Bát Xát - Lào Cai: HTX Tiên Phong đầu tư công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tạo đà phát triển kinh tế
Vựa lúa Séng Cù gần như là nơi trồng lúa lớn nhất của tỉnh Lào Cai bởi giống lúa này là cây trồng chính không thể thay thế trong cơ cấu giống cây trồng tại xã Mường Vi, huyện Bát Xát. Do khí hậu và thổ nhưỡng ưu đãi với giống lúa này nên sản phẩm gạo Séng Cù trồng tại nơi đây có chất lượng ngon hơn hẳn các nơi khác cũng trồng giống lúa này. Nắm bắt được ưu thế, năm 2014 Hợp tác xã (HTX) Tiên Phong Mường Vi được thành lập với hệ thống máy sấy thóc, dây chuyền xay xát, tách mầu liên hoàn hiện đại. Ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định “Gạo ngon là giá trị cốt lõi” của sản phẩm và thương hiệu. Nhưng để có được gạo ngon thì phải chủ động và kiểm soát tận gốc, tận dụng kinh nghiệm canh tác truyền thống của địa phương phối hợp với kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao để cho ra sản phẩm tốt. Chính vì vậy mà HTX đã thực hiện liên kết chặt chẽ với các hộ dân từ việc cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây lúa, sử dụng phân bón và phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc, ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Chả thế mà vào những vụ gặt trên khắp các cánh đồng trong xã, đâu đâu cũng tấp nập không khí ngày mùa. Lúa Séng Cù thu hoạch đến đâu, HTX thu mua đến đấy. HTX thực hiện thu mua thóc tươi tại ruộng rồi sấy khô bằng hệ thống máy sấy hiện đại xong đưa vào xay xát, đóng gói bằng dây chuyền công nghệ cao, ưu điểm của dây truyền này là tự động loại bỏ các hạt gạo lỗi, hạt đen đầu, hạt có mầu bằng máy tách mầu công nghệ ánh sãng CCD camera mầu HEFEI MEIYA ANCOO. Bởi vậy sản phẩm gạo Séng Cù của HTX Tiền Phong ngon, ít có hạt gãy, hạt vỡ và đặc biệt là các hạt còn giữ được lớp vỏ cám giàu dinh dưỡng. Sau khi đã hoàn tất các công đoạn xay xát, khử khuẩn, loại bỏ tạp chất và hạt lỗi, gạo nóng sẽ được chuyển lên tháp làm nguội để chiết vào bao rồi đưa vào buồng chân không để rút hết không khí trong bao bì nhằm hạn chế tối đa sự tiếp xúc của hạt gạo trong bao với không khí nên sự biến đổi chất lượng của từng hạt gạo gần như là không có. Cơm nấu bằng gạo Séng Cù Tiên Phong khi ăn, ta có cảm gác như được ăn gạo mới. Công nghệ này giúp cho HTX không phải sử dụng đến các chất bảo quản mà vẫn giữ được gạo thơm ngon lâu dài.
Ở Mường Vi, giống lúa Séng Cù đặc là sản nức tiếng trên thị trường. Nhiều năm gần đây, người nông dân Mường Vi không phải lo đầu ra cho hạt lúa bởi thu hoạch đến đâu, bát hết đến đấy. HTX Tiên Phong đã đầu tư công nghệ cao để chế biến gạo, cung ứng ra thị trường tạo đà phát triển kinh tế một cách có hiệu quả cho nông nghiệp nông thôn vùng cao. Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Tình - Trưởng thôn Đông Cắm, xã Mường Vi cho biết: “Để tạo mối quan hệ bền vững, HTX Tiên Phong Mường Vi đã thực hiện cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trả trước để bà con nông dân chủ động sản xuất. Nông dân có thể trả HTX bằng tiền hoặc khấu trừ khi bán sản phẩm cho HTX. Với cách làm này, HTX đã tạo dựng được niềm tin cho nông dân trong quá trình hợp tác trồng giống lúa đặc sản của địa phương”. Nói về sản phẩm gạo Séng Cù và chất sản phẩm được chế biến qua công nghệ của HTX Tiên Phong, ông Trần Kiều Hưng - Chủ tịch UBND xã Mường Vi cho biết: “… Để các sản phẩm được làm từ lúa Séng Cù có thị trường tiêu thụ ổn định, HTX Tiên Phong Mường Vi đã trải qua các khâu phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm. Dây chuyền chế biến gạo này được xem là hiện đại nhất Lào Cai hiện nay. Từ khâu sấy khô, tách vỏ bỏ chấu đến việc tách mầu đều được thiết kế liên hoàn vì thế nên điều khiển dây chuyền này chỉ cần một kỹ thuật đứng máy. Có cả quy trình và quan trọng nhất là khâu tách màu vì khâu này sẽ loại bỏ sạn, hạt gạo bị đen đầu, hạt vỡ giúp cho gạo thành phẩm có chất lượng tốt nhất. Hạt gạo không có bụi cám, trắng trong và giữ được đọ ẩm khoảng 15% là điều kiện để duy trì chất lượng sản phẩm tốt trong thời gian khoảng 6 tháng”.
Chúng tôi đã tham quan dây chuyền công nghệ chế biến gạo Séng Cù của HTX Tiên Phong Mường Vi thì thấy đây là một mô hình mới cần được học tập nhân rộng trong công cuộc phát kinh tế nông thôn. Ông Cao Minh Tuấn - Phó Giám đốc HTX Tiên Phong Mường Vi chia sẻ với chúng tôi: “HTX đã bao tiêu đầu ra của nông dân đến 40% sản lượng lúa ở địa phương, giá mua thóc đầu vào năm nay khoảng gần 12.000 đồng/kg, cao hơn năm trước từ 500 đến 1.000 đồng. Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành nên các sản phẩm làm từ lúa Séng Cù trồng tại xã Mường Vi, huyện Bát Xát đã được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lào Cai chứng nhận cơ sở sản xuất chế biến đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được chứng nhận hợp quy cho sản phẩm và Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm”.
Hoạt động đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của HTX Tiên Phong Mường Vi không những góp phần phát triển kinh tế nông thôn mà cách làm này còn đạt được một tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới. Ngày nay, chất cuộc sống của nhân dân ta ngày càng cao nên việc giữ gìn chất lượng thóc Séng Cù Mường Vi cần được chính quyền các cấp ở Lào Cai quan tâm, cần có những chính sách tốt để khuyến khích nông dân sản xuất tập trung một loại giống để tránh lai tạp lúa đặc sản với các giống khác, để chất lượng gạo và các sản phẩm được chế biến từ gạo Séng Cù Mường Vi trở thành sản phẩm nông nghiệp được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mạc Văn Nhân