TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 20/01/2025

Những điều cần biết về Chính phủ điện tử (Kỳ 1)

13:00 03/03/2022
Logo header Sau quá trình triển khai Chính phủ điện tử tại nhiều quốc gia trên thế giới, có thể thấy việc kết hợp công nghệ với các cách thức điều hành mới, sẽ giúp Chính phủ  trở nên hiệu quả hơn, có hiệu lực hơn, minh bạch và phản hồi đối với các yêu cầu của người dân một cách nhanh chóng hơn. Vậy Chính phủ điện tử là gì? Những điểm khác biệt của Chính phủ điện tử với Chính phủ truyền thống?

Kỳ 1: Những khái niệm liên quan đến Chính phủ điện tử

1. Chính phủ điện tử là gì?

Các định nghĩa về CPĐT bao gồm từ “việc sử dụng ICT để giải phóng các luồng di chuyển thông tin nhằm khắc phục những rào cản về mặt vật lý của các hệ thống vật lý dựa trên giấy tờ truyền thống” cho tới “sử dụng ICT để cải tiến việc tiếp cận và cung cấp các dịch vụ chính phủ nhằm đem lại lợi ích cho người dân, các đối tác kinh doanh và người lao động”. Hàm ý chung đằng sau những định nghĩa này là CPĐT bao gồm việc tự động hóa hoặc vi tính hóa các thủ tục giấy tờ hiện hành và qua đó sẽ tạo ra phong cách lãnh đạo mới, các cách thức mới trong việc xây dựng và quyết định chiến lược, giao dịch kinh doanh, lắng nghe người dân và cộng đồng cũng như trong việc tổ chức và cung cấp thông tin.

Cuối cùng, CPĐT nhằm mục đích cải tiến việc tiếp cận và cung cấp các dịch vụ chính phủ nhằm đem lại lợi ích cho người dân. Quan trọng hơn nữa, CPĐT còn nhằm mục tiêu tăng cường năng lực của chính phủ theo hướng quản lý, điều hành có hiệu quả và nâng cao tính minh bạch nhằm quản lý tốt hơn các nguồn lực kinh tế và xã hội của đất nước vì mục tiêu phát triển.

2. Các lợi ích do CPĐT đem lại?

Điểm chủ yếu của CPĐT là xây dựng chiến lược dài hạn, có phạm vi sâu rộng nhằm liên tục cải tiến các hoạt động với mục đích cuối cùng là đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua việc thay đổi các hoạt động như quản lý cán bộ, công nghệ và qui trình công việc.

Do vậy, CPĐT cần phải mang lại kết quả là cung cấp hàng hóa và dịch vụ một cách hiệu quả và kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan và nhân viên chính phủ. Đối với người dân và doanh nghiệp, CPĐT là sự đơn giản hóa các thủ tục và tăng tính hiệu quả của quá trình phê duyệt. Đối với các cơ quan và nhân viên chính phủ, CPĐT là sự hỗ trợ hợp tác giữa các cơ quan nhằm đảm bảo đưa ra các quyết định một cách chính xác và kịp thời.

Các dạng giao dịch CPĐT?

Các dịch vụ CPĐT tập trung vào 4 đối tượng khách hàng chính: người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các công chức chính phủ và các cơ quan chính phủ. Mục đích của CPĐT là làm cho mối tác động qua lại giữa người dân, doanh nghiệp, nhân viên chính phủ và các cơ quan chính phủ với chính phủ trở nên thuận tiện, thân thiện, minh bạch, đỡ tốn kém và hiệu quả hơn.

Trong một hệ thống CPĐT, từng cá nhân có khả năng đưa ra yêu cầu đối với một dịch vụ cụ thể của chính phủ và nhận được dịch vụ đó thông qua Internet hoặc một số cơ chế được vi tính hoá. Trong một số trường hợp, các dịch vụ chính phủ được cung cấp thông qua một văn phòng chính phủ thay vì nhiều văn phòng chính phủ. Trong một số trường hợp khác, các giao dịch chính phủ được hoàn tất mà không phải liên lạc trực tiếp với các nhân viên chính phủ.

3. Các dạng dịch vụ cụ thể được cung cấp thông qua CPĐT?

Có bốn dạng dịch vụ chính phủ bao gồm: Chính phủ với Công dân (G2C), Chính phủ với Doanh nghiệp (G2B), chính phủ với người lao động (G2E) và Chính phủ với Chính Phủ (G2G).

* G2C bao gồm phổ biến thông tin tới công chúng, các dịch vụ công dân cơ bản như gia hạn giấy phép, cấp giấy khai sinh/khai tử/đăng ký kết hôn và kê khai các biểu mẫu nộp thuế thu nhập cũng như hỗ trợ người dân đối với các dịch vụ cơ bản như giáo dục, chăm sóc y tế, thông tin bệnh viện, thư viện và rất nhiều dịch vụ khác.

Ví dụ về giao dịch trên G2C: Cổng giao diện Công dân điện tử của Chính phủ Singapore. Thông qua cổng giao diện Công dân điện tử của Chính phủ Singapore (www.ecitizen.gov.sg), người dân Singapore có thể truy cập tới 1.600 dịch vụ bao gồm từ kinh doanh, y tế, giáo dục, giải trí đến việc làm và gia đình. Trong đó, 1.300 dịch vụ điện tử đã được giao dịch trực tuyến giữa người dân với chính phủ. Cổng giao diện Công dân điện tử được chia theo từng danh mục dựa trên nhu cầu thực tế cuộc sống của từng cá nhân, trong đó từng bộ và ủy ban luật pháp cung cấp dịch vụ điện tử thông qua cùng một cổng. Qua đó, người dân Singapore có thể truy cập một cửa đến các dịch vụ của chính phủ: Điều này giúp cho họ không phải đi qua một rừng các thủ tục hành chính. Một vài dịch vụ điện tử thông dụng nhất thường được cung cấp là: nộp đơn xin mua nhà, tìm kiếm thông tin về các trường học, tìm kiếm việc làm, phát triển nghề nghiệp và đăng ký bầu cử. Tới tháng 6 năm 2002, khoảng 77% dịch vụ công đã trở nên khả thi để có thể cung cấp trực tuyến.

* Các giao dịch G2B bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau được trao đổi giữa
chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp bao gồm cả việc phổ biến các chính
sách, biên bản ghi nhớ, các qui định và thể chế. Các dịch vụ được cung cấp
bao gồm truy xuất các thông tin về kinh doanh, tải các mẫu đơn, gia hạn giấy
phép, đăng ký kinh doanh, xin cấp phép và nộp thuế. Các dịch vụ được cung
cấp thông qua các giao dịch G2B cũng hỗ trợ việc phát triển kinh doanh, đặc
biệt là phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc đơn giản hóa các thủ tục
xin cấp phép, hỗ trợ quá trình phê duyệt đối với các yêu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thúc đẩy kinh doanh phát triển.

Ở mức cao hơn, các dịch vụ G2B bao gồm việc mua sắm điện tử và trao đổi trực tuyến giữa chính phủ với các nhà cung cấp để mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho chính phủ. Một ví dụ điển hình là các Web-site mua sắm điện tử sẽ cho phép những người sử dụng đã đăng ký và được chấp nhận có thể tìm kiếm các người mua và người bán hàng hóa và dịch vụ. Tùy theo từng phương pháp, người mua hoặc người bán có thể xác định giá cả hoặc mở thầu. Việc mua sắm điện tử làm cho quá trình đấu thầu trở nên minh bạch và cho phép các doanh nghiệp nhỏ có thể tham gia đấu thầu đối với các dự án lớn của chính phủ. Hệ thống này cũng giúp cho chính phủ có thể tích kiệm chi tiêu nhiều hơn thông qua việc cắt giảm chi phí cho người môi giới trung gian và giảm chi phí hành chính của các đại lý mua bán.

Ví dụ về các giao dịch G2B:  Hải quan vàng của Trung Quốc. Dự án Hải quan vàng đã được phó thủ tướng Trung Quốc, Ông Li Langqing đề xuất vào năm 1993 để tạo ra một hệ thống truyền thông số liệu tích hợp kết nối các công ty thương mại quốc tế, ngân hàng với các cơ quan thuế và hải quan. Mục đích của hệ thống này là đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hải quan và nâng cao năng lực của các ngành có liên quan trong việc thu thuế và quyết toán thuế.

Dự án  - Hải quan vàng cho phép các công ty nộp bảng kê khai xuất nhập khẩu cho hải quan, tính toán phần thuế phải nộp và kiểm tra các số liệu thống kê về xuất nhập khẩu. Một trong những khái niệm hấp dẫn của dự án là hệ thống theo dõi số liệu điện tử cho phép các cơ quan hải quan kiểm tra dãy số liệu trên mạng nhằm hỗ trợ việc quản lý về mặt hải quan và ngăn chặn các hành động bất hợp pháp. Vào năm 1994, hệ thống này đã cho phép ngành hải quan Trung Quốc giải quyết các trường hợp buôn lậu và phạm pháp với tổng giá trị khoảng 80 tỷ nhân dân tệ (96 triệu đô la Mỹ) và tăng việc thu thuế lên 71 tỷ nhân dân tệ (86 triệu đô la Mỹ).

* Các dịch vụ G2E còn bao gồm cả các dịch vụ G2C và các dịch vụ chuyên ngành khác dành riêng cho các công chức chính phủ như việc cung cấp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực qua đó cải tiến các chức năng hành chính hàng ngày cũng như cách thức giải quyết công việc với người dân.

Ví dụ về các giao dịch G2E: Dịch vụ thông tin bảng lương của bang Mississipi, Mỹ. Tới tháng 10 năm 2002, các nhân viên của chính quyền bang Mississipi có thể xem các bản kê khai thông tin về thuế và tiền lương của mình một cách trực tuyến thông qua một ứng dụng được thiết kế dưới dạng tự phục vụ và đảm bảo tính an toàn, dựa trên web có tên gọi là Kênh truy nhập cho nhân viên (ACE). ACE được kết nối trực tiếp tới hệ thống lương của bang cho phép các nhân viên chính phủ với mã số cá nhân và mật khẩu có thể xem tài khoản lương của mình (gọi là W-2). Ngoài ra, các nhân viên chính phủ nhận được séc trả tiền của mình thông qua các khoản đặt cọc trực tiếp có thể xem cuống séc của 10 lần gần đây nhất. Các nhân viên sẽ được thông báo bằng e-mail thời gian các cuống séc thanh toán của họ được gửi đến và họ có thể xem xét thông tin trước khi thanh toán thực tế. Ứng dụng này đã giúp cho Bang Misssissipi tích kiệm được 0,5 USD cho mỗi biểu mẫu W-2 được in và gửi đi bằng đường bưu điện. Ngoài việc tích kiệm chi phí, nếu các nhân viên có sai sót trong các biểu mẫu W-2 của mình, việc in lại điện tử chỉ mất hai ngày so với 2 tuần như trước đây. Trong số hơn 40.000 nhân viên của bang Mississipi, 17% đã chấp nhận và sử dụng mẫu biểu mới này.

* Các dịch vụ G2G được triển khai ở hai cấp độ: ở địa phương hoặc trong nước hoặc ở cấp độ quốc tế. Các dịch vụ G2G là các giao dịch giữa chính phủ trung ương/quốc gia và các chính quyền địa phương, giữa các vụ và các công ty, cơ quan có liên quan. Đồng thời, các dịch vụ G2G là các giao dịch giữa các chính phủ và có thể được sử dụng như một công cụ của các mối quan hệ quốc tế và ngoại giao.

Ví dụ về các giao dịch G2G : Hợp tác quốc tế về đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia.

Bản chất xuyên quốc gia của Internet không chỉ cho thấy sự chuyển đổi của các hoạt động kinh doanh hợp pháp mà còn tạo ra cơ hội mới cho việc kinh doanh phi pháp. Trong những năm gần đây, việc hình thành tội phạm có tổ chức và tiến hành các hành động buôn bán phi pháp đã ngày càng trở nên tinh vi hơn do tính nặc danh được sử dụng trong Internet. Để chống lại khuynh hướng trên, 124 nhà lãnh đạo đứng đầu chính phủ đã tới Palemo, Ý vào tháng 12 năm 2000 để ký công ước quốc tế chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Để làm công ước trên trở nên có hiệu lực, Liên hợp quốc đã xây dựng “Chương trình quốc tế về đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia” (www. uncjin. org/CiCP/cicp.html) nhằm nâng cao việc chia sẻ thông tin và hợp tác quốc tế. Các mục tiêu chủ yếu của chương trình này bao gồm:

  • Đánh giá các băng nhóm tội phạm có tổ chức trên thế giới theo mức độ nguy hiểm và sự đe doạ mà chúng gây ra cho xã hội.
  • Cung cấp cho các chính phủ thành viên và cộng đồng quốc tế những thông tin tin cậy và phân tích về các băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mới xuất hiện.
  • Hỗ trợ và mở rộng các hoạt động hợp tác kỹ thuật của Trung tâm phòng chống tội phạm quốc tế trong việc xây dựng các chiến lược phòng chống tội phạm có tổ chức.
  • Hỗ trợ các nước có nhu cầu trong việc xây dựng các chính sách và hướng dẫn nhằm ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Mục tiêu ở đây là xây dựng một mạng lưới của các nhà cung cấp số liệu và các điểm nóng của các quốc gia trong lĩnh vực trên. (ví dụ các cơ quan hành pháp, chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm nghiên cứu và các tổ chức quốc tế có liên quan) nhằm tạo ra một cơ sở dữ liệu toàn cầu và xây dựng một trung tâm báo cáo của các nước thành viên.

4. Vai trò của Internet với việc phát triển CPĐT

Internet thực sự là một công cụ hùng mạnh trong việc cung cấp CPĐT. Tuy nhiên, Internet không phải là phương tiện duy nhất hay phù hợp nhất. Các nước đang phát triển đặc biệt cần quan tâm đến một số hạn chế-từ hạn chế về cơ sở hạ tầng đến hạn chế về mặt tài chính khi xem xét chiến lược phù hợp nhất trong việc áp dụng CPĐT. Các kênh cung cấp dịch vụ điện tử hiện có cần phải được đưa vào sử dụng để cung cấp truy cập rộng rãi nhất có thể cho người dân.

Theo giáo sư Richard Heeks, giám đốc học viện Phát triển chính sách và quản lý tại trường đại học Manchester, các nước đang phát triển với mục tiêu sử dụng ICT để quản lý và điều hành hiệu quả phải chọn lựa “những người trung gian thông minh” trong những giai đoạn đầu tiên của CPĐT. “Những người trung gian thông minh” là các mô hình của CPĐT bao gồm con người như những người trung gian giữa người dân và cơ sở hạ tầng thông tin nhằm cung cấp cho người dân các điểm truy cập rộng rãi nhất đối với các dịch vụ của chính phủ. Các dự án CPĐT thực sự sẽ sử dụng những người trung gian ngay từ đầu trong trường hợp các nước đang phát triển gặp phải hạn chế về cơ sở hạ tầng vật lý và thiếu các điểm để cộng đồng dân cư có thể truy cập đến các dịch vụ của chính phủ. Những người trung gian này có thể bao gồm các nhà chuyên môn (như các kế toán viên cho hệ thống thuế trực tuyến, các công chứng viên cho hệ thống đăng ký trực tuyến), công chức chính phủ (vd trung tâm cuộc gọi hoặc giao dịch một cửa của các văn phòng chính phủ), các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng (vd trung tâm đào tạo từ xa của cộng đồng) nhằm mục đích kết hợp các kênh ICT khác nhau để cung cấp CPĐT một cách hiệu quả.

Hoài Linh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh, số 158 - 02/2022

Bình luận: 0