TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 30/10/2024

Các tổ chức xã hội chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu

17:53 08/10/2020
Logo header Trong một số năm trở lại đây, ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông (gồm lãnh thổ của Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) do ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan nên lượng mưa thấp hơn những năm trước. Theo ghi nhận, nguồn nước trong mùa khô năm 2019 - 2020 về vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn nhiều so với những năm trước đó do nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt.

Chị Trương Hảo Mi – Chủ tịch JCI East Saigon cùng ông Nguyễn Tấn Phong – Phó Bí Thư Đảng Uỷ xã Thạnh Hải cắt băng bàn giao máy lọc nước RO.

Sự biến đổi khí hậu cộng với nhiều tác nhân khác nhau (xây đập thủy điện, ý thức con người,..) dẫn đến mực nước biển dâng cao, kèm theo đó, hiện tượng El Nino cũng khiến nguồn nước trở nên khan hiếm hơn ở thượng nguồn. Điều này dẫn đến nhiều khu vực ở hạ lưu sông Mê Kông điển hình như các tỉnh Miền Tây Nam Bộ nước ta rơi vào tình trạng hạn hán, khan hiếm nguồn nước ngọt. Cùng với đó, nước biển dâng khiến nhiều diện tích đất trồng bị nhiễm mặn nặng nề, ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động canh tác của nhân dân tại đây. Ngay trong đầu năm 2020, nhiều tỉnh thành trong cả nước như Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An… đều đồng thời công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn. Tình trạng này đang đặt ra nhưng yêu cầu cấp bách trong xử lý hạn hán, hạn mặn, thiếu nước trong thời gian tới cho các tỉnh Nam Bộ.

Việc xử lý tình huống bằng các biện pháp nhỏ lẻ và tự phát hiện nay sẽ làm nhiều tình thành tại đây có nguy cơ quay về con đường cũ của năm 2000 trở về trước, đó là mỗi khi gặp thiên tai thì lại lúng túng đi tìm nguồn kinh phí, tài trợ để khắc phục tạm thời các vấn đề gặp phải. Như vậy, việc giải quyết chỉ có thể xử lý phần ngọn mà không giải quyết được gốc. Đến khi gặp những tình huống  phức tạp hơn ví dụ: hạn mặn, nước biển dâng, thiếu nước sinh hoạt,.. điển hình như trong thời gian vừa qua thì đại bộ phận các địa phương này lại càng lúng túng trong việc đối phó. Thật vậy, để đối phó với các tình huống phức tạp này, thì ngoài các giải pháp đồng bộ về mặt kỹ thuật thì cũng đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn. Nhiều năm trước, các nguồn kinh phí chủ yếu đến từ ngân sách nhà nước, nhưng với chủ trương xã hội hóa của Nhà nước trong những năm gần đây đã thu hút được nhiều nguồn kinh phí khác từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu, dẫn tới các nguồn kinh phí đến từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội ngày càng gặp nhiều khó khăn. Để chủ động ứng phó với những diễn biến khắc nghiệt của thời tiết trong mùa khô 2020-2021 tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 36/CT-TTg ngày 11/9/2020 về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2020-2021 với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2015-2016, 2019-2020. Cần xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao và luôn đề cao phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Tấn Phong – Phó Bí Thư Đảng Uỷ xã Thạnh Hải, đại diện Hội Doanh nhân JCI vui mừng bên cạnh máy lọc nước RO

Xét thấy trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của thiên nhiên cũng như nhiều nguyên nhân khách quan dẫn tới tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt của nhân dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Bên cạnh đó, trên tinh thần mong muốn đóng góp vào công tác thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh của Đảng và Nhà nước, nhiều tổ chức xã hội vẫn nỗ lực vượt khó để tham gia vào công tác này. Mới đây, Tổ chức JCI (Junior Chamber International) cùng nhiều nhà mạnh thường quân trong và ngoài nước đã tổ chức lễ bàn giao hệ thống máy lọc nước sạch bằng công nghệ RO công suất 500 lít/giờ cho Uỷ ban nhân dân (UBND) xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre vào ngày 24/9/2020. Trước đó, máy lọc nước RO đã được tổ chức tiến hành thi công lắp đặt vào ngày 17/9/2020 với công suất 500 lít nước/giờ. Nước lọc đạt chuẩn tinh khiết theo tiêu chuẩn của Bộ Y Tế, cung cấp cho mỗi hộ gia đình từ 50 đến 60 lít/ngày giải quyết nhu cầu nước sạch thiết yếu của người dân. Ngoài ra, trong buổi lễ, các hộ dân còn được các chuyên gia chia sẻ về phương pháp tưới tiêu tiết kiệm và hiệu quả trong kỳ hạn mặn kéo dài như hiện nay, giúp đạt hiệu quả năng suất cao. Là đối tác chính thức của Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Năm 2003, JCI cam kết thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, một nhóm các mục tiêu hỗ trợ nghèo đói, bệnh tật, mù chữ, suy thoái môi trường và phân biệt đối xử với phụ nữ…. Thành viên JCI tổ chức hàng ngàn dự án mỗi năm cam kết thúc đẩy các mục tiêu và sử dụng MDGs (sau này đổi thành SDGs). Tại Việt Nam, JCI là câu lạc bộ trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh (YBA) được thành lập vào ngày 26/4/2008. Hiện nay, JCI Việt Nam có 08 Chapter đang hoạt động: JCI South Saigon, JCI East Saigon, JCI Hanoi, JCI Khánh Hòa, JCI Đà Nẵng, JCI Đà Lạt, JCI Hải Phòng... Các thành viên JCI đã và đang thực hiện trách nhiệm xã hội của mình cùng với việc hoàn thiện bản thân thông qua những việc làm đó. Họ đang hết mình cố gắng trở thành những người lãnh đạo giỏi hơn nhằm xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người. Với định hướng là trở thành mạng lưới toàn cầu dẫn đầu dành cho những công dân trẻ năng động, sáng tạo, thành công và muốn đóng góp để phát triển cộng đồng. JCI đang nỗ lực hết mình thực hiện nhiều chương trình, dự án góp phần không nhỏ giúp sức cho nhân dân thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, với Dự án giải quyết hạn mặn Miền Tây 2020 - Save Miền Tây không chỉ tiếp tục tặng máy lọc nước RO cho các địa phương mà còn sẽ tiếp tục được JCI triển khai nhiều việc như trồng cây xử lý ngăn mặn xâm nhập đất liền, xây dựng hồ trữ nước kết hợp xử lý nước, nạo vét kênh rạch...nhằm mục đích đưa ra những biện pháp giải quyết tận gốc những nguyên nhân dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn… Với những chiến lược cụ thể, JCI sẽ tiếp tục kết hợp với chính quyền địa phương để đánh giá và lên danh sách những kênh rạch thiết yếu, điểm xây dựng hồ trữ nước thuận lợi cho dân khu vực  cụ thể của từng địa phương. Đồng thời sẽ cùng với các chuyên gia môi trường, địa chất, kỹ thuật nông nghiệp lên kế hoạch khoanh vùng cụ thể cho từng nơi để giúp nông dân từng địa phương có kế hoạch sử dụng nước hợp lý kết hợp chuyển đổi vật nuôi, cây trồng phù hợp làm đảm bảo an ninh lương thực cho mỗi vùng trước diễn biến khó lường của khí hậu. 

Cuộc sống không đơn giản chỉ là làm tốt một công việc. Cuộc sống còn là biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương và đoàn kết với  nhau. Niềm tin sẽ mang đến mục tiêu và ý nghĩa cho cuộc sống của mỗi người, tình yêu thương sẽ đẩy lùi mọi rào cản về ranh giới. Một nền kinh tế phồn thịnh sẽ đem lại cho con người sự tự do theo đuổi những ước mơ. Luật pháp công bằng với tất cả và không quan tâm đến vị thế của bất cứ ai. Tài sản lớn nhất của trái đất này nằm ở ngay trong chính mỗi con người và vì con người là hành động cao quý hơn cả trong cuộc sống. Tuy nhiên với quy luật của thiên nhiên cùng với việc biến đổi khí hậu ở nước ta, chúng ta không chỉ có những hoạt động nhằm ứng phó mà nên tìm ra giải pháp sao cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Khi đó nhân dân mới có thể chủ động trong việc phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống.

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 31 - 20

Bình luận: 0