TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1)

11:48 18/06/2022
Logo header Việt Nam là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao bậc nhất thế giới. Hơn 50.000 loài đã được xác định, trong đó có gần 7.500 loài vi sinh vật, 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.500 loài động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt và hơn 11.000 loài sinh vật biển Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở Việt Nam đang bị tác động đáng kể bởi các hoạt động kinh tế

Kỳ 1: Các cam kết, chính sách của Việt Nam về đa dạng sinh học

Chính sách và cam kết của các ngành kinh tế với đa dạng sinh học

Các thoả thuận quốc tế về môi trường

Việt Nam đã tham gia một số Công ước quốc tế nhằm đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu khắc phục các vấn đề môi trường và Bảo tồn đa dạng sinh học như:

+ Công ước Đa dạng sinh học (CBD) 1992 được ký năm 1993 và có hiệu lực năm 1994. Mục tiêu của Công ước gồm bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các bộ phận hợp thành của nó, và phân phối công bằng, hợp lý các lợi ích có được nhờ việc khai thác và sử dụng nguồn gen. Công ước này áp dụng với tất cả các hệ sinh thái, loài và nguồn gen.

+ Công ước của Liên Hợp Quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) 1994 được ký năm 1998 nhằm mục tiêu chống sa mạc hóa và giảm thiểu tác động của hạn hán ở các nước đang phải đối mặt với hạn hán và/ hoặc sa mạc hóa nghiêm trọng, đặc biệt là ở châu Phi, thông qua các hành động hiệu quả ở tất cả các cấp, được hỗ trợ bởi các thỏa thuận hợp tác và đối tác quốc tế, trong khuôn khổ cách tiếp cận tổng hợp nhất quán với Chương trình nghị sự 21, nhằm đóng góp vào các thành tựu phát triển bền vững ở các khu vực bị ảnh hưởng.

+ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) được ký năm 1992 và có hiệu lực năm 1994. Công ước này thiết lập khung tổng thể cho các nỗ lực liên chính phủ nhằm giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Mục tiêu của Công ước này là nhằm ổn định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người tới hệ thống khí hậu trong khung thời gian đủ cho các hệ sinh thái thích ứng tự nhiên với biến đổi khí hậu; để đảm bảo sản xuất lương thực không bị đe dọa; để thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Thỏa thuận Paris trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã được thông qua vào tháng 12 năm 2015 và có hiệu lực vào tháng 11 năm 2016. Thỏa thuận này là kết quả của các cuộc đàm phán được đưa ra năm 2011 tại Hội nghị lần thứ 17 của các Bên ở Durban nhằm xây dựng một công cụ pháp lý áp dụng cho tất cả các Bên để cắt giảm phát thải khí nhà kính (GHG) và sẽ được áp dụng từ năm 2020. Việt Nam đã ký Thỏa thuận Paris vào ngày 22 tháng 4 năm 2016 và có hiệu lực ngày 3 tháng 12 năm 2016.

+ Công ước Ramsar về các vùng Đất ngập nước 1971 được ký năm 1989, có mục tiêu chính là ngăn chặn sự mất mát và bảo tồn các vùng đất ngập nước trên toàn thế giới thông qua việc sử dụng và quản lý khôn ngoan những vùng đất ngập nước còn lại, đặc biệt là sinh cảnh của chim nước;

+ Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), 1973 được ký năm 1994 nhằm góp phần bảo tồn thiên nhiên thông qua điều chỉnh việc buôn bán quốc tế đối với các loài liệt kê bằng một hệ thống giấy phép. Thông qua hệ thống kiểm soát này, tất cả các Bên giúp duy trì các loài quý hiếm và bị đe dọa trong tự nhiên.

+ Hiệp định đối tác tự nguyện VN-EU (VPA) về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị và thương mại lâm sản (FLEGT) ký năm 2018 và có hiệu lực năm 2019). Mục tiêu của Hiệp định VPA / FLEGT là thiết lập khung pháp lý đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) có nguồn gốc và được sản xuất hợp pháp. Mục tiêu này phù hợp với cam kết quản lý bền vững tất cả các khu rừng của hai bên.

+ Nghị định thư Cartagena, 2003về An toàn sinh học đối với Công ước Đa dạng sinh học, là một thỏa thuận quốc tế về an toàn sinh học, được xem như một phần bổ sung cho Công ước Đa dạng sinh học. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Nghị định thư vào ngày 19 tháng 4 năm 2004. Bộ TN&MT được Chính phủ giao làm đầu mối quốc gia về Nghị định thư này.

+ Nghị định thư Nagoya 2010: Nghị định thư Nagoya 2010 về Tiếp cận Nguồn gen và Chia sẻ Công bằng và Bình đẳng các Lợi ích có được từ việc Sử dụng nguồn gen theo Công ước Đa dạng Sinh học (còn được gọi là Nghị định thư Nagoya về Tiếp cận và Chia sẻ Lợi ích). Đây là một thỏa thuận bổ sung năm 2010 cho Công ước Đa dạng sinh học 1992. Việt Nam đã ký Nghị định thư này vào năm 2014. Bộ TN&MT đã được Chính phủ giao làm đầu mối quốc gia về Nghị định thư này.

Khung thể chế

Để thực hiện cam kết quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc sắp xếp, hoàn thiện thể chế, xây dựng và sửa đổi pháp luật phù hợp với bối cảnh phát triển của đất nước. Ở Việt Nam, trách nhiệm quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, biến đổi Khí hậu và bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc về nhiều Bộ. Cụ thể giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường (VEA); Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD); Cơ quan quản lý CITES Việt Nam; Cục Kiểm lâm thuộc Tổng cục Lâm nghiệp; Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NN & PTNT; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (MOCST) ; Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPF); Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) ; Các Bộ và cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp.

Khung pháp lý:

Trong hai thập kỷ gần đây, công tác bảo tồn đa dạng sinh học được Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm. Nhà nước đã từng bước nội luật hóa các luật pháp quốc tế và xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn diện về vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ động vật hoang dã. Đã có nhiều luật quan trọng về tài nguyên thiên nhiên đã được ban hành. Các luật được ban hành bao gồm luật quản lý nhà nước về tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học, luật xử lý vi phạm về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.

+ Luật Đa dạng sinh học, 2008: Luật này quy định về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, đồng thời đưa các nguyên tắc và ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học lên mức luật và độc lập với các lĩnh vực khác ở Việt Nam.

+ Luật bảo vệ môi trường

Các văn bản pháp luật này quy định: các hoạt động bị cấm trong khu bảo tồn; đánh giá tác động môi trường đối với các dự án sử dụng đất trong khu bảo tồn; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khai thác tài nguyên biển, đảo, bảo tồn thiên nhiên và rừng ngập mặn.

+ Luật Lâm nghiệp, 2017 (2004)

Luật Lâm nghiệp quy định về rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững, phát triển rừng, quản lý rừng và chuyển đổi rừng sang mục đích sử dụng khác.

+ Luật Thuỷ sản, 2017 (2003)

Các điều khoản có liên quan đến đồng quản lý trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, lập kế hoạch bảo vệ và khai thác.

+  Luật Tài nguyên nước, 2012 quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước cũng như phòng, chống, khắc phục hậu quả do nước gây ra trên các vùng lãnh thổ.

+ Luật Tài nguyên biển và hải đảo, 2015 quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo và bảo vệ môi trường biển và hải đảo và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo và bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Bảo vệ môi trường biển và hải đảo và quản lý, khai thác, sử dụng biển và hải đảo.

+ Luật Đất đai, 2013 quy định về quyền sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước trong việc đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trên đất liền thuộc lãnh thổ Việt Nam.

+ Luật Đầu tư, 2020 (2014) quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài.

+ Luật Trồng trọt (2018) quy định về giống cây trồng; phân bón; canh tác; thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh và quản lý chất lượng sản phẩm trồng trọt. Luật này cũng quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia vào sản xuất trồng trọt và quản lý nhà nước về sản xuất trồng trọt.

Các văn bản quy phạm pháp luật này là những luật pháp toàn diện nhất về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loài hoang dã và quy định về cơ sở vật chất cho bảo tồn đa dạng sinh học.

Chiến lược quốc gia và chiến lược ngành liên quan tới tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học

+ Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể về Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu chung của Quy hoạch là đảm bảo các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, quý, hiếm và nguồn gen được bảo tồn và phát triển bền vững; duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

+ Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Một trong những nhiệm vụ chiến lược trọng tâm là bảo vệ và phát triển bền vững rừng, tăng cường hấp thu khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học - chú trọng bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái, giống và loài có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; bảo vệ và bảo tồn nguồn gen và các giống, loài bị đe doạ bởi biến đổi khí hậu.

+ Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (NBSAP 2013). Các mục tiêu tổng thể của chiến lược là: bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, quý, hiếm và nguồn gen, góp phần phát triển nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

+ Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (VFDS 2021-2030) với mục tiêu liên quan là nâng cao đóng góp quan trọng của rừng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh nước, giảm nhẹ thiên tai, chủ động và hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp dịch vụ môi trường rừng.

+ Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 5 tháng 4 năm 2017 về việc Phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua giảm mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD +) đến năm 2030 (NRAP, 2017-2030).

+ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quan điểm phát triển ngành Thủy sản là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo hướng thị trường, thân thiện với môi trường; bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội.

Các chiến lược này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề đa dạng sinh học với một tầm nhìn dài hạn.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng chỉ số đa dạng sinh học đa chiều

Sáng 18/5, tại Hà Nội, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn các bên liên quan về hoạt động thí điểm nghiên cứu xây dựng Chỉ số đa dạng sinh học đa chiều cho Việt Nam. Chỉ số ĐDSH đa chiều có thể là một công cụ quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách nhận biết những chi phí về mặt sinh thái và xã hội của việc không hành động để bảo tồn ĐDSH

Huyền Vũ

Tạp chí Tri thức Xanh số 161 - 5/2022

Bình luận: 0