Cung ứng dịch vụ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội – Thực trạng và giải pháp (kỳ 1)
Hiện nay, với dân số khoảng 8,5 triệu người, mỗi ngày, thành phố Hà Nội thải ra trên 6.500 tấn rác thải sinh hoạt (theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 – Bộ Tài Nguyên và Môi trường) với thành phần đa dạng từ rác thải hữu cơ, nhựa, kim loại, thủy tinh,…
Trong những năm qua, công tác thu gom, trung chuyển, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hà Nội thường xuyên được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố quan tâm, chỉ đạo sâu sát; luôn nhận được sự đồng hành, phối hợp, cùng triển khai thực hiện của các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, phong trào hoạt động về vệ sinh môi trường được triển khai, điển hình như hưởng ứng phong trào thu gom rác thải tại nguồn, nhiều hoạt động hưởng ứng ngày môi trường thế giới hàng năm (05/6),.. đã đem lại những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của nhiều tầng lớp nhân dân.
Ủy ban nhân dân thành phố thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phân loại rác thải tại nguồn, yêu cầu các cơ sở đang cung ứng dịch vụ môi trường phải có kế hoạch, lộ trình thay đổi về công nghệ xử lý, xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn… tỷ lệ thu gom chất thải rắn tại khu vực thành thị đạt từ 85 – 100%, tại khu vực nông thôn khoảng 90% lượng rác thải phát sinh mỗi ngày.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội, công tác quản lý, duy trì VSMT vẫn còn rất nhiều điểm bất cập, kể cả dưới góc độ quản lý nhà nước (công tác đấu thầu, phân cấp quản lý) lẫn năng lực thực thi của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt (khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình trong hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt).
Về công tác đấu thầu, phân cấp quản lý nhà nước về thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt:
Về công tác đấu thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017 – 2020, UBND thành phố chỉ đạo công tác duy trì VSMT trên địa bàn được thực hiện theo hình thức đấu thầu tập trung, Trung tâm mua sắm tài sản công, thông tin tư vấn tài chính – Sở Tài chính là đơn vị tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng thỏa thuận khung với các nhà thầu, UBND các quận, huyện, thị xã là chủ đầu tư ký hợp đồng kinh tế với các nhà thầu theo quy định.
Kể từ ngày 23/9/2020, Quyết định số 4278/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội đã hủy bỏ việc đấu thầu tập trung đối với các dịch vụ công ích vệ sinh môi trường gồm: thu gom, vận chuyển và duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố và các quận, huyện, thị xã quản lý theo phân cấp. Việc đấu thầu được thực hiện tại từng khu vực quận, huyện, thị xã theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Về phân cấp quản lý, theo Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổng thể về công tác quản lý duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 29 doanh nghiệp đang thu gom, tập kết, vận chuyển với hơn 2000 điểm tập kết, điểm cẩu, chuyển tải, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (URENCO) là đơn vị phụ trách công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên nhiều địa bàn nhất (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng), các đơn vị thành viên (URENCO Gia Lâm, URENCO Long Biên, URENCO Đông Anh, URENCO Thanh Trì...) cũng cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn nhiều quận, huyện khác.
Rất nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng tham gia cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt như Công ty CP đầu tư phát triển CNC Minh Quân (nay là Công ty Tập đoàn Nam Hà Nội), Công ty CP Môi trường Tân Hội, Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên, Hợp tác xã Thành Công, Công ty CP dịch vụ MT Thăng Long...
Quy trình đấu thầu lựa chọn đơn vị duy trì VSMT trên địa bàn Thành phố
Như đã nêu ở trên, giai đoạn từ 2017 đến 2020, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức đấu thầu tập trung để lựa chọn đơn vị duy trì VSMT trên địa bàn Thành phố. Từ năm 2021 đến nay, việc đấu thầu dịch vụ duy trì VSMT cơ bản theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 về đấu thầu trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ công.
Điều 53 Luật Đấu thầu 2013 về hình thức lựa chọn nhà thầu quy định: “Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công được thực hiện theo các hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện”.
Điều 54 Luật Đấu thầu 2013 quy định quy trình lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công được thực hiện như sau:
“a) Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
b) Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
c) Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và thương thảo hợp đồng;
d) Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
đ) Hoàn thiện, ký kết hợp đồng”.
Cụ thể hóa các quy định của Luật Đấu thầu 2013, Nghị định 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 và Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ đã quy định chi tiết công tác đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công.
Về hiện trạng quản lý, sử dụng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải:
Công tác quản lý, sử dụng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tồn tại rất nhiều bất cập, gây bức xúc cho nhân dân và ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị. Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các điểm tập kết do nước rỉ rác, mùi hôi thối và nguy cơ lây lan, phát tán mầm bệnh từ các loại vi sinh vật còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng.
Theo kết quả rà soát của Tri thức Xanh và báo cáo của Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội, ở khu vực nội thành như Thanh Xuân, Long Biên, Đống Đa..., các điểm tập kết đa phần có quy mô nhỏ từ 5 - 30m2; một số lượng lớn các điểm tập kết còn lấn chiếm, sử dụng luôn lòng đường để chờ trung chuyển. Phần lớn các điểm tập kết, trung chuyển, điểm cẩu không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật như không có mái che, không có rãnh thu gom nước thải. Đối với các huyện ngoại thành, diện tích các điểm tập kết, bãi rác có thể thay đổi từ 20 đến hàng trăm mét vuông.
Nhìn chung, quy mô, vị trí và hạ tầng kỹ thuật các điểm tập kết, điểm trung chuyển, điểm cẩu rác thải sinh hoạt hiện nay trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về quản lý chất thải và phế liệu.
Quy định về quản lý chất thải và phế liệu
Để đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị, Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các nghị định hướng dẫn thi hành đã quy định chi tiết về công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, cũng như yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý chất thải rắn sinh hoạt đối với thiết bị lưu giữ, điểm tập kết, trạm trung chuyển, khu vực lưu giữ. Trong đó:
Về thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, Điều 17 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định:
“1. Chất thải rắn sinh hoạt phải được thu gom theo tuyến để vận chuyển tới điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Trên các đường phố chính, các khu thương mại, các công viên, quảng trường, các điểm tập trung dân cư, các đầu mối giao thông và các khu vực công cộng khác phải bố trí các thiết bị lưu chứa phù hợp và điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt.
3. Các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt phải có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu giữ. Các thiết bị lưu chứa tại các khu vực công cộng phải bảo đảm tính mỹ quan.
4. Trong quá trình vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải bảo đảm không làm rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi, nước rò rỉ”.
Về yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý chất thải rắn sinh hoạt đối với thiết bị lưu giữ, điểm tập kết, trạm trung chuyển, khu vực lưu giữ, Mục A, Phụ lục II Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu quy định:
“1. Thiết bị lưu giữ CTRSH phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Đảm bảo lưu giữ an toàn, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ.
- Không được ngấm, rò rỉ nước rác, phát tán chất thải do gió.
- Có dung tích, kích thước phù hợp với thời gian lưu giữ.
2. Điểm tập kết CTRSH phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt.
- Có sàn bảo đảm kín, không rạn nứt, không bị thẩm thấu.
3. Khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt không bắt buộc phải xây dựng dưới dạng kho nhưng phải đáp ứng các quy định sau:
- Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; mặt sàn trong khu vực lưu giữ được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào.
- Có sàn bảo đảm kín, không rạn nứt, không bị thẩm thấu.
- Có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ. Trường hợp không có mái che thì phải có biện pháp thu gom, lưu giữ và xử lý nước rỉ rác đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường”.
Như vậy, nhìn chung pháp luật về công tác đấu thầu, phân cấp quản lý nhà nước và yêu cầu kỹ thuật, quy trình trong hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến nay đã được ban hành khá đầy đủ, khá chi tiết làm cơ sở để các địa phương và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ VSMT thực hiện. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội, công tác quản lý, duy trì VSMT vẫn còn rất nhiều điểm bất cập, kể cả dưới góc độ quản lý nhà nước lẫn năng lực thực thi của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Trong khuôn khổ chuyên đề “Cung ứng dịch vụ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội – Thực trạng và giải pháp”, Tri thức Xanh sẽ phân tích, đánh giá cụ thể theo phạm vi từng địa bàn, từng đối tượng và các tổ chức cung cấp dịch vụ ở các kỳ tiếp theo.
Đình Phúc và Nhóm phóng viên điều tra.
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)