹ năng tự đánh giá, giúp các em nhận ra sự tiến bộ của mình, khuyến khích động viên và thúc đẩy việc học tập ngày một tốt hơn. Đồng thời thông qua đây, giáo viên có cơ sở thực tế để nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình, tự điều chỉnh, hoàn thiện hoạt động dạy, phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học. Có thể thấy, việc đánh giá, nhận định về năng lực học tập của các em học sinh thực sự rất quan trọng. Ngày 12/12/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành đã ban hành Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều vấn đề đã nảy sinh. Một số sở GD&ĐT đã có những thắc mắc liên quan đến đánh giá, xếp loại các môn học cụ thể như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Giáo dục công dân và về tiêu chuẩn xếp loại học lực học kỳ cũng như cả năm học. Ví dụ như tại Điểm a, Khoản 1 Điều 6, Thông tư 58 quy định: “Điều 6. Hình thức đánh giá và kết quả các môn học sau một học kỳ, cả năm học 1. Hình thức đánh giá: a) Đánh giá bằng nhận xét kết quả học tập (sau đây gọi là đánh giá bằng nhận xét) đối với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông, thái độ tích cực và sự tiến bộ của học sinh để nhận xét kết quả các bài kiểm tra theo hai mức: Đạt yêu cầu (Đ): Nếu đảm bảo ít nhất một trong hai điều kiện sau: Thực hiện được cơ bản các yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với nội dung trong bài kiểm tra; Có cố gắng, tích cực học tập và tiến bộ rõ rệt trong thực hiện các yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với nội dung trong bài kiểm tra; Chưa đạt yêu cầu (CĐ): Các trường hợp còn lại.”. Ngay khi Thông tư được thông qua nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng: Đây là lần đầu tiên kết quả các bài kiểm tra được quy định xếp thành 2 loại (Đ và CĐ) nên có những tác động đến ý thức học tập của học sinh. Quy định trên nhằm tạo điều kiện cho những học sinh chưa “thực hiện được cơ bản các yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với nội dung trong bài kiểm tra” nhưng “có cố gắng, tích cực học tập và tiến bộ rõ rệt trong thực hiện các yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với nội dung trong bài kiểm tra” thì vẫn được xếp loại Đ. Như vậy, chỉ có những học sinh không “cố gắng, tích cực học tập và tiến bộ rõ rệt trong thực hiện các yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với nội dung trong bài kiểm tra” thì mới phải xếp loại CĐ.

Về mặt quản lý các trường cần có những chỉ đạo sát sao giúp giáo viên chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, nhận xét, đánh giá để đảm bảo vừa khuyến khích được những học sinh có năng khiếu môn học, vừa giúp đỡ học sinh yếu tích cực học tập. Cũng theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, Thông tư 58 của Bộ GD&ĐT sau 9 năm ra đời, đến nay đã có một số hạn chế. Nhiều môn học chỉ có hình thức đánh giá bằng bài kiểm tra và cho điểm, số lượng đầu điểm nhiều, cùng với việc kiểm tra chưa tiếp cận đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, sự tiến bộ trong quá trình học tập của người học. Quan trọng hơn, cách đánh giá cho điểm số hiện nay chưa tạo động lực để tiến bộ cho người học. Do vậy, trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến góp ý sửa đổi với Bộ GD&ĐT, nhiều ý kiến đã thẳng thắn cho rằng tại nội dung sửa đổi Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT cần giữa những nội dung phù hợp với thực tế đội ngũ giáo viên như giữ mẫu hồ sơ, sổ sách hiện hành... bên cạnh đó cũng cần bỏ một số nội dung lạc hậu, không còn phù hợp nữa. 

Có thể thấy rằng, việc đánh giá, xếp loại học sinh cần tiếp cận được phẩm chất, năng lực của học sinh, cần đa dạng các loại hình đánh giá, tăng cường đánh giá quá trình học tập và phát triển vì sự tiến bộ của học sinh. Đây không chỉ là công việc cấp bách của riêng Bộ GD&ĐT mà còn là sự trăn trở của những người làm giáo dục nước nhà. 

Đỗ Dũng – Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 18 - 20

Bình luận: 0