TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 15/11/2024

Hướng trục sông Hồng để phát triển Thủ đô Hà Nội

17:39 01/04/2021
Logo header Thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên 920,97 km2, nằm trên đồng bằng sông Hồng nên có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội. Mảnh đất ngàn năm này luôn là trung tâm chính trị - kinh tế của cả nước và là đầu mối giao thương trong nước và đi quốc tế.

Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến có thế đất “rồng cuộn, hổ ngồi” nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng. Thế đất này có thể hiểu là nơi đất rộng mà bằng phẳng, sáng sủa, cao ráo dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh nằm ở giữa nam bắc đông tây, là chỗ hội họp của bốn phương và đặc biệt là thế đất nhiều ưu việt về địa - quân sự trong việc giữ thành. Các mạch núi Tây Bắc và Đông Bắc đã hội tụ về đây (Hoàng Liên Sơn, Con Voi, Tam Đảo, các cánh cung Đông Bắc), do đó các dòng sông cũng tụ thủy về Hà Nội để rồi phân tỏa chảy ra  Biển Đông. Trong những năm gần đây, Hà Nội phát triển rất mạnh mẽ, bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng theo hướng văn minh, hiện đại so với những năm trước và ngày càng khẳng định là động lực cho phát triển kinh tế đất nước, là hạt nhân thúc đẩy phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho cả vùng phía Bắc. Nhưng cũng bởi lẽ tốc độ phát triển nhanh, kèm theo đó là sự gia tăng dân số nên công tác quản lý các vấn đề xã hội và công tác đảm bảo trật tự xã hội, cải thiện hạ tầng kỹ thuật độ thị, quản lý tài nguyên và đảm bảo môi trường gặp nhiều khó khăn. Thách thức hiện nay là vấn đề liên quan đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...

Quy hoạch Thủ đô gắn liền với sông Hồng sẽ tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế để trở thành Thủ đô Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi tạo sức cạnh tranh cao trong nước, trong khu vực và quốc tế, nên việc phát triển Thủ đô dọc theo con sông Hồng đã được chú trọng. Ngay từ 26/7/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng lấy khu vực hai bên Sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô. Cùng với đó, để có thể đáp ứng các yêu cầu phát triển, công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong Vùng; đảm bảo phân bổ nguồn lực quốc gia có hiệu quả; hạn chế những mặt trái của quá trình đô thị hóa đến môi trường sống, tác động của biến đổi khí hậu nhằm xây dựng Vùng phát triển thịnh vượng và có môi trường bền vững. Đồng thời phục vụ nhu cầu xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Vùng, tạo điều kiện cho các đô thị tiếp tục phát huy vai trò là những hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực xung quanh về kinh tế - xã hội; phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn; bảo đảm quốc phòng - an ninh. Từ đó làm cơ sở cho lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng dọc tuyến đường vành đai, cao tốc liên tỉnh, các vùng và khu chức năng đặc thù, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; là cơ sở lập dữ liệu phục vụ công tác quản lý, đề xuất cơ chế chính sách và mô hình quản lý Vùng. Ngày 06/5/2016 Quyết định Về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông qua.

Chiều ngày 28/3 vừa qua, Chính phủ đã có buổi làm việc với TP. Hà Nội. Tại đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh điều chỉnh quy hoạch phải gắn với Vùng Thủ đô để phát triển đô thị vệ tinh hấp dẫn. Hà Nội cần cấu trúc lại, lấy trục sông Hồng để phát triển. Cụ thể cần phát triển cân đối hai bên trục sông Hồng, đồng bộ hạ tầng để trở thành động lực phát triển đô thị hiện đại, tạo ra trung tâm tài chính như Phố Đông của Thượng Hải, lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm phát triển. Trước đó, thông tin Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 hiện cũng đang được các cơ quan chức năng hoàn thiện và trình cấp thẩm quyền phê duyệt trong tháng 6/2021. Quy hoạch này sẽ hiện thực hóa giấc mơ của Nhân dân chờ đợi từ năm 1954 đến nay. Từ đó giúp tạo xung lực tích cực giải phóng các nguồn lực xã hội to lớn cho phát triển nhanh và hiệu quả hơn kinh tế Thủ đô thời “hậu Covid-19”. Quy hoạch được xây dựng theo nguyên tắc thuận thiên, lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng làm mục tiêu hàng đầu, hướng ra sông, nhưng không chất tải công trình, mà tích hợp cả quy hoạch đê điều, phòng, chống lũ và nhấn mạnh yếu tố văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa, phát triển cả hai bên dòng sông như là trục vành đai xanh, cải thiện cảnh quan đô thị. Quy hoạch hoàn toàn tuân thủ Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Điều này cho thấy vấn đề chống lũ, thoát lũ vẫn là nhiệm vụ ưu tiên số 1 trong việc quy hoạch.

Việc thiết lập quy hoạch sẽ giúp sông Hồng trở thành trục không gian cảnh quan chủ đạo của thành phố, gắn với trục Hồ Tây - Cổ Loa, tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm Hà Nội. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội  Vương Đình Huệ khẳng định quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ hướng ra sông, sông Hồng sẽ là trung tâm, hai bên là trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, ở đó nhấn mạnh yếu tố văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả hai bên dòng sông. Quy hoạch Thủ đô gắn liền với sông Hồng không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí của Hà Nội và cảnh quan nhếch nhác của thủ đô do phát triển tự phát hai bên bờ sông Hồng trong vài chục năm qua, mà còn tạo xung lực phát triển kinh tế Thủ đô ngang tầm với các đô thị hiện đại trên thế giới.

Xuân Bách

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 55-21

Bình luận: 0