TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Kinh nghiệm vận động nhân dân tham gia bảo vệ và khắc phục sự cố môi trường ở Việt Nam

16:15 18/03/2021
Logo header Những năm vừa qua, nước ta đã xây dựng khá hoàn chỉnh hệ thống ứng phó lũ lụt và sự cố cháy nổ với sự tham gia hiệu quả của người dân và cả hệ thống chính trị. Hệ thống ứng phó này nhìn chung hoạt động tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, việc ứng phó, khắc phục các sự cố ô nhiễm môi trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Điều này tạo ra nhiều rủi ro cho trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tiếp nhận nhiều dự án sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các dự án công nghiệp nặng. Nhiều sự cố môi trường đã xảy ra trên thực tế như: sự cố khí thải ở Nhiệt điện Vĩnh Tân; sự cố nước thải ở Nhà máy Mía đường Hòa Bình làm chết cá trên sông Bưởi tại Thanh Hóa vào tháng 5/2016; sự cố cá chết hàng loạt dọc ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Đáng chú ý là các sự cố môi trường nghiêm trọng có xu hướng ngày càng tăng, song công tác ứng phó lại khá lúng túng và không hiệu quả. Việc thống kê và đánh giá hậu quả các sự cố môi trường gần như vẫn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, việc quản lý nguồn thải hiện nay rất lỏng lẻo dẫn đến việc không thể xác định được nguyên nhân hoặc mất rất nhiều thời gian để xác định nguyên nhân sự cố như trường hợp cá chết tại Hồ Tây vào tháng 10/2016.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc ứng phó sự cố môi trường chưa hiệu quả là do khung pháp lý còn nhiều tồn tại như chồng chéo một số khái niệm và định nghĩa tại các văn bản pháp luật khác nhau. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa xây dựng các quy định cụ thể về ứng cứu sự cố môi trường. Hiện các văn bản quy phạm pháp luật hầu như chỉ mang tính hướng dẫn chung, ứng phó trước mắt và thiếu tính tổng quát. Trách nhiệm cụ thể của các ban ngành và cơ chế phối hợp cũng chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, sự tham gia của người dân tham gia bảo vệ và khắc phục sự cố môi trường trong thời gian qua chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều trường hợp, người dân chỉ được xem xét dưới khía cạnh là đối tượng chịu tác động mà không nhận thức được vai trò quan trọng của họ trong quá trình kiểm soát môi trường, giải quyết hậu quả, khắc phục sự cố môi trường. Tuy vậy, công tác ứng phó với sự cố môi trường thời gian qua cũng đã mang lại nhiều kinh nghiệm quý giá trong công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ và khắc phục sự cố môi trường.

Kinh nghiệm vận động Nhân dân tham gia khắc phục sự cố môi trường biển miền Trung năm 2016

Hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường ở miền Trung bắt đầu xảy ra từ ngày 06/4/2016, xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại các tỉnh: Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng ngày 04/5. Nguyên nhân cá chết hàng loạt sau 3 tháng đã được xác định là do nguồn thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa. Đây được coi là sự cố môi trường tồi tệ nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này, thậm chí có thể coi đây là thảm họa môi trường nếu xét về mức độ, phạm vi và quy mô thiệt hại. Mặc dù Chính phủ đã huy động và chỉ đạo rất nhiều cơ quan quản lý và nghiên cứu khoa học tham gia, quá trình giải quyết sự cố này đã thể hiện sự lúng túng cả ở trung ương và địa phương ngay từ khâu phòng ngừa tới ứng phó sự cố. 

Sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự và đời sống nhân dân thị xã Kỳ Anh - nơi xuất phát sự cố môi trường. Lợi dụng tình hình các thế lực thù địch, các phần tử cực đoan đã kích động nhân dân tạo bất ổn, điểm nóng ở cơ sở và phá hoại bầu cử. Tuy vậy, tại chính nơi phát sinh sự cố môi trường, công tác vận động Nhân dân tham gia bảo vệ và khắc phục sự cố môi trường đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, mang lại nhiều kinh nghiệm quý giá về công tác vận động nhân dân sau này.

Sự cố môi trường khiến cá ở Hồ Tây chết hàng loạt năm 2016

Ngay sau khi sự cố xảy ra, để kịp thời động viên nhân dân ổn định đời sống, sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Dân vận tỉnh; Ban Thường vụ Thị ủy Kỳ Anh đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo nắm tình hình đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp, tiếp nhận hỗ trợ ổn định đời sống cho ngư dân vùng bị ảnh hưởng trực tiếp do hải sản chết bất thường. Ban Dân vận Thị ủy chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức sinh hoạt chi đoàn, chi hội; phân công cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở nắm tình hình đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề vướng mắc nhân dân đang quan tâm; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh về hỗ trợ bà con ngư dân và các đối tượng bị ảnh hưởng do sự cố môi trường; các chủ trương của tỉnh về giải quyết những tồn đọng, kiến nghị chính đáng của nhân dân; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân đối với bầu cử.

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Thị ủy và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, đại bộ phận nhân dân đã nhận thức được vấn đề, chia sẻ với những khó khăn chung của thị xã, thực hiện tốt nghĩa vụ và quyền lợi của công dân. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức thành công, an toàn và đúng luật, tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,70%. Kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác vận động nhân dân.

Sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung 

Việc chờ đợi Chính phủ công bố nguyên nhân sự cố môi trường trong một khoảng thời gian khá dài đã phần nào gây dao động tâm lý trong nhân dân; các lực lượng chống phá, phần tử cực đoan tiếp tục lợi dung đăng tải các thông tin trái chiều trên các trang mạng xã hội để kích động nhân dân.Trước tình hình đó, Ban Dân Vận Thị ủy đã kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ Thị ủy ban hành Quyết định thành lập các Tổ Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời chủ động xây dựng phương án vận động động nhân dân trên địa bàn toàn thị xã, trọng tâm là các xã, phường trọng điểm, trung tâm chịu ảnh hưởng nặng nề do sự cố mội trường. Phối hợp chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền, chuyển tải các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh đến với nhân dân.

Tiếp tục bám sát cơ sở, phối hợp với các Tổ Công tác của tỉnh, của thị xã nắm tình hình nhân dân; thay đổi phương thức, nội dung tuyên truyền vận động, tiếp thu các ý kiến thắc mắc, đề đạt chính đáng của nhân dân. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thị ủy kết hợp với các tài liệu tuyên truyền của tỉnh và của trung ương để biên soạn tài liệu tuyên truyền nhằm chuyển tải đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.Với sự vào cuộc, tập trung cao của cả hệ thống chính trị, sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân sự cố môi trường, tình hình an ninh trật tự trên các địa bàn trọng điểm được kiểm soát; đại bộ phận nhân dân đồng tình với chủ trương, quan điểm giải quyết vấn đề của Chính phủ, của tỉnh và đã có sự phối hợp khá tốt với các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai các bước, lộ trình khắc phục sự cố môi trường. 

Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn kê khai, đánh giá thiệt hại đối với ngư dân và các đối tượng bị ảnh hưởng

Các tổ chức phản động, phần tử cực đoan trong và ngoài nước tiếp tục chống phá, kích động nhân dân tụ tập đám đông đi tuần hành, yêu cầu đuổi Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và một số yêu sách khác nhằm gây áp lực với chính quyền. Ban Thường vụ Thị ủy chỉ đạo các Tổ Công tác và các lực lượng tập trung vận động nhân dân ổn định tình hình. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân thị xã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, hướng dẫn cụ thể cho đội ngũ cán bộ cốt cán từ thị xã đến xã, phường và thành viên Ban Chỉ đạo, các Tổ Công tác, Tổ giúp việc của thị xã. Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương chịu ảnh hưởng tổ chức các buổi tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm đếm, đền bù thiệt hại. 

Trên cơ sở thu thập thông tin, đánh giá tình hình, Dân vận Thị ủy, Mặt trận và các đoàn thể đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng góp phần xây dựng Đề án xác định, bồi thường thiệt hại, hỗ trợ khôi phục sản xuất nhằm tổ chức thực hiện đảm bảo đúng thực tế, chặt chẽ và đúng đối tượng, hạn chế thấp nhất những vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện. Đồng thời chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thống kê, xác định thiệt hại theo hướng dẫn của trung ương, của tỉnh; giám sát quá trình triển khai thực hiện việc thống kê, đánh giá thiệt hại tại các địa phương cơ sở; qua đó phát hiện những vấn đề bất cập, đề xuất với các cơ quan chức năng điều chỉnh phù hợp, để đảm bảo quyền lợi, công bằng cho nhân dân.

Các lực lượng tập trung khắc phục môi trường

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trong tuyên truyền, vận động nhân dân do đó công tác khôi phục, ổn định sản xuất sau sự cố môi trường đã đạt được những kết quả khả quan. Đến nay, bước đầu hỗ trợ 1.854 tấn gạo cho 5.208 hộ dân, trao số tiền 6.954,5 triệu đồng hỗ trợ 1.155 tàu thuyền có gắn máy dưới 90CV và 333 tàu thuyền không gắn máy. Công tác kê khai xác định thiệt hại, bồi thường được triển khai đúng trình tự, thủ tục có khoảng 15.000 lượt đối tượng được thụ hưởng với số tiền khoảng 680 tỷ đồng. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cơ bản ổn định. Các lực lương an ninh thường xuyên tuần tra, luôn chủ động trong mọi tình huống. Đa số nhân dân phối hợp tốt với cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai thực hiện các bước thống kê, đánh giá thiệt hại theo hướng dẫn. Ngư dân đã ra khơi bám biển; các hộ diêm dân đang từng bước khôi phục sản xuất; một bộ phận ngư dân đang được tỉnh hỗ trợ cải hoán tàu thuyền,chuyển đổi nghề để đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài.Đạt được những kết quả bước đầu nêu trên có sự đóng góp rất quan trọng của công tác vận động nhân dân của hệ thống chính trị.

Ban Dân vận Thị ủy với vai trò là cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc cho Thị ủy đã chủ động và có những sáng tạo trong công tác tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Tham mưu cho Ban Thường vụ Thị ủy thành lập các Tổ Công tác, xây dựng Phương án tuyên truyền, vận động cho đoàn viên, hội viên và nhân dân kịp thời, cụ thể và thiết thực. Chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên bám sát cơ sở để nắm tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân và tiếp thu các ý kiến đề đạt chính đáng của nhân dân.Phát huy được vai trò trung tâm, nòng cốt trong việc tham mưu, điều phối mối quan hệ phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện công tác vận động nhân dân. Đó là sự phối hợp đồng bộ giữa Tổ Công tác của trung ương, của tỉnh, của thị xã Kỳ Anh và phường, xã; phối hợp giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Như vậy, công tác vận động nhân dân, góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp, phát sinh sau sự cố môi trường trên địa bàn thị xã trong thời gian qua được triển khai, phối hợp thực hiện đồng bộ theo Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, đó là: Tin tưởng, với cách làm đồng bộ đó, trong thời gian tới công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục tham gia tích cực vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thị xã, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, duy trì sự ổn định và phát triển chung của tỉnh Hà Tĩnh

Trong quá trình giải quyết hậu quả của sự việc, cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Tĩnh nói chung và Thị xã Kỳ Anh nói riêng đã làm tốt công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tích cực lắng nghe, đối thoại và tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận, Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Trong đó, quán triệt nghiêm túc nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham mưu nòng cốt”. Đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh Miền Trung nói chung đã giải quyết cơ bản hậu quả sự cố về môi trường, đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Các mô hình vận động nhân dân bảo vệ môi trường bằng hương ước, quy ước

Xuất phát từ phong trào xây dựng làng văn hoá hoặc xây dựng và thực hiện hương ước là những phong trào được triển khai rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước. Mục tiêu của các phong trào này là tạo ra được nếp sống đẹp trong từng cộng đồng làng, bản. Nghĩa là, mỗi cộng đồng tự đề ra cho mình một quy ước và được thảo luận để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, do nguồn lực ở làng, bản còn rất hạn chế nên cần chọn khâu đột phá. Vì vậy, nhiều làng, bản đã chọn khâu vệ sinh, bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan bản, làng xóm để đưa ra các quy định và tạo ra một số cơ chế quản lý thích hợp để quy ước này được thực hiện. Tuy nhiên, quy ước này phải là một kiểu “lệ làng” mới, vừa có tính kế thừa truyền thống của quê hương, vừa có cải tiến cho phù hợp với lối sống hiện tại và tuân thủ luật pháp do Nhà nước ban hành và không mang tính bất biến để trong quá trình thực hiện còn xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh, làm cho bản quy ước của làng, bản ngày càng hoàn chỉnh, gắn thiết thực với từng gia đình, cá nhân, góp phần thực mục tiêu của địa phương.

Các quy ước làng văn hoá hay hương ước có vai trò quan trọng đối với việc ổn định nếp sống trong làng, bản và có sức mạnh trong cộng đồng, một phần là do các hình thức phạt và khen thưởng. Điều đó vừa phản ánh tâm lý của dân làng hay bản, vừa phản ánh phương diện quan trọng của văn hoá và nếp sống mới của làng, bản. Nó vừa uốn nắn con người vào khuôn phép vừa động viên con người hành động. Sức mạnh cưỡng chế của nó dựa vào lề thói, nếp sống quen thuộc của cộng đồng, vào hệ ý thức cộng đồng. Đó là sức mạnh có tính tâm lý nằm sâu trong tiềm thức của mọi người trong làng, bản. Từ đó, các tổ chức chính trị - xã hội có thể đóng vai trò tích cực trong việc định hướng, vận động nhân dân bảo vệ và khắc phục sự cố môi trường thông qua việc lồng giép, xây dựng hương ước, quy ước.

Điểm sáng vận động nhân dân bảo vệ môi trường tại xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, Thái Bình

Xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là địa bàn đông dân với 11.180 nhân khẩu phân bố ở 11 thôn, trong đó có 1.900 hội viên nông dân. Từ các phong trào thi đua phát triển kinh tế văn hoá xã hội, Điệp Nông hiện có đời sống kinh tế khá sôi động. Các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại phát triển mạnh. Toàn xã có hai làng nghề mây tre đan và bún bánh sản xuất ổn định; một khu công nghiệp, ba khu bến bãi mua bán vật liệu xây dựng, một chợ đầu mối; 40 tàu thuyền, 30 xe khách, ô tô làm dịch vụ vận tải. Ngoài ra xã có 96 trang trại, gia trại chăn nuôi... Đó là những thành tựu đáng tự hào của cán bộ nhân dân Điệp Nông đạt được trong phát triển kinh tế, văn hoá, song cũng đặt ra nhiều thách thức về tình trạng ô nhiễm môi trường (đặc biệt là rác thải).

Hưởng ứng Chỉ thị 28/CT-TU của Tỉnh uỷ Thái Bình và Kế hoạch 09/KH-HND của Hội Nông dân Tỉnh về “Tổ chức phong trào thi đua dân vận khéo”, Hội Nông dân xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, Thái Bình đã xây dựng mô hình dân vận khéo trong việc bảo vệ môi trường và thu gom rác thải ở khu dân cư. Đến nay mô hình đã hoạt động nền nếp, hiệu quả, công tác bảo vệ môi trường ở Xã đã có chuyển biến tích cực.

Để hoạt động của mô hình mang lại hiệu quả, Ban Chấp hành Hội Nông dân Xã đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, đồng thời tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Ngoài phân công nhiệm vụ cho các uỷ viên phụ trách từng khu vực, tổ chức hội nghị triển khai, chỉ đạo các chi hội thực hiện, Ban Chấp hành cũng tổ chức cho các chi hội đăng ký xây dựng mô hình dân vận khéo bảo vệ môi trường, phối hợp với xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương. Tại 11 điểm dân cư của xã, Ban chấp hành Hội đã hướng dẫn, vận động các chi hội tự lập ra được 16 tổ tự quản về vệ sinh môi trường.

Theo quy định đặt ra, ngày 24 hàng tháng là ngày thu gom rác thải, dọn vệ sinh môi trường ở khu dân cư. Để hội viên và nhân dân ý thức tự giác tham gia hoạt động này và ngày môi trường trở thành nền nếp, ngày 24-9-2011 dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Đảng uỷ, Ban Chấp hành Hội Nông dân Điệp Nông đã tổ chức ngày hội ra quân trên địa bàn toàn xã, huy động được 1.175 hội viên các chi hội cùng đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Kết quả 15 khối rác thải tồn đọng được thu gom, vận chuyển, chôn lấp. Các tuyến đường thôn làng với tổng chiều dài 11.000 mét được phát quang quét dọn sạch sẽ. 550 mét rãnh thoát nước ứ đọng được khơi thông.

Đồng thời trong quá trình ra quân dọn vệ sinh thôn làng, Hội đã tuyên truyền và vận động các gia đình hội viên, nhân dân có ý thức bảo vệ nguồn nước sạch, trồng cây xanh. Mỗi gia đình tự dọn vệ sinh các công trình sinh hoạt tại gia đình mình, không vứt rác thải ra đường mà tự thu gom, phân loại và trang bị các thùng chứa rác.

Mô hình dân vận khéo thu gom rác thải vệ sinh môi trường của Hội Nông dân xã được thực hiện hiệu quả cùng với các mô hình khác của các hội đoàn thể như phòng chống tệ nạn xã hội của Hội Nông dân, mô hình dân vận khéo của Hội Cựu chiến binh về giữ gìn an ninh trật tự... đã tác động lớn đến đời sống tinh thần của nhân dân trong xã, được nhân dân ghi nhận. 

Xuân Bách

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 53 - 21

Bình luận: 0