TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

NHÌN LẠI HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA, DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP

14:41 13/04/2022
Logo header Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy được hết vai trò, tầm quan trọng, sự đóng góp với nền kinh tế, cần có một môi trường hoạt động thông thoáng, thúc đẩy tiềm năng, thế mạnh của nhóm doanh nghiệp này. Điều này bao gồm nhiều yếu tố như chính sách quản trị, các chương trình hỗ trợ, sự liên kết trong khối doanh nghiệp…

Kỳ 2: Môi trường để các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy vai trò với nền kinh tế

Chính sách quản trị

Các chính sách về doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và khởi nghiệp gần đây mới được đưa ra tại Việt Nam. Năm 1999, chính phủ ban hành Luật Doanh nghiệp, trong đó qui định mọi vấn đề liên quan đến việc thành lập, quản trị và hoạt động của các doanh nghiệp, bất kể quy mô như thế nào. Sau đó, năm 2001, lần đầu tiên một bộ luật quốc gia đưa ra định nghĩa pháp lý về DNNVV và thành lập Cơ quan Phát triển DNNVV, nay được gọi là Cục Phát triển Doanh nghiệp (PTDN), và Hội đồng Phát triển DNNVV. Cuối cùng, năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó đề ra các biện pháp hỗ trợ cụ thể cho các DNNVV và thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc thúc đẩy khối DNNVV trong nước. Luật Hỗ trợ DNNVV qui định nhiều lĩnh vực chính sách khác nhau - từ thuế đến tiếp cận tài chính, từ đổi mới sáng tạo đến phát triển chuỗi giá trị - mặc dù vẫn còn một số lĩnh vực chưa được quan tâm đầy đủ (ví dụ: số hóa DNNVV) và những lĩnh vực khác chưa đạt được kết quả (ví dụ: chuyển đổi hộ kinh doanh gia đình thành doanh nghiệp đăng ký chính thức

Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực về chính sách, chính sách quản trị của chúng ta cần phải thay đổi một số vấn đề như:

Cần có sự gắn kết hơn giữa các cơ quan quản lý:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) và Cục PTDN, đơn vị trực thuộc của Bộ KHĐT, là những cơ quan chính chịu trách nhiệm về các chính sách DNNVV và khởi nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều bộ ngành và cơ quan khác cũng thực thi các chính sách và chương trình liên quan, việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các thể chế. Về nguyên tắc, vai trò này do Hội đồng Phát triển DNNVV đảm nhận, nhưng cơ quan chính phủ này, cho đến nay, hoạt động vẫn chưa hiệu quả và có thể cải tiến được. Cục PTDN, đóng vai trò là Ban Thư ký của Hội đồng, cũng cần được cung cấp nguồn lực thích hợp để thực hiện nhiệm vụ này. Sự phối hợp giữa chính quyền Trung ương và địa phương cùng với việc tham vấn khu vực tư nhân đã được thực hiện đầy đủ, mặc dù một số địa phương thiếu nguồn nhân lực và tài chính để triển khai các biện pháp hỗ trợ DNNVV. Trong trường hợp này, cần tận dụng hơn nữa chuyên môn của Cục PTDN để giúp các địa phương bị tụt lại đưa ra được các chương trình DNNVV phù hợp.

Hoàn thiện hệ thống chính sách:

Hàng năm, chính phủ Việt Nam đều công bố báo cáo theo dõi tiến độ thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV. Nhìn chung, chính phủ đã thực hiện tốt công tác giám sát việc thực hiện chính sách,nhưng chưa tốt công tác đánh giá tác động chính thức. Mặc dù sẽ rất phức tạp và tốn kém để đánh giá được chính xác, nhưng ít nhất, chính phủ nên xem xét đánh giá các chương trình lớn nhất, nhằm xác định và điều chỉnh các nội dung chưa tốt và đề xuất các chương trình cải cách.

Các chương trình hỗ trợ cần linh hoạt, thực chất hơn

Chưa tận dụng tốt các quỹ hỗ trợ

Chính phủ Việt Nam tăng cường hỗ trợ tài chính cho DNNVV chủ yếu thông qua Quỹ Phát triển DNNVV và Quỹ Bảo lãnh Tín dụng. Cả hai đều là những sáng kiến hữu ích nhưng lại ít được sử dụng. Quỹ Phát Triển DNNVV, chủ yếu được triển khai thông qua các ngân hàng đối tác, cung cấp 80% các khoản vay với lãi suất trần dưới lãi suất thị trường, trong đó công ty đi vay được yêu cầu đóng góp 20% chi phí dự án. Tuy nhiên, điều kiện đầu tiên có thể không khuyến khích sự tham gia của các ngân hàng thương mại do giảm quá mức biên lợi nhuận của các khoản vay được Quỹ Phát Triển DNNVV hậu thuẫn, trong khi điều kiện thứ hai có thể ngăn cản việc đăng ký vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ, vốn hạn chế về nắm giữ tiền mặt.Việc các doanh nghiệp nhỏ ít biết tới Quỹ Phát Triển DNNVV và qui trình phê duyệt lâu cũng được cho là những lý do khiến việc sử dụng Quỹ này bị hạn chế.

Quỹ Bảo lãnh Tín dụng cũng được ít người sử dụng. Chính phủ nên xem xét điều chỉnh tỷ lệ hoàn trả bảo lãnh vay vốn và phí bảo lãnh vay vốn để tăng cường tính bền vững của Quỹ Bảo lãnh Tín dụng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại vẫn đang miễn cưỡng chấp nhận các khoản bảo lãnh của Chính quyền, đặc biệt là ở cấp địa phương. Các ngân hàng thiếu tin tưởng rằng chính quyền địa phương sẽ thực hiện những cam kết bảo lãnh này. Cuối cùng, chất lượng của đội ngũ cán bộ địa phương quản lý quỹ bảo lãnh và hiệu quả của quá trình phê duyệt bảo lãnh sẽ phải được cải thiện để thúc đẩy hiệu quả của chương trình này.

Cần một khung pháp lý chặt chẽ hơn cho vấn đề tài trợ bằng vốn chủ sở hữu

Khung pháp lý cho tài trợ bằng vốn chủ sở hữu vẫn đang ở giai đoạn sơ khai ở Việt Nam. Hầu hết các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) đang hoạt động tại Việt Nam đều có đăng ký pháp lý ở nước ngoài, chủ yếu là Singapore, để tránh sự không chắc chắn của khung pháp lý quốc gia. Để khuyến khích hơn nữa việc tài trợ bằng vốn chủ sở hữu cho DNNVV tại Việt Nam, chính phủ có thể xem xét áp dụng khấu trừ thuế đối với các khoản đầu tư vào các dự án mạo hiểm ở giai đoạn đầu, trực tiếp hoặc thông qua việc tham gia vào các quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng như đánh thuế thặng dư vốn theo hướng có lợi.

Hiện nay các doanh nghiệp nhỏ tăng trưởng nhanh có lựa chọn niêm yết công khai trên Thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, dựa trên nguyên tắc công bố thông tin và yêu cầu quản trị công ty thấp hơn so với thị trường chứng khoán chính thống. Số lượng công ty và khối lượng vốn hóa của thị trường này đã tăng nhanh chóng kể từ khi thành lập, làm dấy lên lo ngại về các hoạt động gian lận có thể xảy ra. Chính phủ đang giải quyết vấn đề này bằng cách quy định nghiêm hơn một số yêu cầu niêm yết hiện tại.

Cần cơ chế xúc tiến thương mại chặt chẽ hơn

Gần đây, các nỗ lực xúc tiến thương mại chính thức nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu mới xuất hiện tại Việt Nam. Chính phủ đã đầu tư nguồn lực đáng kể để cải thiện hệ thống tạo thuận lợi thương mại thông qua việc thành lập Cơ chế một cửa quốc gia và Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho thương nhân tại biên giới. Tuy nhiên, một số bộ ngành vẫn chậm tích hợp vào hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia, trong khi các DNNVV ít biết đến hai công cụ này. Có thể hỗ trợ hơn nữa DNNVV tăng cường xuất khẩu bằng cách cung cấp thông tin thị trường, tiếp cận tư vấn xuất khẩu và cơ hội kết nối kinh doanh, bao gồm thông qua triển khai chương trình sẵn sàng xuất khẩu dành riêng cho các DNNVV. Cần chủ động hơn trong việc đưa ra các cơ chế chính sách để thu hút DNNVV sử dụng các nền tảng thương mại điện tử.

Khai thác tốt hơn tiềm năng mua sắm công

Giá trị mua sắm công, bao gồm cả các hợp đồng của DNNN, ước tính khoảng 25 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam. Mặc dù luật mua sắm quốc gia đã qui định ưu đãi với các DNNVV trong quá trình đấu thầu công khai, nhưng không có mục tiêu chính sách nào nêu rõ việc giao (khối lượng) hợp đồng chính phủ cho các DNNVV. Chính phủ có thể xem xét đưa ra các chính sách ưu đãi riêng để thúc đẩy sự phát triển của DNNVV thông qua mua sắm công. Điều này sẽ liên quan đến việc qui định một tỷ lệ (khối lượng) nhất định các hợp đồng chính phủ được giao cho DNNVV hoặc dành riêng các hợp đồng nhỏ (dưới một ngưỡng giá trị) cho DNNVV.

Cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp

Việt Nam hiện chưa có một chương trình công cụ thể nhằm nâng cao tay nghề kỹ thuật của lực lượng lao động trong DNNVV. Các cơ sở đào tạo nghề chủ yếu tập trung đào tạo kỹ năng cơ bản cho người mới tham gia thị trường lao động và người thất nghiệp, chứ không phải các chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động hiện tại, mặc dù đây là chìa khóa để xây dựng năng lực đổi mới của DNNVV. Chính phủ có thể xem xét thiết lập một chương trình đào tạo lực lượng lao động dành riêng cho DNNVV đã có chỗ đứng. Sáng kiến này phải là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Nguyễn Lê Thạch

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 159 - 03/2022

Bình luận: 0