TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Xanh hóa miền Tây, tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội

17:32 01/04/2021
Logo header Nghệ An là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, quê hương của nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, sĩ phu yêu nước nổi tiếng, truyền thống cách mạng, văn hóa đậm đà bản sắc. Mỗi người dân Việt Nam, chắc hẳn ai cũng biết đây là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Theo một nhà sử học về tên tỉnh “Nghệ An” là “Thái bình vô sự” có nghĩa là mong muốn về một mảnh đất luôn mang đến sự thái bình thịnh trị, yên bình không nhiễu nhương. Danh nhân Phan Huy Chú cũng đã từng viết trong Lịch triều hiến chương loại chí (đây là bộ sách được ông dâng lên Vua Minh Mạng năm 1821 khi ông bắt đầu làm quan ở viện Hàn Lâm. Nhận thấy tầm quan trọng của bộ sách, vua Minh Mạng đã cho khắc bản gỗ, in thành nhiều bản, để phổ biến. Lịch triều hiến chương loại chí ghi chép dữ liệu lịch sử từ thời Hồng Bàng đến Lê Mạt, gồm 49 quyển, chia làm 10 phần): “Nghệ An núi cao, sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả Nam Châu. Người thì thuận hòa mà chăm học, sản vật thì nhiều thức quý của lạ… được khí tốt của sông núi nên sinh ra nhiều bậc danh hiền… thực là nơi hiểm yếu như thành đồng, ao nóng của nước và là then khóa của các triều đại”.

Nghệ An là tỉnh đặc biệt, có nhiều tiềm năng, lợi thế. Vị trí địa lý chiến lược, thuận lợi; diện tích tự nhiên lên đến 16.490 km2 (lớn nhất cả nước); đứng thứ 4 về quy mô dân số với trên 3,3 triệu người. Có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ bao gồm sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, đường sắt, mạng lưới đường bộ và đường thủy dễ dàng kết nối trong nước và quốc tế (cao tốc Bắc - Nam; các cảng: Cửa Lò, Vissai, Đông Hồi; sân bay quốc tế Vinh; đường sắt Bắc Nam; 5 cửa khẩu với Lào...). Là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ, giáp tỉnh Thanh Hóa ở phía Bắc, tỉnh Hà Tĩnh ở phía Nam, phía Tây tiếp giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với 419 km đường biên giới trên bộ, có bờ biển ở phía Đông dài 82km. Vị trí này tạo cho Nghệ An có vai trò quan trọng trong mối giao lưu kinh tế - xã hội Bắc - Nam, xây dựng và phát triển kinh tế biển, kinh tế đối ngoại và mở rộng hợp tác quốc tế. Nghệ An nằm trên các tuyến đường quốc lộ Bắc - Nam (tuyến quốc lộ 1A dài 91km đi qua các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thị xã Hoàng Mai và thành phố Vinh, đường Hồ Chí Minh chạy song song với quốc lộ 1A dài 132 km đi qua các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương và thị xã Thái Hoà; quốc lộ 15 ở phía Tây (dài 149 km chạy xuyên suốt tỉnh); các tuyến quốc lộ chạy từ phía Đông lên phía Tây, nối với nước bạn Lào thông qua các cửa khẩu (quốc lộ 7 dài 225 km, quốc lộ 46 dài 90 km, quốc lộ 48 dài trên 160 km). Tỉnh có tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 94 km chạy qua. Nghệ An nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam - Biển Đông theo đường 7 đến cảng Cửa Lò. Nằm trên các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế (tuyến du lịch xuyên Việt; tuyến du lịch Vinh - Cánh đồng Chum - Louangphabang - Viêng Chăn - Băng Cốc và ngược lại qua Quốc lộ 7 và đường 8). Với vị trí như vậy, Nghệ An đóng vai trò quan trọng trong giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch, vận chuyển hàng hoá với cả nước và các nước khác trong khu vực, nhất là các nước Lào, Thái Lan và Trung Quốc, là điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Công trình thủy điện miền Tây Xứ Nghệ

Trong hơn 15 năm qua, nhất là các năm trở lại đây, Nghệ An luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Trung ương. Ngay từ ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Sau đó không lâu, vào tháng 12/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020 tại Quyết định số 2355/QĐ/TTg. Cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nên kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đạt được nhiều kết quả tích cực. Thu nhập bình quân đầu người của Nghệ An đạt hơn 44 triệu đồng/năm; tăng trưởng kinh tế bình quân nhiệm kỳ đạt 7,2%/năm. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm năm 2020 của tỉnh đạt 4,45%. Đặc biệt, Nghệ An là một trong những điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của cả nước (280 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, đạt khoảng 68,12% số xã và 6 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, cao hơn mức bình quân cả nước). Đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực quan tâm, cam kết đầu tư vào tỉnh. Trong 2 tháng đầu năm 2021, một số dự án lớn cũng được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như nhà máy sản xuất cấu kiện điện tử của Công ty Everwin Precision Việt Nam (200 triệu USD), khởi công nhà máy Goertek Vina (100 triệu USD),...

Thành phố Vinh đang ngày càng “thay da, đổi thịt”

Vào sáng 14/3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nghệ An. Tại buổi làm việc Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Nghệ An đã đạt được. Đặc biệt, bộ máy chính trị đã có sự gắn bó, đoàn kết, thống nhất cao. Lĩnh vực an ninh - trật tự được đảm bảo, thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Tình trạng “tỉnh mở, sở thắt” đã được khắc phục. Đây là những dấu hiệu đáng mừng sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nghệ An được xác định là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ, do đó cần có mức độ phát triển tương xứng, cần hình thành những trung tâm giáo dục đào tạo, văn hóa, giải trí, du lịch dịch vụ. Nghệ An cần chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, tập trung phát triển miền Tây Nghệ An theo hướng xanh hóa, chú trọng phát triển rừng và kinh tế rừng. Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường xã hội hóa nguồn lực, dựa vào nguồn lực trong nhân dân để phát triển dịch vụ, sản xuất; giữ vững an ninh - trật tự, thu hút nhiều hơn nữa người tài, người giàu đến với Nghệ An. Cũng trong sáng cùng ngày, tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức. Nghệ An là địa phương thứ ba mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự lễ hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh”. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã gửi tặng nhân dân huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) 10.000 cây lát hoa và sao đen với mong muốn lan tỏa ý nghĩa việc trồng cây, phủ xanh núi rừng, làng xóm huyện Đô Lương nói riêng, tỉnh Nghệ An và cả nước nói chung.

Miền Tây tỉnh Nghệ An là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung bộ và cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của Tỉnh, có tiềm năng và lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu. Là địa bàn có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống gắn bó lâu đời với bản sắc văn hóa riêng, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Xây dựng miền Tây tỉnh Nghệ An vững mạnh toàn diện và theo hướng xanh hóa vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh lâu dài của tỉnh Nghệ An, của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.

Lê Dũng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 55-21

Bình luận: 0