TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 15/11/2024

Nâng cao hiệu quả quản lý rừng ngập mặn ở Việt Nam (kỳ 1)

13:45 17/10/2021
Logo header Rừng ngập mặn đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ môi trường cho cả môi trường biển và con người. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các vùng rừng ngập mặn đang bị đe dọa bởi sức ép của phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu.

Kỳ 1: Đánh giá chung về tình hình rừng ngập mặn ở Việt Nam

1. Đặc điểm rừng ngập mặn tại Việt Nam

Diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam đã suy giảm đáng kể trong giai đoạn 1943-2000, từ 450.000 ha tại năm 1943 xuống khoảng 155.290 ha vào năm 2000. Các nguyên nhân chính bao gồm chuyển đổi rừng ngập mặn sang sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, mất rừng do bom đạn chiến tranh, và do đô thị hóa.

 Mất rừng ngập mặn dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học, mất sinh cảnh và các bãi đẻ cho nhiều loài cá và thủy sản, phá hủy chu trình dinh dưỡng trong các vùng rừng ngập mặn, và đặc biệt là làm suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái. Hơn 20 năm qua, với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư đáng kể nguồn lực vào hàng loạt các sáng kiến và chương trình để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn. Điều này đã giúp diện tích rừng ngập mặn đã tăng từ 155.290 ha lên 164.701 ha trong giai đoạn từ 2000 đến 2017 (MARD 2018). Như vậy, trong giai đoạn này, diện tích rừng ngập mặn đ đã tăng trung bình hàng năm khoảng 554 ha.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Với đường bờ biển dài hơn 3.000 km, vùng ven biển là nơi đối mặt trực diện với các tác động của biến đổi khí hậu (IMHEN và UNDP 2015). Tuy diện tích chỉ chiếm 1,5% tổng diện tích rừng của Việt Nam (14,4 triệu héc-ta), rừng ngập mặn đóng một vai trò quan trọng trong giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Cũng như các hệ sinh thái khác, rừng ngập mặn cung cấp nhiều sản phẩm sử dụng trực tiếp cho sinh kế của người dân địa phương như cây thuốc, gỗ, củi và thủy hải sản. Chúng còn cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái đảm bảo xã hội phồn vinh, ví dụ như kiểm soát xói lở bờ biển, điều tiết nước, ổn định đất và hấp thụ các bon. Một vài nghiên cứu đã xác định tổng giá trị kinh tế mà rừng ngập mặn tại Việt Nam mang lại là từ 1.000 đến 4.200 USD/ha/năm. Giá trị các dịch vụ hệ sinh thái chiếm đến 80% tổng giá trị kinh tế của rừng ngập mặn.

Xét về tính đa dạng hệ thực vật, rừng ngập mặn Việt Nam có 36 loài cây ngập mặn thực thụ thuộc 20 chi và 14 họ, và 77 loài thực vật tham gia.

Đồng bằng Sông Cửu Long là nơi có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất, chiếm 78% diện tích rừng ngập mặn toàn quốc, tiếp đến là vùng ven biển Đông Bắc (13%) và Đồng bằng sông Hồng (6%). Diện tích rừng ngập mặn ở vùng ven biển miền Trung (vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ) chiếm khoảng 1,5% tổng diện tích rừng ngập mặn của cả nước (Bộ NN&PTNT 2018). Trong số 63 tỉnh thành trên toàn quốc, có 28 tỉnh thành có rừng ngập mặn phân bố. Theo số liệu năm 2017, 9 tỉnh có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất là Cà Mau, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Trà Vinh, Đồng Nai, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Thái Bình. Rừng ngập mặn của các tỉnh này chiếm đến 93% tổng diện tích rừng ngập mặn toàn quốc.

Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng (2004) và Luật Lâm nghiệp (2017) quy định phân loại rừng thành ba loại chính theo mục đích quản lý là: rừng đặc dụng (vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên), rừng phòng hộ (phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển và bảo vệ môi trường) và rừng sản xuất. Rừng đặc dụng được thành lập để bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học; rừng phòng hộ nhằm mục đích bảo vệ các vùng đầu nguồn và vùng ven biển; và rừng sản xuất để cung cấp gỗ và lâm sản. Nhà nước quản lý rừng đặc biệt và rừng phòng hộ. Tuy nhiên, rừng sản xuất được giao cho nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm cả các tổ chức tư nhân và hộ gia đình. Trong tổng diện tích rừng ngập mặn, rừng ngập mặn phòng hộ chiếm diện tích lớn nhất: 106.414 ha tức là 73% tổng diện tích rừng ngập mặn của cả nước; tiếp đến là rừng ngập mặn sản xuất (chiếm khoảng 13%) và rừng ngập mặn đặc dụng (chiếm 9%). Rừng đặc dụng và phòng hộ thường là sở hữu nhà nước và được quản lý thông qua các ban quản lý rừng hoặc UBND các xã. Rừng sản xuất, có thể kết hợp nuôi trồng thủy sản và có thể được giao và quản lý bởi các tổ chức tư nhân, cá nhân và hộ gia đình (VNA 2004, 2017).

2. Các chính sách và tổ chức thể chế về quản trị rừng ngập mặn

Trong những năm gần đây, có nhiều chính sách, quan trọng thúc đẩy việc quản lý và phát triển rừng ngập mặn đã được xây dựng và ban hành Tại Việt Nam, có nhiều cơ quan, tổ chức từ cấp trung ương đến cấp tỉnh tham gia quản lý rừng ngập mặn và các vấn đề liên quan, dẫn đến chồng chéo về nhiệm vụ và trách nhiệm. Bộ NN&PTNT có nhiều năm kinh nghiệm trong thiết lập và quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng, bao gồm rừng ngập mặn. Bộ NN&PTNT cũng quản lý nước mặt vì liên quan đến thủy lợi, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, Bộ TN&MT quản lý đa dạng sinh học trên đất có rừng, bao gồm rừng trên cạn và rừng ngập mặn. Ngoài ra, mỗi cơ quan trung ương có một cơ quan chuyên ngành ở cấp tỉnh, như là các Sở NN&PTNT và Sở TN&MT. Trong nhiều trường hợp, không rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý một khu rừng ngập mặn cụ thể và làm thế nào để quản lý rừng ngập mặn một cách hiệu quả.

Có rất nhiều chương trình và dự án của Chính phủ và quốc tế đã đầu tư vào việc bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn trong 20 năm qua. Các chương trình phục hồi rừng ngập mặn lớn có thể liệt kê như dưới đây:

Chữ thập đỏ Nhật Bản đã cung cấp hỗ trợ tài chính để phục hồi rừng ngập mặn tại tại tỉnh Quảng Ninh trong giaiđoạn 1996–2005.

Dự án PAM 5325 hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa phục hồi rừng ngập mặn trong thời gian 1996/1997, đồng thời Dự án PAM 4304 cũng được thực hiện tại Thanh Hóa trong giai đoạn 1992– 1997.

Các tổ chức khác, ví dụ như ACTMANG của Nhật Bản, KVT (Hà Lan), Hội chữ thập đỏ Đan Mạch và UNICEF Vương quốc Anh hỗ trợ tài chính để để giúp tái sinh rừng ngập mặn tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình trong giai đoạn 1990–1993.

- GIZ tài trợ một dự án tại các tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu để phục hồi và phát triển rừng phòng hộ ven biển trong giai đoạn 2006-2010.

- Ngân hàng Thế giới tài trợ một dự án về bảo vệ và phát triển các vùng đất ngập nước ven biển ở Nam Việt Nam trong giai đoạn  2002-2007.

Các chương trình này đã đưa ra những bài học rất có giá trị cho phục hồi và quản lý rừng ngập mặn:

- Đánh giá điều kiện lập địa là hết sức cần thiết cho việc phục hồi và trồng lại rừng ngập mặn thành công; tuy nhiên, trước đây đánh giá điều kiện lập địa trong hoạt động phục hồi rừng hầu như không được thực hiện. Đánh giá lập địa đòi hỏi phải có hiểu biết tốt về các điều kiện tự nhiên của khu vực đã lên kế hoạch phục hồi và nâng cao chất lượng rừng. Các thông tin này gồm tính chất lý hóa học của đất, độ thành thục của đất, chế độ thủy triều (độ sâu, thời gian và tần suất ngập triều) và độ mặn của nước, là những yếu tố chính ảnh hưởng đến sự phát triển của cây ngập mặn. Hiểu biết về đặc điểm của điều kiện tự nhiên là nền tảng để đánh giá sự phù hợp của các loài cây rừng ngập mặn theo yêu cầu sinh thái của chúng. Đánh giá thực địa cũng áp dụng cho các khu vực có rừng, nơi có ý định bảo vệ và cải thiện các chức năng của rừng, như cải thiện tán rừng, đa dạng hóa các loài cây và tăng mật độ cây.

- Đảm bảo chất lượng giống cây trồng là điều rất quan trọng trong phục hồi rừng. Tùy thuộc vào điều kiện lập địa của vùng và các biện pháp lâm sinh áp dụng, cây giống khác nhau về tuổi, chiều cao và đường kính cổ rễ. Nguồn giống cũng rất quan trọng để đảm bảo chất lượng cây giống. Bài học cho đến nay cho thấy cây giống nên được sản xuất tại chỗ để thích hợp tốt hơn với điều kiện địa phương.

- Chi phí cao trong phục hồi rừng ngập mặn cũng đã được ghi nhận tại các vùng bị ảnh hưởng mạnh bởi sóng biển, bờ biển bị sạt lở, độ ngập triều sâu và tần suất cao, và đất lẫn nhiều cát. Chi phí để trồng 1 ha rừng ngập mặn ở những khu vực như vậy thường có sự biến động tương đối lớn tùy từng khu vực cụ thể: từ 90 đến 500 triệu VNĐ cho 1 ha (4.000 – 22.700 USD) so với chỉ 1.000 đến 2.000 USD như ý kiến của những người trả lời trong phỏng vấn người cung cấp thông tin chính. Chi phí cho việc xây dựng các công trình hỗ trợ ban đầu (ví dụ, hàng rào chắn sóng và các bẫy giữ bùn, hoặc đổ thêm đất lên các vùng cát để cải thiện kết cấu đất)thường rất cao. Ví dụ, hàng rào chắn sóng tại Kiên Giang do dự án GIZ hỗ trợ có giá thành là 350 đến 400 triệu VNĐ (16.000- 18.000 USD) cho một ki-lô-mét.

- Việc quản lý rừng ngập mặn cần phải mang lại sinh kế bền vững cho người dân và cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng. Nhiều người dân có sinh kế và thu nhập phụ thuộc vào rừng ngập mặn. Các mô hình phát triển sinh kế cần phải được xây dựng dựa trên sự đồng thuận và trên kinh nghiệm của các cộng đồng địa phương.

- Các cộng đồng địa phương và các CSO phải được tham gia vào quản lý rừng. Các cộng đồng địa phương, và các tổ chức đoàn thể như phụ nữ và thanh niên, đóng vai trò trung tâm trong sự thành công của quản lý và phát triển rừng ngập mặn. Tuy nhiên, cộng đồng địa phương vẫn chỉ được quản lý hoặc đồng quản lý một vài khu vực có diện tích rừng ngập mặn nhỏ. Một số ví dụ điển hình về đồng quản lý rừng ngập mặn là ở Hải Phòng; ở Đồng Rui, Quảng Ninh; và đặc biệt là cách tiếp cận dựa vào cộng đồng để quản lý và phục hồi rừng ngập mặn ở xã Đa Lộc, Thanh Hóa.

Giám sát và đánh giá (M&E) các dự án phục hồi rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng đối với sự bền vững của rừng ngập mặn trong dài hạn. Tuy nhiên, trong hầu hết các chương trình trước đây, M&E chưa được chú ý đúng mức. Cơ sở dữ liệu về rừng ngập mặn và các dự án phục hồi rừng ngập mặn không đầy đủ dẫn đến lập kế hoạch quản lý và phát triển rừng ngập mặn chưa tốt.

Mai Anh /Tri thức Xanh số 79-21

Bình luận: 0