TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Rác thải khẩu trang - Dấu hiệu của một loại ô nhiễm mới

16:01 16/04/2021
Logo header Hiện tại, đại dịch COVID - 19 hiện đã và đang tiếp tục lây lan mạnh mẽ, hơn hơn 165 quốc gia và vùng lãnh thổ có người nhiễm bệnh. Người dân nhiều nước vì sợ bị lây nhiễm đã đổ xô săn lùng khẩu trang y tế để phòng dịch. Tuy nhiên, các loại khẩu trang y tế hiện nay không có khả năng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm. Sau khi được dùng và bỏ đi, chính các khẩu trang thải bỏ này lại là nguồn phát sinh bệnh bởi các loại siêu vi, vi khuẩn, nấm vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong lớp sợi của khẩu trang.

Do tính chất của khẩu trang y tế là chỉ dùng một lần rồi bỏ nên trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, theo ước tính, chúng ta sử dụng 129 tỷ chiếc khẩu trang trên toàn cầu mỗi tháng, tức là 3 triệu chiếc mỗi phút. Hầu hết đều là khẩu trang dùng một lần được làm từ các sợi vi nhựa. Một số nhà nghiên cứu cảnh báo:“Với việc ngày càng có nhiều báo cáo về vứt bỏ khẩu trang không đúng chỗ, cần phải nhận ra mối đe dọa đến môi trường tiềm ẩn này và ngăn chặn nó trở thành vấn nạn tiếp theo về ô nhiễm nhựa”.

Hiện nay, vấn đề dịch bệnh đang lây lan khắp thế giới là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Trọng lượng bình quân của một chiếc khẩu trang y tế 3 lớp khoảng 30g, nếu dựa trên ước tính mỗi ngày có 100 triệu chiếc khẩu trang y tế 3 lớp thải bỏ thì mỗi ngày có 300 tấn rác thải loại này (9.000 tấn/tháng), một con số không nhỏ và mang đến nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường và nhiều nguy cơ phát tán mầm bệnh. Tuy nhiên, khẩu trang đã dùng cho người nhiễm bệnh và lực lượng y tế được một số nước xếp vào loại rác thải y tế độc hại phải được đốt bỏ chứ không đưa ra bãi rác. Không như trường hợp chai nhựa hiện đang được tái chế với tỷ lệ khoảng 25%, hiện không có tiêu chuẩn chính thức nào về việc tái chế khẩu trang. Nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo, các loại khẩu trang chứa chất dẻo vi mô và nano cùng các chất độc hại khác gây ra nguy cơ tiềm ẩn cho môi trường.

Rác thải khẩu trang - Dấu hiệu của một loại ô nhiễm mới

Chất thải nhựa đã và đang là vấn đề môi trường vô cùng nhức nhối của hầu hết các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Rác thải nhựa khi bị thải ra môi trường hoặc bị chôn lấp thì theo thời gian sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa với nhiều kích cỡ micro, nano, pico… khác nhau. Những mảnh vi nhựa này sau đó sẽ lẫn vào môi trường gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường tự nhiên. Một số nghiên cứu gần đây cũng ước tính, chúng ta sử dụng 129 tỷ chiếc khẩu trang trên toàn cầu mỗi tháng, tức là 3 triệu chiếc mỗi phút. Và hầu hết chúng là khẩu trang dùng một lần được làm từ các sợi vi nhựa, không thể phân hủy sinh học dễ dàng nhưng có thể phân mảnh thành các hạt nhựa nhỏ hơn. Nếu không được xử lý để tái chế, giống như các chất thải nhựa khác, khẩu trang dùng một lần sẽ tồn tại trong môi trường, hệ thống nước ngọt và đại dương. Chúng sẽ bị phân hủy trong thời gian tương đối ngắn, chỉ tính bằng tuần và tạo ra một số lượng lớn các hạt có kích thước siêu nhỏ (nhỏ hơn 5mm) rồi sau đó phân mảnh thành nhựa nano, dễ dàng và nhanh hơn so với những loại nhựa lớn trong túi nilon. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, họ không biết nhựa trong khẩu trang chiếm bao nhiêu trong tổng số các hạt nhựa được phát hiện trong môi trường vì chưa có dữ liệu nào về sự phân hủy của khẩu trang trong tự nhiên. Nhưng giống như các dạng vụn nhựa khác, khẩu trang dùng một lần cũng có thể tích tụ và giải phóng các chất hóa học và sinh học có hại. Điều này có thể gây ra những tác động bất lợi gián tiếp đến thực vật, động vật và con người không thua kém gì thảm họa môi trường từ túi nilon.

Khẩu trang bị vứt bỏ trong môi trường nếu không được xử lý sẽ trở thành một nguồn ô nhiễm mới

Chưa có biện pháp tái chế khẩu trang

Theo nghiên cứu, khẩu trang muốn tái sử dụng lại phải đảm bảo 3 yếu tố: Loại bỏ được virus và mầm bệnh; Vô hại với người dùng; Giữ được sự toàn vẹn về chức năng phòng bệnh. Thực tế cho thấy, mọi biện pháp tái chế hiện nay đều không đảm bảo được 3 yếu tố trên. Gần đây, để tái sử dụng khẩu trang, nhiều người mách nhau đun sôi cho vào nồi hấp, phun cồn, chiếu xạ bằng tia cực tím, hay có những chuyên gia hướng dẫn phun nước lên bề mặt khẩu trang  rồi cho vào lò vi sóng...Những phương pháp này hiện đang được chia sẻ rất rộng rãi.

Khẩu trang N95 hay khẩu trang y tế, để đạt được tiêu chuẩn chống virus cần có lớp lọc để hấp phụ và chặn các hạt siêu mịn (aerosol) nên chúng được chế tạo bằng các sợi siêu mịn từ vật liệu polypropylen. Vật liệu polypropylen có dạng sợi vi mỏng, mỏng hơn mười lần so với tóc, vào khoảng 22µm (Micromet; 1Micromet = 0,001Milimét). Những sợi này không chịu được nhiệt độ cao. Ở điều kiện hơn 80oC, các sợi polypropylen sẽ co lại và biến dạng, tạo ra những lỗ hổng làm giảm khả năng ngăn chặn các hạt siêu mịn. Theo yêu cầu kĩ thuật, phải đảm bảo thông gió giúp hô hấp bình thường trong khi vẫn cản được các hạt siêu mịn chứa virus. Khi cho khẩu trang vào lò vi sóng, các giọt nước hấp thụ năng lượng từ sóng viba (là một dạng bức xạ điện từ có bước sóng từ khoảng một mét đến một milimet) làm tăng nhiệt độ lên cao sẽ gây biến tính sợi polypropylene. Virus kích thước siêu nhỏ cỡ nanomet có thể không nằm trong giọt nước nên không nhận đủ năng lượng từ vi sóng để bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với việc không hoàn toàn tiêu diệt được virus. Nghiên cứu của nhà sản xuất cho thấy, khẩu trang N95 và khẩu trang y tế nếu luộc trong nước, hấp, sấy, khử trùng bằng cồn, chiếu tia cực tím, hay cho vào lò vi sóng thì khả năng ngăn chặn virus sẽ giảm xuống từ 95% còn 60%, tương đương với khẩu trang vải. Thực tế, khi sản xuất khẩu trang có công đoạn khử trùng bằng khí ethylene oxide. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện ở cơ sở sản xuất khẩu trang chứ không thể làm tại nhà. Hơn nữa, khẩu trang liên tục hấp thụ hơi nước do cơ thể con người thở ra trong quá trình sử dụng. Hơi nước sẽ làm mất dần các điện tích của lớp lọc nên giảm khả năng hấp thụ.

Ở Việt Nam, Chính phủ đã quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, người nào xả rác thải (bao gồm cả khẩu trang y tế đã qua sử dụng) không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên 7 triệu đồng nếu vứt rác thải y tế ở nơi công cộng hoặc vào hệ thống thoát nước và cống rãnh của đô thị. Ngày 22/02/2021 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 1074/BYT-TB-CT về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng trang thiết bị y tế phòng chống dịch. Theo đó, để tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, đảm bảo nguồn cung và chất lượng theo quy định, Bộ Y tế đề nghị:“Tăng cường thanh kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định và có báo cáo về Bộ Y tế đối với các cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế vi phạm”. Đối tượng cụ thể là các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, không thực hiện công bố hoặc đã công bố nhưng không có hoạt động sản xuất, găm hàng tăng giá bất hợp lý, thu gom găng tay, khẩu trang đã qua sử dụng để tái chế.

Khác với chai nhựa vốn đang được tái chế, trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện không có hướng dẫn chính thức về việc tái chế khẩu trang đã qua sử dụng. Do vậy trong thời gian tới việc làm cần thiết không chỉ là tăng cường việc kiểm tra, xử lý các cơ sở, tổ chức thu gom, tái chế khẩu trang đã qua sử dụng để phục vụ lợi ích cá nhân. Mà song hành với đó, việc nghiên cứu ra nhưng biện pháp hữu hiệu để xử lý khẩu trang y tế đã qua sử dụng nhằm đảm bảo an toàn cho rác thải ra môi trường và tránh ảnh hưởng đến sưc khỏe cộng đồng là rất cần thiết.

Xuân Bách

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 57-21

Bình luận: 0