TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

16:54 13/05/2022
Logo header An sinh xã hội là vấn đề quan trọng ảnh hưởng toàn diện đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, cũng như sự ổn định, phát triển xã hội. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn coi giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, coi việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội là mục tiêu, động lực để phát triển đất nước.

Tóm tắt: An sinh xã hội là vấn đề quan trọng ảnh hưởng toàn diện đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, cũng như sự ổn định, phát triển xã hội. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn coi giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, coi việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội là mục tiêu, động lực để phát triển đất nước. Các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thể hiện rõ trong từng giai đoạn lãnh đạo cụ thể. Bài viết nêu ra những quan điểm, chủ trương của Đảng về an sinh xã hội, thực trạng an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như một số gợi ý cho phát triển an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: an sinh xã hội, dân tộc thiểu số,…

1. Khái niệm an sinh xã hội
 Theo Điều 25 của Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1948, Liên Hợp Quốc tiếp cận an sinh xã hội trên cơ sở quyền của công dân “Mọi người dân và hộ gia đình đều có quyền có một mức sống tổi thiểu về sức khỏe và các phúc lợi xã hội bao gồm ăn, mặc, chăm sóc y tế (bao gồm cả thai sản), dịch vụ xã hội thiết yếu và có quyền được an sinh khi có các biến cố về việc làm, ốm đau, tàn tật, góa phụ, tuổi già,… hoặc các trường hợp bất khả kháng khác…”.
Theo Ngân hàng thế giới (WB) thì “An sinh xã hội là những biện pháp của chính phủ nhằm giúp cho các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng đương đầu và kiềm chế được nguy cơ tác động đến thu nhập nhằm giảm tính dễ bị tổn thương và những bấp bênh thu nhập”.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng: “An sinh xã hội là một sự bảo vệ mà xã hội cung cấp cho các thành viên của mình thông qua một số biện pháp được áp dụng rộng rãi để đương đầu với những khó khăn, các cú sốc về kinh tế và xã hội làm mất hoặc suy thoát nghiêm trọng thu nhập do ốm đau, thai sản, thương tật do lao động, mất sức lao động hoặc tử vong. Cung cấp chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình nạn nhân có trẻ em”.
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng: “An sinh xã hội là các chính sách, chương trình giảm nghèo và giảm sự yếu thế bởi sự thúc đẩy có hiệu quả thị trường lao động giảm rủi ro của người dân và nâng cao năng lực của họ để đối phó với rủi ro và suy giảm hoặc mất thu nhập”. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á thì An sinh xã hội gồm có 05 hợp phần: Các chính sách xã hội và chương trình thị trường lao động, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, quỹ hỗ trợ phát triển cộng đồng, bảo vệ trẻ em.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “an sinh xã hội” được đề cập trong một số cuốn sách nghiên cứu về pháp luật của một số học giả Sài Gòn vào những năm 70. Sau năm 1975, thuật ngữ này được dùng nhiều hơn và đặc biệt từ năm 1995 trở lại đây nó được sử dụng một cách rộng rãi.
Mặc dù có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng các quan niệm về an sinh xã hội đều có những đặc điểm chung:
Là sự đảm bảo thu nhập ở mức tối thiểu thông qua các hệ thống chính sách can thiệp nhằm quản lý rủi ro tốt hơn, bao gồm các rủi ro liên quan đến nhu cầu cơ bản nhất của con người đã được luật hóa hoặc quy định như rủi ro về sức khỏe, thiếu hoặc mất việc làm, trẻ em, tàn tật,… dẫn đến tình trạng không có thu nhập tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Là các chính sách do Nhà nước tổ chức thực hiện là chính, ngoài ra còn có sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện và cung cấp dịch vụ an sinh xã hội. Các chính sách này hướng đến mọi thành viên trong xã hội, bảo đảm sự bình đẳng về tiếp cận và chất lượng dịch vụ cho các thành viên, tuy nhiên lý do chính để có sự tham gia của Nhà nước nhằm hướng đến nhóm đối tượng yếu thế.
Là lưới an toàn cho mọi thành viên trong xã hội, cơ bản đáp ứng được nhu cầu an sinh xã hội của người dân. Do đó, phạm vi của an sinh xã hội là bao phủ toàn dân và toàn diện.
Như vậy, có thể nói, xét về mặt bản chất, an sinh xã hội nhằm đảm bảo thu nhập và đời sống cho người dân trong xã hội khi họ không may gặp phải những rủi ro xã hội hoặc các biến cố xã hội dẫn đến ngừng hoặc giảm thu nhập. Hiểu theo nghĩa hẹp, an sinh xã hội bao gồm các khoản trợ cấp bằng tiền, lương hưu, trợ cấp và khoản khác cho những người có công và những người trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hay bị rủi ro đột xuất do thiên tai, ốm đâu, hoạn nạn. Theo nghĩa rộng, ASXH bao gồm cả ASXH theo nghĩa hẹp và các chương trình giảm nghèo, các chương trình điều tiết thị trường lao động và các chương trình khác. 
2. Quan điểm của Đảng về an sinh xã hội
Đảm bảo an sinh xã hội luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Các quan điểm chỉ đạo của Đảng về an sinh xã hội được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng qua các thời kỳ đại hội. Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Đảng ta đã xác định “Cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động, làm cho nhân dân ta được ăn no mặc ấm, tăng thêm sức khoẻ, có thêm nhà ở và được học tập, mở mang sự nghiệp phúc lợi công cộng, xây dựng đời sống mới ở nông thôn và thành thị”.
 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) Đảng đã đưa ra chủ trương đổi mới đất nước toàn diện, mở ra một thời kỳ mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết, nhưng bảo đảm ASXH vẫn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ thường xuyên và có tầm quan trọng hàng đầu vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển nhằm phát huy mọi khả năng của con người trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quan điểm của Đảng ta về thực hiện tốt ASXH là để tạo ra tiền đề quan trọng cho sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, góp phần củng cố những thành quả trong đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, thường xuyên của nhân dân, tạo lòng tin cho nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới đất nước toàn diện do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.
Đại hội VII, Đảng ta xác định phải “đáp ứng tốt hơn các nhu cầu thiết yếu và ngày càng đa dạng của các tầng lớp dân cư...”.  Phấn đấu đến năm 2000 phải giải quyết căn bản những nhu cầu bức xúc của nhân dân: “xoá nạn đói, giảm số người nghèo khổ, giải quyết vấn đề việc làm, bảo đảm các nhu cầu cơ bản, cải thiện đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần của nhân dân”.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), lần đầu tiên Đảng ta chính thức đưa nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội thành một tiêu chí và coi đó là một đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội: Xây dựng xã hội mà ở đó, người dân có “cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”, “đảm bảo và không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất”.
Trong các kỳ Đại hội VIII và IX của Đảng, công tác đảm bảo an sinh xã hội vẫn được xác định với những nội dung cơ bản, như giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ, nâng cao thể chất cho nhân dân,... Nhận thức mới về mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội được Đảng xác định là nâng cao "chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần và thể lực của dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và hội nhập vào cộng đồng quốc tế” và hướng đến sự "phát triển và lành mạnh hoá xã hội, thực hiện công bằng trong phân phối, tạo động lực mạnh mẽ phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động xã hội, thực hiện bình đẳng trong các quan hệ xã`hội, khuyến khích nhân dân làm giàu hợp pháp”.
Tại Đại hội X, Đảng ta tiếp tục xác định các mục tiêu về an sinh xã hội, trong đó nhấn mạnh việc “chú trọng thực hiện tốt chính sách ưu đãi xã hội; vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng, những người có công với nước, người hưởng chính sách xã hội; chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người già, nhất là những người già cô đơn, không nơi nương tựa; giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi, lang thang”.
 Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chính sách an sinh xã hội, kế thừa và phát triển quan điểm lãnh đạo của các kỳ đại hội trước, Đại hội XII đã tiếp tục khẳng định: “Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập. Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động. Huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do việc tích tụ, tập trung ruộng đất hoặc thu hồi đất phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng. Khuyến khích đầu tư xã hội tạo ra nhiều việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương, tiền công, khắc phục cơ bản những bất hợp lý. Điều chỉnh chính sách dạy nghề, gắn đào tạo với sử dụng. Điều chỉnh chính sách xuất khẩu lao động hợp lý. Hoàn thiện và thực hiện chính sách bảo hộ lao động”.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặc biệt chú trọng tăng cường quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Đại hội đề ra định hướng: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”.
Những quan điểm của Đảng về an sinh xã hội qua các thời kỳ Đại hội đã góp phần tạo sự ổn định chính trị - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo tiền đề vững chắc cho công cuộc đổi mới, góp phần xây dựng sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
3. Thực hiện an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần ổn định chính trị xã hội. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư nhiều cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện toàn diện các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc.
Theo số liệu điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có 54 dân tộc, Dân tộc đông nhất là dân tộc Kinh, chiếm 86,2% dân số. Các dân tộc thiểu số đông dân nhất: Tày, Thái, Mường, Khmer, Hoa, Nùng, H'Mông, Dao, Người Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Chăm, Sán Dìu, Ra Glai... Đa số các dân tộc này sống ở miền núi và vùng sâu vùng xa ở miền Bắc, Tây Nguyên, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Cuối cùng là các dân tộc Brâu, Ơ đu và Rơ Măm chỉ có trên 300 người.
Những năm qua, nhiều chính sách và nguồn lực ưu tiên phát triển toàn diện kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm ASXH đối với đồng bào DTTS đã được ban hành. Các chính sách này đã bao quát toàn diện các lĩnh vực ASXH với 4 trụ cột cơ bản: bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, giảm nghèo và tạo việc làm, và các dịch vụ xã hội cơ bản ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường, trên cơ sở đó, tạo chuyển biến tích cực đối với đời sống của đồng bào DTTS.
Tính đến tháng 7/2019, Quốc hội đã ban hành 108 luật, hơn 30 nghị quyết có nội dung chính sách liên quan đến lĩnh vực DTTS, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn, bao quát các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, lao động và việc làm, văn hóa, thông tin, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, y tế, bảo vệ môi trường, công tác cán bộ… Hệ thống chính sách dân tộc do Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng là 118 văn bản, trong đó có 54 đề án, chính sách dân tộc trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi. 
Hệ thống các chính sách, pháp luật này được ban hành, triển khai thực hiện và ngày càng được bổ dung và hoàn thiện đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhiều lĩnh vực đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm mạnh; tỷ lệ người có việc làm tăng cao, tỷ lệ đào tạo nghề tăng cao; hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được quan tâm đầu tư xây dựng; các công trình nước sinh hoạt, điện, trạm y tế xã, trường lớp học được đầu tư xây dựng kiên cố, đồng bộ ở các xã, thôn bản giúp người dân cải thiện đời sống sinh hoạt hằng ngày; nhiều đối tượng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, từng bước đảm bảo thu nhập và các điều kiện sinh hoạt ở mức tối thiểu; Hệ thống thủy lợi được hoàn thiện đã nâng cao năng lực tưới tiêu, mở rộng diện tích đất sản xuất, giúp người dân ổn định lương thực; mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông ở vùng DTTS và miền núi ngày càng được củng cố và phát triển; Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường dự bị đại học ngày càng phát huy vai trò tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ người DTTS cho các địa phương vùng DTTS, vùng miền núi; Mạng lưới cơ sở y tế ngày càng phát triển, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng tăng;…
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, đến nay, việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội vẫn còn tồn tại nhiểu hạn chế, một số mặt còn yếu kém và để kéo dài như: tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ nghèo, tái nghèo còn cao, mức trợ cấp ưu đãi cho người có công còn thấp, chất lượng giáo dục và đào tạo, đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe y tế chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa; điều kiện cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế-xã hội của vùng dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, đồng bào DTTS chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ thiết yếu; bà con DTTS còn bị rào cản về ngôn ngữ, khả năng tiếp cận thông tin, định kiến cộng đồng,…
4. Một số vấn đề cần quan tâm trong giải quyết an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến các lĩnh vực an sinh xã hội đặc biệt là cho đối tượng là đồng bào DTTS. Kết hợp chặt chẽ giữa các chính sách kinh tế với chính sách an sinh xã hội. Chuyển đổi mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ từ trực tiếp sang chính sách tạo cơ hội cho đồng bào DTTS tự vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Trong đó, cần ưu tiên theo các lĩnh vực như: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm,...
- Tiếp tục xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội giai đoạn 2021-2030 trong đó Nhà nước phải đảm bảo các nguồn lực thực hiện các chính sách cũng như huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội. 
- Thực hiện đào tạo nghề, quản lý và giải quyết việc làm, đa dạng hóa sinh kế cho đồng bào DTTS theo hướng bền vững, có hiệu quả và công bằng.
- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, ASXH đối với khu vực này và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về DTTS.
- Xây dựng các chính sách trợ giúp xã hội bảo đảm các chính sách trợ giúp dựa trên mức độ thiệt hại, tổn thương, hoàn cảnh cụ thể và khả năng khắc phục rủi ro của từng cá nhân, từng hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu, tai nạn lao động, tai nạn giao thông,…
- Tăng cường thực hiện cơ chế xã hội hóa và sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, qua đó huy động cao nhất các nguồn lực cho giảm nghèo, ASXH tại vùng đồng bào DTTS.
- Tăng cường năng lực và nâng cao vị thế của người DTTS để họ có thể đón nhận các cơ hội tiếp cận hệ thống an sinh xã hội ở mức tối đa.
Giải quyết an sinh xã hội là một trong những vấn đề quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh hội nhập và phát triển, đặc biệt là trước những diễn biến của đại dịch Covid-19 đã có những tác động lớn đến đời sống của toàn thể người dân nói chung và người dân vùng đồng bào DTTS nói riêng. Đứng trước bối cảnh này, nhiều quyết sách an sinh xã hội đã được ban hành nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây rađã phần nào giải quyết được các vấn đề trước mắt. Tuy nhiên, để tiếp tục đối phó, khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, về lâu dài, Chính phủ cần có những bước đi đúng đắn, có những quyết sách phù hợp để sớm đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu an sinh xã hội, từng bước đưa đất nước phát triển ổn định.  


PGS.TS Lương Quỳnh Khuê

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 160 - 04/2022

Bình luận: 0